Khuê Phạm và Vanessa Vu
Trương Hồng Quang chuyển ngữ (Theo Zeit.de)
Người cha, một nông dân ở độ tuổi năm mươi với dáng người gầy gò và nước da sạm nắng, tóc đã hoa râm, ngồi co mình bên bàn ăn. Bây giờ là cuối tháng giêng, tiết trời khô ráo và dễ chịu. Ánh nắng lọt qua cửa sổ có chấn song, từ ngoài sân vọng vào tiếng gà gáy và tiếng một con bò kêu. Người cha dùng ống tay áo gạt nước mũi và tiếp tục rít thuốc. Không biết ông đã đốt hết bao nhiêu điếu thuốc như vậy từ khi chiếc bàn thờ lớn màu trắng được lập trong phòng khách, trên đó là tấm ảnh của một cô gái 19 tuổi tươi cười trong chiếc áo cánh trắng, cổ quàng một chiếc khăn màu đỏ viền vàng. Tên cô là Mai, cô là con gái của ông.
Một người quen bước vào nhà, thắp một nén hương trên bàn thờ và thì thầm cầu nguyện. “Anh đấy à!”, người cha chào và rót một tách trà xanh. Vị khách ngồi xuống và nói những gì mà mọi người đều nói trong những ngày này:
“Xin chia buồn.”
“Mai là một đứa con gái thật hiếu thảo, thương cho cháu quá.”
“Mong anh và gia đình sớm vượt qua nỗi đau này.”
“Cầu Chúa phù hộ cho gia đình anh.”
Người cha gật đầu, sau đó vị khách đội mũ bảo hiểm rồi lên xe máy nhấn ga phóng đi.
Vợ chồng ông canh tác hai thửa ruộng lúa, họ còn nuôi ba con bò và một đàn gà hơn chục con. Người mẹ nấu rượu, người cha trước đây đi làm thêm trên các công trường xây dựng, có lúc ông khoan giếng, bốc vác xi măng. Từ khi con gái chết ông không còn nhận công việc vào nữa. Vợ ông một mình chăm sóc ruộng vườn và đàn gia súc.
Người cha chỉ còn đủ sức để tiếp khách đến chia buồn. Ngay cả việc ăn uống cũng trở nên khó nhọc với ông.
Mai và Lan, người em gái sinh đôi, có cùng một giấc mơ: họ muốn rời khỏi Việt Nam, đi sang Phương Tây, Mỹ hoặc Châu Âu. Hai cô gái có mũi tròn, vầng trán cao giống nhau và cùng sở thích mặc áo sơ mi flannel và quần jean. Hai chị em gái suốt đời ngủ chung giường, cùng nhuộm tóc vàng, tô môi đỏ như những ngôi sao nhạc pop từ Hàn Quốc. Hai cô gái cùng chung niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người cha nói rằng ông có thể hiểu con gái mình. Ở đây, ở vùng nông thôn miền Trung Việt Nam, tất cả những người trẻ tuổi đều muốn ra đi. Ở các thành phố lớn họ bị nhạo báng là những kẻ nhà quê lạc hậu với một thứ phương ngữ kỳ cục, vậy là họ tìm đường ra nước ngoài. Các con của anh trai ông hiện đang sống ở Mỹ, đến lượt con của các cháu ông sống ở Hàn Quốc, bạn cùng lớp của hai con gái ông sống ở Nhật Bản, Đức và Anh.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mai và Lan nộp đơn vào hai trường đại học Mỹ, nhưng bị từ chối. Sau đó, một người anh em họ đã giới thiệu cho hai chị em một người đàn ông từ làng lân cận, hiện đang sống ở nước ngoài. Một thành viên của đường dây đưa người.
Người cha lo lắng. Ông từng nghe thấy việc đi Phương Tây bằng con đường bất hợp pháp nguy hiểm như thế nào, đặc biệt là đối với phụ nữ. Vào buổi tối trước ngày khởi hành, ông gọi hai con cô gái sang một bên để nói chuyện.
“Bố không thể để cho các con đi”, ông nói, “bố không cho phép các con đâu.”
Hai chị em phản đối. “Nếu không đi được bây giờ thì có lẽ chúng con không bao giờ còn cơ hội để đi nữa.”
Người cha đã nhượng bộ. Ngày hôm nay, khi nhắc lại cuộc trò chuyện này, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt ông, và ông lại phải tìm một điếu thuốc.
Chuyến hành trình của Mai và Lan đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn đã kết thúc với một bản tin chấn động toàn thế giới: Vào ngày 23 tháng 10 năm 2019, cảnh sát Anh đã tìm thấy 39 người chết trong một container xe tải ở hạt Essex phía đông London. Mai là một trong số người chết.
Hồ sơ tòa án cho biết một tài xế xe tải người Bắc Ailen trước đó đã vận chuyển chiếc container qua Pháp và Bỉ, trước khi tại cảng Zeebrugge nó được ngụy trang thành một lô hàng bánh quy và bốc lên một trong những chuyến phà đi sang Anh. Sau khi đến cảng Purfleet ở Essex, một tài xế thứ hai, cũng là người Bắc Ailen, đã nhận container lúc 1:08 h sáng của ngày tháng 10 đó. Một lát sau, anh ta rẽ vào một khu công nghiệp, dừng xe và mở cánh cửa container.
Những người trong container xe tải đã chết do thiếu ôxy và nhiệt độ quá cao. © Illustration: Adams Teixeira de Carvalho cho DIE ZEIT
Theo tờ nhật báo Evening Standard ở London, người lái xe đã bất tỉnh khi nhìn thấy các thi thể. Những vết tay đẫm máu còn dính trên thành phía trong của container. Lúc 1.08 h sáng, tài xế gọi cho số điện thoại cấp cứu.
Theo biên bản xét nghiệm tử thi, các nạn nhân đã chết vì thiếu ô xy và nhiệt độ quá nóng, có lẽ trong thời gian chuyến đi kéo dài 9 tiếng trên biển qua Anh. Chức năng làm mát của container đã bị tắt.
Hai tài xế xe tải và ba đồng phạm đang bị bắt giữ, phiên tòa xét xử họ ở Anh dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa thu. Tại Việt Nam có tám nghi phạm khác bị truy tố. Ở cả hai quốc gia các cuộc điều tra về mạng lưới buôn người vẫn chưa kết thúc. Nhưng dường như từ bây giờ đã chắc chắn rằng các nhà điều tra đã không bắt được những người cầm đầu, và chỉ những kẻ tay sai sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.
Thông tin về các nạn nhân bị tử vong trên đường đến Châu Âu chủ yếu xoay quanh người Châu Phi hoặc người tị nạn nội chiến từ Trung Đông bị chết đuối ở Địa Trung Hải. Bi kịch Essex thì khác.
39 người chết đều đến từ Việt Nam, một đất nước mà nền hòa bình đã được tái lập từ nhiều thập kỷ nay, một xứ sở du lịch được ưa chuộng và một quốc gia ngày càng trở nên thịnh vượng.
Mặc dù vậy hai chị em sinh đôi Mai và Lan vẫn dấn thân vào cuộc hành trình nguy hiểm này. Họ kỳ vọng điều gì ở Anh? Và liệu vụ tai nạn container ở Essex chỉ là một trường hợp ngoại lệ thảm khốc, hay có khả năng cao hơn là những nạn nhân bị tử vong là một phần của một trào lưu di cư nguy hiểm tính mạng, mà cho đến nay vẫn mới chỉ ít được biết đến?
Hồ sơ tư liệu này đã hình thành qua nhiều tháng. Hai nữ phóng viên của báo ZEIT đã có mặt ở Việt Nam, Anh và Tây Ban Nha, có lúc đã rất lâu trước khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào các nước này. Giống như đối với nhiều thứ khác, virus đã khiến cho dòng di cư bất hợp pháp bị chững lại. Chỉ trong những tuần lễ tới người ta mới có thể biết điều gì mạnh mẽ hơn: đại dịch – hoặc là nỗ lực của hàng triệu người nhằm rời bỏ quê hương của mình.
Tây Ban Nha
Cách nhà của bố mẹ cô khoảng 9900 cây số, Lan ngồi trong một tiệm làm móng ở một thành phố Tây Ban Nha, cách Địa Trung Hải không xa. Lan thực ra có một cái tên khác, cũng như người chị gái sinh đôi đã chết của cô. Để bảo vệ danh tính của Lan và người chủ việc của cô, tên thật của họ không được nêu ra ở đây. Lan mặc quần jean và áo thun trùm đầu màu đen, cô đang giũa móng tay của khách hàng và đeo một khẩu trang vải kẻ ca rô xanh trắng. Tất cả nhân viên ở đây đều đeo những những khẩu trang như vậy để tự bảo vệ trước các luồng hơi và bụi móng. Mùa đông vừa kết thúc, virus corona vẫn còn ở rất xa.
Lan lặng lẽ cúi xuống bàn tay trái của khách hàng, một phụ nữ Tây Ban Nha trẻ tuổi với mái tóc nâu sẫm và xỏ khuyên má đang xoè những ngón tay trước mặt cô như một chiếc quạt đang mở. Ở tít phía sau, ngay bên cạnh ghế massage với bồn ngâm chân, là bàn làm việc của Lan. Trên đó có một chiếc quạt bàn, một chiếc đèn kẹp vào mép bàn và một chiếc máy mài nhỏ treo lủng lẳng. Trên tường là một tấm áp phích có hình một người phụ nữ ngực trần với hai cánh tay khoanh trước ngực. Cạnh đó là dòng chữ “Beauty Nails”.
“Một đầu tư đáng giá”
Vậy là Lan đang ở Tây Ban Nha. Thực ra cô đang bị kẹt lại ở đây. Long – chúng ta gọi tên anh ta như vậy – một người Việt từ đường dây đưa người tổ chức chuyến đi của hai chị em gái vào mùa hè năm ngoái, đã vẽ nên cho họ một viễn cảnh thật đẹp đẽ về nước Anh. Long kể chính mình cũng sống ở đó, về sau này mới rõ thực ra anh ta sống ở Đức.
Mai và Lan không biết gì nhiều về nước Anh. Họ không có những hình dung về cuộc sống và công việc cụ thể ở đó. Nhưng họ tưởng tượng rằng có một ngày mình sẽ được nhận giấy phép cư trú ở Anh, và sẽ kiếm được thật nhiều tiền. Rồi sau đó họ sẽ trở về Việt Nam, sẽ lấy chồng và sinh con, kế hoạch cuộc đời của họ là như vậy.
Long, người của đường dây, nói rằng hành trình mà anh ta sắp xếp cho hai cô gái cũng thoải mái gần như một chuyến đi nghỉ mát vậy. Chỉ riêng cho chặng cuối cùng, từ Pháp đến Anh, là họ phải đưa ra một sự lựa chọn: Liệu họ muốn ngồi cùng trong cabin của tài xế xe tải, đi trong một chiếc xe chở ngựa, hoặc trong một container?
Người cha đã chọn đi cabin, phương án an toàn nhất và đắt nhất. Giá cho mỗi đầu người là 1,1 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với gần 88.000 Euro cho cả hai cô gái. Để có được số tiền này, người cha phải đem thế chấp mảnh đất của mình và của các anh chị em ruột.
Đó là một khoản đầu tư đáng giá, Long hứa hẹn như vậy. Anh ta sẽ lo hết mọi thứ, kể cả hộ chiếu giả. Và ở Anh, anh ta nói, một trong những người đầu mối của anh sẽ đón các cô gái và kiếm việc làm cho họ. Những việc làm sẽ khiến cho họ được đổi đời.
Trong tiệm làm móng, Lan đứng dậy khỏi ghế và ra hiệu cho khách hàng đi theo cô. Hai người ngồi xuống chiếc bàn cạnh lối vào. Khách hàng xoè ngón tay ra một lần nữa, Lan đi đến một cái kệ treo tường, trên đó đó những lọ sơn móng tay nhỏ, đầy màu sắc được xếp thành hàng cạnh nhau, và rút ra một lọ sơn trắng và một lọ sơn trong suốt. Người phụ nữ Tây Ban Nha muốn làm móng tay kiểu Pháp: móng tay màu trong suốt, đầu móng màu trắng.
Tiệm nail nơi Lan làm việc là một trong hàng ngàn cơ sở tương tự như vậy ở Châu Âu. Nó nằm trong một trung tâm mua sắm với cửa ra vào bằng kính và sàn nhà làm bằng đá giả theo phong cách cẩm thạch. Ở tầng trệt những người trẻ tuổi chen chúc nhau trong cửa hàng H&M, trong khi các gia đình ăn pizza trên tầng ẩm thực. Ở tiệm “Beauty Nails”, làm móng tay kèm theo làm móng chân mà không cần đánh bóng có giá 32 Euro. Những người chồng hay bạn trai của khách hàng ngồi đợi trên dãy ghế cạnh cửa và chơi với máy điện thoại di động của họ.
Những gì không thể nhìn được từ bên ngoài, đó là cả một thế giới riêng biệt, bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh được duy trì: dòng di dân không ngừng nghỉ của những người nhập cư bất hợp pháp. Ở nhiều nước Phương Tây, các tiệm nail nằm chắc trong tay người Việt. Lý do là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Vào những năm 1970, nữ diễn viên Hollywood Tippi Hedren đã đến thăm một trại tị nạn của người Việt Nam ở California. Để giúp đỡ cho mọi người bắt đầu một cuộc sống mới, bà đã tổ chức các khóa học chăm sóc móng, và thậm chí còn cho cả thợ làm móng của riêng mình bay đến tận nơi. Vậy là có những người Việt bắt đầu với việc sơn giũa móng tay để kiếm tiền. Họ đã thành công đến mức nhiều người đồng hương của họ cũng bắt chước theo, đầu tiên ở Hoa Kỳ, và sau đó là ở Châu Âu. Cho đến ngày nay mạng lưới kinh doanh này ngày càng mở rộng. Lực lượng lao động cần thiết đến từ quê hương cũ.
Chỉ có hai trong số năm người Việt làm việc ngày hôm đó trong tiệm nail có giấy tờ cư trú hợp lệ: ông chủ và người nhân viên lớn tuổi nhất của ông, cả hai đều sống từ nhiều năm ở Tây Ban Nha. Ba người còn lại – một chàng trai trẻ ở độ tuổi đầu 20, một phụ nữ bằng tuổi và Lan – đều không có giấy tờ.
Những nẻo đường quanh co mà hai chị em đã vượt qua để đến Châu Âu không dễ phục dựng. Lan chỉ còn nhớ một cách mơ hồ về nhiều người và địa điểm đã đi qua, một số chi tiết về những kẻ đưa người và phương pháp làm việc của họ khó mà có thể xác minh. Các phóng viên của báo ZEIT đã tìm cách đối chiếu lời kể của người phụ nữ trẻ với các con dấu đóng trong hộ chiếu, ảnh và các dòng trạng thái trên mạng truyền thông xã hội. Họ đã so sánh các chia sẻ của Lan với lời kể của các gia đình nạn nhân khác, và trao đổi về những nội dung này với các nhà nghiên cứu di cư. Theo đó, những chia sẻ của Lan là đáng tin cậy.
Chặng đầu tiên: Malaysia
Hành trình của hai chị em bắt đầu vào cuối tháng 8 năm ngoái, tại sân bay ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, cách làng quê của họ 300 cây số. Người mẹ ở lại nhà. Long, người của đường dây, đã đe nẹt hai chị em qua điện thoại rằng lúc chia tay họ không được phép ôm bố mẹ quá chặt, hay thậm chí khóc lóc. Điều đó có thể thu hút sự chú ý của cảnh sát. Chỉ có bố đi cùng hai chị em ra sân bay.
Mai và Lan mang theo hai chiếc vali nhỏ có bánh xe, một màu nâu và một màu trắng, trong đó có áo phông, áo sơ mi và một ít bộ đồ ấm. Ngoài ra mỗi người mang theo 500 Dollar và 700 Euro tiền mặt. Hai chị em đóng vai là khách du lịch đi chung với bạn trai của mình. Tại sảnh chờ sân bay, họ gặp hai người đàn ông Việt trẻ tuổi cũng cùng mục đích đến Phương Tây. Họ sẽ bay cùng chuyến sang Malaysia. Người bố thấy hai người thanh niên trông có vẻ đàng hoàng, họ cũng là người Công giáo, điều này khiến ông có phần an tâm hơn.
Hai chị em rời Việt Nam với tâm trạng khấp khởi như đang bắt đầu một chuyến phiêu lưu lớn.
Tại sân bay Kuala Lumpur, một người đàn bà Trung Quốc ra đón và chở họ về một khách sạn ở vùng ngoại ô. Mai và Lan đi ăn và khám phá đường phố, họ cảm thấy như mình đang trong một kỳ nghỉ mát vậy. Sau đó người đàn bà Trung Quốc quay trở lại với những tấm hộ chiếu màu đỏ. Bà ta bảo kể từ bây giờ họ phải giả bộ mình là người Trung Quốc.
Mai và Lan học một vài câu tiếng Trung từ người đàn bà và phải nhớ tên giả và nơi sinh giả đề trong hộ chiếu. Lúc bấy giờ Mai được gọi là “Lili”, còn Lan thì đã quên khuấy cái tên tiếng Trung của mình. “Nó quá dài”, cô nói như vậy.
Ngày hôm sau Lan phải tiếp tục cuộc hành trình mà không có người chị em sinh đôi. Những kẻ của đường dây đưa người nói rằng ngày sinh giống hệt nhau của hai cô gái sẽ gây quá nhiều sự chú ý.
Cùng với người đàn bà Trung Quốc và ba hoặc bốn người Việt khác, Lan bay tới Baku, thủ đô của Azerbaijan. Ở đó họ lên máy bay tới Istanbul. Lan xuất trình hộ chiếu Trung Quốc khi đến nơi. Hai ngày sau Mai cũng tới Istanbul, cùng với một nhóm khác.
Tây Ban Nha
Trong tiệm làm móng “Beauty Nails”, tiếng rít của máy mài trộn lẫn với tiếng bánh xe đẩy hàng vọng vào từ phía trung tâm mua sắm. Thỉnh thoảng có một khách hàng bước vào, sau đó ông chủ quát to các mệnh lệnh bằng tiếng Việt và xếp chỗ cho khách hàng tại một trong những chiếc bàn còn trống.
Những người quen Việt Nam của những người quen của cô từ trong nước đã giới thiệu cho Lan công việc trong tiệm nail. Giờ đây cô ngồi ở đây sáu ngày mỗi tuần, từ mười giờ sáng đến chín giờ rưỡi tối. Cô chỉ có thời gian rỗi vào chủ nhật. Chẳng có gì khác biệt đối với cô, cho dù ở ngoài kia mùa đông đang làm mọi thứ chìm trong băng giá, hay mặt trời đang sưởi ấm những ngôi nhà đầy màu sắc của thành phố, như vào hôm nay, vào ngày thứ bảy mùa xuân này. Tất cả những gì Lan nhìn thấy là những móng tay gãy, những móng tay vỡ vụn, những móng tay bị rách, những móng tay bị bong sơn, và những móng tay trần đang chờ cô giũa và vẽ lên đó.
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều”
Lan ước tính rằng cô phục vụ hai mươi khách hàng mỗi ngày. Vậy là ít so với những người khác. Cô làm việc ở đây đã từ hơn hai tháng nay. Cô chưa được nhận tiền lương. “Thì cũng giống như việc học nghề vậy”, cô giải thích sau đó, khi đã hết giờ làm việc và có thể nói chuyện thoải mái. “Ngoài ra họ còn lo việc ăn ở cho em.”
Lan sống với tám người Việt khác trong căn hộ bốn phòng trên tầng năm của một khu chung cư, trong đó có bảy người đàn ông và một người phụ nữ ở cùng phòng và ngủ cùng giường với cô. Căn hộ thuộc về ông chủ, mọi người ở đây làm việc tại một trong hai tiệm nail của ông ta. Vào buổi tối muộn, sau khi hoàn thành công việc, họ cùng nhau nấu ăn.
Khi Lan nói, cô nói những câu ngắn, vừa nói vừa lần theo các ý nghĩ, và cô thường nhìn đi chỗ khác vì bẽn lẽn. Cô không biết quãng thời gian được gọi là học nghề của cô kéo dài bao lâu, cô chưa dám hỏi về điều này.
Cô ấy không sơn móng tay cho mình. Nó không tiện cho công việc của cô, và cô không thấy những móng tay sơn màu mè là đẹp. Trong những tuần đầu tiên da tay cô bị nổi mẩn đỏ và bị lên vảy. Giữa chừng thì cô rửa tay sau mỗi khách hàng và dùng kem thoa. Dần dần, cô nói, mọi thứ đã trở nên ổn thỏa hơn.
Cửa ngõ sang Phương Tây: Thổ Nhĩ Kỳ
Ở Istanbul hai chị em sống trong một khách sạn cũ. Ngoài phòng dành cho khách trọ bình thường, còn có các căn phòng bí mật nằm dưới tầng hầm và dưới mái nhà, Lan kể lại. Có khoảng 30 người Việt và 20 người Hoa sống trong ngôi nhà, tất cả đều là người di cư đang quá cảnh. Họ gom tiền để đi mua sắm, nấu ăn cùng nhau trong một căn bếp dưới mái nhà. Sau hơn một tuần, họ tìm cách vượt biên lần đầu tiên. Những kẻ đưa người thả họ trong một khu rừng, nơi sau đó họ đã bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Họ bị chở đến đồn và bị giữ trong khoảng bốn giờ. Người Thổ Nhĩ Kỳ khá thân thiện, Lan nhớ lại. “Thậm chí chúng tôi còn dạy cho họ một ít từ tiếng Việt.”
Trở lại thành phố, Lan và những người khác đợi thêm vài ngày, rồi họ lại tìm cách tiếp tục đi tiếp.
Xe ô tô là một chiếc Minivan, được thiết kế cho bảy người. Các ghế ngồi đã được gỡ bỏ. Vào tối hôm đó có 27 hành khách là người Việt, Trung Quốc, Iraq và Iran chen chúc nhau trên xe. Mai và Lan phải để lại vali trong khách sạn, họ chỉ được phép mang theo một ít thức ăn và quần áo gói trong túi nhựa. Sau khoảng ba tiếng họ lại đến khu rừng và chờ đợi. Lúc gần hai giờ sáng, hai người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đến chỗ họ với hai chiếc thuyền cao su đã gập lại. Cả nhóm đi bộ khoảng bốn tiếng, cho đến khi tới một con sông chỉ rộng vài mét.
Những người Thổ Nhĩ Kỳ bơm phồng hai chiếc thuyền rồi đưa Lan và những người khác sang phía bờ bên kia, tất cả chỉ mất vài phút. Bây giờ họ đã đặt chân đến Hy Lạp.
Việt Nam
Tỉnh Nghệ An, quê hương của hai chị em ở Việt Nam, chẳng phải là một vùng quá giàu hay quá nghèo. Cuộc sống của Mai và Lan ở đó diễn ra vỏn vẹn trong phạm vi vài cây số vuông. Kia là ngôi nhà của cha mẹ với hai tầng có mái đỏ. Ngay gần đó là nhà thờ Công giáo, nơi gia đình cô, gồm bố mẹ, cặp chị em sinh đôi và hai đứa em nhỏ thường xuyên đến cầu nguyện. Và xung quanh làng là các cánh đồng lúa.
Thỉnh thoảng người cha chở Mai và Lan ra bãi biển, đi xe máy tới đó chỉ mất 15 phút. Cũng có lúc hai chị em tự phóng xe rong ruổi trên đường trong một hoặc hai tiếng.
Trong những lần đi dạo chơi như vậy hai chị em nhận thấy vùng quê của mình đã thay da đổi thịt như thế nào. Ở nhiều làng ngày nay hầu như chẳng còn những ngôi nhà nông thôn với màu tối truyền thống và các bức tường phủ rêu phong. Vào những năm gần đây hầu hết các gia đình đều xây nhà tầng với các bức tường sơn màu sáng, vàng chanh hoặc xanh da trời. Giữa những rặng chuối và hàng rào kim loại cao đến đầu người giờ đây người ta có thể thấy những đầu hồi nhà được trang trí hoa văn, cột kiểu Hy Lạp và cửa chớp bằng gỗ. Nhà nào khá giả hơn còn lắp thêm cả máy điều hòa nhiệt độ.
Sự thịnh vượng đến từ những người thân từ nước ngoài, ai ai đều biết điều này, cả Mai và Lan cũng biết. Thậm chí còn có hẳn một khái niệm riêng để chỉ những người đang sống đâu đó ở Phương Tây: Việt Kiều, người Việt ở hải ngoại.
Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia di cư. Sau khi miền Bắc cộng sản giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giữa những năm 1970 và nắm chính quyền ở miền Nam, có hàng trăm ngàn thuyền nhân đã trốn khỏi đất nước và chủ yếu được Mỹ và Pháp tiếp nhận. Sau này người Việt trở thành công nhân hiệp định sang làm việc chính thức tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Liên Xô, CHDC Đức, Bulgaria và Tiệp Khắc. Lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu là thanh niên và đến từ các vùng nông thôn như Mai và Lan, bắt đầu có trong những năm gần đây.
Ngày nay hầu hết mọi gia đình Việt Nam đều có người thân sống ở nước ngoài và gửi tiền thường xuyên về nhà. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái có 16,7 tỷ đô la kiều hối đã được chuyển về Việt Nam, lớn gấp nhiều lần so với viện trợ phát triển chính thức.
Nếu như người mẹ phải đi bệnh viện, người con trai đi học đại học hay người ông không thể đi làm được nữa, nhiều gia đình Việt Nam sẽ phải trông chờ vào các khoản tiền được chuyển về từ nước ngoài. Những người đi kiếm tiền cách xa quê hương hàng ngàn cây số mỉm cười nhìn xuống từ trên các bức tường của vô số phòng khách ở khắp mọi miền đất nước. Những bức ảnh của những người di cư kiêu hãnh treo ở đó, chụp cảnh họ trước các danh lam thắng cảnh của Phương Tây – Tháp đồng hồ ở Luân Đôn, Tháp Eiffel ở Paris, Cổng thành Brandenburg ở Berlin.
Lượng kiều hối được những người di cư chuyển về nước của mình trong năm 2019
Kiều hối
Trên toàn thế giới có khoảng 266 triệu người di cư hoặc tị nạn. Nhiều người trong đó thường xuyên gửi những khoản tiền nhỏ về quê nhà để hỗ trợ người thân hoặc xây dựng địa phương. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, các khoản chuyển tiền tư nhân này, còn được gọi là “kiều hối”, hiện có tổng giá trị 636 tỷ đô la Mỹ hàng năm – cao hơn nhiều lần so với viện trợ phát triển chính thức. Ở nhiều nước nghèo, kiều hối chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội, tại Việt Nam đó là 16,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 6,5% GDP (năm 2019). Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Dilip Ratha gọi đó là một “thế lực ẩn giấu trong nền kinh tế toàn cầu“.
Vào đêm tháng 10 hôm đó tại hạt Essex ở nước Anh có 31 người đàn ông và 8 phụ nữ từ nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam đã chết trong thùng container kim loại màu trắng. Ở Việt Nam các nữ phóng viên của tờ ZEIT đã có dịp nói chuyện với 38 trong số 39 gia đình các nạn nhân.
Chẳng hạn với thân nhân của Phạm Thị Trà My, một cô gái 26 tuổi. Trong những phút cuối đời cô đã nhắn tin cho bố mẹ, nhưng phải đến lúc cánh cửa container mở ra, và khi tất cả những người trong đó đã chết từ lâu, thì điện thoại di động của My mới lại được kết nối với mạng điện thoại di động và những tin nhắn này mới được chuyển đi: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi (…) Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi. Con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được (…) Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, mẹ ơi.”
Trong container cũng có xác của Đặng Hữu Tuyên, 22 tuổi. Trước đó cha mẹ Tuyên đã cho anh sang Lào để kiếm sống ở đó, nhưng tiền thu nhập trên các công trường xây dựng ở Lào quá rẻ mạt. Vậy là Tuyên lên đường đi Châu Âu. Thậm chí ngày nay, sau cái chết của người con trai, cha của Tuyên vẫn nói đi ra nước ngoài là điều tốt nhất cho một chàng trai trẻ.
Và Trần Hải Lộc, 35 tuổi cùng vợ, Nguyễn Thị Vân, 35 tuổi, cũng đã chết trong container. Khác với hầu hết các cặp vợ chồng khác, họ quyết định cùng nhau ra nước ngoài để kiếm nhiều tiền hơn và sớm hồi hương về Việt Nam hơn để gặp lại hai con. Trong nhà của bố mẹ họ giờ đây có một bàn thờ với ảnh của cặp vợ chồng. Hai đứa trẻ, hai và bốn tuổi, thỉnh thoảng ngơ ngác nhìn lên các tấm ảnh thờ.
Chặng đầu tiên ở Phương Tây: Hy Lạp
Lan kể rằng phía bên kia biên giới, trên đất Hy Lạp, cô nhìn thấy những lùm cây với những bông sợi trắng xóa. Đó là cả một rừng bông. Họ đi đến một khoảng đất trống, trông giống như ai đó vừa cắm trại ở đây. Những người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đường dây đưa người trải một tấm chăn để họ có thể ngồi xuống.
Cả nhóm phải đợi ở đây cho đến tối, càng im lặng càng tốt, vì trong rừng có cảnh sát đi tuần, những kẻ đưa người nói vậy. Lan nhớ rằng hai chị em bị rét cóng. Mai đã để lại quần áo ấm trong khách sạn và bây giờ đang run rẩy. Họ thay phiên nhau mặc chiếc áo khoác của Lan và ôm nhau để sưởi ấm. Lúc khoảng bảy giờ tối họ lại lên đường, đến tận nửa đêm mới dừng chân. Những kẻ đưa người phân phát túi thức ăn và đồ uống, sau đó mọi người nằm xuống đất và ngủ.
Sau khi họ thức dậy có một chiếc xe tải đã được cải biến đến đón. Lan kể từ bên ngoài chiếc xe trông giống như một chiếc xe tải bình thường: phía trước là buồng lái, phía sau là một thùng container lớn. Tuy nhiên thực ra có một khoang rỗng giấu kín ở bên trong, có lối vào từ phía dưới, ngăn cách bởi một sàn trượt bằng kim loại tấm. “Chúng tôi phải bò dưới gầm xe, sau đó mới có thể chui lên thùng xe”, Lan nói.
“Cái giá phải trả để đến đây là quá đắt”
Khoảng bốn tiếng sau, trên một con đường làng, họ phải rời khỏi chiếc xe tải. Từ đây, những người dẫn đường cho biết, còn mười cây số cho đến ga xe lửa. Cả đoàn bắt đầu cuốc bộ. Nhóm người Việt, Lan kể, khi dừng chân ở một quán ăn nhanh dọc đường đã nhờ ai đó gọi taxi. Còn nhóm người Trung Quốc thì đi bộ suốt cả tuyến đường, lúc đến nơi họ hoàn toàn bị kiệt sức. “Người Việt Nam chúng tôi”, Lan nói, “rất khôn ngoan.”
Họ bắt tàu hỏa đến Athen và tách nhau ở đó. Cặp chị em sinh đôi và hai chàng trai trẻ người Việt trước đó cùng bay tới Malaysia vẫn đi tiếp cùng nhau. Một đồng phạm của đường dây đưa người đón họ tại ga tàu hỏa ở Athen và đưa họ đến căn hộ của anh ta. Tại đây, họ đã phải chờ hai hoặc ba tuần để nhận hộ chiếu giả mới, lần này là hộ chiếu Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đối với Mai và Lan đó là một quãng thời gian thật đẹp. Trên trang Facebook của cô, Mai đăng một bức ảnh chụp hai chị em trước Viện Hàn lâm Athen. Ánh mặt trời hoàng hôn chiếu vào những cây cột trắng của tòa nhà, hai cô gái ôm nhau cười. Họ mặc áo phông và quần jean, cả hai đều có một chiếc túi quấn quanh vai. “Đó là cuộc sống”, Mai viết, chua thêm một biểu tượng nụ cười.
Tây Ban Nha
Hôm nay là chủ nhật, Lan được một ngày nghỉ. Cô muốn ra bãi biển, lần đầu tiên. Lan đã sống ở thành phố này được vài tháng nay, nhưng trước sau đó vẫn là cuộc sống của một kẻ xa lạ. Ngôn ngữ, thức ăn, đường phố và các tòa nhà – chẳng có gì là thân thuộc đối với cô.
Trong khu phố cổ, cô lên một chiếc xe buýt điện màu xanh lá cây và trắng, vào cái ngày xuân với tiết trời như mùa hạ này nó chật ních người đến nỗi khó khăn lắm cô mới tìm được chỗ. Xe buýt băng qua một vùng ngoại ô với những con đường rộng rãi và những hàng cây cọ dày. Mặc dù ánh mặt trời đang rực rỡ và nhiệt độ ngoài trời 20 độ, Lan vẫn mặc một chiếc áo len cao cổ và áo khoác mùa đông kẻ ca rô đen trắng
Cô kể về căn hộ của mình, về tám người Việt Nam khác sống cùng ở đó. Lan nói rằng cô không có ai để giãi bày hay cùng làm một điều gì đó trong thời gian rỗi, ngoài các buổi lễ thánh vào chủ nhật mà đôi khi họ cùng nhau tham dự. Những người ở chung nhà đã đề nghị sẽ cùng đứng ra tổ chức lễ sinh nhật cho cô. Lan từ chối: Lễ sinh nhật sẽ khiến cô nghĩ đến chị gái sinh đôi của mình quá nhiều.
Ở bến cuối cô xuống xe và đi theo ba người Tây Ban Nha trẻ tuổi mang theo chăn và một quả bóng. Họ đi qua một sòng bạc có tường sơn màu trắng, đi qua một công viên nơi có các gia đình đang nghỉ ngơi và ăn uống ngoài trời. Lan lần xuống theo một lối dốc nhỏ, cho đến khi không khí bắt đầu có vị muối và mặt đất tiếp giáp với cát ướt. Sóng biển ào ạt vỗ vào bờ. Bầu trời xanh màu ngọc lam như thể có ai đã vẽ lên đó.
“Giống như bãi biển quê em ở Việt Nam vậy!”, Lan kêu lên.
Một vài thanh thiếu niên mặc đồ tắm chơi bóng chuyền. Lan kéo áo khoác lên để che đầu. Giống như nhiều người Việt Nam khác, cô cho nước da rám nắng là không đẹp.
Cô dừng chân, sau đó ngồi xuống cát và co đầu gối lại. Khi được hỏi liệu cô có muốn quay lại Việt Nam hay không, Lan trả lời rằng cô rất hối hận vì đã không nghe lời cảnh báo của cha mình. “Cái giá phải trả để đến đây là quá đắt”, cô nói.
Lan, người có chị gái chết ngạt trong container, trên bãi biển ở Tây Ban Nha. © Illustration: Adams Teixeira de Carvalho cho DIE ZEIT
Đồng thời, cô không muốn bỏ cuộc và quay trở về. Chị gái cô, cô tin như vậy, hẳn muốn cô sẽ tiếp tục cuộc hành trình cho đến tận đích, rằng cô sẽ xoay xở bằng cách nào đó để đến Anh, nơi cô sẽ có cơ hội kiếm tiền và hỗ trợ gia đình.
Hoàn toàn có thể Lan cũng sẽ làm việc trong một tiệm làm móng ở Anh. Nhiều người di cư Việt Nam lại sa chân vào các đồn điền trồng cần sa bất hợp pháp. Các chuyên gia nói về những nam thanh niên bị nhốt hàng tháng trời trong những ngôi nhà lắp đầy đèn nhiệt và trồng cần sa, để bón phân và tưới nước cho cây ở đó. Thức ăn duy nhất mà những kẻ buôn bán ma tuy cung cấp cho họ là thực phẩm đông lạnh mà mỗi khi ăn phải làm nóng trong lò vi sóng. Bộ Nội vụ Anh nhận định rằng ở nhiều trường hợp những người di cư này sống dưới một hình thức “nô lệ hiện đại“.
Như vậy ít có khả năng là cuộc sống của Lan ở Anh sẽ được cải thiện so với cuộc sống của cô ở Tây Ban Nha. Nhưng dù sao thì cô có quen một vài người ở Anh có thể giúp cô. Và trên tất cả mọi thứ, dường như Lan đang cố gắng để đạt bằng được mục tiêu mà chị gái và cô đã tự đặt ra cho mình.
Lan nói: “Nếu trở về Việt Nam bây giờ, em sẽ chỉ là gánh nặng cho bố mẹ. Ở đó em sẽ phải tìm công việc ổn định, được trả lương cao, nếu không gia đình em sẽ không có đủ tiền để nuôi các em ăn học.”
Vào những tháng sau cái chết của người chị gái sinh đôi, Lan dường như đã gói chặt tình cảm của mình lại và cất giấu chúng. Như thể cô đang chịu đựng nỗi đau của mình với cùng một thứ kỷ luật như khi làm việc trong tiệm nail. Trong các lần trò chuyện với phóng viên của báo ZEIT về quãng đường trốn chạy của cô và về cái chết của người chị gái, chỉ có một lần cô bật khóc: đó là khi cô nói về việc Mai đã chết trong chiếc thùng container. “Em thực sự cảm nhận được chị ấy bị ngạt thở như thế nào”, cô nói. “Em cảm thấy điều đó bằng cơ thể của chính mình.”
Tiếp tục hành trình về hướng Tây: Cuộc gọi cuối cùng
Từ Athen Mai phải bay tiếp một mình, một lần nữa những kẻ đưa người lại yêu cầu như vậy. Mai cự lại, cô cảm thấy sợ hãi. Nhưng Lan đã trấn tĩnh cô và nói: “Mai cứ an tâm đi trước đi.” Và vậy là Mai đã bay đến Palermo, có dịp đi ngắm khu phố cổ và bãi biển ở đó, sau đó bay tiếp tới Tây Ban Nha, từ đó bắt tàu hỏa đến Pháp.
Trong khi đó Lan đã tìm cách rời Athen bằng một hộ chiếu Hàn Quốc. Tại sân bay, cô đã lọt qua khu vực kiểm soát an ninh, nhưng bị giữ lại trước cổng lên máy bay. Một nhân viên hải quan tịch thu tấm hộ chiếu giả của cô. Lan khóc và gọi điện cho bố mẹ. “Nếu không còn cách nào khác thì con hãy trình báo với cảnh sát và trở về nước”, bố cô nói. Sau 24 giờ, nhà chức trách Hy Lạp để cô ra khỏi sân bay và không trả lại tấm hộ chiếu giả.
“Đừng bỏ em mà”
Vài ngày sau, Lan gọi điện lần cuối cùng với người chị gái sinh đôi. Đó là vào buổi tối ngày 21 tháng 10. Lan vẫn còn bị kẹt ở Athen, còn Mai thì đang đứng trên một sân ga tàu hỏa ở Pháp, đợi một người đàn ông sẽ đưa cô đến Bỉ. Từ đó, người của đường dây nói với Mai như vậy, cô có thể đi tiếp sang Anh. Mai suy tính sẽ ở lại Bỉ, chờ cho đến khi Lan tới đó. Lan nói Mai không nên đợi cô, bởi có thể Lan sẽ phải tiếp tục chờ đợi một thời gian nữa mới có thể có được tấm hộ chiếu giả mới.
“Lan cầu nguyện cho Mai nhé”, Mai nói.
“Lan sẽ cầu nguyện cho Mai”, Lan trả lời.
Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của hai chị em. Một lát trước khi khởi hành chuyến vượt biển sang Anh, Mai đã viết cho người chị em gái sinh đôi của mình trên Facebook.
Ngày 22 tháng 10, lúc 7.48 h: “Lan ơi, tí 8h Mai đi.”
Lúc 8:49 h: “Lan ơi, 9h Mai đi”.
Hôm đó người cha ở Việt Nam đợi Mai sẽ gọi điện báo về cho gia đình sau khi cô đặt chân đến Anh. Một cách vô vọng. Rồi ông tự gọi cho con gái. Ở phía bên kia không có ai trả lời. Long, người của đường dây – người cha nhớ lại – tìm cách trấn tĩnh ông. Con gái ông đã đến Anh an toàn, ông không việc gì phải lo lắng. Người cha chỉ cần giao tiền, sau đó Mai sẽ được đón và mang về một căn hộ.
Người cha gắng tin điều này, ông cũng kể lại với Lan như vậy. Nhưng sau đó, vào ngày 23 tháng 10, có một tin nhắn bất ngờ lan truyền trong khắp làng. Về một vụ tai nạn ở Anh. 39 thi thể trong một chiếc xe tải. Tất cả đều là người châu Á.
Người cha lại gọi điện cho người của đường dây. Liệu Mai có thực sự đang ở bên Anh? Còn cái xe container này thì sao? Một lần nữa, người cha kể, Long lại xoa dịu ông. Mọi thứ đều ổn. Mai đã chọn cách đi an toàn nhất mà. Ngồi cùng trong cabin của tài xế. Mà ở đó chỉ đủ chỗ cho hai người, không phải cho 39.
Trong những giờ sau đó, người cha kể, ông chạy đi chạy lại trong phòng khách như một kẻ mất trí. Chỉ hai, chứ không phải 39. Ông cứ nghĩ đi nghĩ lại như vậy. Ông cũng nói vậy với Lan. Nhưng tại sao không thể gọi được cho Mai? Và tại sao Long không còn trả lời điện thoại?
Lan nói rằng cô cảm thấy có gì đó không ổn. Cô nằm trên giường mà không thể nhắm mắt. Cô cầu nguyện và đọc Kinh thánh.
Mấy ngày sau đó, vẫn chưa rõ sự tình, Lan bay bằng một tấm hộ chiếu Hàn Quốc giả từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha, chặng tiếp theo trên hành trình đến Anh. Sau khi đến Tây Ban Nha, Lan tiếp tục viết tin nhắn trên Facebook cho người chị gái sinh đôi.
17.25 h: “Đừng bỏ em mà.”
“Chị em ta chưa thành công mà.”
“Phải thành công cho bố mẹ vui chứ”.
17.53 h: “Gọi điện về cho em đi.”
“Chị phải cố gắng để em sang Anh để chị em ta đoàn tụ chứ.”
18.25 h: “Chị gọi về đi để em sang chị.”
“Chị em ta cùng cố gắng vì bố mẹ vì gia đình.”
Lan gọi điện với mẹ trong đêm đó. Người mẹ nói: “Con cứ để chạy camera trên điện thoại di động, mẹ sẽ canh cho giấc ngủ của con.”
Phải mãi đến ngày 8 tháng 11, cảnh sát Essex mới chấm dứt tình trạng bán tin bán nghi và công bố danh tính của 39 người chết.
Việt Nam
Bốn mươi ngày thi thể của Mai nằm trong một cỗ quan tài bằng gỗ ở Anh, đất nước mà cô từng mơ ước đến sống. Rồi nó được chở bằng máy bay về Việt Nam. Vào sáng ngày 2 tháng 12 năm 2019, một chiếc xe cứu thương màu trắng đã đưa chiếc quan tài về làng quê của Mai. Tất cả họ đang chờ đợi ở đó: cha mẹ, các em, họ hàng, xóm giềng, bạn học, thầy cô giáo và các thành viên của giáo xứ. Trên những video quay vào ngày hôm đó, người ta thấy nhiều người dân làng ngồi chờ trên xe máy của họ, mang theo những lá cờ tang đầy màu sắc. Cuối cùng, khi chiếc xe cứu thương đến nơi, họ chen nhau đến sát bên các cửa kính xe màu tối và áp chặt bàn tay lên đấy. Như thể qua đó họ sẽ có thể hiểu được những điều không ai có thể hiểu.
Trên những video đó người ta có thể thấy cha của Mai đứng lặng lẽ ở bên rìa. Xung quanh ông vang lên âm thanh của não bạt, của tiếng trống gõ, tiếng người gọi, tiếng hát, còn bản thân ông thì dường như bị câm lặng. Miệng mở há hốc, nét mặt cứng đờ, ông đi như vậy giữa đám tang, mỗi lúc một kiệt sức thêm, cho đến khi một người thân phải dìu ông đi qua đám đông, trên những mét cuối cùng dẫn về nhà.
Tây Ban Nha
Mặt trời đã lặn trên bãi biển khi điện thoại di động của Lan đổ chuông. Hình ảnh của cha cô sáng lên trên màn hình. “Bố đấy à?” Cô nói. “Bố vẫn còn thức ư? Ở nhà bây giờ đã khuya rồi mà!”
Lan và bố thường gọi điện thoại cho nhau nhiều lần trong ngày. Ông luôn hỏi thăm sức khỏe của cô như thế nào, liệu cô đã ăn chưa, ông dặn rằng cô không được lên xe tải để sang Anh, rằng cô đừng một thân một mình đi đến bất cứ nơi đâu.
Cả vào ngày này trên bãi biển cũng vậy, người cha đã nhiều lần tìm cách liên lạc với Lan. Vì đang đi cùng phóng viên, cô không muốn làm gián đoạn việc trò chuyện để nhận cuộc gọi. Giờ thì ông đang lo lắng.
“Tất cả đều ổn mà bố” cô nói. “Con đang ở trên bãi biển.”
Họ nói chuyện trong vài phút, sau đó Lan lại đặt điện thoại sang một bên. Trời lạnh dần, Lan co mình lại trong chiếc áo khoác. Về sau cô sẽ kể rằng hôm ấy là ngày sinh nhật của mình. Bây giờ cô đã tròn 20 tuổi.
Cô nhìn ra biển như thể đang tìm một con tàu sẽ đưa cô sang phía bờ bên kia. “Gần đây có một người bạn Việt Nam em từng gặp ở Hy Lạp gọi điện cho em” cô nói. “Anh ấy hiện đang ở Anh. Anh ấy đã đi qua đó bằng xe tải, ngồi trong buồng lái. Anh ấy kể chuyến đi diễn ra rất thoải mái.”
Việt Nam
Mai được chôn cất ở rìa ngôi làng mà cô từng muốn rời xa, cách nhà của bố mẹ cô vài trăm mét. Không khí vẫn tĩnh mịch như thế, cả bầu trời cũng vậy. Một bức tường bê tông cao đến đầu gối đánh dấu khu mộ của gia đình Mai. Mộ của cô nằm hơi biệt lập so với những phần mộ tổ tiên nằm san sát nhau, nó cũng lớn hơn, kiên cố hơn, toát lên một vẻ nghiêm trang. Một mái đá nhỏ bảo vệ tấm di ảnh của cô trước nắng mưa. Hoa trắng mọc xung quanh nấm mộ.
Tây Ban Nha
Vào tháng thứ ba trong tiệm làm móng tay, Lan nhận khoản tiền lương đầu tiên, 500 Euro, cộng thêm chế độ ở và tiền ăn miễn phí. Trong vài tháng tới, cô sẽ có thể kiếm được nhiều hơn, 600, 700, cũng có thể là 1000 Euro. Rốt cuộc sẽ đến lúc cô có thể gửi tiền về cho gia đình.
Thay cho viễn cảnh đó, đại dịch đã ập đến và tiệm “Beauty Nails” phải đóng cửa.
Ở Tây Ban Nha đã ban hành lệnh giới nghiêm. Lan ở nhà cả ngày trong căn hộ chung với những người nhập cư Việt Nam khác. Cô ngủ, cô nấu nướng, ăn uống, gọi điện cho bố mẹ hoặc nhắn tin cho họ. Nhưng thật ra cô đang đợi. Cô chờ đợi xứ sở này sẽ thức dậy sau cơn tê liệt, cô sẽ lại tiếp tục công việc chỉnh sửa và sơn móng tay cho khách hàng. Cô chờ biên giới sẽ mở cửa trở lại, và cô sẽ tiếp tục cuộc hành trình sang nước Anh.
PHÍA SAU CÂU CHUYỆN
Mặc dù bản thân các tác giả có nguồn gốc xuất thân từ Việt Nam, việc chuyện trò với phần lớn các thân nhân của người chết khá khó khăn: Họ không tin tưởng các nhà báo, hoặc từ chối tiết lộ bất cứ thông tin cá nhân nào, bởi bản thân họ hoặc thân nhân của họ đang sống ở châu Âu mà không có giấy phép cư trú. Các tác giả đã nhận được sự hỗ trợ của Cha Thắng (Simon Nguyen), một linh mục ở Anh, người đã trốn khỏi Việt Nam vào năm 1984. Kể từ thảm kịch Essex, thông qua giáo phận Westminster, ông đã tổ chức quyên góp cho các thân nhân của người chết, đặc biệt là cho 35 trẻ em mất một hoặc cả hai bố mẹ.
Bản dịch tiếng Việt của Trương Hồng Quang.
Video buổi phỏng vấn bằng tiếng Việt với nhà báo Vanessa Vũ, đồng tác giả của phóng sự “Em cầu nguyện cho chị nhé”, về quá trình hình thành và nội dung của tác phẩm: https://youtu.be/p_f9ojsXZLU.