Căng thẳng Mỹ- Trung càng gia tăng, Hoa Kỳ càng ngọt ngào với Đài Bắc

Hiếm khi nào Đài Loan lại chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như ở vào thời điểm này. Chính quyền Trump không ngớt lời ca ngợi thành công vượt bực của Đài Bắc trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, đòi cho Đài Loan phải có một chỗ đứng xứng đáng hơn trong các định chế quốc tế và tăng tốc cung cấp vũ khí cho chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn.

Nhưng không chắc Mỹ sẵn sàng thay đổi nguyên tắc “một nước Trung Hoa” vốn là nền tảng bang giao Mỹ-Trung.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ ngày càng thể hiện rõ sự ủng hộ với Đài Loan. Trong ảnh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tái đắc cử, tháng 1/2020. REUTERS/Ann Wang

Vào lúc virus corona gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và kinh tế cho nước, dịch Covid-19 “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ Mỹ- Trung, Đài Loan trở thành một “vũ khí” của chính quyền Trump để tấn công Bắc Kinh : Nhà Trắng đề cao thành tích rực rỡ của Đài Loan chống dịch Covid-19 chỉ nhằm chứng minh là một nước lớn như Trung Quốc đã bất lực trước một con siêu vi, tệ hơn thế nữa Bắc Kinh đã thiếu minh bạnh trên hồ sơ này để gây ra đại dịch. Tổng thống Trump chỉ trích Tổ Chức Y Tế Thế Giới là “con rối” trong tay Trung Quốc, gạt bỏ mọi cảnh báo và thông tin do Đài Loan cung cấp về virus corona chủng mới.

Về mặt quân sự, ngoài việc điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Hoa Kỳ chọn đúng thời điểm tổng thống Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức thêm nhiệm kỳ thứ hai để thông báo hợp đồng bán ngư lôi cho Đài Bắc.

Theo quan điểm của chuyên gia Elizabeth Economy thuộc trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations, từ trước tới nay, Quốc Hội Mỹ luôn có khuynh hướng ủng hộ Đài Loan, nhưng ở cấp chính quyền, Washington “tránh lộ liễu phô trương quan điểm đó nhằm duy trì thế cân bằng vốn dễ vỡ” giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự của thế giới này.

Dễ vỡ bởi từ những năm 1970 các chính quyền Mỹ liên tiếp luôn tôn trọng nguyên tắc “Một nước Trung Hoa”, nhưng về mặt an ninh thì Hoa Kỳ là điểm tựa quan trọng của Đài Loan. Trong khi đó Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đồng thời Trung Quốc vẫn theo đuổi ý định thống nhất hòn đảo với 23 triệu dân này, kể cả bằng vũ lực.

Từ ngày bước chân vào Nhà Trắng tổng thống Trump, về mặt chính thức, cũng tuân thủ nguyên tắc ngoại giao truyền thống nói trên, nhưng ít kín đáo hơn những đời tổng thống tiền nhiệm, ông đã ủng hộ Đài Loan về nhiều mặt, đặc biệt là để hòn đảo này có một vị trí xứng đáng hơn trên sân khấu chính trị quốc tế. Việc Đài Bắc thành công kiểm soát dịch Covid-19 lại càng làm tăng uy tín của hòn đảo này trong mắt lãnh đạo Hoa Kỳ, như ghi nhận của chuyên gia Elizabeth Economy.

So sánh với Hoa lục, Washington xem đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy thế thượng phong của một mô hình dân chủ ngay cả trong việc giải quyết khủng hoảng về y tế. Mỹ cũng thừa biết rằng, càng ca ngợi tấm gương sáng của Đài Loan bao nhiêu, Bắc Kinh lại càng tức tối bấy nhiêu.

Nhưng có lẽ Đài Bắc không ngây thơ để tin vào những lời đường mật của Nhà Trắng. Ngoại trưởng Mỹ tuy đã đề cao “mô hình dân chủ Đài Loan mà cả khu vực và thế giới cần noi theo”, nhưng Mike Pompeo đã khá lúng túng khi được hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Đài Loan, với nguy cơ mở thêm một mặt trận với Trung Quốc hay không.

Theo quan điểm của chuyên gia Abraham Denmark, thuộc trung tâm nghiên cứu Wilson Center, trụ sở tại Washington, trước mắt Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nể nhau, chưa khai thác Đài Loan như một công cụ để tranh giành ảnh hưởng về mặt chiến lược. Điển hình là dưới áp lực của Trung Quốc, Đài Bắc vẫn phải đứng ngoài Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nếu như Bắc Kinh cảm thấy vị thế của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vấn đề chủ quyền của nước này hay đà vươn lên của Trung Quốc, bị đe dọa vì hồ sơ Đài Loan, có khả năng giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ “phản ứng gay gắt” và khi đó thì Hoa Kỳ sẽ “mất tất cả mọi phương tiện gây sức ép với Trung Quốc”, như ghi nhận của nhà quan sát Ryan Hass thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution.

Về phần tổng thống Thái Anh Văn, bà thừa biết rằng, Đài Loan vẫn trong thế trên đe dưới búa giữa hai ông khổng lồ của thế giới, là Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa về đối ngoại, Washington luôn rất thực dụng. Với Donald Trump ở Nhà Trắng, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại bỏ rơi Đài Loan, một khi Mỹ và Trung Quốc sưởi ấm quan hệ. Ngoài ra, tổng thống Trump cũng sẵn sàng “quên”  hẳn Đài Bắc, nếu như việc đó có ích cho quyền lợi từ kinh tế đến quân sự và thương mại hay ngoại giao của Mỹ.      

Thanh Hà

Đại dịch Codiv-19: Trump lên án Bắc Kinh để xảy ra “thảm sát trên quy mô toàn cầu”

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình AFP/File

Vào lúc dịch Covid-19 làm hơn 320.000 người chết trên toàn cầu, 92.000 ca tử vong riêng tại Mỹ, tổng thống Donald Trump ngày 20/05/2020 quy trách nhiệm cho Bắc Kinh “bất tài”, để dịch bệnh tràn lan. Theo tổng thống Mỹ, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một “cuộc thảm sát trên quy mô toàn cầu”.

Khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vì virus corona càng ngày càng gay gắt. Trên Twitter, Donald Trump viết “có một kẻ điên tại Trung Quốc vừa ra thông cáo lên án tất cả các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, về trách nhiệm trước việc virus corona đã giết chết hàng trăm ngàn người. (…) Làm ơn giải thích cho gã ngớ ngẩn ấy rằng, chính là việc Trung Quốc bất tài, chứ không phải vì bất kỳ một điều gì khác, đã dẫn tới vụ sát hại hàng loạt trên quy mô toàn cầu”.

Không nêu đích danh kẻ “ngớ ngẩn” ở Bắc Kinh là ai, nhưng tất cả mọi người đều biết, tổng thống Trump muốn nhắm tới phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian). Quan chức này từng mạnh mẽ chỉ trích Washington “bôi nhọ những nỗ lực của Bắc Kinh chống virus corona”, đồng thời cho rằng, Mỹ cũng cần nhìn nhận đã có những “sai lầm và thiếu sót” trong việc xử lý khủng hoảng y tế lần này.

Trump muốn tổ chức G7 tại Camp David

Về ngoại giao, tổng thống Trump trong cuộc họp báo ngày 20/05/2020 thông báo ý định tổ chức thượng đỉnh G7, từ ngày 10 đến 12/06/2020 tại Camp David, khu nghỉ dưỡng của các vị nguyên thủ Mỹ cách thủ đô Washignton 93 cây số về phía tây bắc. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 buộc tất cả các thượng đỉnh và hội nghị quốc tế diễn ra qua cầu truyền hình. Donald Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ muốn trực tiếp đối thoại với 6 cường quốc công nghiệp khác của thế giới (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản). Paris cho biết tổng thống Macron sẵn sàng đến dự thượng đỉnh G7, nếu các điều kiện y tế cho phép.

“Không nên bầu một thẩm phán Trung Quốc vào Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển”

Trụ sở của Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển ITLOS, Hamburg, Đức © Ảnh UNESCO

Hội nghị thường niên lần thứ 30 của 167 quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 19/06/2020. Trong chương trình làm việc, sẽ có việc bầu 7 thẩm phán mới vào Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển – ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea), thay thế cho 7 thẩm phán hết nhiệm kỳ.

Trong thời gian qua, một danh sách 10 ứng viên thẩm phán đến từ 10 nước khác nhau đã được chọn ra. Trong số các ứng viên này, có nhà ngoại giao Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Sự có mặt của ứng viên Trung Quốc đã gây ra tranh cãi trong bối cảnh từ nhiều năm nay, Bắc Kinh thu hút sự chú ý với những hành động và tuyên bố coi thường Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Trong một bài phân tích mang tựa đề: “Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp tại Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển – Protecting the Rules-Based Order at the International Tribunal for the Law of the Sea”, đăng trên trang mạng Lawfare ngày 08/05/2020, ông Jonathan G. Odom một cựu thẩm phán quân đội Mỹ, hiện là giáo sư về luật quốc tế tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu George C. Marshall ở Garmisch-Partenkirchen (Đức), đã không ngần ngại kêu gọi các nước thành viên UNCLOS là không nên bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung Quốc.

Không thể bầu một nước đang phá hoại UNCLOS vào một tòa án của UNCLOS

Đối với chuyên gia Mỹ, chỉ cần so sánh quá trình làm việc và trình độ chuyên môn của các ứng viên là thấy ngay rằng bảy người khác trong số những người được đề cử năm 2020 có trình độ cao hơn hẳn ứng cử viên của Trung Quốc để làm thẩm phán tại ITLOS, căn cứ vào cả kinh nghiệm tư pháp hiện tại hoặc trước đây và quá trình công tác của ông Đoàn Khiết Long.

Ngay cả khi bỏ qua vấn đề năng lực cá nhân, việc không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc là một vấn đề nguyên tắc. Mỗi quốc gia thành viên của UNCLOS cần đặt ra câu hỏi: Có nên thưởng cho Trung Quốc một ghế thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm trong một tòa án được UNCLOS công nhận (ở đây là ITLOS – bao gồm 21 thành viên), trong khi mà nước này đã ngang nhiên tấn công vào tính hợp pháp của một tòa án khác – Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA vốn cũng được UNCLOS công nhận?

Chưa cần đến việc kiểm tra xem các vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông mà Tòa Trọng Tài đã nhận thấy là như thế nào, mỗi thành viên của UNCLOS nên xem xét ba cách mà Trung Quốc đã dùng để phá hoại nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong vấn đề Biển Đông.

Cách thứ nhất là phủ nhận tính chất hợp pháp của một cơ chế trong khuôn khổ UNCLOS.

Tòa Trọng Tài Thường Trực đã xem xét và phán quyết về vụ kiện Biển Đông là một cơ chế hoàn toàn hợp pháp. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS đã xác định rõ ràng 4 tòa án và tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử các tranh chấp trong khuôn khổ công ước: Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ), Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển ITLOS, một tòa trọng tài thường trực được thành lập theo một trong các phụ lục của UNCLOS và một tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết một số loại tranh chấp được đặc biệt xác định (Điều 287 [1]).

Điểm cần ghi nhận là UNCLOS không quy định bất kỳ thứ bậc nào giữa 4 cơ chế tư pháp nói trên. Nói cách khác, tất cả đều được xem như là bình đẳng với nhau về thẩm quyền pháp lý để xem xét và xét xử các tranh chấp theo tinh thần Công ước. Mỗi nước tham gia UNCLOS đều có quyền chọn một trong ba cơ quan tư pháp đầu tiên để giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS (Điều 287 [1]). Nếu không tuyên bố chọn một cơ chế cụ thể nào để xét xử các tranh chấp, thì quốc gia thành viên đó mặc nhiên được coi là đã chấp nhận cơ chế trọng tài, phù hợp với phụ lục của UNCLOS (Điều 287 [3]).

Do việc Trung Quốc chưa bao giờ ra tuyên bố chọn một cơ chế xét xử, vì vậy cơ quan tư pháp hợp pháp và chính đáng duy nhất để xem xét vụ kiện do Philippines đưa ra theo UNCLOS là một tòa trọng tài.

Tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào tháng 7/2016 sau phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã tuyên bố rằng Tòa Trọng Tài không phải là một “tòa án quốc tế”.

Theo giáo sư Odom, lập luận của Trung Quốc tuy nhiên chỉ là một sự ngụy biện. Vấn đề không phải là Tòa Trọng Tài có phải là một tòa án quốc tế hay không, mà là Công Ước UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên có xác định rằng tòa trọng tài là một cơ chế tư pháp hợp pháp để xét xử các tranh chấp phát sinh trong khuôn khổ công ước hay không.

Và câu trả lời rõ ràng theo các điều khoản giấy trắng mực đen của UNCLOS là công ước này công nhận tòa trọng tài là một cơ chế tư pháp hợp pháp, có thể có giá trị và thẩm quyền ngang hàng với ITLOS và ICJ trong các trường hợp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước.

Cách thứ hai là phủ nhận thẩm quyền hợp pháp của một cơ chế trong khuôn khổ UNCLOS.

Theo giáo sư Odom, tòa trọng tài hoàn toàn có quyền đưa ra quyết định sau cùng về việc liệu họ có thẩm quyền phân xử vụ kiện Biển Đông hay không.

Theo luật pháp quốc tế, các cơ quan tư pháp (tòa án) có thẩm quyền tự xác định xem họ có thẩm quyền tài phán đối với các tranh chấp được đưa ra để nhờ họ phân xử hay không. Nguyên tắc luật quốc tế này được gọi là “Kompetenz – Kompetenz” theo tiếng Đức, hay “la compétence de la compétence” trong tiếng Pháp…

Do vậy, các hiệp định thành lập các tòa án quốc tế luôn luôn bao gồm các điều khoản rõ ràng nhằm trao cho các cơ quan tư pháp đó quyền đưa ra quyết định sau cùng về thẩm quyền tài phán trong các vụ tranh chấp cụ thể.

Đối với các tranh chấp trong khuôn khổ Công Ước LHQ về Luật Biển, UNCLOS nêu rõ bằng văn bản: “Trong trường hợp có tranh cãi về việc tòa án hay tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử hay không, vấn đề sẽ được giải quyết theo quyết định của tòa án hoặc tòa trọng tài đó (Điều 288 [4]).

Theo giáo sư Odom, giống như nhiều điều khoản khác của UNCLOS, điểm đáng chú ý là cụm từ “tòa án hoặc tòa trọng tài” không chỉ bao gồm ICJ và ITLOS, mà cả các tòa trọng tài như cơ chế đã xét xử vụ kiện Biển Đông.

Sau khi Tòa Trọng Tài ra phán quyết chung cuộc, phủ nhận cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã tấn công cơ chế pháp lý này trong bản tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 12/07/2016, cho rằng hành động và phán quyết của Tòa Trọng Tài vừa “bất công” vừa “bất hợp pháp” và “sai lệch hoàn toàn với mục tiêu và mục đích của UNCLOS…, phá hoại đáng kể tính toàn vẹn và thẩm quyền của UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng các quyền hợp pháp của Trung Quốc trong tư cách một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của UNCLOS…”

Đối với giáo sư Mỹ, có lý nào mà một quốc gia thành viên UNCLOS lại tự cho phép mình coi thường quyền hạn của một tòa án có thẩm quyền được ghi rõ trong các điều khoản của UNCLOS mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các thành viên? Khi làm như vậy, Trung Quốc không chỉ tước bỏ quyền được đối xử công bằng mà cả cơ hội tìm kiếm công lý của tất cả các nước khác trong UNCLOS, những nước cho rằng quyền và lợi ích của họ đã bị Trung Quốc vi phạm.

Cách thứ ba là từ chối tuân thủ phán quyết của một cơ chế tư pháp được UNCLOS công nhận.

Theo giáo sư Odom, các bên tham gia vụ kiện Biển Đông có nghĩa vụ pháp lý là phải tuân thủ mọi quyết định của tòa trọng tài, từ các quyết định liên quan đến thẩm quyền tài phán cho đến các quyết định về giá trị của vụ kiện.

Văn bản của Công Ước LHQ về Luật Biển nêu rõ: “Bất kỳ quyết định nào do một tòa án hoặc tòa trọng tài có thẩm quyền theo mục này đưa ra đều là quyết định tối hậu mà tất cả các bên tranh chấp phải tuân thủ  (Điều 296 [1]). Điều khoản này không nói “một số quyết định” mà nói “bất kỳ quyết định nào”. Ngoài ra, tất cả những quyết định đó đều là quyết định “tối hậu”, tức là không có quyền kháng cáo, và áp dụng cho bất kỳ quyết định nào của một tòa án hoặc tòa trọng tài “có thẩm quyền xét xử theo mục này”, tức là bao gồm cả các phán quyết của một tòa trọng tài.

Ngay sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ban hành phán quyết dài 501 trang về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố rằng phán quyết “không có giá trị và vô hiệu” và không có tính ràng buộc.

Lời khẳng định đó đã trái ngược hẳn với các nghĩa vụ pháp lý của Bắc Kinh trong khuôn khổ UNCLOS. Trên bình diện luật pháp quốc tế, Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ các quyết định của Tòa Trọng Tài.

Căn cứ vào các hành vi coi thường UNCLOS của Trung Quốc, thể hiện rõ ràng trong việc Bắc Kinh phủ nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016, cũng như hàng loạt những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, các quốc gia thành viên khác của Công Ước LHQ về Luật Biển cần tỏ thái độ bất đồng tình bằng cách không bầu cho ứng cử viên Trung Quốc nhân cuộc bầu thay thế 7 thẩm phán của ITLOS vào tháng 6 tới đây, mà bầu cho bất kỳ ứng viên nào khác, mà về cả năng lực lẫn kinh nghiệm đều cao hơn đại diện của Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa

Related posts