Trung Quốc cắt sóng BBC khi đài này đề cập đến ‘luật an ninh Hồng Kông’
Tại cuộc họp Lưỡng hội vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giới thiệu “dự thảo luật an ninh quốc gia” gây tranh cãi áp lên Hồng Kông, điều được giới nhân sĩ ủng hộ dân chủ cho là một “bản án tử hình”.
Stephen McDonnell, phóng viên BBC tại Trung Quốc, chia sẻ trên Twitter cá nhân rằng màn hình TV của ông cho thấy kênh BBC World News “trở nên tối đen” ngay khi phóng viên đề cập đến dự luật Hồng Kông gây tranh cãi.
“Không cần chỉnh lại TV đâu! Màn hình BBC World TV sẽ chuyển đen trên khắp Trung Quốc đại lục mỗi khi chúng tôi đề cập đến luật an ninh quốc gia mới áp dụng tại Hồng Kông”, phóng viên McDonnell viết trên Twitter, và thêm rằng:
“Dự luật được đề xuất hôm nay tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh chắc chắn 100% sẽ được thông qua”.
Tỷ lệ tử vong với bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng: 0.4%
Cơ quan y tế liên bang Mỹ hiện đưa ra “con số ước tính tốt nhất” mức tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở ngưỡng 0,4%. Tỷ lệ này áp dụng với những bệnh nhân có triệu chứng, theo The Epoch Times.
Tỷ lệ này được dựa trên số người có triệu chứng tử vong “vì căn bệnh”, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
“Mức tỷ lệ này không nhất thiết tương đương với số ca tử vong được báo cáo trên số trường hợp lây nhiễm được báo cáo, bởi nhiều ca lây nhiễm và tử vong không được xác nhận là Covid-19, và có một khoảng trễ thời gian giữa thời điểm một người bị nhiễm bệnh và thời điểm họ tử vong”, CDC cho biết thêm.
Nam Mỹ là tâm dịch Covid-19 mới
“Theo một cách hiểu nào đó, Nam Mỹ đã trở thành một tâm chấn mới của dịch Covid-19. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều nước Nam Mỹ có số lượng ca bệnh ngày càng tăng”, Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO, nói trong một cuộc họp báo trực tuyến, theo AFP.
“Rõ ràng có một mối lo lắng tại nhiều quốc gia, nhưng rõ ràng vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất hiện nay là Brazil”.
Brazil hiện ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong, trên tổng số hơn 310.000 ca lây nhiễm.
Hai thủ lĩnh ISIS tại ‘khu vực’ đã thiệt mạng trong cuộc đột kích ở Syria
Hai thủ lĩnh địa phương của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã thiệt mạng hồi đầu tuần trong một chiến dịch phối hợp giữa lực lượng Syria và liên minh quân sự ở đông bắc Syria, lực lượng liên minh cho biết hôm thứ Sáu, theo Fox News.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu đã đột kích vào một khu vực kiểm soát bởi ISIS tại tỉnh Deir Ezzor hôm nay. Hai thủ lĩnh, Ahmad ‘Isa Ismail al-Zawi và Ahmad’ Abd Muhammad Hasan al-Jughayfi, đã bị tiêu diệt.
Ông Trump yêu cầu mở cửa trở lại nhà thờ
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (22/5) đã gọi các nhà thờ và nơi tụ tập tín ngưỡng khác là “những nơi thiết yếu” và kêu gọi thống đốc các bang cho phép mở cửa trở lại vào cuối tuần này. Ông cảnh báo sẽ thế quyền các thống đốc nếu gặp cản trở trong vấn đề này.
“Các thống đốc cần phải làm điều đúng đắn và cho phép những địa điểm thiết yếu và quan trọng liên quan đến tín ngưỡng được mở cửa trở lại ngay lập tức, vào cuối tuần này”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo ngắn gọn tại Nhà Trắng.
“Một số thống đốc đã liệt các cửa hàng rượu và phòng khám phá thai là địa điểm thiết yếu” nhưng không có nhà thờ, ông nói. “Điều này không đúng. Vì vậy, tôi cần sửa chữa sự bất công này. Tôi cho rằng nhà thờ là địa điểm thiết yếu”.
Mỹ liệt hơn 30 công ty Trung Quốc vào danh sách đen
Bộ Thương mại Mỹ hôm 22/5 đã đưa 33 công ty Trung Quốc vào danh sách đen do giúp Bắc Kinh giám sát người Duy Ngô Nhĩ thiểu số hoặc dính líu đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của quân đội nước này.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một thông cáo, 7 công ty và 2 tổ chức bị trừng phạt vì “đồng lõa trong việc vi phạm nhân quyền trong chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ thiểu số” cùng nhóm người khác, theo Reuters.
24 công ty, các tổ chức chính phủ và các tổ chức thương mại còn lại nằm trong danh sách đen của Mỹ – được gọi là “danh sách thực thể (Entity List)” – bị cáo buộc hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị cho quân đội Trung Quốc.
Các công ty bị trừng phạt chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện gương mặt. Đây là thị trường những công ty sản xuất chip điện tử của Mỹ như Nvidia và Intel đã đầu tư rất mạnh.
Trong số các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ có NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất Trung Quốc, chuyên cung cấp thiết bị nhận diện gương mặt nhằm giám sát người Hồi giáo tại Tân Cương.
Hai hãng công nghệ CloudMinds và Qihoo360 cũng bị trừng phạt. CloudMinds – vận hành nền tảng dịch vụ đám mây để chạy robot – đã bị áp lệnh trừng phạt vào năm ngoái vì cáo buộc chuyển giao trái phép công nghệ hoặc thông tin kỹ thuật từ Mỹ sang các văn phòng của họ ở Bắc Kinh.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các công ty nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị hạn chế mua hàng Mỹ hoặc một số mặt hàng khác sản xuất tại nước thứ ba nhưng tích hợp công nghệ hoặc bản quyền của Mỹ.
Lệnh trừng phạt mới nhất này được đưa ra sau khi Bắc Kinh hôm 22/5 thông báo kế hoạch áp Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng từng có động thái tương tự vào tháng 10/2019 khi liệt 28 công ty và cơ quan an ninh Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì dính líu đến các hành vi vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương.
‘Bạn thân’ của Kim Jong-un: Nếu Kim Yo-jong xuất hiện trên TV, điều hành đất nước, thì hiện có gì đó không ổn
Nếu em gái của Kim Jong-un xuất hiện trên truyền hình như thể cô ấy đang điều hành đất nước, thì có thể sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đang có gì đó không ổn, ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman nói với một chương trình truyền hình của Anh hôm 21/5.
Dennis Rodman được biết tới là một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ đã nghỉ hưu và là một “người bạn” Hoa Kỳ thân thiết của Kim Jong-un. Vào tháng 5/2013, nhờ tình bạn đặc biệt này, Rodman đã công khai đề nghị nhà lãnh đạo Triều Tiên trả tự do cho Kenneth Bae – mục sư người Mỹ gốc Hàn bị kết án 15 năm tù vì âm mưu lật đổ chính quyền. Sau khi Rodman gửi một lá thư cho Kim Jong-un đề nghị trả tự do cho Kenneth Bae, nhà truyền giáo này đã được thả chỉ sau một tuần.
Xuất hiện trên chương trình “Chào buổi sáng nước Anh (Good Morning Britain)” của kênh truyền hình ITV (Anh) để thảo luận về bóng rổ, Rodman đã được hỏi về sức khỏe của Kim.
Người dẫn chương trình “Chào buổi sáng nước Anh” hỏi Rodman: “Anh có biết ông ấy (Kim Jong-un) hiện giờ thế nào không?”.
Rodman trả lời rằng, anh có liên lạc với Triều Tiên và “nếu các vị thấy em gái của ông ấy trên TV, điều hành đất nước, thì các vị nên biết là hiện có gì đó không ổn, đó là tất cả những gì tôi có thể cung cấp”.
Cuộc phỏng vấn với Dennis Rodman trong chương trình “Chào buổi sáng nước Anh (Good Morning Britain)” thuộc kênh truyền hình ITV của Anh.
Sự suy đoán về sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nổi lên sau khi ông vắng mặt tại Lễ kỷ niệm ngày sinh của ông nội và là cố chủ tịch Triều Tiên – Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), ngày lễ quan trọng nhất của Triều Tiên, lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011.
Có nhiều tuyên bố được đưa ra như Kim Jong-un đang gặp nguy hiểm sau khi phẫu thuật tim, và thậm chí còn có tin đồn rằng ông đã chết cùng một bức ảnh giả được cho là của Kim trong một quan tài lưu hành trên mạng xã hội vài tuần trước.
Truyền thông Triều Tiên sau đó đã công bố những bức ảnh và cảnh quay cho thấy Kim Jong-un đã tham gia cắt băng khánh thành tại một buổi lễ khai trương nhà máy phân bón ở Sunchon, tỉnh Nam Pyongan.
Trong một số bức ảnh chụp Kim tham quan nhà máy được công bố bởi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho thấy, Kim đang mỉm cười và nói chuyện với mọi người tại buổi lễ, nhưng hãng tin Reuters cho biết, độ tin cậy của những bức ảnh là không thể xác minh.
EU kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông
Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Sáu (22/5) đã kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. EU lên tiếng như vậy sau khi Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia mới phiên bản Hồng Kông để ứng phó với phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ tại hòn đảo bán tự trị này.
Theo AFP, Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell sau khi tham vấn các đồng nghiệp thành viên trong khối đã phát hành một tuyên bố kêu gọi “bảo vệ quyền tự trị cao độ của Hồng Kông”.
Ông Borrell cho hay: “Liên minh Châu Âu có liên quan rất lớn về sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”.
“EU cho rằng một điều rất quan trọng là phải duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông, phù hợp với Luật Cơ bản và các cam kết quốc tế”, ông Borrell nói thêm.
Theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông là một phần của nhà nước Trung Quốc đại lục nhưng được vận hành như một “Khu vực Hành chính Đặc biệt” (Đặc khu) theo Luật Cơ bản. Luật Cơ bản được coi là hiến pháp của Hồng Kông và được áp dụng tại hòn đảo bán tự trị này từ khi nó được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Trong tuyên bố hôm 22/5, ông Borrell cảnh báo rằng Liên minh Châu Âu cũng sẽ “tiếp tục theo dõi sát sao diễn tiến [về luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông]”.
“EU cho rằng thảo luận dân chủ, tham vấn các bên liên quan chính yếu, và tôn trọng các quyền và tự do được bảo vệ tại Hồng Kông sẽ là cách tốt nhất cho tiến trình thông qua luật an ninh quốc gia”, ông Borrell nói.
Trước đó vào hôm 21/5, cùng ngày khai mạc “Lưỡng hội” tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc cũng công bố nghị trình của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong đó bao gồm việc thảo luận về “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” hoàn toàn mới. Thông tin vừa được công bố đã trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế.
Tờ HK01 đưa tin, tên đầy đủ của Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là “Quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về xây dựng kiện toàn chế độ luật pháp và cơ chế chấp hành nhằm duy hộ an ninh quốc gia khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Dự thảo)”. Dự luật này được ấp ủ từ thời kỳ đầu khi bùng nổ phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông hồi năm ngoái. Sau này, cùng với việc phong trào đấu tranh phản đối lan rộng, khiến chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định cần thiết phải nhanh chóng ra tay hơn.
Ngoài ra, việc Hồng Kông chậm trễ chưa thể thúc đẩy lập pháp Điều 23 Luật Cơ bản, thêm vào đó ngày càng có nhiều nhân sĩ phe dân chủ Hồng Kông ra nước ngoài vận động hành lang cộng đồng quốc tế chế tài, do đó ĐCSTQ cho rằng Hồng Kông đã trở thành chỗ hổng lớn trong an ninh quốc gia của ĐCSTQ, nên mới dùng phương thức trực tiếp can dự vào “vá lỗ hổng”.
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” chủ yếu nhắm vào 4 loại hình vi, bao gồm: lật đổ chính quyền quốc gia, chia rẽ quốc gia, hoạt động khủng bố và sự can thiệp của thế lực nước ngoài. Trong đó, hoạt động khủng bố không bao hàm trong Điều 23 Luật Cơ bản. Còn trong 7 điểm nội dung được liệt kê trong Điều 23 Luật Cơ bản, phản quốc, kích động phản loạn, đánh cắp bí mật quốc gia không có trong “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”.
Chính quyền Trung Quốc cho biết, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là luật mới và độc lập, liệt rõ hình phạt cụ thể, thông qua việc đưa vào Phụ lục III Luật Cơ bản để thực thi tại Hồng Kông, không qua quá trình lập pháp của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Các nhà vận động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã đe dọa sẽ xuống đường để làm mới lại các cuộc biểu tình từng làm rung chuyển hòn đảo này trong khoảng bảy tháng năm ngoái, và đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lên án kế hoạch của Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông, gọi đây là “hồi chuông báo tử” đối với nền tự do vô cùng quan trọng của thành phố đặc biệt này.
“Hoa Kỳ lên án việc đề xuất của Quốc hội Trung Quốc nhằm đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông”, ông Pompeo nói hôm thứ Sáu (22/5).
“Quyết định bỏ qua các tiến trình lập pháp đã được thiết lập tỉ mỉ của Hồng Kông và bỏ qua ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ là một hồi chuông báo tử dành cho nền tự trị cao độ mà Bắc Kinh đã cam kết của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc”.
“Hoa Kỳ mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh tái xét lại đề xuất thảm họa này, thực hiện theo trách nhiệm quốc tế và tôn trọng nền tự do dân sự, các thể chế dân chủ và nền tự trị cao độ của Hồng Kông. Đây là những tiêu chí quan trọng để duy trì quy chế đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ. Chúng tôi ủng hộ nhân dân Hồng Kông”.
“Bất Kỳ quyết định nào làm hại đến nền tự trị và tự do của Hồng Kông, như được đảm bảo trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ và địa vị của Hồng Kông”.
Như Ngọc
Trung Quốc mua lượng lớn cổ phần của hãng hàng không Na Uy
Tờ Breitbart hôm 22/5 cho biết, hãng hàng không của Na Uy, Norwegian Air đã vơi đi nỗi lo phá sản với các khoản lớn đầu tư mới, bao gồm một khoản đến từ một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.
BOC Aviation, công ty cho thuê máy bay thuộc Ngân hàng Trung Quốc đã mua 12,7% cổ phần của Hãng hàng không Norwegian Air của Na Uy.
“Toàn bộ thỏa thuận mà Na Uy đã thực hiện khi cố gắng cứu hãng hàng không khỏi phá sản trên thực tế chính là giao sự tiếp quản hãng hàng không cho những người cho thuê máy bay, đó là hậu quả của việc này”, nhà báo kinh tế Kristina Lagerström nói với đài truyền hình Thụy Điển SVT hôm 20/5.
Tàu chở dầu Iran đến vùng biển Venezuela bất chấp cảnh báo của Mỹ
Chuyến tàu đầu tiên trong số 5 tàu chở dầu của Iran đã đến vùng biển Venezuela vào chiều thứ Bảy 23/5 (giờ địa phương) bất chấp một quan chức Mỹ cảnh báo rằng Washington đang xem xét phản ứng với động thái này.
Truyền hình nhà nước Venezuela đưa tin rằng tàu của Iran sẽ đi tới vùng biển quốc gia Nam Mỹ này vào 7:00 tối ngày 23/5 (23:00 ngày 23/5 giờ GMT). Truyền hình Venezuela cũng chiếu hình ảnh một tàu hải quân và một máy bay quân sự Venezuela đang sẵn sàng đón tàu Fortune.
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela đã cam kết quân đội nước này sẽ hộ tống các tàu của Iran một khi chúng tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế Venezuela (EEZ) vì họ lo ngại những đe dọa can thiệp từ Mỹ.
Ông Tareck El Aissami, phó chủ tịch kinh tế của Venezuela và hiện tại đã được chỉ định làm bộ trưởng dầu mỏ, viết trên Twitter: “Chúng tôi hoan nghênh các chuyến tàu từ Cộng hòa Hồi giáo Iran. Những tàu này sẽ sớm cập các cảng biển của tổ quốc chúng tôi”.
Nhóm tàu của Iran chở tổng cộng 1.53 triệu thùng xăng và Alkyl hóa tới Venezuela, Reuters dẫn theo các nguồn tin từ chính phủ Iran, Venezuela, các nguồn tin khác và tính toán của trang TankerTrackers.com.
Trong vài ngày qua, việc Iran huy động nhóm tàu chở xăng dầu bán cho Venezuela vi phạm các chế tài của Mỹ áp lên cả hai quốc gia này đã làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Washington với cả Tehran và Caracas.
Một quan chức chính quyền Trump giấu tên nói với Reuters rằng Washington đang xem xét các biện pháp phản ứng với động thái của Iran và Venezuela. Tuy nhiên, vị quan chức này không nói rõ về các lựa chọn biện pháp ứng phó của Mỹ là gì.
Mỹ gần đây đã tăng cường sự hiện diện hải quân tại vùng biển Caribbean và họ gọi đó là hoạt động chống buôn lậu ma túy mở rộng. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman hôm thứ Năm (22/5) nói rằng ông không biết về bất cứ hoạt động nào của hải quân Mỹ liên quan tới các chuyến hàng của Iran.
Vào sáng thứ Bảy (23/5), Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo rằng Iran sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ gây ra vấn đề cho các tàu chở dầu của Iran tới Venezuela, theo hãng tin bán chính thức của Iran, MEHR.
“Nếu các tàu chở dầu của chúng tôi tại biển Caribbean hoặc bất cứ nơi đâu trên thế giới gặp vấn đề do Mỹ gây ra, thì họ (Mỹ) cũng sẽ gặp rắc rối”, hãng tin MEHR dẫn lời Tổng thống Rouhani nói trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim.
Trung Quốc có thể thành lập cơ quan tình báo Hồng Kông
Luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh chuẩn bị áp đối với Hồng Kông có thể được sử dụng để thành lập một cơ quan tình báo nội địa ở Hồng Kông, Reuters dẫn lời ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), Cựu trưởng Đặc khu Hồng Kông nói hôm 23/5.
Dự đoán của ông Lương có thể gây lo ngại cho người Hồng Kông và chính phủ phương Tây về việc thực thi pháp luật ở Hồng Kông, vốn hoạt động độc lập với hệ thống pháp luật của Trung Quốc và không chịu các áp lực chính trị đến từ các thẩm phán ở Trung Quốc đại lục, giờ đây sẽ được kiểm soát bởi Bắc Kinh.
Washington gọi luật an ninh quốc gia mới là một “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của Hồng Kông.
Mỹ phản đối Trung Quốc chặn các chuyến bay của Hoa Kỳ
Hãng Reuters đưa tin, vào ngày 22/5, Washington đã lên án Bắc Kinh về việc các hãng hàng không của Mỹ không được bay đến Trung Quốc và yêu cầu bốn hãng hàng không Trung Quốc nộp lịch trình chuyến bay cho chính phủ Hoa Kỳ.
Theo một chỉ thị mà Reuters tiếp cận được cuối ngày 22/5, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ gọi tình huống là “nghiêm trọng” bởi cả Delta Air Lines và United Airlines, hai hãng hàng không lớn của Mỹ, đều muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6, trong bối cảnh các hãng hàng không Trung Quốc vẫn tiếp tục các chuyến bay tới Mỹ trong đại dịch Covid-19.
Chỉ thị cho biết các hãng hàng không Trung Quốc, bao gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Hainan Airlines, phải nộp lịch trình và các chi tiết khác của các chuyến bay trước ngày 27/5.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ra tuyên bố cho biết họ phản đối việc giới chức Trung Quốc không cho phép các hãng hàng không Mỹ thực hiện đầy đủ quyền của mình và cạnh tranh công bằng với các đối thủ Trung Quốc.
Cựu thống đốc Anh nói Trung Quốc đã phản bội Hồng Kông
Trung Quốc đã phản bội người dân Hồng Kông vì vậy phương Tây nên thôi nhún nhường trước Bắc Kinh, ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của thuộc địa cũ của Anh (Hồng Kông) cho biết.
“Người dân Hồng Kông đã bị Trung Quốc phản bội”, ông Patten được báo The Times của Anh dẫn lời nói. Ông nói Anh có nghĩa vụ “đạo đức, kinh tế và pháp lí” đứng lên bênh vực Hồng Kông.
“Điều chúng ta đang chứng kiến là một chế độ độc tài mới của Trung Quốc”, ông Patten nói. “Chính phủ Anh nên nói rõ rằng điều chúng ta đang thấy là sự hủy hoại hoàn toàn Tuyên bố Chung”.
Ông Patten nói rằng phương Tây nên ngừng theo đuổi hứa hẹn hão huyền về những lợi lộc từ Trung Quốc và rằng Anh nên suy nghĩ thấu đáo về sự tham gia của công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei trong mạng 5G của nước này.
Nhà lập pháp Ukraine bị bắn chết trong văn phòng của mình
Hãng Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết, một nhà lập pháp Ukraine đã được tìm thấy bị bắn chết trong văn phòng của ông vào hôm 23/5.
“Thi thể của nhà lập pháp Valerii Davydenko đã được phát hiện với một vết thương chí mạng ở đầu”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Gerashchenko viết trong một bài đăng trên Facebook và cho biết cảnh sát và các công tố viên sẽ điều tra nguyên nhân dẫn đến việc nhà lập pháp Davydenko bị bắn chết.
Theo Reuters, thi thể của ông Davydenko được phát hiện trong nhà vệ sinh của văn phòng ông.