Huế với bài học về tình người – Tamar Lê

Khi xem những chương trình nhạc lớn như Asia và Thúy Nga, khán giả thường thấy nhiều ‘danh nhân’ Việt Nam được giới thiệu một cách trịnh trọng đến khán giả với dấu ấn ‘Tôi là người Việt Nam’. Họ thành công trong nhiều lãnh vực trong xã hội, và cũng là niềm tự hào cho người Việt Nam ở hải ngoại. Đây cũng là niềm vui và tự hào của tôi khi biết rõ thêm qua những chương trình như vậy về cuộc sống và sự nghiệp, gồm cả nỗ lực phấn đấu, để đạt được sự thành công tột bực của họ trên xứ người.

Nhưng khi nhìn xung quanh, trong làng xóm, bạn bè và những người mà tôi thường gặp trong đời sống hàng ngày ở quê nhà, thì có bao nhiêu quý nhân mà tôi hằng khâm phục. Một số rất nghèo, không có địa vị, bằng cấp nhưng tình người thì bao la như đại dương.

Hồi đó, khi về Huế thăm gia đình. Tôi gọi xích lô chở tôi từ khách sạn Lê Lợi gần nhà ga Huế đến nhà bà chị trong thành nội. Anh xích lô, tên là Phong, chuyện trò vui vẻ, nhiệt thành, chăm sóc tôi từng li từng tí. Và từ đó tôi luôn luôn gọi Phong khi cần đi đó đây. Sáng nào, khoảng 5 giờ, trời còn mờ tối, hai anh em cũng ngồi uống café quán con cóc bên lề đường trước hotel.

Lần cuối, sau khi đưa tôi đến nhà bà chị, tôi muốn khao anh một chầu ở một nhà hàng lớn trong thành nội vì trong đời Phong không biết ‘ăn nhà hàng’ ngon và đặc biệt ra sao. Nhưng lúc đó lại là lúc gia đình bà chị muốn đãi tôi ăn tại nhà với gia đình trước khi tôi bay về Úc. Trong khi chờ đợi, tôi muốn Phong vào ăn nhà hàng và đưa cho anh một số tiền để anh trả nhà hàng.

Sau đó, sau khi chuyện trò qua lại, tôi khám phá ra rằng anh bạn xích lô này không dùng tiền tôi đãi để ăn nhà hàng mà dành dụm trả tiền học cho con mình. Tôi hối tiếc là mình không hành động hiểu biết và tế nhị hơn mà phải để cho Phong quyết định giữa ‘phung phí’ và tình thương gia đình.

Anh xích lô cũng là ‘Người Việt Nam’ vậy, và tuy không phải là một danh nhân, nhưng Phong đã dạy cho tôi một bài học về xã hội học và tình người mà tôi không bao giờ quên.

Related posts