Niềm Vui Cuối Tuần sau khung cửa hẹp
Hồi còn học trung học, tuổi thì còn quá trẻ, vậy mà thầy cứ đem mấy bài văn thơ ‘nhàn’ ra ngâm nga với đám học trò, ca tụng tuổi già về vườn, ra ao tắm, rồi vui với thiên nhiên, saying ‘au revoir’ cuộc sống bon chen của phố phường, v.v… Thật sự mà nói, tụi này lúc đó đang sống ở làng, chiếc xe đạp con chưa có, nói chi đến “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.” Nhưng vì tiềm thức tôi luôn nhắc nhở: “Không thầy đố mày làm nên,” thì dù có ngồi suốt ngày suốt đêm nghe thầy mình thao thao bất tuyệt về “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,” đứa học trò nào cũng thấy ảnh hưởng theo thầy.
Bây giờ thì đứa nào cũng thành nhân, biết ăn, biết diện, biết hát, biết ca, biết lên voi xuống ngựa, nên thấy quý đời sống bình dị cách ly, tránh chung đụng với đời, để tâm linh được bình thản như mặt nước hồ thu. Những tuần núp sau khung cửa hẹp (La Porte Étroite) của cách ly vì nạn coronavirus, trong lắng đọng, mỗi người ấp ủ nỗi niềm riêng của mình, như Andre Gide cảm nhận: “Mỗi con người đều mang trong mình một ‘khung cửa hẹp,’ và đối diện với nó như thế nào lại là sự nhận thức và quyết định của riêng họ mà thôi.”
Sau gần hai tháng nằm nhà, Quỷnh Hương (QH) và tôi nhận được lời mời của bạn hiền Viễn Trình và Uyên Di đến nhà ăn tối với vài bạn bè cho đời vui hơn. Thường thường thì tui hay làm duyên làm dáng vài ngày rồi trả lời, nhưng hôm đó, vội vàng trả lời ngay, cứ sợ Viễn Trình và Uyên Di đổi ý, thì chỉ biết ngồi nhà than thân trách phận.
Vào chiều thứ bảy, mưa bắt đầu đến thăm Melbourne, không ào ạt như những cơn mưa đầu mùa, những hạt mưa lất phất nhẹ nhàng đưa lối theo giòng sông Maribyrnong đến nhà Viễn Trình và Uyên Di. Ngôi nhà thoai thoải trên ngọn đồi như ở Đà Lạt vậy. QH và tôi ngập ngừng không biết chắc ngôi nhà nào, nhưng may thay qua ‘khung cửa hẹp’, dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo, một người nghệ sĩ đang đắm say với tiếng đàn, hai bàn tay lả lướt lượn trên phím đàn dương cầm. Nhìn cảnh trầm lặng dễ thương này, làm tôi nhớ lại túp lều của Mozart, nằm bên giòng sông Salzack River của thành phố buồn và lãng mạn Salzburg, mà tôi đã đến đó một thời. Nhưng hôm đó tôi thấy gần gủi hơn, vì người đánh đàn là bạn Viễn Trình và giòng sông quen thuộc Maribyrnong.
Lúc bước vào nhà, QH và tôi rất vui gặp lại bạn Tony Trịnh, người ca sĩ trầm lặng, hiền hòa, nhưng lhi anh xuất hiện dưới ánh đèn màu sân khấu, thì khán giả sẽ tha hồ mà quay cuồng theo giọng ca trìu mến của anh. Vừa chào hỏi xong với Tony thì chưa thấy người mà đã biết tiếng cười: Phương Thùy và Hưng (Kevin) hớn hở tay bắt mặt mừng, như đã bị chôn ở hai đầu nỗi nhớ. Khi Mai Linh và nhạc sĩ kiêm điêu khắc gia của Melbourne, Lê Phú, đến thì đời mới trọn cuộc vui.
Từ ngày chúng tôi quen Viễn Trình, tôi thấy anh càng ngày càng đàn hấp dẫn hơn, hát càng hay hơn, và kể chuyện vui càng ‘mặn’ mà hơn, tất cả cũng chỉ vì ‘ngưới đó là em.’ Thật vậy, nhìn cách trang trí thanh lịch, lãng mạn và thi vị trong nhà mới biết vì sao Viễn Trình có được dáng ngọc Uyên Di với :
Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thấm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọc
Mơ ước vẫn chưa phai nhòa
Uyên Di trông mảnh khảnh thướt tha, dáng như tìm vỡ, đây là nguồn cảm hứng của nhiều nhạc sĩ, thi sĩ và nhiếp ảnh gia. Nhưng thêm vào những nét diễm kiều đó, bạn bè tìm thấy một Uyên Di rất là năng động, sắc bén, và có tâm hồn hướng thượng. Trong năm rồi, hình ảnh một cô gái Việt mảnh mai, cầm micro ra tranh đấu ủng hộ cho cuộc biểu tình ở Melbourne của sinh viên Hồng Kông tranh đấu cho tự do.
Sau bữa cơm thân mật với bạn bè ở trong ngôi nhà ấm cúng của đôi uyên ương Viễn Trình & Uyên Di, trên đường về, QH và tôi thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, như trút đi sự ràng buộc của thời gian cách ly, như sống lại được tâm hồn chiều nay của ta, hay tìm được mảnh đất mới trong tâm thức, như Andre Gide chia sẻ: “One doesn’t discover new lands without consenting to lose sight of the shore.”
Từ bờ sông Maribyrnong, phảng phất đâu đây giọng hát tiếng đàn thân thương của bạn bè vào đêm họp mặt nho nhỏ này…