Tuyên truyền của ĐCSTQ về phong tỏa thổi bùng ngọn lửa giận dữ của người dân

Eva Fu

Một sĩ quan cảnh sát mặc thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) mang theo thực phẩm và đồ dùng hàng ngày sẽ được phân phát cho cư dân đang sống trong khu dân cư bị hạn chế ra ngoài do sự lây lan của virus corona Covid-19 ở Mãn Châu Lý thuộc khu vực phía bắc Nội Mông của Trung Quốc, hôm 15/03/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trong khi nhiều người dân địa phương phải gồng mình để bảo đảm có được bữa ăn tiếp theo trong đợt phong tỏa COVID khắc nghiệt của Trung Quốc, thì các quan chức đã kêu gọi người dân bình tĩnh bằng cách khởi động một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm phô diễn cuộc sống của người dân bị nhốt trong nhà với đồ tích trữ thoải mái như thế nào. Hành động này đã kết thúc không mấy tốt đẹp.

Chiến dịch này bắt đầu bằng một bản ghi nhớ bị rò rỉ của chính quyền chỉ thị cho các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở một thành phố phía đông bắc Trung Quốc phải đi loan tin trên mạng xã hội Trung Quốc với nội dung lạc quan nhằm chống lại tâm lý tiêu cực phổ biến và thị hiện cái được cho là “tình hình thực tế” về hoạt động cung cấp thực phẩm.

“Nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh ở thành phố của chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn sống còn,” nội dung từ một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ chính quyền thành phố Trường Xuân.

Trong một chiến dịch được đặt tên là “hãy cho xem túi rau của bạn,” các quan chức tiếp tục giao nhiệm vụ cho “toàn bộ quan chức của Đảng trong các cơ quan thành phố” bắt đầu chụp “những bức hình và đoạn video ngắn sống động” về nguồn cung cấp thực phẩm mà họ nhận được, rồi đăng lên trang mạng cá nhân của họ trên các nền tảng như là Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, ứng dụng Moments giống Facebook, và ứng dụng video ngắn Kuaishou lớn thứ hai của đất nước này.

Bản ghi nhớ cho biết, mục tiêu của họ là thúc đẩy một “cái nhìn tích cực về cuộc sống” và thể hiện rằng “người dân đang tận hưởng nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào mà không cần lo lắng,” để mọi người yên tâm khi ở trong nhà của họ.

“Hãy kêu gọi gia đình và bạn bè của quý vị tích cực tham gia và đóng góp sức lực cho nhiệm vụ ngăn chặn đợt bùng phát lần này,” văn bản này cho biết.

tuyên truyền phong tỏa
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ khi họ phun khử trùng một khu vực bên ngoài một khu dân cư bị phong tỏa trong rào chắn để theo dõi sức khỏe sau khi các ca nhiễm COVID-19 gần đây được tìm thấy trong khu vực này ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 28/03/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Văn bản chính thức này không quên nói thêm rằng bất kỳ bức ảnh nào được đăng đều phải được xác thực, và cảnh báo rằng bản ghi nhớ này không nên được công khai.

Bản ghi nhớ này, không có đề ngày tháng nhưng đã được phát hành sau khi thành phố này phong tỏa chín triệu cư dân của mình hôm 20/03, đã lan truyền như lửa cháy trên mạng xã hội Trung Quốc ngay sau khi văn bản này được đăng lên mạng.

“Các hãng thông tấn liên tục nói rằng nguồn cung cấp thực phẩm rất dồi dào. Còn dân thường chúng tôi chỉ muốn biết là: những nguồn cung cấp này đang ở đâu?” một người dùng đã viết trên Weibo – một trang tiểu blog nổi tiếng của Trung Quốc.

“Chúng tôi biết là họ đang nói dối. Tự họ biết mình đang nói dối. Họ cũng biết rằng chúng tôi biết họ đang nói dối … nhưng họ vẫn nói dối lia lịa,” một người khác viết.

Điều này đặc biệt gây chấn động khi hàng chục triệu người trên khắp đất nước này đang bị phong tỏa trong nhà của họ, trong đó nhiều người kêu than về những khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung cấp lương thực đầy đủ.

Gần đây, một đoạn video quay cảnh một người đàn ông khoảng 70 tuổi đến từ Trường Xuân, miền đông bắc Trung Quốc đang cầu xin để được phép mua thực phẩm tại một siêu thị trong khu phố của mình đã gây phẫn nộ trên toàn quốc.

Ông cụ này, người đang bị ép buộc phải sống một mình xa con cái vì đại dịch, đã cạn kiệt đồ dự trữ. Ông được yêu cầu là tự đặt hàng trên ứng dụng di động mặc dù ông rõ ràng không biết chút gì về công nghệ.

tuyên truyền phong tỏa
Một người lao động, mặc một bộ đồ bảo hộ, đi bên cạnh các hàng rào ngăn cách khu dân cư bị phong tỏa với lòng đường như một biện pháp chống lại virus Covid-19 ở quận Tĩnh An, Thượng Hải hôm 30/03/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Nhưng ngay cả đối với những người biết cách mua hàng trực tuyến, vẫn không biết chắc được là có thể mua được đồ hay không.

“Đó thậm chí không phải là vấn đề giá cả. Kể cả anh giành giật để lấy những món đồ đó, có khi cũng vẫn về tay không thôi,” một người lao động nhập cư ở Trường Xuân, người gần đây đã giúp xây dựng bệnh viện dã chiến lớn nhất của thành phố này, nói với The Epoch Times. “Nói thẳng ra, sẽ chẳng có ai quan tâm kể cả anh chết đói đi nữa.”

Nhiều người cũng có chung nỗi thất vọng này.

Ở miền trung Trung Quốc, hàng nghìn người từ quận Thái Khang ở tỉnh Hà Nam đã được đưa đến các khu vực xung quanh để cách ly. Một số người dân địa phương khỏe mạnh và sống trong nhà cho biết họ đang phải chia nhỏ lượng thức ăn.

“Chúng tôi thiếu thốn mọi thứ,” một phụ nữ họ Lương nói với The Epoch Times. Không có nguồn cung cấp nào được gửi đến quận này vì các dịch vụ giao hàng đã ngừng hoạt động, cô nói thêm. “Chúng tôi buộc phải ăn uống một cách dè xẻn.”

Khi trung tâm thương mại quốc tế Thượng Hải thông báo ngừng hoạt động đột ngột, người dân ở quận Phố Đông bắt đầu hoảng loạn vì chỉ còn vài giờ để tích trữ, dẫn đến ẩu đả trong các siêu thị khi người mua sắm thấy không còn thực phẩm trên kệ.

tuyên truyền phong tỏa
Người mua sắm lục tung các kệ trống trong siêu thị trước khi bị phong tỏa như một biện pháp chống lại virus corona Covid-19 ở Thượng Hải hôm 29/03/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Cô Vương Uyển Oánh (Wang Wanying), một nhà hoạt động ở Thượng Hải, cho biết cô đã gọi cho các nhân viên ủy ban khu phố để được giúp đỡ sau khi ăn hết mớ rau cuối cùng ở nhà. Họ bảo cô hãy gọi đồ ăn nhanh. “Tôi không có tiền để mua những thứ đó,” cô nói với The Epoch Times. “Về căn bản, họ đang nói với tôi rằng sống hay chết gì thì tự mình lo liệu đi.”

Đến ngày thứ Năm (31/03), hầu hết các bình luận giận dữ phản ứng lại chiến dịch tuyên truyền này dường như đã bị xóa sạch khỏi mạng internet Trung Quốc.

Trên Weibo, nơi bản ghi nhớ này lần đầu tiên xuất hiện, không có thẻ hashtag nào liên quan đến chiến dịch này được tìm thấy mặc dù thuật ngữ này đã tạo ra 1.4 triệu lượt xem trong bốn ngày qua. Thay vào đó, nổi bật trên nền tảng này là các bài đăng từ hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, thông báo cho công chúng rằng thành phố này đã bắt hai quan chức chịu trách nhiệm về việc gây ra một “tác động tiêu cực.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts