Nhiều hãng công nghệ Mỹ tiếp tay các công ty giám sát Trung Quốc trong danh sách đen

Quý Khải

Nhiều hãng công nghệ Mỹ tiếp tay các công ty giám sát Trung Quốc trong danh sách đen
Trung Quốc đã đang xây dựng cái mà họ gọi là “mạng lưới giám sát bằng camera lớn nhất toàn cầu”. Trên khắp Trung Quốc, vào thời điểm năm 2017, 170 triệu camera giám sát đã được lắp đặt và ước tính 400 triệu camera mới sẽ được lắp đặt trong ba năm kế tiếp (ảnh chụp màn hình Youtube/BBC News).

Một báo cáo mới tuyên bố những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Microsoft và Google là một trong số các doanh nghiệp Mỹ đang cung cấp nhiều dịch vụ website thiết yếu khác nhau cho các công ty giám sát Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và hiện nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ, theo CNBC.

Top10VPN, một trang web đánh giá dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) và nghiên cứu các khía cạnh xoay quanh quyền riêng tư cho biết trong một báo cáo rằng, trang web này đã xác định được nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ cung cấp “các dịch vụ website thiết yếu cho các công ty [Trung Quốc vi phạm nhân quyền] này”.

Tháng 10 năm ngoái, một số doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo và công nghệ giám sát lớn của Trung Quốc đã bị đưa vào “Danh sách thực thể của Hoa Kỳ”. Đây là một động thái được thiết kế để hạn chế quyền truy cập của các công ty này vào công nghệ Mỹ. Huawei cũng nằm trong danh sách này.

Washington cáo buộc “những công ty này có dính líu đến các vi phạm nhân quyền trong chiến dịch đàn áp, giám sát công nghệ cao và bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi” ở khu vực Tân Cương.

Công nghệ nhân diện gương mặt được chính phủ Trung Quốc dùng để kiểm soát người dân (ảnh chụp màn hình Youtube/Wall Street Journal).

Trung Quốc đã trở thành điểm nóng dư luận toàn cầu sau khi vỡ lở chính quyền nước này đang tiến hành các “chương trình cải tạo” nhằm giam giữ và tẩy não khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo trong các “trung tâm dạy nghề”. Nguyên nhân là vì rất nhiều người trong số đó vi phạm cái mà Tổ chức Ân xá Quốc tế cho là một đạo luật “kiềm tỏa và phân biệt đối xử” mà chính quyền Trung Quốc đang thực hiện để “chống lại chủ nghĩa khủng bố”. .

Theo Top10VPN, một số dịch vụ được cung cấp bởi các hãng công nghệ Mỹ bao gồm host trang web và email của hãng giám sát trong các thao tác xác thực (VD: xác thực email khi đăng ký tài khoản mới) .

“Thông qua việc cung cấp các dịch vụ web thiết yếu cho các doanh nghiệp gây tranh cãi này, các hãng công nghệ  Mỹ đang tham gia phổ biến các sản phẩm giám sát xâm lấn cao có khả năng làm suy yếu tình trạng nhân quyền trên toàn cầu”,  ông Simon Migliano, người đứng đầu Top10VPN, nhận định.

Trang Top10VPN cho biết, các hãng công nghệ Mỹ đã có dính líu thông qua việc sử dụng kết hợp các công cụ công cộng, kiểm tra mã nguồn các trang web và phân tích lưu lượng truy cập đến các trang web giám sát đó.

Top10VPN cáo buộc Amazon và Google đang cung cấp dịch vụ web cho Dahua Technology và Hikvision, hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ. 

Một số hãng công nghệ khác của Mỹ cũng được nêu tên, bao gồm công ty xác thực và mã hóa trang web Digicert, Lets Encrypt, Entrust và GeoTrust. Công ty lưu trữ tên miền GoDaddy cũng có tên trong danh sách, bên cạnh hãng an ninh mạng Symantec, hiện được đổi tên thành NortonLifeLock. Stackpath, chuyên tham gia vào việc phân phối nội dung internet, cũng được nêu tên.

Twitter và Facebook cũng được nêu tên như hai nhà cung cấp dịch vụ mạng lưới phân phối nội dung cho Hikvision.

CNBC đã liên hệ với tất cả các hãng công nghệ Mỹ được nêu tên và đề nghị phỏng vấn. Symantec từ chối bình luận, và CNBC chưa nhận được phản hồi từ các công ty khác trong danh sách.

Các hãng giám sát của Trung Quốc đã bị cuốn vào tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó Huawei là “con hổ” có vị thế lớn nhất. Chính quyền Trump muốn cắt đứt quyền truy cập của doanh nghiệp này vào nền tảng công nghệ Mỹ.

Nhưng theo báo cáo của Top10VPN, mối quan hệ vẫn còn tồn tại giữa các hãng  công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

“Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực chia tách giữa hai khu vực khối công nghệ Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự hiện diện liên tục của các hãng công nghệ Mỹ trong các môi trường ẩn giấu hơn cho thấy vẫn tồn tại sự hợp tác giữa hai khu vực này”, ông Migiano cho biết.

Theo Arjun Kharpal, CNBC
Tuệ Minh dịch, Quý Khải biên tập

Related posts