Carrie Lam tuyên bố luật an ninh không làm Hồng Kông mất tự do
Reuters đưa tin, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay tuyên bố luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đề xuất sẽ không làm mất đi sự tự do của thành phố.
“Chúng ta không cần phải lo lắng”, bà Lâm nói trong cuộc họp báo.
“Trong 23 năm qua, bất cứ khi nào mọi người lo ngại về quyền tự do ngôn luận và tự do kháng nghị của Hồng Kông, thì Hồng Kông đã liên tục chứng minh rằng chúng tôi có thể duy trì và bảo tồn những giá trị đó”, trưởng đặc khu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng giống như những người ủng hộ dự luật của Bắc Kinh, bà Lâm không đề cập đến các quyền tự do mà Hồng Kông có quyền hưởng sẽ được duy trì như thế nào.
Mặc dù nhiều quan chức Bắc Kinh và bà Lâm hứa hẹn luật an ninh quốc gia sẽ không ảnh hưởng tới cư dân của hòn đảo, cũng như sự tự do tại nơi đây, song các nhà ủng hộ dân chủ Hồng Kông cho rằng, việc dự luật được thông qua sẽ đặt dấu chấm hết cho chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ”. Hàng ngàn người dân Hồng Kông chiều 24/5 đã xuống đường phản đối dự luật của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói luật an ninh quốc gia là “hồi chuông báo tử” cho sự tự do của Hồng Kông. Tổng thống Donald Trump cũng từng cảnh báo, ông sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Bắc Kinh ban hành luật này.
Dự luật An ninh Hồng Kông sẽ hoàn tất quy trình lập pháp trong 2 tháng?
Ngoại giới cho rằng “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là án khai tử đối với “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông. Vài ngày trước, một số chính trị gia tiết lộ rằng phần lớn nội dung của dự luật này đã soạn xong. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc có thể sớm triệu tập một cuộc họp và hoàn tất quy trình lập pháp trong thời gian 2 tháng. Ngoài ra, Bộ An ninh Trung Quốc cũng có thể thành lập một cơ quan tại Hồng Kông để thu thập thông tin tình báo.
Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đưa tin, các thủ tục lập pháp được trình lên nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, thường được xét duyệt sau ba lần họp (2 tháng một lần họp). Như vậy để xong hết các thủ tục cho “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có thể mất 6 tháng.
Ngày 23/5, Nhật báo kinh tế Hồng Kông trích dẫn tin tức, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng Sáu, và sẽ được ban hành trước tháng Chín.
Nhưng luật sư Hồng Kông Hoàng Anh Hào, đồng thời cũng là Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cùng một chính trị gia Hồng Kông thân Bắc Kinh khác cho biết, nội dung của dự luật này đã qua bảy tám lần chỉnh sửa tới lui, cho nên ước tính thời gian xét duyệt cũng sẽ bị đẩy nhanh hơn. Ông Hoàng Anh Hào nói rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có thể triệu tập một cuộc họp tạm thời sau khi kết thúc “Lưỡng hội” và hoàn tất quy trình lập pháp chỉ trong vòng 2 tháng.
Ông cũng nói rằng nội dung của dự luật sẽ rất chi tiết, với các quy định pháp lý rõ ràng, chẳng hạn như quy định trường hợp nào là bao nhiêu năm tù và bao nhiêu tiền phạt sẽ được áp dụng…
Không chỉ vậy, ông Hoàng Anh Hào còn chỉ ra, dự luật này còn có thể cho phép Bộ An ninh Trung Quốc thành lập các chi nhánh ở Hồng Kông để thu thập thông tin tình báo và liên lạc, thậm chí là quyền “trực tiếp chấp pháp”. Còn việc phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật hiện có của Hồng Kông như thế nào thì còn cần phải thảo luận thêm.
Ông cũng cho biết, hiện tại Hồng Kông không có cơ quan phụ trách tình báo. Chi nhánh đặc biệt của Sở Cảnh sát Hồng Kông chịu trách nhiệm thu thập thông tin, đã bị giải tán vào những năm 90. Đối mặt với môi trường chính trị ngày càng phức tạp, Hồng Kông cần phải thành lập một cơ quan đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan. “Trong tương lai, công việc này sẽ chủ yếu được thực hiện bởi Cơ quan An ninh Quốc gia tại Hồng Kông do Trung Ương ĐCSTQ điều động.”
Ngoài ra, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu luật Đài Loan – Hồng Kông – Macao Đại học Khai Nam, ông Lý Hiểu Binh cho biết, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có thể tham khảo mô hình Macao trong việc thực thi, chỉ cho phép các thẩm phán và công tố viên Trung Quốc xử lý các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Cả ông Hoàng Anh Hào và ông Lý Hiểu Binh đều cho rằng trong tương lai khi các thủ tục tư pháp áp dụng “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, các thẩm phán Hồng Kông sẽ phải ra các phán quyết theo đúng với luật của Đại Lục. Ông Lý Hiểu Binh còn chỉ ra rằng nếu thẩm phán nào cố gắng bất tuân theo luật, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ chắc chắn sẽ áp dụng “các biện pháp khác”.
Tên đầy đủ của “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là “Quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về xây dựng kiện toàn chế độ luật pháp và cơ chế chấp hành nhằm duy hộ an ninh quốc gia khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Dự thảo)”, gồm 7 điểm nội dung chủ yếu nhắm vào 4 loại hành vi, bao gồm: lật đổ chính quyền quốc gia, chia rẽ quốc gia, hoạt động khủng bố và sự can thiệp của thế lực nước ngoài.
Dự thảo này là một luật độc lập, ép thêm vào Phụ lục III của Luật cơ bản Hồng Kông, được ban hành mà không thông qua quy trình lập pháp của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Năm 2003, đã từng diễn ra cuộc biểu tình của 500.000 người phản đối ĐCSTQ cố gắng kiểm soát Chính phủ Hồng Kông thông qua điều 23 của Luật Cơ Bản. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chủ quyền được chuyển sang Trung Quốc Đại Lục năm 1997.
Đến tháng 7/2019, Hồng Kông lại lần nữa phá kỷ lục với cuộc diễu hành “Chống luật dẫn độ” gây rúng động của 2 triệu người dân.
Mộc Lan
Bán khẩu trang ghi ‘Không sản xuất tại Trung Quốc’, hai thành viên thuộc đảng của Hoàng Chi Phong bị bắt
Vào hôm 25/5, Cục Hải quan Hồng Kông đã bắt giữ thành viên thứ hai của đảng dân chủ Demosisto, đảng có nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hoàng Chi Phong làm tổng thư ký, với cáo buộc vi phạm luật thương mại Hồng Kông khi bán khẩu trang ghi “Không sản xuất tại Trung Quốc”.
Người bị bắt giữ là phó chủ tịch của đảng Demosisto, anh Isaac Cheng, 20 tuổi, theo Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông (RTHK).
Thành viên đầu tiên của đảng Demosisto bị bắt giữ trước đó với cùng tội danh là anh Tobias Leung Yin-fung, 24 tuổi, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Khi Leung bị bắt hôm 22/5, phát ngôn viên của Cục Hải quan và Tiêu thụ Hồng Kông cho biết: “Người bán khẩu trang (Leung) đã không cung cấp đủ thông tin để chứng minh rằng, khẩu trang của họ tuân thủ những gì được ghi trên nhãn hàng”, và vì vậy, đảng Demosisto đã vi phạm pháp lệnh mô tả thương mại của Hồng Kông.
Ngoài việc bắt giữ Leung, hải quan Hồng Kông hôm 22/5 đã thu giữ 32.725 khẩu trang từ trụ sở của đảng Demosisto với trị giá khoảng 93.500 đô la Hồng Kông.
Cả hai người hiện đã được tại ngoại.
Theo tờ SCMP, kể từ tháng 4, giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán, đảng Demosisto đã bán khẩu trang với nhãn hiệu “Không sản xuất tại Trung Quốc”. Theo Cục Hải quan Hồng Kông, nếu các khẩu trang này được sản xuất tại Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao hoặc Trung Quốc thì đảng Demosisto không thể nhấn mạnh một cách hợp pháp rằng khẩu trang của họ là sản phẩm “không sản xuất tại Trung Quốc”.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm 22/5, đảng Demosisto nói rằng Cục Hải quan Hồng Kông đã tham gia vào cuộc đàn áp chính trị khi thực hiện các cuộc bắt giữ. Tuy nhiên, các quan chức của Cục Hải quan Hồng Kông đã phủ nhận các cáo buộc này vào hôm 25/5, theo RTHK.
Trước đó, vào hôm 21/5, hãng Reuters dẫn tin từ một quan chức Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Đây được cho là động thái mạnh nhất của Bắc Kinh trong việc kiểm soát Hương Cảng kể từ khi được Anh trao trả vào năm 1997.
Sau khi tin tức về việc Bắc Kinh đang chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông được tiết lộ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng hiện ông chưa rõ chi tiết về động thái này của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết: “Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh mẽ”.
Hoàng Chi Phong, tổng thư ký của đảng Demosisto cho rằng việc Bắc Kinh đang chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông sẽ gây bất lợi cho phong trào dân chủ của hòn đảo.
“Tôi cũng tự hỏi Hồng Kông sẽ còn là gì sau khi Luật An ninh Quốc gia được thông qua. Có bao nhiêu người sẽ bị truy tố? Có bao nhiêu nhóm sẽ được thay thế? Việc áp bức sẽ đến mức độ nào? Chúng ta sẽ bị dẫn độ đến Trung Quốc? Bị bắt hay bỏ tù?”, Hoàng Chi Phong nói trong một tuyên bố.
Dị tượng ‘Lưỡng hội’: ngày 26/5 một trận động đất mạnh 3,6 độ richter xảy ra ở Bắc Kinh
Trong thời gian diễn ra “Lưỡng hội” đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một trận động đất đã xảy ra ở Bắc Kinh. Theo Mạng lưới địa chấn Trung Quốc, vào lúc 0:54 ngày 26 tháng 5, một trận động đất mạnh 3,6 độ richter xảy ra ở quận Môn Đầu Câu, một quận cận nội thành của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tâm địa chấn có độ sâu 18 km và tâm chấn cách chính phủ quận Môn Đầu Câu 17 km. Ngoại trừ quận Bình Cốc ra, các khu vực khác của Bắc Kinh đều có cảm giác chao đảo. Hiện tại, không có báo cáo về thương vong.
Khi trận động đất xảy ra, đa số người dân địa phương đều đang ngủ. Trên Weibo, một số cư dân Bắc Kinh cho biết họ không cảm thấy gì, nhưng cũng có nhiều người dân đã để lại bình luận trên mạng nói rằng chiếc giường bị rung lắc dữ dội khiến họ giật mình tỉnh giấc. Người dân ở quận Phòng Sơn và quận Triều Dương bày tỏ rằng cảm thấy chiếc giường bị rung. Còn có cư dân ở Thiên Thông Uyển, Bắc Kinh nói rằng nơi đây cảm giác chao đảo rất mạnh, bản thân sợ quá không dám ngủ nữa.
Theo Weibo chính thức của Cơ quan quản lý động đất Bắc Kinh, trong lịch sử, đã có hai trận động đất tương tự trong khu vực này kể từ năm 1970 đến nay.
Ngoài Bắc Kinh, một trận động đất mạnh 2 độ richter xảy ra vào lúc 5:35 sáng tại thị xã Luân Châu, thị trấn Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, với độ sâu 15 km.
Hai phiên họp của ĐCSTQ đã bị hoãn hơn hai tháng do dịch bệnh không chỉ là “ngắn nhất, kín nhất trong lịch sử”, hơn nữa trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, các nơi liên tiếp xuất hiện dị tượng.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 21/5, phiên họp thứ ba của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc lần thứ 13 khai mạc. Bầu trời ở Bắc Kinh đột nhiên tối sầm lại hệt như ban đêm, đồng thời kèm theo mưa to gió lớn và sấm chớp. Sau 2 giờ chiều ngày hôm đó, các khu vực xung quanh Bắc Kinh như Môn Đầu Câu, Phòng Sơn, Thạch Cảnh Sơn, Phong Đài đều xuất hiện mưa đá.
Ngoài ra, cùng ngày hôm đó (21/5) tại Quảng Đông và Quảng Châu bị mưa lũ tấn công, gây ngập úng nặng và đã có 4 người thiệt mạng. Vào tối ngày hôm sau (22/5), một trận động đất mạnh 2,8 độ richter xảy ra ở Hà Nguyên, Quảng Đông, tâm địa chấn có độ sâu 10 km.
WHO dừng thử nghiệm thuốc sốt rét để điều trị Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngừng thử nghiệm thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine cho các bệnh nhân mắc Covid-19 do lo ngại về vấn đề an toàn, theo AFP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dữ liệu an toàn của thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine đang được xem xét. Động thái này của WHO được đưa ra sau khi The Lancet, tạp chí y khoa nổi tiếng của Anh, tuần qua công bố kết quả nghiên cứu cho thấy việc dùng hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Trực thăng quân sự Nga rơi, 4 người thiệt mạng
Tờ Radio Free Europe cho biết, một trực thăng Mi-8 của không quân Nga đã bị rơi sáng sớm nay ở gần thị trấn Anadyr, tỉnh Chukotka. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nguyên nhân có thể là do lỗi kỹ thuật. Trên máy bay có ba thành viên phi hành đoàn và một kỹ thuật viên, tất cả đã thiệt mạng.
Vua sòng bài Ma Cao qua đời
Ông Stanley Ho Hung-sun, người được mệnh danh là “Vua sòng bài Ma Cao” đã qua đời hôm nay ở tuổi 98.
AFP dẫn tin từ gia đình ông Stanley Ho cho biết, ông qua đời vào lúc 1 giờ chiều trong bệnh viện. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Stanley Ho là ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông và Ma Cao với đế chế kinh doanh quyền lực SJM – doanh nghiệp được định giá khoảng 6,4 tỷ USD. Ông Stanley Ho cũng là người đã đưa Ma Cao vượt Las Vegas (Mỹ) trở thành kinh đô sòng bài của thế giới.
Stanley Ho có 17 người con với 4 người vợ. Ông từng phải tái cấu trúc công ty sau một cuộc chiến pháp lý về tài sản trong gia đình năm 2012.
Bà Mạnh Vãn Châu chụp ảnh cùng bạn bè trước ngày tòa tuyên án
Theo truyền thông đưa tin, Tòa án tối cao tỉnh British Columbia (Canada) hôm 21/5 tuyên bố, ngày 27/5 (giờ Canada) sẽ công bố kết quả phán quyết Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu liệu có cấu thành “tội kép” hay không, phán quyết cuối cùng của vụ án dẫn độ này sẽ có quan hệ đến việc bà Mạnh Vãn Châu có thể được tự do và trở về Trung Quốc hay không.
Ngày 23/1/2020, bà Mạnh Vãn Châu đến Phiên điều trần dẫn độ của Tòa án tối cao tỉnh British Columbia (Ảnh: Getty Images)
Lúc 7 giờ tối ngày 24/5, bà Mạnh Vãn Châu đã đến Tòa án tối cao tỉnh British Columbia tại trung tâm thành phố Vancouver dưới sự bảo vệ của nhiều vệ sĩ.
Bạn bè của bà Mạnh Vãn Châu đứng đợi sẵn ở bậc cửa trước tòa, sau đó bà Mạnh đi ra từ một chiếc xe màu đen, đến chỗ nhiếp ảnh và bắt đầu chụp ảnh.
Thành viên Hội đồng quản trị Huawei kiêm Giám đốc truyền thông toàn cầu Huawei Bành Văn (Vincent Peng) cũng có mặt và chụp ảnh chung.
Toàn bộ quá trình chụp ảnh diễn ra chưa đầy 4 phút, sau đó bà Mạnh Vãn Châu quay trở lại xe.
Đối với bà Mạnh Vãn Châu mà nói, xuất hiện tại trường hợp công khai như thế này là rất không bình thường, nhất là trước ngày phiên tòa cuối cùng. Luật sư bào chữa hình sự Canada, luật sư uy tín về Luật Dẫn độ Gary Botting nói, tình huống này “tôi không thể nói tôi đã từng gặp trước đó”.
Ngày 27/5, Tòa án tối cao tỉnh British Columbia sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề “tội kép” trong vụ án của quản lý cấp cao Huawei Mạnh Vãn Châu, tức là tội “lừa đảo ngân hàng” của bà Mạnh Vãn Châu mà Mỹ cáo buộc, liệu có cấu thành tội tại Canada hay không.
Nếu thẩm phán cho rằng tội của bà Mạnh Vãn Châu không được thành lập, bà Mạnh sẽ được thả ngay tại tòa, kết thúc giam lỏng trong hơn 500 ngày qua, và được tự do trở lại, tuy nhiên còn quyết định bởi luật sư đại diện của Mỹ tại Canada có quyết định kháng án hay không.
Trong thời gian tiến hành kháng án, bà Mạnh không bắt buộc bị giam lỏng, nhưng công tố viên có thể sẽ rất muốn giữ bà lại Canada.
Gary Botting nói: “Nếu bà ấy thông minh, bà ấy sẽ về Trung Quốc”.
Nếu thẩm phán cho rằng “tội kép” của bà Mạnh được thành lập, vậy thì sẽ khởi động một vòng biện hộ pháp luật mới, điểm chú ý của vòng biện luận này sẽ chuyển sang việc cơ quan cảnh sát Canada bắt giữ bà tại sân bay Vancouver liệu có phải là hợp pháp hay không, trong vụ này bà Mạnh sẽ là nguyên cáo.
Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Hiện bà đang bị giam lỏng trong một căn biệt thự sang trọng trị giá hàng triệu đô la Mỹ ở West End ( thuộc thành phố Vancouver).
Trong một diễn biến khác, hai người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor hiện vẫn bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, họ bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ sau vài ngày xảy ra vụ việc bà Mạnh bị bắt tại Canada.
Cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị Trung Quốc cáo buộc hoạt động gián điệp, nhiều nhà quan sát cho rằng đây là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu.
Theo Reuters tiết lộ, hôm 21/5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công khai phê bình Trung Quốc, nói Trung Quốc dường như không hiểu tính độc lập của Tư pháp Canada.
“Trung Quốc lẫn lộn việc tùy tiện bắt giữ hai công dân Canada và việc xử lý vụ án bà Mạnh Vãn Châu theo hệ thống tư pháp độc lập, điều này khiến người ta thất vọng, tuy nhiên đây là sự không ngừng nỗ lực trong vài tháng qua của chúng tôi để khắc phục thách thức”, ông Justin Trudeau nói hôm 21/5.
Huệ Anh