Trang Caixin nổi tiếng Trung Quốc gặp nạn vì chủ biên “luận đầu heo”?

Miêu Vi

Gần đây, Cơ quan quản lý không gian mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố “danh sách trắng”. Theo đó, trang tin được coi là độc lập nhất của Trung Quốc là Caixin.com đã bị loại khỏi danh sách. Động thái khiến giới quan sát nhớ lại cách đây không lâu, người đứng đầu Caixin là bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli) bất ngờ đăng một bài kèm hình ảnh đầu heo lên Weibo, bị cho là ám chỉ bóng gió về ông Tập Cận Bình.

Bà Hồ Thư Lập, người sáng lập Caixin.com (Nguồn: World Economic Forum, Switzerland, CC BY-SA 2.0, Link)

Caixin.com đã bị loại khỏi “danh sách trắng”

Theo tin công bố ngày 20/10 trên trang Cơ quan Quản lý Không gian mạng (CAC) của ĐCSTQ, Văn phòng CAC Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố phiên bản mới nhất “Danh sách nguồn thông tin Internet”, có tổng cộng 1.358 nguồn bao gồm các trang web tin tức trung ương, cơ quan thông tấn trung ương, phương tiện truyền thông ngành, địa phương… Theo đó trang Caixin.com, một trang tin được nhiều nhận định cho rằng độc lập nhất của Trung Quốc đã bị loại khỏi danh sách lần này với lý do: Không còn đủ điều kiện, biểu hiện hàng ngày không hay, và thiếu ảnh hưởng.

Tại sao lần này Caixin.com lại bị loại khỏi danh sách?

Liên quan đến sự kiện, có nhận định cho rằng dường như liên quan đến chia sẻ trạng thái kèm hình đầu heo của người sáng lập trang Caixin.com là bà Hồ Thư Lập. Ngày 2/10, bà Hồ đã đăng loạt ảnh về đầu heo lên tài khoản Sina Weibo của mình và chia sẻ: “Nếu đầu heo được làm tốt có thể ăn ngon. Đầu heo không được ưa thích là do quan hệ của mọi người. Mang ôi danh như vậy mấy ai còn mong thiết lập quan hệ đối tác chiến lược”. Do sự xuất hiện của các câu/từ như “quan hệ đối tác chiến lược”, “không được ưa thích”, “ôi danh” nên nhiều người cho rằng trạng thái chia sẻ ám chỉ châm biếm ông Tập Cận Bình.

Bài đăng kèm hình ảnh đầu heo của bà Hồ Thư Lập được dư luận cho là bóng gió chỉ ông Tập Cận Bình (Nguồn: Weibo).

“Người phụ nữ nguy hiểm nhất Trung Quốc”

Bà Hồ Thư Lập là người sáng lập trang truyền thông Trung Quốc Caixin.com. Trước khi thành lập Caixin, bà là tổng biên tập tạp chí Caijing (Tài Kinh) và đã xuất bản nhiều bài điều tra chuyên sâu vạch trần những mờ ám trên thị trường tài chính Trung Quốc. Năm 2009, bà rời Caijing do áp lực từ Ban Tuyên truyền Trung ương thời ông Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan). Sau đó hai tháng, bà Hồ lại thành lập được Caixin.com.

Trang Caixin được biết đến với những tin tức nóng hổi và dám lên tiếng, từng suýt trở thành mục tiêu chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, Caixin đã đăng rất nhiều phóng sự điều tra về tham nhũng và ô nhiễm liên quan đến quan chức ĐCSTQ, đặc biệt là thời khắc quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Thường thì những thông tin sau khi bị Caixin phanh phui là có quan chức liên quan bị “ngã ngựa”. Ví dụ trường hợp Caixin tiết lộ con trai cựu Phó chủ tịch của ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ tham ô 70 tỷ tài sản thuộc Lỗ Năng – Sơn Đông sở hữu nhà nước, việc Chu Vĩnh Khang kiểm soát PetroChina, Giang Miên Hằng con cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân kiểm soát China Mobile, các bài về tham nhũng của cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương ĐCSTQ Quách Bá Hùng hay của CEO Tập đoàn Anbang là Ngô Tiểu Huy…

Thế giới bên ngoài có quan điểm cho rằng tổng biên tập Hồ Thư Lập có mối quan hệ thân thiết với nhân vật hàng đầu chống tham nhũng của ĐCSTQ là Vương Kỳ Sơn, nhiều bài báo của Caixin cũng nhằm vào các đối thủ chính trị. Chính vì thường xuyên có những tin tức độc quyền như vậy, nên tuy Caixin không phải là đơn vị truyền thông cấp trung ương nhưng sức ảnh hưởng lại rất lớn, còn bà Hồ Thư Lập cũng được tờ Business Weekly của Mỹ mô tả là “người phụ nữ nguy hiểm nhất Trung Quốc”.

Trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) năm ngoái, Caixin đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với “người thổi còi” là bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), đồng thời tiết lộ giới chức trách Hồ Bắc đã ra lệnh tiêu hủy mẫu virus. Việc truy cứu sâu về dịch bệnh của Caixin.com cũng đã thu hút được sự chú ý rộng rãi trong và ngoài nước Trung Quốc. Bà Hồ Thư Lập từng cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi đã kiên quyết xây dựng phương tiện truyền thông tin tức tài chính đáng tin cậy nhất của Trung Quốc”.

Học giả: Do cách làm tin và bối cảnh cá nhân của bà Hồ Thư Lập

Bà Hồ Thư Lập sinh năm 1953, năm 1978 sau kỳ thi tuyển sinh đại học đã được nhận vào Khoa Báo chí của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, Hồ Thư Lập gia nhập “Nhật báo Người lao động”. Trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, bà đã cùng nhiều phóng viên tham gia cuộc biểu tình của sinh viên và cũng đưa tin về việc quân đội trấn áp nhưng bị nhà cầm quyền ngăn chặn, còn bà Hồ đã bị đình chỉ chức vụ trong một năm rưỡi.

Đài Á châu Tự do (RFA) vào ngày 22/10 dẫn lời ông Vương Quân Đào (Wang Juntao) – người quen bà Hồ Thư Lập, và là một trong những lãnh đạo của phong trào sinh viên ngày 4/6/1989, hiện là một học giả chính trị ở Mỹ. Ông Vương suy đoán rằng việc Caixin bị loại khỏi danh sách không chỉ liên quan đến cách làm tin mà còn về lý lịch cá nhân của bà Hồ Thư Lập. Ông giải thích rằng cách làm tin của Caixin.com tiếp nối tinh thần dũng cảm của giới truyền thông Trung Quốc trong quá trình cải cách và mở cửa vào những năm 1980, bên cạnh đó là bối cảnh cá nhân của bà Hồ khiến trang Caixin được quan tâm. Ông nói: “Vì bà Hồ Thư Lập có xuất thân tương đối đặc biệt. Thời bà ấy học Đại học Nhân dân Trung Quốc có học cùng nhiều chuyên gia cải cách và mở cửa cũng như nhân vật chính trị có ảnh hưởng của Trung Quốc. Bà ấy có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với họ, ví dụ như doanh nhân Nhậm Chí Cường bị kết án hay ông Vương Kỳ Sơn, vì vậy trong bối cảnh hiện nay khi việc thanh lọc chính trị được thúc đẩy thì Caixin khó tránh bị liên lụy”.

Ông Vương Quân Đào lo ngại khi chính quyền ĐCSTQ tăng cường giám sát truyền thông thì sau này có thể khó thấy các thông tin có sức nặng và tầm cỡ như trường hợp về Caixin vẫn làm.

Về vấn đề này, Bloomberg cũng dẫn phân tích chỉ ra rằng ĐCSTQ đã loại Caixin.com khỏi danh sách các nguồn tin, cho thấy bất kể danh tiếng của tổ chức truyền thông tốt đến đâu cũng phải nhất quán với nhà cầm quyền để tiếp tục được hưởng các quyền lợi… Không có phương tiện truyền thông nào có thể thoát khỏi khống chế của nhà cầm quyền ĐCSTQ.

Tín hiệu cho thấy Vương Kỳ Sơn đã thất thế?

Ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” của người Hoa ở Mỹ, cho rằng các bài báo trước đây do Caixin.com đăng tải về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của ông Tập Cận Bình. Nhưng theo thời gian, trong môi trường chính trị hiện nay, phải chăng nhà cầm quyền có những bất đồng?

Cách đây không lâu, trong cuốn sách Red Roulette bàn về vấn đề tham nhũng của quan chức cấp cao ĐCSTQ có đề cập đến mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn trong chính sách kinh tế. Bài viết cho biết quan điểm của Vương Kỳ Sơn là “tương lai kinh tế của Trung Quốc phải được tư nhân hóa” và rằng “phải tư nhân hóa hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc”. Nhưng ông Tập Cận Bình không muốn vậy, “cách tiếp cận của ông Tập đối với nền kinh tế Trung Quốc là phải nằm trong chi phối của ĐCSTQ”.

Theo đó, có phân tích chỉ ra rằng có thể điểm tựa lớn nhất của Caixin.com là ông Vương Kỳ Sơn hiện đã thất thế, minh chứng cho vấn đề này cũng phải kể đến các vụ thanh trừng như đối với ông Nhậm Chí Cường hay Đổng Hoằng (Dong Hong). Do Caixin đã không còn ô dù che chắn và không còn giá trị lợi dụng, tiếp tục thẳng thắn tự do thì tự nhiên trở thành cái gai trong mắt các nhà chức trách và thành mục tiêu bị thanh trừng.

Miêu Vi, Vision Times

Related posts