Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt “Dự luật Duy Ngô Nhĩ” trong tuần này
Nếu được Tổng thống Trump ký thành luật, Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc về các trại giam giữ ở Tân Cương.
Năm ngoái, ‘dự luật Duy Ngô Nhĩ’ đã được các nhà lập pháp đệ trình nhằm phản ứng lại việc giam giữ quy mô lớn những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác tại khu tự trị Tân Cương.
Hôm 14/5, Thượng viện đã thông qua dự luật, bỏ đi phần siết chặt kiểm soát xuất khẩu được đề xuất trong phiên bản do Hạ viện chấp thuận vào tháng 12 năm 2019.
Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ sẽ chuyển đến Hạ viện vào hôm nay 27/5 và dự kiến sẽ được xem xét mà không cần theo các quy tắc thông thường, một thủ tục thường được sử dụng để thông qua nhanh chóng một luật không có tranh cãi. Nếu Hạ viện phê chuẩn như dự kiến, dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống để ký thành luật. Ông có thể từ chối chấp thuận việc này, nhưng phủ quyết của Tổng thống có thể bị bác bỏ bởi hai phần ba thành viên của Quốc hội.
Đạo luật sẽ mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc về việc đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số ở miền tây Trung Quốc.
Cùng với các vấn đề nhân quyền nóng bỏng khác như Hồng Kông, dự luật Duy Ngô Nhĩ nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nhà lập pháp ở cả hai đảng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng viên Đảng Dân chủ bang California, đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc “ngược đãi và đàn áp không ngừng” những người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh gọi các trại giam giữ quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm huấn luyện giáo dục”, thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Khi Hạ viện Mỹ thông qua phiên bản trước của dự luật vào tháng 12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ “ngăn chặn dự luật này trở thành luật” và đe dọa các biện pháp trả đũa “tùy theo tình hình diễn tiến như thế nào”.
Nếu được ký thành luật, Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phát hành một báo cáo trong vòng 180 ngày xác định tất cả các cá nhân nước ngoài bị coi là chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, bao gồm tra tấn, giam giữ bất hợp pháp kéo dài, và “đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ”.
Tất cả tài sản tại Mỹ của những người này sẽ bị đóng băng, họ cũng sẽ không được phép đến Mỹ, mặc dù Tổng thống có thể ngừng việc trừng phạt trong một số tình huống nhất định.
Dự luật cũng yêu cầu chính quyền cung cấp cho Quốc hội các báo cáo chi tiết về những vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, những hành động của Bắc Kinh nhằm đe dọa và quấy rối các cư dân hoặc công dân Mỹ, và các tác động kinh tế và an ninh do các biện pháp của chính phủ Trung Quốc tại khu vực này.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên Đảng Cộng hòa bang Florida, nói rằng việc Thượng viện thông qua dự luật vào tuần trước đã gửi “một thông điệp rõ ràng đến các quan chức Trung Quốc rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ.”
Áp lực của Quốc hội lên nhánh hành pháp nhằm trừng phạt Trung Quốc về các trại giam giữ vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi chính quyền TT Trump đã ban hành một số biện pháp, bao gồm việc áp đặt trừng phạt vào tháng 10 năm ngoái đối với một số cơ quan chính phủ Trung Quốc và các đơn vị tư nhân có dính líu đến “những vi phạm và xâm phạm nhân quyền” tại Tân Cương.
Hôm 22/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng họ sẽ sớm bổ sung thêm 9 thực thể vào danh sách bị trừng phạt đợt đầu tiên, bao gồm Viện Khoa học Pháp y thuộc Bộ An ninh Công cộng Trung Quốc.
Gia Huy (theo SCMP)
Trung Quốc muốn sử dụng hệ thống truy dấu COVID-19 để giám sát công dân
Các quan chức Trung Quốc tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đang xem xét sử dụng hệ thống đánh giá sức khỏe trên điện thoại di động vốn được phát triển để truy dấu COVID-19 vào giám sát toàn diện công dân, theo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.
Công nghệ truy dấu COVID-19 qua ứng dụng trên điện thoại thông minh do một trung tâm công nghệ đặt gần thành phố Thượng Hải phát triển đầu tiên. Thượng Hải cũng một trong những thành phố đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ này để truy dấu COVID-19.
Ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh của người dân sẽ truy dấu lịch sử di chuyển và điều kiện sức khỏe của chủ nhân chiếc điện thoại và sau đó đưa ra thông báo người này có rủi ro nhiễm virus corona hay không.
Giới chức Trung Quốc cũng sử dụng các ứng dụng đánh giá sức khỏe dựa vào mã QR để quản lý hoạt động đi lại của người dân. Những người đã từng tới các điểm nóng về lây nhiễm virus corona sẽ bị liệt vào nhóm mã vạch màu đỏ và được yêu cầu phải tự cách ly. Trong khi đó, những người không di chuyển tới các vùng rủi ro sức khỏe, sẽ được cấp mã vạch màu xanh lá cây và họ được tự do đi lại.
Từ đầu năm 2017, báo chí Trung Quốc và quốc tế đưa tin chính quyền Trung Quốc đã sử dụng hệ thống tín nhiệm xã hội để chấm điểm công dân. Hệ thống này dựa vào hành vi của người dân từ mua sắm, làm và nói bất cứ điều gì để cho điểm tín nhiệm. Những người có điểm tín nhiệm thấp sẽ bị phạt, kể cả cấm di chuyển bằng máy bay.
Theo WSJ, chế độ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách “một lần bất tín, mãi mãi bị kiểm soát” của Chủ tịch Tập Cận Bình từ tháng 5/2017.
WSJ dẫn thông tin từ trang web của Ủy ban Sức khỏe thành phố Hàng Châu cho biết Ủy ban này hôm thứ Sáu (22/5) nói rằng họ đang xem xét duy trì vĩnh viễn ứng dụng truy dấu công dân qua điện thoại di động.
Lãnh đạo Ủy ban Sức khỏe thành phố Hàng Châu, ông Sun Yongrong cho hay: “Chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu lớn (big data) để đánh giá sức khỏe theo các nhóm trong các khu chung cư, các cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp”.
Thông tin về việc giới chức Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng truy dấu COVID-19 vào giám sát công dân đã nhận nhiều chỉ trích trên mạng xã hội Weibo (ứng dụng giống Twitter).
“Một khi quyền lực được ban bố, rất khó để rút lại. Một khi chúng ta từ bỏ quyền của mình do các hoàn cảnh đặc biệt, rất khó để lấy lại chúng”, một người dùng viết trên Weibo hôm thứ Hai (25/5).
Đáng chú ý, các quan chức và các công ty công nghệ lớn tại Mỹ cũng đang thiết kế nhiều công cụ tương tự như của Trung Quốc để ứng phó dịch COVID-19. Chẳng hạn, Apple và Google – hai gã khổng lồ của Thung lũng Silicon, đang cho phép hệ điều hành điện thoại thông minh của họ sử dụng công nghệ Bluetooth để truy dấu người dân. Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri đã lên tiếng khẳng định những công nghệ như vậy có thể bị lạm dụng và cuối cùng sẽ xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Daily Caller News cho biết họ đã liên lạc với Apple và Google để yêu cầu bình luận về các công cụ nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Các thống đốc bang và quan chức các thành phố tại Mỹ cũng đang triển khai máy bay không người lái (drone) xuất xứ Trung Quốc để giám sát người dân địa phương.
Chẳng hạn, Thị trưởng Christian Bollwage của thành phố Elizabeth, bang New Jersey đang cho phép giới chức thành phố này sử dụng nhiều máy bay không người lái do công ty DJI có trụ sử tại Trung Quốc tài trợ để cảnh báo công dân đang đi ngoài đường mà không thực hiện quy định giãn cách xã hội. Khi phát hiện người dân tập trung quá gần nhau, máy bay không người lái sẽ hú còi và phát đi cảnh báo bằng lời: “Dừng tụ tập, hãy giải tán và về nhà”.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng sử dụng ứng dụng truy dấu COVID-19 để ứng phó với đại dịch này. Tuy nhiên, mới đây quan chức EU đã nói rằng họ sẽ không sử dụng ứng dụng truy dấu COVID-19 để giám sát công dân.
Ủy viên Tư pháp EU, ông Didier Reynders hôm 14/5 tuyên bố rằng các ứng dụng truy dấu nguồn tiếp xúc dịch COVID-19 chỉ được sử dụng trong đại dịch và sẽ phải tự động hủy kích hoạt ngay khi cuộc khủng hoảng sức khỏe này kết thúc.
Ông Reynders đưa ra phát biểu trên tại phiên họp toàn thể các nghị sĩ EU nhằm xoa dịu những lo ngại liên quan tới việc giám sát nhà nước, khi các nghị sĩ một lần nữa bày tỏ quan ngại về việc các ứng dụng này có thể gây ra nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của người dân.
Như Ngọc (Theo Daily Caller News)