- Trí Đạt
Có nguồn tin từ nội bộ Bắc Kinh tiết lộ, hàng ngàn người bao gồm quốc an, công an của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bí mật tới tăng chi viện cho Hồng Kông, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Phó Trưởng phòng Công an tỉnh Quảng Đông cũng đã đến Hồng Kông để chỉ huy trấn áp người Hồng Kông.
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được đề xuất tại Hội nghị Nhân đại Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh kháng nghị mới của người Hồng Kông, lượng lớn người ra đường kháng nghị bị bạo lực và bắt giữ. Chỉ trong ngày 24/5, có ít nhất 180 người bị cảnh sát bắt giữ.
Tối ngày 25/5, tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Trung Hoàn (IFC), người dân Hồng Kông một lần nữa phát động hoạt động tập trung lớn phản đối “Luật Quốc ca”, khởi động cho hoạt động bao vây trụ sở chính phủ Hồng Kông vào ngày 27/5, tối ngày 25/5, người dân lần đầu tiên phát đi lời kêu gọi thỉnh cầu quân đội Mỹ đổ bộ đến Hồng Kông, bảo vệ người Hồng Kông.
Tuy nhiên, sóng gió “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” chưa dừng, ngày 26/5, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông khôi phục lại lần đọc thứ hai đối với “Dự luật Quốc ca”; nhằm cưỡng chế thực thi “Luật Quốc ca” của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông phối hợp “liên hoàn kế”, khiến người dân Hồng Kông càng phẫn nộ hơn, dẫn đến hàng loạt các hoạt động đấu tranh kháng nghị.
Sáng ngày 27/5, khoảng 3.000 cảnh sát chống bạo động dựng lan can, lưới sắt và xe chống bạo động tại khu vực Hội đồng Lập pháp. Đến 5:30 chiều cùng ngày, cảnh sát đã bắt giữ 300 người.
Mục đích chính quyền Bắc Kinh đoạt lại Hồng Kông
Đối mặt trước tình trạng cảnh sát Hồng Kông có hành động bắt giữ quy mô ngày càng lớn, nhân sĩ trong nội bộ ĐCSTQ hôm 27/5 đã tiết lộ thông tin với Epoch Times rằng Phó phòng Công an tỉnh Quảng Đông Lý Xuân Sinh đã đến Hồng Kông vào ngày 25/7, đích thân trấn thủ làm tổng chỉ huy tiền tuyến. Còn hệ thống Quốc an, Công an của ĐCSTQ cũng sớm phái hàng ngàn người đến Hồng Kông, lén lút vào Hồng Kông bố trí.
Một cựu quan chức ĐCSTQ am hiểu về tình hình ở cao tầng của Bắc Kinh tiết lộ, Bắc Kinh đã chuẩn bị cả nửa năm cho vấn đề này, kế hoạch sớm nhất được bắt đầu được tiến hành vào tháng Hai, cũng tức là sau khi Mỹ – Trung ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng Một, đã bắt tay vào tiến hành việc này, nhưng lại bị dịch viêm phổi Vũ Hán đột nhiên ập đến làm rối loạn tiết tấu.
Ông tiết lộ, nguyên nhân mà chính quyền Bắc Kinh muốn đoạt lấy Hồng Kông, vì họ cho rằng môi trường quốc tế ngày càng có xu hướng xấu đi, nhất là mối quan hệ Trung – Mỹ đã không thể nào khôi phục trong khoảng thời gian ngắn, mối quan hệ với các nước phương Tây khác cũng là cố hết sức duy trì. Hồng Kông lại càng có khả năng trở thành ván cầu để cho phương Tây can thiệp vào sự vụ của Trung Quốc, cho nên Bắc Kinh cho rằng cần đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” nhanh nhất có thể, nếu không sẽ hậu hoạn vô cùng.
Vị cựu quan chức này còn tiết lộ, cảnh sát vũ trang và các trang bị hậu cần, đã được chuyển đến doanh trại quân đội tại Hồng Kông. Công tác này là do Tiểu ban lãnh đạo công tác tác Hồng Kông và Ma Cao của Trung ương trực tiếp điều phối. Bên dưới có Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma cao, Bộ Mặt trận thống nhất, Bộ Tuyên truyền Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc an cùng phối hợp. Bắc Kinh cũng đã có nhiều chuẩn bị, nếu cần, có thể điều động bộ đội chi viện cảnh sát vũ trang Quảng Đông.
Quốc hội Trung Quốc nhất trí thông qua dự luật an ninh Hồng Kông
Theo Reuters, Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã bỏ phiếu với 2.878 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng, ủng hộ quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Ngay sau khi Bắc Kinh thông qua dự luật An ninh Hồng Kông chiều nay 28/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước động thái của Trung Quốc, một bước tiến được giới quan sát lo ngại sẽ gây xói mòn quyền tự chủ và tự do đặc biệt của đặc khu hành chính.
Trong một tuyên bố hiếm hoi được đưa ra vài phút sau khi dự luật an ninh được Quốc hội Trung Quốc phê duyệt, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ “cực kỳ quan ngại trước quyết định của Quốc hội Trung Quốc…”
“Nhật Bản từ lâu đã rất coi trọng việc duy trì một hệ thống tự do và cởi mở mà Hồng Kông đang được hưởng, cũng như sự phát triển dân chủ và ổn định của Hồng Kông trong khuôn khổ ‘Một quốc gia hai chế độ.’”
Cũng theo Reuters, chính quyền TT Trump đang đưa ra một loạt các lựa chọn để trừng phạt Trung Quốc về việc siết chặt quyền tự chủ và tự do tại Hồng Kông, bao gồm các biện pháp từ trừng phạt kinh tế, áp thuế, đến gia tăng hạn chế đối với các công ty Trung Quốc.
Theo các nguồn tin của Reuters, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc về việc sẽ áp dụng biện pháp nào đối với Trung Quốc sau đánh giá của Bộ Ngoại giao hôm 28/5 rằng Hồng Kông không còn đủ quyền tự trị để được đối xử đặc biệt theo luật của Mỹ – những ưu đãi đã biến hòn đảo trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên tiết lộ Washington vẫn chưa có quyết định cuối cùng về phản ứng với Bắc Kinh. Họ cho rằng mức độ của phản ứng sẽ phụ thuộc vào quy mô, phạm vi của luật an ninh mà ĐCSTQ sẽ thực thi ở Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong, thủ lĩnh đảng Demosisto, trên trang cá nhân đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng thể hiện sự phản đối chống lại dự luật, yêu cầu Trung Quốc rút lại dự luật.
Anh kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ, Châu Âu và Châu Á xem xét lại liệu tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông vẫn có thể được duy trì hay không, bởi khi luật được thực thi, Hồng Kông sẽ bị đồng hóa thành chế độ độc đoán của Trung Quốc ở cả phương diện luật pháp và bảo vệ nhân quyền.
“Tôi kêu gọi thế giới thực hiện mọi hành động cần thiết để gửi tín hiệu cảnh báo tới Trung Quốc về hành động bất chấp của mình,” Hoàng Chi Phong viết.
Trí Đạt