Giải tán Hội đồng liên chính phủ COAG
Tuyên bố ngày 19.5.2020 Thủ tướng Scott Morrison đưa ra một cải tổ lớn trong mối quan hệ giữa chính phủ liên bang với các chính quyền tiểu bang và lãnh thổ, hay giữa các tiểu bang với nhau. Đó là việc giải tán “Hội đồng liên chính phủ Úc (Council of Australian Governments: COAG) và thay vào đó sẽ tiếp tực cơ cấu “Nội các quốc gia” (National Cabinet), tức nội các liên bang với sự tham dự của các thủ hiến tiểu bang.
Mô thức làm việc này bắt nguồn từ tháng Ba để chính phủ liên bang và các tiểu bang có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý trong nỗ lực chống dịch Covid-19. Thành công của “Nội các quốc gia” đã khiến ông Morrison muốn duy trì nó, bãi bỏ lối làm viêc cũ.
COAG được nguyên Thủ tướng Paul Keating thành lập năm 1992 mỗi năm họp hai lần. Đầu tuần này Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian đã đề ra ý tưởng trên, cho rằng COAG không hữu hiệu vì quá kềnh càng, quan liêu, nặng nề với thủ tục hành chánh, cần thay thể bởi mô thức “Nội các quốc gia”. Đây cũng là yếu tố khiến COAG bị chỉ trích lâu nay và ông Morrison nhấn mạnh là những khiếm khuyết của COAG không hề xảy ra với nội các quốc gia.
Hiện tại “Nội các quốc gia” tiến hành hội họp mỗi hai tuần và không nhất thiết phải gặp nhau mà họp qua hệ thống video link. Trước đây “Nội các quốc gia” chú tâm vào việc chống di5hc và sắp tới sẽ chú tâm vào mục tiêu tạo công ăn việc làm. Khi đại dịch qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, “nội các này sẽ hội họp mỗi tháng một lần!
Úc vẫn không ngán Trung Quốc
Bất kể những lời đe dọa liên tục từ chính giới và truyền thông Trung Quốc về đòn trừng phạt kinh tế, Úc vẫn không ngán và ngày 29.5.2020 đã cùng ký tên trong tuyên bố chung cùng các nước Mỹ, Canada và Anh, đồng bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Tuyên bố chung này nêu rõ việc Trung Quốc tự trao cho mình quyền áp đặt luật an ninh quốc gia với Hồng Kông làm xói mòn sự tự chủ của Hong Kong và hệ thống từng giúp Hong Kong trở nên thịnh vượng. Tuyên bố cũng cho biết, quyết định của Trung Quốc xung đột với các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo các nguyên tắc ràng buộc pháp lý của Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh đã đăng bộ với Liên hiệp quốc. Tuyên bố cũng cho rằng, luật an ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ cản trở chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Úc cùng Mỹ, Anh, và Canada nhấn mạnh rằng giữa lúc cả thế giới đang tập trung chống lại đại dịch Covid-19 thì việc cần làm là củng cố lòng tin giữa các quốc gia và nâng cao sự hợp tác quốc tế, tuy nhiên Trung Quốc đã có hành động ngược lại.
Tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc hãy làm việc với chính quyền đặc khu hành chính và người dân Hong Kong để tìm ra một giải pháp được cả đôi bên chấp thuận phù hợp với các các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, trong tuyên bố chung của nước này với Anh trong hồ sơ của Liên Hiệp quốc.
Trong khi đó thì Úc cũng gián tiếp đối mặt với Trung Quốc tại các quốc gia khu vực khi tuyên bố tái trúc chương trình viện trợ.
Ngày 29.5.2020 Bộ Ngoại giao Úc đã công bố kế hoạch Đối tác phục hồi nhằm giúp đỡ các nước khu vực đối phó với dịch Covid-19, có hiệu lực trong hai năm tới.
Theo Ngoại trưởng Marise Payne và Tổng trưởng Phát triển quốc tế – Thái Bình Dương Alex Hawke thì dịch Covid-19 đang đặt các quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Thông qua kế hoạch Đối tác phục hồi, chính phủ Úc muốn mở ra một lĩnh vực hợp tác mới nhằm hỗ trợ các đối tác ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á đảm bảo an ninh y tế, phục hồi kinh tế và bảo đảm sự ổn định trong khu vực giai đoạn dịch Covid-19.
Để đạt được mục tiêu này, Úc sẽ thay đổi cấu trúc chương trình viện trợ phát triển, cắt giảm tiền dành cho các chương trình đòi hỏi phải có sự gặp mặt trực tiếp như các chương trình học bổng, thể thao, tình nguyện viên không thực hiện được do các nước không cho công dân ra nước ngoài để dành tiền cho lĩnh vực hợp tác mới.
Cụ thể, Úc sẽ sử dụng $280 triệu từ nguồn vốn để giúp trợ các nước Thái Bình Dương, Timor Leste và các đối tác khác tại Đông Nam Á giải quyết các thách thức về y tế, nhân đạo xuất hiện trong lúc phải đối phó với dịch Covid-19.
Papua New Guinea là được cho là quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất trong chương trình nhằm giúp quốc đảo này đối mặt với những vấn đề y tế, kinh tế, xã hội nảy sinh do đại dịch Covid-19. Ngoài Papua New Guinea, các quốc đảo Thái Bình Dương, Timor Leste và Indonesia được cho là những quốc gia sẽ được Astralia ưu tiên đưa vào chương trình này.
Theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao trong tài khóa 2019-2020 chính phủ Úc đã chi $4 tỷ cho viện trợ phát triển.
Nên kéo dài trợ cấp Jobkeeper sau tháng Chín
Càng ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ hãy gia hạn cho trợ cấp giữ việc Jobkeeper sau khi hết hạn vào ngày 28.5.2020, bằng không sẽ khiến nền kinh tế “rơi vào vực thẳm, trong đó người mới nhất là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia (RBA), ông Philip Lowe.
Lên tiếng hôm 28.5.2020 trước Ủy ban đặc trách đại dịch Covid-19 của Thượng Viện, ông cho rằng chương trình này nên kéo dài sau tháng 9 vì một sự chấm dứt đột ngột sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Trước đó, như VL đã thông tin, ngày 26.5.2020 Bí thư Hội đồng các nghiệp đoàn Úc (Australian Council of Trade Unions: ACTU) bà Sally McManus, cho rằng chính phủ liên bang phải xem xét tác động của việc chấm dứt kế hoạch trợ cấp JobKeeper. Bà nói: “Nếu chính phủ vẫn tiếp tục muốn chấm dứt trợ cấp JobKeeper vào cuối tháng Chín, điều đó sẽ gây tác động nặng nề cho rất nhiều người lao động. Và JobSeeker cũng không nên giống với trợ cấp Newstart mà chúng ta phải bảo đảm người lao động có những kỹ năng họ cần.”
Trước đó cũng có nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ hãy gia hạn cho trợ cấp giữ việc Jobkeeper sau, Kết quả thăm dò do News Corp công bố ngày 18.5.2020 trên 978 người thì có 50% ủng hộ, 28% phản đối và 31 % chưa có câu trả lời rõ ràng.,
Giám đốc Nghiệp đoàn bán lẻ toàn quốc (National Retailers Association), bà Dominique Lamb, cho rằng việc gia hạn trợ cấp Jobkeeper sẽ là tin vui cho nhiều cơ sở kinh doanh đang chật vật trong mùa dịch.
Bà Danielle Wood, người sắp nhậm chức giám đốc viện nghiên cứu chính sách công Grattan Institute, cho rằng có nhiều lý do để chính phủ gia hạn chương trình Jobkeeper sau ngày 18.9.2020.
Bà nói: “Tôi cực kỳ lo lắn về một tình trạng mà toàn bộ các loại trợ cấp của chính phủ cho nền kinh tế bị cắt giảm ngay một lúc. Quý vị sẽ bước vào một thế giới mà khoản tài trợ $120 tỷ , tương đương 25% của tổng sản lượng quốc gia, mà chính phủ bơm vào nền kinh tế trong quý ba (tháng Sáu đến tháng 9) tự dưng bị giảm xuống con số 0. Điều đó cực kỳ nguy hiểm cho nền kinh tế. Sẽ không có chuyện mọi việc vẫn như thường vào tháng 9 và do đó cần phải có một con đường chuyển tiếp để chương trình Jobkeeper thực sự có ý nghĩa”.
Theo bà Wood thì cần gia hạn thêm ba tháng cho chương trình này, tuy nhiên chính phủ cân phải cứu xét công ty nào thì nên được và công ty nào thì không cần thiết.
Bà Wood cũng bác bỏ những lo ngại rằng những chương trình như Jobkeeper sẽ gây ra tâm lý ỷ lại của giới làm ăn tại Úc. Bà nói: “Đây là một tình trạng kinh tế bất thường. Nó có quy mô lớn, nó có tốc độ nhanh chưa từng thấy. Đó là chuyện trăm năm một thuở.”
Nguy cơ tin tặc: Nên tài trợ và bắt buộc tiểu thương và công ty nhỏ bảo đảm an toàn mạng
Trung tâm Nghiên cứu hợp tác an ninh mạng Úc (Australia Cyber Security Cooperative Research Centre : CSCRC) vừa công bố một báo cáo đề nghị chính phủ chú trọng tới các giải pháp an ninh mạng trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo đó thì chính phủ cần phải vừa tài trợ, rừa ra luật để buộc các công ty nhỏ và vừa phải bảo đảm an toàn mạng: chính phủ phải làm vậy là để bảo đảm an toàn cho các công ty lớn và cả nền kinh tế.
Theo CSCRC thì đại dịch đã khiến nhiều công ty phải cho nhân viên làm việc online khiến các biện pháp an toàn mạng bị dễ phá vỡ, điều này có thể trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với chuỗi cung ứng quốc gia.
Vì chi phí an ninh mạng khá cao nên một số công ty nhỏ và vừa đã đánh liều, chấp nhận không nâng cấp hệ thống an ninh mạng. Nhưng tình trạng dễ thương tổn trong công việc bảo mật của các công ty này có thể trở thành mối đe dọa cho các công ty lớn đang cùng hợp tác kinh doanh với họ.
Các nghiên cứu của CSCRC còn cho thấy các biện pháp an ninh mạng của nhân viên làm việc tại nhà thường kém hơn so với ở cơ quan, nhiều nhân viên thiếu kiến thức trong công tác bảo vệ kỹ thuật số và thông tin cá nhân, tạo cơ hội để các tội phạm mạng có thể khai thác.
Thông qua các nhân viên làm việc tại nhà, tội phạm mạng có thể xâm nhập hệ thống của công ty. Nếu các công ty không có sự đầu tư vào bảo vệ an ninh mạng, những thông tin và tài liệu bảo mật của công ty sẽ bị đánh cắp.
Theo bà Rachael Falk, Giám đốc điều hành CSCRC, do các công ty nhỏ và công ty mới thành lập ít có khả năng chi trả những chi phí an ninh nên chính phủ cần tài trợ công ty trong nước.
Bà cũng lưu ý rằng tuần qua, ngày 22.5.2020 Trung tâm An ninh mạng Úc (Australian Cyber Security Centre: ACSC) đã ban hành các hướng dẫn mới cho các công ty liên quan đến cơ sở hạ tầng thiết yếu để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng.
Bà Falk cho rằng nước Úc có thể nắm bắt cơ hội này để đi đầu thế giới trong lĩnh vực này qua việc cải tổ pháp lý, thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng tối thiểu trong việc phối hợp giữa các kỹ nghệ và buộc các công ty thực hiện bổn phận phải bảo đảm an toàn mạng trong khuôn khổ pháp luật.