- Xuân Lan
Theo nguồn tin của SCMP, Trung Quốc được cho là đã lên kế hoạch xây dựng Vùng nhận diện phòng không (Air Defence Identification Zone – ADIZ) ở biển Đông từ năm 2010 và đang tìm thời điểm thích hợp để công bố.
Theo nguồn tin trong quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên kế hoạch thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông kể từ năm 2010. Đây cũng là năm Trung Quốc cân nhắc lập ADIZ ở biển Hoa Đông và đã thực sự thiết lập ADIZ tại khu vực này vào năm 2013, một động thái bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
ADIZ là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. ADIZ không đồng nghĩa với không phận của một quốc gia, nhưng nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng.
ADIZ của Trung Quốc được cho là sẽ bao gồm cả khu vực quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nguồn tin cho biết chính quyền Trung Quốc đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Giới quan sát quân sự cho rằng kế hoạch về ADIZ ở biển Đông của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á.
Trong khi Bắc Kinh dường như tỏ ra kín đáo về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm 4/5 rằng họ đã biết về các kế hoạch của Đại lục.
Lu Li-Shih, cựu giảng viên thuộc Học viện Hải quân Đài Loan, nói rằng việc xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo – đặc biệt là các phi đạo và hệ thống radar được xây dựng trên các rạn san hô Chữ Thập, Subi và Vành Khăn – đã diễn ra trong nhiều năm qua là một phần của kế hoạch ADIZ của Bắc Kinh ở biển Đông.
“Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 tại đá Chữ Thập,” ông Lu nói, đề cập đến những bức ảnh được chụp bởi ImageSat International của Israel và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Ông Lu cho biết thêm các cơ sở điều hòa không khí đang được xây dựng trên rạn san hô tại đây cho thấy các máy bay chiến đấu, vốn cần được bảo vệ khỏi nhiệt độ cao, độ ẩm và độ mặn, cũng sẽ sớm được triển khai.
“Một khi PLA triển khai máy bay chiến đấu ở đây, chúng có thể kết hợp với các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tuần tra chống ngầm để ngang nhiên thực hiện các hoạt động tuần tra ADIZ”, ông Lu bình luận.
Li Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh và là đại tá cấp cao của PLA đã nghỉ hưu, nói rằng các nước thường chờ đợi để công bố một ADIZ khi có đủ thiết bị, khả năng chiến đấu và cơ sở hạ tầng khác để quản lý. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đưa ra thông báo sớm hơn.
“Bắc Kinh đã công bố ADIZ ở biển Hoa Đông ngay cả khi PLA chưa có khả năng phát hiện, theo dõi và trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập”, ông Liu cho biết.
Một nguồn tin quân sự giấu tên khác của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh nhận thức rằng biển Hoa Đông lớn hơn Biển Đông rất nhiều và do đó sẽ cần nhiều nguồn lực hơn để tuần tra.
“Bắc Kinh còn do dự công bố ADIZ ở Biển Đông là bởi nhiều yếu tố cả chính trị, ngoại giao và kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề thực tế nhất đó là trước kia quân đội Trung Quốc không có khả năng triển khai máy bay chiến đấu để trục xuất máy bay ở Biển Đông, khu vực rộng gấp nhiều lần biển Hoa Đông và chi phí cho ADIZ ở đây sẽ rất lớn,” theo nguồn tin nói với SCMP.
Xuân Lan (theo SCMP)