Anh điều thêm 350 quân đến Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng ở Đông Âu

Alexander Zhang

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (bên phải) trình bày trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tại Bộ Quốc phòng ở trung tâm London hôm 07/02/2022. (Ảnh: Tolga Akmen/Pool/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Hai (07/02), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh sẽ điều thêm 350 quân lính đến Ba Lan để thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh Đông Âu của mình.

Trình bày tại một cuộc họp báo chung ở London với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak, ông Wallace cho biết Anh sẽ gửi thêm quân lính đến Ba Lan “để chứng tỏ rằng chúng ta có thể làm việc cùng nhau và gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Anh và Ba Lan luôn sát cánh bên nhau.”

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh có hơn 100,000 quân lính Nga được cho là đang tập trung ở biên giới phía đông Ukraine.

Ba Lan cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ở biên giới với Belarus, nơi mà nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko của nước này, cũng là đồng minh của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đã bị cáo buộc đưa người nhập cư trái phép qua biên giới này để gây sức ép lên Liên minh Âu Châu.


Bức ảnh phát hành không đề ngày tháng của quân đội Anh ở Ba Lan tại biên giới với Belarus, do Bộ Quốc phòng Anh cấp vào hôm 09/12/2021. (Ảnh: PA)

Anh đã có 100 Kỹ sư Hoàng gia ở Ba Lan để hỗ trợ cho quân đội Ba Lan với các nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể dọc theo biên giới của nước này và Belarus.

Ông Blaszczak đã hoan nghênh hành động điều thêm quân này của Anh.

Nói chuyện thông qua một phiên dịch viên, ông cho biết ông “rất biết ơn” chính phủ Anh vì sự hỗ trợ mà họ đã cung cấp trong “cuộc tấn công hỗn hợp” của chế độ Lukashenko vào Ba Lan.

Ông nói thêm rằng hiện nay đất nước của ông đang phải “đối mặt với một thách thức khác”, đó là “chính sách hung hăng của Nga đối với Ukraine.”

Ông nói: “Là một phần của NATO, nhưng cũng ở cấp độ song phương, Ba Lan và Anh sẵn sàng đưa ra tất cả các quyết định cần thiết để ngăn chặn kẻ xâm lược tiềm tàng này.”

“Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, chúng tôi thấy rằng chỉ cần một chính sách răn đe mang tính quyết định mới có thể ngăn chặn được bất kỳ hành động xâm lược tiềm tàng nào của Nga và, dựa trên chính lịch sử đó, chúng tôi thấy rằng chính sách xoa dịu này chỉ giúp khuyến khích kẻ thù tiềm tàng làm điều gì đó.”

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra lệnh khai triển thêm quân đội Hoa Kỳ đến Ba Lan, Romania, và Đức để chứng tỏ cho cả đồng minh và kẻ thù về cam kết của Mỹ đối với khu vực sườn phía đông của NATO.

Tổng cộng, khoảng 1,700 binh sĩ Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn Dù số 82 ở Fort Bragg, North Carolina, dự kiến sẽ được điều đến đóng quân ở Ba Lan.

Hôm 01/02, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm Kyiv để đề nghị hỗ trợ Ukraine.

Trình bày tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Johnson cho biết Anh và các đồng minh “sẽ luôn ủng hộ nền tự do, dân chủ, và chủ quyền của Ukraine khi đối mặt với hành động xâm lược này.”

Anh và các đồng minh phương Tây đã sẵn sàng tung ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga “ngay thời điểm mũi giày đầu tiên của Nga tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine,” ông nói.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts