- Mộc Lan
Dịch bệnh bùng phát đánh dấu bắt đầu một thời kỳ rối ren chính trị mới trong nội bộ đảng. Dường như giữa hai lãnh đạo đảng cao cấp nhất là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đang diễn ra một cuộc chiến ngầm. Một ngày sau khi kết thúc Lưỡng hội Trung Quốc, cư dân mạng bàn tán xôn xao về ba lần có cử chỉ lạ của Thủ tướng Lý Khắc Cường, được cho là gián tiếp thể hiện sự bất mãn với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tại “lưỡng hội” tháng 5/2020. (Ảnh: Getty Images)
Tại Lưỡng hội bị trì hoãn do dịch bệnh, chính quyền Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố áp dụng “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, đã gây nhiều hoảng loạn trong quần chúng và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Dự luật cho phép Bắc Kinh trực tiếp kiểm soát và thành lập một cơ quan an ninh ngay bên trong Hồng Kông để kiểm soát chính trị. Điều này được cho là vi phạm cam kết “không thay đổi trong 50 năm” của ĐCSTQ, phá hủy hoàn toàn “một quốc gia, hai chế độ”, khiến người dân Hồng Kông rơi vào tình cảnh nguy hiểm.
Ngày 28/5, Đại hội Nhân dân toàn quốc ĐCSTQ đã phê chuẩn Dự luật An ninh phiên bản Hồng Kông với 2.878 phiếu thuận, 6 phiếu trắng và chỉ 1 phiếu chống.
Tập Cận Bình nhấn đèn xanh (biểu quyết ủng hộ) bằng ngón trỏ, bên cạnh là Lý Khắc Cường đang nhấn nút bằng ngón giữa. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images).
Một số cư dân mạng đã đăng tải hình ảnh và bình luận: “Lý Khắc Cường biểu quyết bằng ngón giữa là để phát tín hiệu. Trung Nam Hải, mọi người đều biết ĐCSTQ sẽ làm gì trong hai hoặc ba tháng tới, và không ai muốn trở thành tội đồ của lịch sử. Căn cứ vào những điều này cũng không khó phán đoán hàm ý của Lý Khắc Cường.“
Có cư dân mạng bình luận: “Hành động dùng ngón giữa bỏ phiếu bầu của Lý Trung Đường đã nói lên tất cả.”
Tuy nhiên, cũng có cư dân mạng cho rằng: “Không cần phải diễn giải quá mức, hình ảnh này không giải thích bất cứ điều gì, có lẽ chỉ là hành động theo thói quen của Lý Khắc Cường.”
Ngoài ra, 4 giờ chiều ngày 28/5, trong cuộc họp báo với truyền thông, trả lời câu hỏi của phóng viên của Đài Truyền hình Phoenix, còn được gọi là kênh “Truyền thông Đảng Hồng Kông” (thân Bắc Kinh), phát biểu về “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ông Lý Khắc Cường đã có trả lời “ngắn gọn nhất trong lịch sử” chỉ với 118 từ, vỏn vẹn trong 45 giây.
Ông Lý nói, Chính phủ trung ương muốn thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” “toàn diện và chính xác”, “hỗ trợ” chính phủ đặc khu và đặc khu trưởng.
Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng Quốc hội Nhân dân toàn quốc đã thông qua quyết định về Luật An ninh Quốc gia, cho thấy chính quyền trung ương muốn “ổn định một quốc gia, hai chế độ”.
Trong lúc trả lời phóng viên, ông thậm chí đã phải ba lần liếc nhìn lại nội dung đã soạn có trên bàn.
Những biểu hiện ngập ngừng này khiến một số cư dân mạng nghi ngờ rằng đằng sau những câu chữ ấy là những suy nghĩ khác.
Cũng trong buổi họp báo, khi được hỏi liệu nhiệm vụ “xóa đói giảm nghèo” năm nay có thể hoàn thành theo kế hoạch hay không. Ông Lý nêu ra thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc là 30.000 Nhân dân tệ, nhưng có đến 600 triệu người chỉ kiếm được 1.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,2 triệu VNĐ/tháng). Số này rất khó khăn để chi phí 1.000 NDT tiền thuê trọ tại một thành phố cỡ trung bình, hơn nữa hiện còn đang trong mùa dịch.
“Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ngày càng nặng nề hơn vì một số người có thể lại rơi vào tình trạng nghèo đói do ảnh hưởng của dịch bệnh“, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết.
Ông Lý Khắc Cường còn cho biết hiện có khoảng 60 triệu người đang sống nghèo đói, sẽ cần nhờ vào trợ cấp an sinh xã hội hoặc các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ để tồn tại. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm trong năm nay.
Trong khi đó, hồi tháng Một đầu năm, truyền thông nhà nước đã tuyên bố phấn đấu GDP bình quân sẽ vượt qua con số 10.000 USD.
Đến cuối tháng Tư, nhóm nghiên cứu ngân hàng Trung ương đăng trên tờ “Tài chính Trung Quốc” cho biết thống kê bình quân mỗi gia đình thành phố có tổng tài sản là 3.179 triệu NDT với 1,5 căn hộ, trong đó 40% sở hữu hai căn hộ.
Theo kế hoạch của chính quyền, năm 2020 sẽ “Thực hiện toàn dân thoát nghèo” và “xây dựng xã hội trung lưu”. Bất chấp tình trạng kinh tế tiến thoái lưỡng nan dưới tác động của đại dịch, trong lần công tác tại Sơn Tây đầu tháng Năm vừa qua, ông Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh “Xây dựng một xã hội trung lưu toàn diện”.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới nhất, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phơi bày hiện trạng Trung quốc đang phải đối diện.
Một số cư dân mạng nhắc chuyện ông Tập Cận Bình đã quyên tặng 60 tỷ USD cho châu Phi, 2 tỷ USD cho Tổ chức Y tế Thế giới, 4 tỷ đô la Mỹ…
Về vấn đề này, một tài khoản Twitter “Mắt lạnh Tài chính” nhận xét: Kể từ khi bản Kế hoạch tăng trưởng “Kinh tế học Khắc Cường” năm 2013 bị Tập Cận Bình vùi dập, quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục bị thu hẹp, chưa kể đến so bì với “Sa hoàng kinh tế” Chu Dung Cơ, còn quá tệ so với Ôn Gia Bảo. Cho dù dùng ngón giữa bỏ phiếu bầu lần này hay nói sự thật về 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 Nhân dân tệ, có thể nói đó là một sự phản kháng, tát nước lạnh vào “giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020 của họ Tập. Điều này cho thấy Lý Khắc Cường đã không thể nhịn được nữa, và đấu đá nội bộ có thể sẽ càng gay gắt hơn trong tương lai.
Bài bình luận cũng nêu quan điểm, cùng lúc ông Lý Khắc Cường cũng “ném nồi” bỏ vấy trách nhiệm đối với suy thoái kinh tế và sinh kế tương lai của nhân dân bởi bị can thiệp chính trị thái quá từ ông Tập, đây được xem như một sự rút lui trước cho chính mình.
Trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, Tập – Lý luôn được nhắc đến như một liên minh khăng khít từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, các đồn thổi về phe nhóm và rạn nứt giữa hai người đang được nhiều chú ý trong những năm trở lại đây.
Cao điểm dịch viêm phổi lây lan, ông Lý Khắc Cường đã đến tâm dịch Vũ Hán làm tổng chỉ huy và hướng dẫn công tác chống dịch, nhưng thực tế hiếm khi thấy tờ báo nào đăng. Ngược lại phía chính phủ không ngừng nhấn mạnh Tập Cận Bình tự nói “đích thân chỉ huy, đích thân bố trí” phòng chống dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, đã có những bình luận từ ngoại giới rằng ông Lý Khắc Cường phải chịu thiệt thòi trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Ngoài ra, gần đây, trong nước xuất hiện không ít tiếng nói bất bình đối với ông Tập cố ý chia sẻ qua internet. Các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ vẫn im lặng về việc này.
Đáp lại câu hỏi của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, liệu mối quan hệ của Tập – Lý có thay đổi hay không, “Hồng nhị đại” Trần Bình, một người quen thuộc với tình hình chính trị ĐCSTQ đã trả lời: “Bất kỳ ai cũng có thể thấy rõ rồi!”
Mộc Lan