Tranh chấp biên giới với Ấn Độ, hành động khiêu khích của Trung Quốc gây lo ngại

Hương Thảo

Ảnh chụp màn hình video: youtu.be/iuwitwTBm9A.

Các hành động gây hấn của chính quyền Trung Quốc ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ đã gây lo ngại cho các nhà phân tích, đang theo dõi tình hình giao tranh giữa các nhóm tuần tra của hai nước láng giềng châu Á trong vài tuần qua, theo The Epoch Times ngày 31/5.

Nhiều cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra thời gian gần đây dọc theo 2.167 dặm biên giới tranh chấp được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) trên khu vực Ladakh, lãnh thổ phía đông dãy Himalaya của Ấn Độ, và khu vực Sikkim, lãnh thổ miền trung dãy Himalaya của Ấn Độ, mà cũng có chung biên giới với Bhutan.

Cuộc xung đột gần đây bắt đầu vào ngày 5 và 6/5, giữa các đội lính tuần tra biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực hồ Pangong Tso, nơi Ladakh gặp Tây Tạng, theo Trung tướng Gurmit Singh, cựu phó tư lệnh chỉ huy quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu sau 40 năm phục vụ.

“Vào ngày 5/5, trong một cuộc đối đầu có xô xát, họ đã đánh nhau. Vào ngày 9/5, một cuộc chạm chán khác ở khu vực phía bắc Sikkim giữa hai đội lính tuần tra, họ cũng lao vào choảng nhau. Bảy binh sĩ Trung Quốc và bốn binh sĩ Ấn Độ bị thương”, Tướng Singh nói với The Epoch Times qua điện thoại từ New Delhi.

“Kể từ đó, mức độ căng thẳng leo thang ở khu vực thung lũng Galwan, phía bắc của khu vực hồ Pangong Tso, và cũng ở khu vực phía đông Ladakh”, ông nói, thêm rằng tranh chấp tồn tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc vì mỗi quốc gia có một nhận thức khác nhau về LAC.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, người Trung Quốc đã dựng lên 80 đến 100 lều, kéo theo xe hạng nặng và vũ khí hạng nặng, và đã bắt đầu xây dựng các boongke trong thung lũng Galwan.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã triển khai binh lính trong khu vực. Một đường dây nóng vẫn mở giữa các chỉ huy quân đội địa phương Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông Ladakh, cùng với các kênh ngoại giao khác, tướng Singh nói. Ông cũng nói rằng quân đội Ấn Độ đã được cảnh báo: “Họ đã được chuẩn bị tinh thần”.

Phía Trung Quốc đang đổ lỗi cho Ấn Độ vì căng thẳng, nói rằng phía Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, điều mà người Ấn Độ đã phủ nhận, theo tờ Press Trust của Ấn Độ.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các tranh chấp lãnh thổ

Hành động của chính quyền Trung Quốc trong việc xây dựng các boongke dọc theo lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh là một chiến thuật mà nó đã sử dụng với các quốc gia khác mà nó có chung biên giới, theo bà Aparna Pande, một nhà nghiên cứu và giám đốc về Sáng kiến Tương lai của Ấn Độ và Nam Á của Học viện Hudson có trụ sở ở Washington, nói với The Epoch Times.

“Đây là chiến thuật của họ: Liên tục đẩy lên cao trào các tranh cãi về lãnh thổ, kiểm tra phản ứng của phía bên kia, sau đó xây dựng các boongke cố định và đồn trú ở đó. Sau đó, từng bước, từng bước bò lấn lên phía trước”, bà Pande nói thêm rằng chế độ Trung Quốc cũng hung hăng tương tự với Nhật Bản, Nga, Myanmar, Việt Nam và Philippines.

“Hãy nhớ rằng, Trung Quốc đang làm việc đó trên biển, tạo ra các đảo nhân tạo và tuyên bố lãnh thổ. [Chính quyền Trung Quốc] cố tạo ra những tuyên bố [chủ quyền] hư cấu”.

Tướng Singh nói rằng việc xây dựng boongke của quân đội Trung Quốc rất thâm hiểm bởi vì nó xảy ra trên khu vực LAC chứ không phải ở trên đường biên giới đã được ký kết, và đồng thời cũng có các sự vụ quan trọng khác trong khu vực lớn hơn.

Ông trích dẫn một ví dụ về con đường mà Ấn Độ khánh thành vào ngày 5/5 ở bang Uttaranchal, ở khu vực biên giới của Nepal và Trung Quốc, mà người Nepal đã phản đối, và một con đập mà Pakistan đang xây dựng ở Khyber Pakhtunkhwa thuộc Pakistan chiếm đóng, khu Jammu và Kashmir đang tranh chấp.

Con đập, được khánh thành vào ngày 2/5, nằm ở cùng khu vực nơi Trung Quốc và Pakistan đang xây dựng Hành lang kinh tế Trung-Pakistan, một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc từ Tân Cương đến bờ biển phía nam Pakistan. Con đập này là một liên doanh của Tập đoàn vũ trụ Trung Quốc (CGGC) và một công ty Pakistan, Descon Engineering.

Trong khi tướng Singh nói rằng “Tất cả các điểm này cần được kết nối với nhau” để phân tích tình hình, bà Pande của Học viện Hudson nói rằng chế độ Trung Quốc đang sử dụng Pakistan và Nepal để gây áp lực lên Ấn Độ.

Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng hòa giải tranh chấp biên giới

Bà Pande cho biết chế độ Trung Quốc đang cố gắng làm chệch hướng sự chú ý của thế giới khỏi đại dịch mà nó gây ra, bằng cách gây hấn như vậy ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

“Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng về phía biên giới trong những năm qua. Ấn Độ đã chậm chạp trong việc đó nhưng trong vài năm qua, Ấn Độ cũng đã làm rất nhiều công trình” gồm các đường băng, đường bộ, v.v. bà nói.

“Các hành động hiếu chiến của Trung Quốc là một nỗ lực ngăn chặn Ấn Độ củng cố biên giới. Bắc Kinh đang hy vọng sự chú ý của thế giới sẽ bị chuyển hướng khỏi COVID-19”.

Tổng thống Trump nói vào ngày 27/5 rằng Hoa Kỳ sẵn sàng làm trung gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giúp họ giải quyết tranh chấp biên giới đang diễn ra.

“Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng, sẵn lòng, và có thể hòa giải hoặc phân xử tranh chấp biên giới giữa họ!”, Tổng thốngTrump nói trong một tin nhắn trên Twitter.

“Mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không tìm kiếm bất kỳ sự can thiệp nào từ Hoa Kỳ hoặc cộng đồng quốc tế, nhưng lời đề nghị của Tổng thống Trump sẽ khiến Trung Quốc thất vọng”, bà Pande nói.

“Bắc Kinh sẽ khó chịu hơn với lời đề nghị này của Tổng thống Trump so với Delhi vì thực tế, Hoa Kỳ đang coi Ấn Độ và Trung Quốc là bình đẳng với nhau và đó là điều Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận”, ông nói.

Tướng Singh nói rằng có thể có nhiều lý do đằng sau sự xâm lược gần đây của Trung Quốc ở biên giới, đó có thể là tình hình chính trị nội bộ bên trong Trung Quốc, áp lực toàn cầu đối với chế độ Trung Quốc trong việc trả lời các câu hỏi về đại dịch, hoặc đó có thể là tình huống chiến tranh lạnh Mỹ – Trung.

Ông nói điều đó cũng có thể là vì Ấn Độ giữ vai trò lãnh đạo với tư cách là chủ tịch của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 22/5, hoặc vì nhiều quốc gia muốn Đài Loan được trao tư cách quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới.

Theo Venus Upadhayaya, The Epoch Times ngày 31/5
Hương Thảo dịch và biên tập

Related posts