Mỹ đã chặt đứt ‘vòi bạch tuộc’ của Trung Quốc tại Hồng Kông?

Nikkei Asean Review

Tâm Minh dịch


Trên thực tế, Hồng Kông có 5 vị thế đặc biệt đối với Mỹ và phương Tây, những vị thế mà đại lục chưa bao giờ có. Điều này khiến Hồng Kông trở thành nơi lý tưởng để chính quyền Trung Quốc đặt các “vòi bạch tuộc” hút dòng vốn quốc tế, xuất khẩu thương mại, nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao… nhằm thực thi “Giấc mộng Trung Hoa” của mình. 

Bằng việc tước các đặc quyền dành cho Hồng Kông và không thừa nhận Hồng Kông khác biệt với Trung Quốc đại lục, Tổng thống Trump đã chặt đứt các vòi bạch tuộc hút tiền, hút công nghệ, đẩy hàng hóa xuất khẩu thuế quan thấp… này của Trung Quốc. Nhưng vì sao Tổng thống Trump phải làm vậy nếu không phải vì chính Bắc Kinh đã lấy đá ghè chân mình?

Trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 29/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã chính thức thông báo tước các đặc quyền về thương mại và ngoại giao mà Washington dành cho Hồng Kông như một đặc khu tự trị, và đã chỉ đạo bắt đầu thực hiện “các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đối với việc tước quyền tự chủ của đặc khu hành chính Hồng Kông”, đồng thời ngừng cấp thị thực vào Mỹ cho các công dân Trung Quốc được xếp vào nhóm có nguy cơ đe dọa an ninh đối với công tác nghiên cứu khoa học của Mỹ, đồng thời thanh tra các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ.
Trước đây, Washington đã đối xử với Hồng Kông như khi thành phố này vẫn thuộc quản lý của Anh trước năm 1997, cho thành phố này nhiều đặc ân hơn các vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc.

Thế nào là vị thế đặc biệt của Hồng Kông?

Theo các điều khoản trao trả với Anh, Trung Quốc quản lý Hồng Kông dưới hình thức “một quốc gia hai chế độ”. Bắc Kinh đã ký cam kết cơ bản duy trì mức độ tự trị cao cho Hồng Kông tới ít nhất năm 2047, và điều này thiết lập nền tảng cho việc cộng đồng quốc tế tiếp tục dành những đặc quyền đặc biệt cho thành phố này.
Điều này đã cho phép Hồng Kông duy trì vị thế là một hải cảng tự do hấp dẫn các công ty trên khắp thế giới thành lập trung tâm giao dịch khu vực ở đó. Thành phố này duy trì hệ thống tài chính mở của riêng mình với đồng bản tệ neo vào đô la Mỹ và không có các kiểm soát vốn – điều càng hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty nước ngoài. Hồng Kông duy trì việc kiểm soát biên giới của riêng mình, và các công dân của họ mang những hộ chiếu khác với của người TQ đại lục – điều này cho phép họ có được nhiều thỏa thuận về visa thoải mái hơn với Mỹ và các quốc gia khác.
Giận dữ bởi việc lạm dụng cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông, Washington đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Điều này yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận liệu thành phố có duy trì được đủ sự tự trị để được hưởng đối xử đặc biệt hay không. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Không một người có lý trí bình thường nào có thể thấy Hồng Kông đang được duy trì mức độ tự chủ cao khỏi Trung Quốc, thực tế này rõ như ban ngày”.

Xuất khẩu hàng Trung Quốc từ Hồng Kông có mức thuế ưu đãi rất nhiều

Nhìn chung, hàng hóa từ Hồng Kông bị áp thuế nhập khẩu thấp hơn nhiều khi tới Mỹ so với hàng hoá từ đại lục. Nhưng vì đa số hàng hoá đến Mỹ đều xuất xứ từ Trung Quốc nên nó được đối xử như hàng hóa Trung Quốc.
“Thuế quan đối với hàng hoá sản xuất tại Hồng Kông lại khác nhiều”, Mark William – chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics – cho biết. Mỹ chiếm khoảng 8% hàng hoá xuất cảng của thành phố trong năm 2019, trong đó 77% là tái xuất khẩu từ Trung Quốc, theo Morgan Stanley.
Tuy nhiên, một sự thay đổi về vị thế của Hồng Kông có thể làm tăng thuế quan của Mỹ áp vào hàng hóa xuất khẩu từ Hồng Kông, khiến xứ Hương Cảng không còn hấp dẫn như một điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng.

Hồng Kông đã được sử dụng là nơi để nhập khẩu những công nghệ mà Trung Quốc không thể nhập trực tiếp

So với các đối tác ở đại lục, các công ty ở Hồng Kông được hưởng lợi do chịu mức kiểm soát lỏng hơn rất nhiều lên hàng hoá công nghệ nhập khẩu từ Mỹ, vì vậy Washington và các chính phủ khác lo ngại về việc Bắc Kinh tự do tiếp cận các sản phẩm mà có thể khiến họ tăng cường tiềm lực quân sự.
Nigel Inkster, Trợ lý trưởng và Giám đốc điều hành của Cơ quan Tình báo Anh cho biết: hàng ngàn công ty đại lục đã hiện diện tại Hồng Kông để được hưởng lợi từ đặc quyền của thành phố trong việc tiếp cận với các công nghệ của Mỹ và các nước. “Hồng Kông đã được sử dụng là nơi để nhập khẩu những công nghệ mà Trung Quốc không thể nhập trực tiếp”, theo ông Inkster, giờ là cộng tác viên của công ty nghiên cứu Enodo Economics.
Một cựu nhân viên Bộ Thương mại Mỹ nói rằng việc mất vị thế đặc quyền của Hồng Kông còn ảnh hưởng đến các trường đại học và các tổ chức khác đang nhập khẩu thiết bị và công nghệ từ Mỹ. Một viên chức Mỹ khác nói rằng vị thế thay đổi có thể dẫn đến sự thay đổi trong việc lựa chọn nơi đặt công ty, ví dụ như giữa Singapore và Hồng Kông.

Hồng Kông từng là nơi gọi vốn vay nợ của các công ty Trung Quốc

Việc mất đi vị thế đặc biệt được xem như là phản ánh những sự ngờ vực về việc tiếp tục quyền hành pháp của thành phố và sự tuân thủ các chuẩn mực quản trị toàn cầu, có thể xói mòn vị trí của thành phố như một trung tâm tài chính và trung tâm quản lý tài sản toàn cầu.
Vẫn có nhiều bản phân tích nói thành phố có thể thậm chí trở thành một nơi cần để gọi vốn và vay nợ cho các công ty Trung Quốc và xử lý các giao dịch quốc tế của họ khi Mỹ thắt chặt các kênh của họ đến thị trường tài chính.
“Nếu Hồng Kông duy trì dòng chảy vốn tự do và nghiêm túc bảo vệ quyền tài sản cá nhân, vị trí trung tâm tài chính quốc tế của nó có thể được duy trì”, nhà phân tích Edison Lee của Jefferies nói trong một bài viết gần đây. Weu Xongyou, một giáo sư chuyên ngành quốc tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải cho biết “Bắc Kinh có ít sự lựa chọn đối với Hồng Kông vì những nhu cầu tài chính của nó”, ông cũng lưu ý rằng “các thành phố như Thượng Hải hay Thâm Quyến cần rất nhiều thời gian để có thể đuổi kịp”.

Vị thế của Hồng Kông có thể ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc?

Những tác động tiềm tàng đối với Trung Quốc từ việc mất đi vị thế đặc biệt của Hồng Kông không chỉ dừng lại ở lợi ích về thương mại và tài chính, đặc biệt trong bối cảnh môi trường chính trị toàn cầu đang thay đổi thái độ đối với Bắc Kinh. Một tuyên bố quan ngại chung hiếm hoi giữa Anh, Mỹ, Canada và Úc đối với Luật An ninh đã hình thành nên một liên minh chống lại Trung Quốc.
Chính phủ Nhật, phía tương đối yên lặng với các vấn đề nhân quyền liên quan đến Trung Quốc, cũng đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước thái độ của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Việc này cũng tăng thêm khó khăn cho Trung Quốc trong chiến lược “một Trung Quốc” mà họ theo đuổi, đặc biệt trong bối cảnh vị Tổng thống hoài nghi Trung Quốc của Đài Loan, bà Thái Anh Văn, người chống lại “một quốc gia, hai chế độ” cho việc thống nhất chính trị với đại lục mới tái đắc cử.
Sự hiếu chiến mà Bắc Kinh và bộ máy của nó đang đối xử với Hồng Kông đã tăng thêm sự nguy khốn cho Trung Quốc, đẩy quốc gia này vào thế cô lập hơn bao giờ hết, giống như tự lấy đá ghè chân mình.

Trong một diễn biến khác, nghị quyết của Đảng Dân chủ Tự do của Nhật cũng đang gia tăng áp lực lên chính quyền của ông Abe trong việc suy nghĩ lại về chuyến viếng thăm Nhật đã từng bị hoãn và dự định thực hiện lại của ông Tập Cận Bình do “quan ngại sâu sắc và nghiêm trọng về dân chủ và tự do” tại Hồng Kông. “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ đối với tình hình nghiêm trọng này”, nghị quyết viết. Ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên cấp cao của chính phủ ông Abe, đã tiếp nhận nghị quyết và nói rằng chính phủ sẽ “xem xét nghiêm túc việc này”.
“Khoảng 1.400 công ty Nhật và 28.000 người Nhật đang hoạt động ở Hồng Kông”, ông Yasuhide Nakayama, trưởng ban đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do, cho biết. “Chúng tôi yêu cầu hành động phù hợp và kịp thời để bảo vệ các công dân của chúng tôi”

Nikkei Asean Review

Related posts