Lê Minh
Cuộc chiến Mỹ-Trung đang lên đến cao trào trong lĩnh vực tài chính, tử huyệt của Trung Quốc đã xuất hiện: có khả năng Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc bằng cách loại Bắc Kinh khỏi hệ thống thanh toán bằng đô-la Mỹ sau khi Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Giới chuyên gia tin rằng đòn trừng phạt này (nếu có) tương đương với việc thả “bom nhiệt hạch” vào hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài gần 3 năm qua đã leo thang thành cuộc chiến tài chính – tiền tệ với chính sách trừng phạt ngày một mạnh mẽ từ phía Mỹ. Các động thái chính sách của chính quyền Trump cho thấy Mỹ đã và đang thực thi sách lược cắt đứt mọi nguồn tài chính đổ vào Trung Quốc. Nhưng là cường quốc nắm trong tay nhiều công cụ tài chính – tiền tệ đến mức có thể làm chủ cuộc chơi, Mỹ hẳn sẽ không dừng lại ở việc ngăn chặn dòng tài chính của Mỹ và các nước đồng minh chảy vào Trung Quốc.
Khi áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho xứ Hương Cảng thì Trung Quốc chắc chắn phải đối mặt với các chỉ trích và đòn trừng phạt thương mại, ngoại giao từ Mỹ và phương Tây. Nhưng không chỉ vậy, một câu hỏi mới và rắc rối đột nhiên xuất hiện đối với Bắc Kinh: liệu chính quyền Trump có sử dụng sức mạnh của đồng đô-la Mỹ (USD) để làm tổn thương Trung Quốc như một đòn trừng phạt? Điều gì sẽ xảy ra đối với hệ thống tài chính – tiền tệ của Trung Quốc, với kho dự trữ ngoại tệ của nước này… nếu Mỹ loại các công ty của Trung Quốc và hệ thống tài chính của Bắc Kinh ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD?
‘Bom nhiệt hạch’ của Mỹ có thể tàn phá hệ thống tài chính đang tổn thương nặng nề của Trung Quốc
Mặc dù xác suất Trung Quốc sẽ bị đối xử như Nga hay Iran hiện vẫn được đánh giá là “ở mức thấp”, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đề cập đến các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Hồng Kông hoặc Trung Quốc, nhưng nguy cơ leo thang cuộc chiến tài chính Mỹ-Trung đang gia tăng. Trong đó, không thể loại trừ khả năng doanh nghiệp và tổ chức tài chính của Trung Quốc bị cắt khỏi khỏi hệ thống thanh toán đồng USD. Nếu điều này xảy ra, giới chuyên gia tài chính Trung Quốc tin rằng sẽ không khác gì bỏ một “quả bom nhiệt hạch” vào nền tài chính vốn đang rất mong manh của Bắc Kinh (theo South China Morning Post).
Các quan chức và nhà phân tích cho biết nếu Washington cắt đứt hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD, được củng cố bởi cơ sở hạ tầng như hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế Swift và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (Chips), thì nó có thể gây ra một cơn sóng thần tài chính mà sẽ đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào trạng thái chưa từng có.
“Đây rõ ràng là một lựa chọn hạt nhân của Hoa Kỳ”, một quan chức Trung Quốc tiết lộ sau khi được thông báo về các cuộc thảo luận nội bộ về cách đối phó của Bắc Kinh trước phản ứng có thể của Mỹ đối với luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. “Nó sẽ làm tổn thương Trung Quốc”. Quan chức này – người từ chối tiết lộ danh tính – cho biết là ở Bắc Kinh, kịch bản này vẫn được coi như là một sự kiện có xác suất thấp, và là phương sách cuối cùng. “Một hành động như vậy sẽ gần với một cuộc chiến tranh nóng hơn là chiến tranh lạnh” (South China Morning Post dẫn nguồn tin nội bộ).
Tác động tới các lợi ích là quá lớn vì nó có thể làm thay đổi nghiêm trọng bối cảnh kinh tế của thế giới trong nhiều năm tới.
Phụ thuộc vào USD – Trung Quốc khó “hung hăng”
Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc dựa vào đồng USD như một phương thức thanh toán cho hầu hết các hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế, với các tổ chức tài chính ở Hồng Kông thường đóng vai trò cửa ngõ. Việc Trung Quốc sử dụng đồng USD đã giúp Mỹ duy trì “đặc quyền quốc tế” của đồng USD – một cụm từ được sử dụng bởi cựu bộ trưởng tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing vào năm 1965 – trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Quan điểm của Bắc Kinh về đồng USD rất phức tạp. Một mặt, chính phủ Trung Quốc nằm trong kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, hơn một nửa trong số đó là tài sản bằng USD. Bắc Kinh cũng coi đồng USD là một loại tài sản chiến lược, họ hạn chế khả năng công dân Trung Quốc đổi nhân dân tệ (CNY) lấy đồng USD tối đa là 50.000 USD mỗi năm và cảnh giác với các công ty chuyển USD ra khỏi đất nước.
Mặt khác, trong thập kỷ qua Bắc Kinh đã cố gắng hết sức làm suy yếu sức mạnh của đồng USD. Cựu thống đốc ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã đề xuất vào năm 2009 rằng một loại tiền tệ có chủ quyền mới nên được tạo ra để thay thế đồng USD.
Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng CNY trong các khu định cư thương mại, họ đã thiết lập một thị trường ở Thượng Hải để giao dịch các hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng CNY, và họ đã phát triển một hệ thống thanh toán CNY xuyên biên giới, ký kết hàng chục giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương và thậm chí tạo ra ngân hàng đa phương của riêng mình.
Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ đạt được thành công hạn chế vì đồng USD vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thương nhân, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Việc sử dụng quốc tế của đồng CNY bị giới hạn so với đồng USD – con số mới nhất từ hệ thống Swift cho thấy đồng CNY chỉ chiếm 1,66% giao dịch thanh toán quốc tế so với 43% của USD.
Ngoài ra, hơn 70% giao dịch thương mại sử dụng CNY trong thanh toán quốc tế diễn ra tại Hồng Kông, nơi có hệ thống tài chính và tiền tệ riêng biệt với đại lục. Bởi vì đồng đô-la Hồng Kông có tỷ giá neo theo đồng USD và có thể tự do chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác, nó phục vụ như một phương tiện để Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Mối lo ngại đang gia tăng rằng Hoa Kỳ có thể quyết định làm suy yếu hoặc thậm chí phá vỡ các liên kết này, tước quyền tiếp cận tài trợ toàn cầu của Trung Quốc trong khi làm suy yếu vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế.
Nếu Mỹ tung ‘bom nhiệt hạch’: không chỉ Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương cũng tăng thêm rủi ro thanh khoản đồng USD do lỡ tin tưởng vào Bắc Kinh
Dù không có sức mạnh với đồng USD như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Nhân dân Trung quốc (PBoC) đã vượt trên cả FED về tổng giá trị hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với hơn 20 ngân hàng trung ương (NHTW) các nước lên tới 523 tỷ USD: đổi đồng CNY lấy USD (cũng chỉ là ngoại tệ dự trữ) tại PBoC. Tổng giá trị hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của PBoC hiện đã gấp 20 lần so với thời điểm năm 2008 (25 tỷ USD). Các NHTW tin tưởng và ký kết hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với PBoC hầu hết là NHTW các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
PBoC lấy được niềm tin của NHTW các nước nhờ vào khoản dự trữ ngoại hối ở mức hơn 3.800 tỷ USD thời đạt đỉnh cao (2015) và hiện chỉ còn 3.107 tỷ USD. Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc cũng như PBoC tích cực tuyên truyền về triển vọng kinh tế xán lạn và đưa ra các con số thống kê được “làm đẹp” về tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới, nợ xấu ở mức an toàn (hiện mới 2,08%), tăng trưởng 2 con số và “hình thế xã hội tốt đẹp, ổn định” cũng là nguyên nhân giúp PBoC mở rộng “phối hợp” và có vai trò dẫn dắt trong thị trường công cụ phái sinh ổn định thanh khoản nếu nền kinh tế các nước đối tác thiếu hụt đồng USD.
Khi ký hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với FED, NHTW nước A chỉ cần đổi đồng nội tệ của họ trực tiếp lấy USD của Mỹ. Còn khi ký với PBoC, NHTW nước A dự trữ bằng đồng CNY của Trung Quốc, họ đổi CNY của Trung Quốc lấy USD tại thời điểm khủng hoảng thanh khoản. Đây chính là mấu chốt rủi ro lớn với cả đồng CNY của Trung Quốc (đe dọa giảm giá của đồng CNY khi khủng hoảng) và cả nguy cơ NHTW nước A không nhận được đồng USD mà họ đang cần gấp để hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế của họ nếu PBoC thất tín.
Do vậy, nếu lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump về loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán đồng USD thì sức tàn phá của “lựa chọn hạt nhân” này sẽ không chỉ ở Trung Quốc. NHTW các nước và đối tác kinh doanh của Trung Quốc hẳn là sẽ sớm có động thái chính sách ứng phó để ngăn rủi ro từ Trung Quốc tác động tới khả năng thanh khoản đồng USD của mình.
Mỹ từng cắt doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD – nhưng chưa trừng phạt trên diện rộng
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với một số công ty và ngân hàng Trung Quốc trước đây. Zhuhai Zhenhua, một công ty dầu khí nhà nước, đã bị trừng phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trong khi Ngân hàng Kunlun cũng bị cắt khỏi hệ thống thanh toán của Mỹ. Nhưng các biện pháp trừng phạt này thường được nhắm mục tiêu cụ thể mà chưa áp dụng ở mức độ rộng hơn với cả hệ thống tài chính hay toàn bộ doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về quyền lực của đồng USD. Thủ tướng Trung Quốc thời kỳ trước, ông Ôn Gia Bảo, nói vào tháng 3 năm 2009 rằng ông đã “hơi lo lắng” về vấn đề an toàn của lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ khổng lồ mà Trung Quốc nắm giữ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng tiền tệ bất thường – bơm tiền trực tiếp vào hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và chứng khoán có thế chấp – để chống khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Quyết định của NHTW năm nay sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng trong nỗ lực giúp nền kinh tế Mỹ sống sót sau đợt bùng phát coronavirus đã một lần nữa làm tăng sự chú ý ở Trung Quốc.
Huang Qifan, cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, cho biết hồi tháng 5 rằng Hoa Kỳ “không nên liên tục phát hành nợ cũng như nới lỏng định lượng vô hạn” vì rủi ro của nó đối với giá trị của đồng USD.
Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng trên 25 nghìn tỷ USD từ 22 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 12. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhanh chóng vào mua trái phiếu kho bạc, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp và thậm chí tín dụng doanh nghiệp, để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Họ cũng đã mở các loại hình cho vay mới đối với các NHTW nước ngoài để giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm USD trên thị trường tài chính quốc tế, bao gồm cả Hồng Kông.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang kêu gọi tăng tốc nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào đồng USD. Li Yang, một thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người đã tư vấn cho NHTW, góp ý trong một diễn đàn trực tuyến vào tháng 5 rằng Trung Quốc phải tăng tốc quốc tế hóa đồng CNY và sử dụng sức mạnh kinh tế của nó để thúc đẩy vai trò của đồng tiền này ra nước ngoài trước những rủi ro bất lợi trong lĩnh vực tài chính.
Lê Minh