Trần Mộng Tú
Shawn hé màn cửa nhìn ra ngoài đường. Buổi sáng bên ngoài đẹp quá, nắng tháng 6 đang nhấp nhánh trên những ngọn cây trước của nhà, anh thấy thèm được đi bộ trong xóm quá. Cả tuần nay anh không dám ra đường mặc dù anh có thật nhiều giờ rảnh rỗi. Dịch Covid.19 đã đưa anh vào tình trạng “Tạm ở nhà cho tới khi hãng mở cửa lại”.
Thành phố này là thành phố anh lớn lên, gia đình anh đã ở Nashville 54 năm rồi và anh thì cũng đã 29 tuổi, nhưng sao anh vẫn thấy không ai thân thiện với mình, có phải vì màu da của anh là thiểu số trong khu xóm này. Mỗi khi anh ra đường, anh đều gặp những con mắt thiếu thiện cảm nhìn mình, những cái xe trong xóm hình như cũng rụt rè khi đi qua anh. Đường phố có thay đổi đẹp hơn, nhà cửa mới hơn nhưng người da đen ít đi và người da trắng dọn vào. Gia đình anh là một trong những thành phần người da đen ít ỏi còn lại. Anh lớn lên với tất cả mặc cảm của thiểu số da đen còn lại trong khu Nam-12 của thành phố Nashville này.
Mỗi một năm đi qua và anh lớn lên anh có cảm tưởng bao giờ anh cũng được nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm của hàng xóm, bao giờ anh cũng là “Một tên da đen đáng nghi ngờ.” Anh thấy anh không được chấp nhận ngay trong chính khu xóm của mình.
Cảm giác này càng nặng nề hơn khi anh nghe tin Ahmaud Arbery, người đàn ông da đen ở Georgia bị bắn chết khi đang chạy bộ ngoài phố, rồi bây giờ tới anh chàng da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè cổ nghẹt thở cho đến chết bởi một cảnh sát da trắng. Anh tự hỏi: “Bao giờ thì tới phiên mình đây? Chuyện xẩy da cho hai anh da đen đó được thì cũng có thể xẩy ra cho mình.” Anh thú nhận: “Tôi thấy sợ không dám bước ra khỏi hàng hiên trước cửa nhà.”
Shawn thèm muốn được bước ra khỏi hiên nhà, thèm được đi một vòng trong xóm. Nhưng xóm anh nơi có bảng “Nextdoor” để hàng xóm muốn liên lạc với nhau thì gắn những cái notes lên đó, anh thường đọc được cái giấy có hàng chữ: Coi chừng tụi da Đen.
Shawn suy nghĩ lung lắm, ý nghĩ được đi bộ trong xóm thôi thúc anh, anh thu hết can đảm viết lên facebook và gắn cả note lên bảng Nextdoor của xóm mình:
“Hôm qua, tôi thèm được đi bộ trong xóm mình, nhưng tôi sợ tôi không được sống sót trở về với gia đình nên tôi không dám rời khỏi hiên nhà.”
Một bất ngờ xẩy ra. Hàng xóm thi nhau hồi đáp anh, họ sẵn sàng cùng bước với anh, cùng sánh vai anh đi bộ trong xóm hay xa hơn thế nữa. Shawn vô cùng ngạc nhiên vì có người anh chưa hề gặp hay nói chuyện với họ bao giờ.
Hàng xóm, hàng xóm, cứ thế tràn vào trang facebook của anh: Chúng tôi sẵn sàng cùng bước với anh.
Ngày thứ năm vừa qua, anh nhắn tin: 6 giờ chiều nay tôi sẽ đi bộ, xin mời bất cứ ai muốn cùng đi với tôi, hãy tới.
Shawn cột giây giầy, nhẩy sải chân dài qua hiên đến địa điểm hẹn ngay cạnh bãi đậu xe của khu xóm.
Anh đã thấy có tới 75 người đứng đợi anh.
Thật quá sức tưởng tượng của anh, anh lặng người, không nói lên lời. Tôi không bao giờ nghĩ những người này lại muốn cùng đồng hành với tôi.
Anh dẫn đầu cả nhóm theo anh cùng đi bộ gần một tiếng đồng hồ. Anh cảm động quá, anh nói: “Người nào cũng mang khẩu trang, nên mình chỉ nhìn thấy một biển người, mình cũng chẳng nhìn thấy màu da của họ nữa.”
Trưởng xóm Meitra Aycock 52 tuổi, cũng có mặt trong nhóm đi bộ nói: “ Tôi rất ấm lòng khi thấy Shawn hòa nhập được với người cùng xóm. Anh ấy chắc đã ôm bao nhiêu nỗi u uẩn trong lòng vì bấy lâu nay nghĩ mình bị đối xử quá tệ. Thật là tốt đẹp và ý nghĩa khi thấy anh ta đã thoải mái, tự tin.”
Carol Ashworth là cư dân của khu 12 South này, bà 62 tuổi, cũng tham gia đi bộ cùng Shawn, bà ở đây đã 20 năm và thấy rõ là người da trắng từ từ dọn vào và da đen phải dọn ra. Bà rất thông cảm với Shawn vì khu xóm này đã thay đổi hoàn toàn gần như của người da trắng và những cảnh báo “Cảnh giác với da đen” khiến anh ta không thoải mái.
Carol đã trả lời ngay khi đọc tin nhắn muốn được đi bộ trong xóm, bà biết nỗi sợ hãi của anh và sẵn sàng giúp anh bớt sợ.
Bây giờ hai người đã thành bạn, anh ấy đã mang hoa tới cho tôi và chúng tôi cùng đi dạo nhiều lần với nhau.
Cả hai sẽ tiếp tục tổ chức đi bộ nhóm với nhau trong xóm và xa hơn nữa họ sẽ vượt ra ngoài cộng đồng mình.
Shawn muốn đi bộ khắp đất nước, bắt đầu từ Brunswick, Ga., nơi Arbery bị giết; Miami Gardens, Fla., nơi Khayvon Martin sống trước khi anh ta bị bắn chết vào năm 2012; và Cleveland, nơi cuộc sống của Tamir Rice đã được kết thúc vào năm 2014.
Cuối cùng Shawn nói: Tôi cảm thấy như tôi là một phần của một cái gì đó.
Anh hy vọng câu chuyện của mình sẽ khuyến khích người khác cùng bước với nhau trong tình đoàn kết và sức mạnh. Vì khi đi bộ với hàng xóm, mình nhìn thấy nhau, thế giới sẽ trở thành nơi tốt đẹp hơn.
Trần Mộng Tú
(Theo: Today’s most popular stories on The Washington Post- Jun.3rd-2020)