- Gia Huy
Khi sự thù địch của Mỹ ngày càng leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ đối ngoại “đa dạng hơn” trong giai đoạn “toàn cầu hóa đang bên bờ sụp đổ” để có thể tiếp tục phát triển nhanh chóng. Đó là nhận định của Cai Fang – Phó Chủ tịch của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là cố vấn học thuật cho Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc 50.
Duy trì vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là mối quan tâm chính của Bắc Kinh thời kỳ hậu virus corona, đặc biệt kể từ khi Washington ngày càng trở nên quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Cai Fang, Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn chính phủ do nhà nước tài trợ, đã nói với SCMP.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự hợp tác quốc tế và các chuỗi cung ứng công nghiệp đa dạng hóa hơn. Mỹ càng đẩy nhanh việc tách rời, Trung Quốc càng đẩy nhanh xu hướng này,” ông nói.
Ông Cai là một chuyên gia về kinh tế và là một trong những kiến trúc sư hàng đầu cho các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Ông là cố vấn học thuật cho Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc 50, một tổ chức tư vấn chính phủ ủng hộ cải cách do Phó thủ tướng Lưu Hạc, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng sáng lập.
Cuối tuần qua ông Tập đã nói rằng thị trường trong nước “sẽ đóng vai trò chủ đạo” đối với Trung Quốc trong tương lai, báo hiệu việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình mới phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa.
“Ông Tập nói rằng thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua, và cốt lõi của những thay đổi này là trọng tâm đang chuyển từ Tây sang Đông,” ông Cai nói thêm. “Đó không chỉ là sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà còn là những thay đổi khác – sự đóng góp của các quốc gia đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu và tiếng nói của họ trong việc quản trị toàn cầu đang tăng lên.”
“Mỹ sẽ [cố gắng] ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc … Đó là điều Trung Quốc không thể thay đổi. Động cơ mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc sẽ tiếp tục ở các chính quyền tương lai [ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump].”
Quan điểm của ông Cai là đại diện cho sự đồng thuận ngày càng tăng trong giới hoạch định chính sách Bắc Kinh. Dù Trung Quốc muốn hay không, Washington đang trở thành một kẻ thù và do đó Trung Quốc phải cắt giảm sự phụ thuộc của họ.
Trung Quốc bị chính quyền TT Trump coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” kể từ đầu năm 2018. Mỹ đã tìm cách ngăn chặn việc bán phần mềm và phần cứng do Mỹ sản xuất cho các công ty công nghệ hàng đầu do Bắc Kinh hậu thuẫn, ngoài ra còn đưa ra các ưu đãi để lôi kéo các nhà sản xuất Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đã đẩy Mỹ xuống hàng thứ ba trong số các điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Trong bối cảnh quốc tế mới, các chính sách của Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy các công ty và sản phẩm của chính họ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, ông Cai nói.
“Trước đây việc mở cửa được hiểu là chỉ liên quan đến thị trường nội địa. Nay không còn nữa. Thay vào đó, các doanh nghiệp, các sáng chế và sản phẩm của chúng tôi cần đi ra ngoài và chứng tỏ mình trong những thị trường quốc tế – Đó là một sự mở cửa mới ,” ông nói.
Ông Cai cũng nhận định rằng các chuỗi cung ứng quốc tế vận hành rất phức tạp, nên sự thống trị của Trung Quốc sẽ không thể bị thay đổi chỉ sau một đêm. Trung Quốc vẫn nắm lợi thế về cả quy mô và kỹ năng của lực lượng lao động, trong khi họ vẫn còn cơ hội và tiềm năng để hoàn thiện việc đổi mới công nghệ. Thị trường nội địa Trung Quốc với 1,4 tỷ dân cũng có thể duy trì hướng phát triển của họ, ông nói thêm.
“Trước tiên chúng tôi phải làm tốt những việc của chính mình, bởi vì tiềm năng [phát triển] của chúng tôi vẫn chưa được hiện thực hóa đầy đủ,” nhà kinh tế này cho biết.
Mặc dù một phần lớn trong kế hoạch kích thích kinh tế 3,6 nghìn tỷ NDT (503 tỷ USD) của Bắc Kinh được công bố tuần trước sẽ được dùng để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới, ông Cai nói rằng đợt phát động xây dựng mới này là nhỏ so với gói cứu trợ kinh tế được thông qua năm 2008 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Tốt hơn nên gọi nó là chương trình cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ gia đình,” ông nói.
Nạn dịch virus corona cũng tấn công thị trường việc làm Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đô thị được khảo sát chính thức ở mức 6% trong tháng Tư, nghĩa là gần 30 triệu công nhân Trung Quốc hiện đang thất nghiệp.
Ông Cai thừa nhận rằng nhiều công nhân nhập cư không được bao gồm trong con số thất nghiệp chính thức, bởi vì họ bị buộc phải ở nhà vì những hạn chế do virus corona.
“Một giải pháp cơ bản là cho phép nhiều công nhân nhập cư ở nông thôn hơn được định cư tại các thành phố và được đưa vào hệ thống an ninh xã hội đô thị,” ông đề xuất.
Gia Huy (theo SCMP)