Hoa Kỳ và NATO phản hồi các yêu cầu của Nga sau khi Moscow cảnh báo về ‘các biện pháp trả đũa’

Mimi Nguyen Ly

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói về Nga và Ukraine trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 26/01/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/Pool/AFP/Getty Images) Hoa Kỳ

Hôm thứ Tư (26/01), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ và liên minh an ninh NATO của phương Tây đã phản hồi các yêu cầu an ninh của Nga bằng các tuyên bố riêng biệt bằng văn bản, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được giải pháp về tình hình ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Hồi tháng 12/2021, Nga yêu cầu NATO không bao giờ cho phép Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác gia nhập với tư cách là thành viên, đồng thời yêu cầu các thành viên NATO rút lại các hoạt động khai triển quân đội ở khu vực Trung và Đông Âu. Kể từ đó, Moscow cũng đã điều động 100,000 quân cùng xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác tới vùng biên giới phía đông bắc của Ukraine, nhưng lại phủ nhận việc họ đang lên kế hoạch tấn công.

Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh NATO đã từ chối các yêu cầu của Nga nhưng đã đưa ra một số đề nghị và đang tìm kiếm [giải pháp] đối thoại với Moscow.

Hôm thứ Tư (26/01), ông Blinken nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên bang Nga John Sullivan đã trực tiếp chuyển văn bản phúc đáp của chính phủ Tổng thống Biden cho Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow. Ông cho biết các đề nghị mà Hoa Kỳ đưa ra có thể giải quyết các mối lo ngại của Nga đồng thời tăng cường an ninh của các quốc gia thành viên NATO.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan bước vào tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, Nga, hôm 26/01/2022. (Ảnh: AP Photo/Alexander Zemlianichenko)

Trong tài liệu gửi cho Moscow, chính phủ Tổng thống Biden đã nêu rõ các nguyên tắc cốt lõi mà Hoa Kỳ cam kết bảo vệ, bao gồm “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn các thỏa thuận và liên minh an ninh của riêng họ,” ông Blinken nói với các phóng viên.

Ông Blinken cho biết: “Chúng tôi đã đề cập đến khả năng có các biện pháp minh bạch có qua có lại liên quan đến tình hình lực lượng ở Ukraine, cũng như các biện pháp tăng cường lòng tin liên quan đến các cuộc tập trận và diễn tập ở Âu Châu.”

Ông cũng nói thêm: “Và chúng tôi sẽ giải quyết các lĩnh vực khác mà chúng tôi thấy có tiềm năng tiến triển, trong đó có kiểm soát vũ khí liên quan đến hỏa tiễn ở Âu Châu, mối quan tâm của chúng tôi về một thỏa thuận tiếp theo sau hiệp ước New START mà sẽ bao gồm toàn bộ vũ khí hạt nhân, và các cách để tăng tính minh bạch và sự ổn định.”

Theo hiệp ước New START, Hoa Kỳ và Nga đều sẽ bị giới hạn ở một định mức các đầu đạn chiến lược và vũ khí mang đầu đạn hạt nhân được khai triển ngang bằng nhau.

Ông Blinken cho biết các phản ứng của Hoa Kỳ đối với Moscow đã được “phối hợp toàn vẹn với Ukraine và các đồng minh và đối tác Âu Châu của chúng tôi.”

“Tôi dự kiến sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng [Nga] Lavrov trong những ngày tới sau khi Moscow đã có cơ hội đọc văn bản này và sẵn sàng thảo luận về các bước tiếp theo,” ông Blinken nói. “Không còn nghi ngờ gì nữa về mục đích nghiêm túc của chúng tôi khi nói đến vấn đề ngoại giao, và chúng tôi đang hành động bằng sự tập trung và lực độ như nhau để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine và chuẩn bị một phản ứng nhanh chóng, thống nhất trước sự xâm lược hơn nữa của Nga.”

Ngay sau cuộc họp báo của ông Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến rằng liên minh này đã gửi một văn bản phúc đáp riêng cho Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói chuyện trong một cuộc họp báo chung tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, hôm 24/01/2022. (Ảnh: John Thys/AFP/Getty Images)

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng có ba lĩnh vực chính mà NATO nhận thấy có khả năng tiến triển — mối liên hệ NATO-Nga; an ninh Âu Châu; và việc giảm thiểu rủi ro, có sự minh bạch, và kiểm soát vũ khí.

Ông kêu gọi thiết lập lại liên lạc và quan hệ ngoại giao giữa Nga và liên minh 30 thành viên này để giúp cải thiện mối liên hệ và ngăn ngừa các sự cố hoặc tai nạn quân sự.

Ông cũng nói rằng NATO đã chuẩn bị để tiếp xúc với Moscow trong “một cuộc trò chuyện thực chất về cách duy trì và củng cố các nguyên tắc căn bản của an ninh Âu Châu.”

Ông lưu ý rằng: “Điều này bao gồm quyền của mỗi quốc gia trong việc lựa chọn các thỏa thuận an ninh của riêng mình,” ông lưu ý, đồng thời kêu gọi Moscow “kiềm chế việc sử dụng vũ lực cưỡng ép, có lời lẽ gây hấn, và các hoạt động ác ý chống lại các nước Đồng Minh và các quốc gia khác.”

Ông nói thêm: “Nga cũng nên rút các lực lượng của mình khỏi Ukraine, Georgia, và Moldova, nơi họ khai triển mà không có sự đồng ý của các quốc gia này.”

Ông Stoltenberg cũng đưa ra một loạt cách tiếp cận để tăng cường tính minh bạch của quân đội và thảo luận về việc kiểm soát vũ khí — bao gồm cả vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn. Ông nói: “Những lĩnh vực này đại diện cho một nghị trình đối thoại có ý nghĩa và tôi đã mời các nước Đồng Minh và Nga tham dự một loạt cuộc họp để thảo luận chi tiết hơn về tất cả những vấn đề này tại Hội đồng NATO-Nga.”

Ông Stoltenberg cho biết giống như Hoa Kỳ, NATO đã bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn tư cách thành viên.

“Chúng tôi không thể và sẽ không thỏa hiệp các nguyên tắc làm nền tảng cho an ninh của liên minh chúng tôi cũng như an ninh ở Âu Châu và Bắc Mỹ,” ông nói và cho biết thêm sau đó, “Đây là về việc tôn trọng các quốc gia và quyền lựa chọn con đường của riêng họ.”

Phản ứng của Nga

Hôm thứ Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng thông tấn Interfax rằng Nga sẽ “nghiên cứu” lời đề nghị của NATO.

Ông nói rằng, “Chúng tôi sẽ đọc nó. Nghiên cứu nó. Các nước đối tác đã nghiên cứu dự định của chúng tôi trong gần một tháng rưỡi.”

Trước những phản hồi về các yêu cầu của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với các nhà lập pháp Nga hôm thứ Tư rằng ông và các quan chức hàng đầu khác sẽ tư vấn cho Tổng thống Vladimir Putin về các bước tiếp theo, hãng thông tấn AP đưa tin.

“Nếu phương Tây vẫn tiếp tục hành động gây hấn của mình, thì Moscow sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa cần thiết,” ông Lavrov nói, đồng thời cho biết thêm, “Chúng tôi sẽ không cho phép các đề nghị của mình bị nhấn chìm trong các cuộc thảo luận bất tận.”

Hôm 23/01, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh di tản các thành viên gia đình của nhân viên khỏi đại sứ quán Kyiv của bộ ở Ukraine và kêu gọi tất cả người Mỹ ở Ukraine “cân nhắc rời đi ngay bây giờ bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân khác.”

Trong một diễn biến khác, hôm 24/01, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã nói với người dân Ukraine rằng, vào thời điểm hiện tại, “không có cơ sở để tin rằng” Moscow đang chuẩn bị một cuộc xâm lược trong tương lai gần, và người dân không cần thiết phải “đóng gói hành lý [của họ].”

Tổng thống Joe Biden đang xem xét liệu có nên khai triển quân đội Hoa Kỳ tới Đông Âu để tham gia các nỗ lực bảo vệ Ukraine cùng các nước đồng minh hay không. Hôm 24/01, Ngũ Giác Đài đã thông báo rằng nếu tình hình đòi hỏi cần thiết, thì 8,500 lính Mỹ đang ở trạng thái “sẵn sàng cao độ để điều động.”

Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts