Malcolm Turnbull lên lớp Tập Cận Bình và Scott Morrison

Việt Luận

Ông Malcom Turnbull trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016. (Ảnh: Reuters)
Malcolm Turnbull và Tập Cận Bình năm 2016

Cựu thủ tướng Malcom Turnbull đã lên tiếng khuyên Trung Quốc nên từ bỏ chiến thuật ngoại giao “chiến lang” để “tách mình khỏi nước Mỹ của ông Trump”.

Trong vai trò Thủ tướng Úc, ông Turnbull là người từng ra lệnh soạn thảo luật về minh bạch trong đầu tư và chống ảnh hưởng từ nước ngoài, khiến Bắc Kinh phản đối. Ông Turnbull cũng là người từng “khuyên” Trung Quốc nên ngưng xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Lời khuyên mới kiến này được tờ South China Morning Post phát hành tại Hồng Kông đăng tải trong bài “China should drop ‘Wolf Warrior’ diplomacy to set itself apart from Trump’s America của ký giả John Power, đăng trong số ra ngày 9.6.2020.

Trả lời phỏng vấn ký giả Power, ông Turnbull cho chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc đang gây phản tác dụng, ngược lại nếu Trung Quốc sử dụng một ngôn ngữ ôn hòa cùng với sự nhất quán thì sẽ tạo ra hiệu quả hơn giữa những bất định và lo lắng do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra.

Ông Turnbull nhận định: “Nếu mục tiêu của quý vị là có thêm bạn bè, gây dựng ảnh hưởng toàn cầu và làm điều đó khắp thế giới, thì càng bớt khó chịu, càng bớt đe dọa, càng bớt dùng sức mạnh của mình thì càng tốt. Và tất nhiên nếu ông Trump làm tất cả những điều này thì quý vị phải làm ít đi – quý vị ở đây là Trung Quốc – quý vị cần tạo nên sự tương phản” (If your objective is to win friends, build global influence, and do that around the world, then the less scratchy you are, the less threatening you are, the less you throw your weight around, the better. “And of course the more Donald Trump is seen to be doing all of those things, the less you do it – you being China in this case – the more of a contrast you make.”

Ông Turnbull đã lên tiếng khi mâu thuẫn giữa Úc và Trung Quốc gia tăng không ngớt.

Cuối tuần qua, trong số ra ngày 5/6/2020 tờ Thời báo Hoàn cầu, vốn khét tiếng với những giọng điệu hiếu chiến và đại bá, chỉ trích Úc là “bôi nhọ” Trung Quốc vì kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đối với đại dịch Covid-19. Tờ báo này cũng cảnh cáo rằng du lịch chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” và Úc sẽ còn mất thêm nhiều lợi ích nếu tiếp tục duy trì chính sách “chống Bắc Kinh”.

Trước đó Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ban hành cảnh cáo đi lại tới Úc vì sự “gia tăng đáng kể” của các cuộc tấn công mang tính phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc và người châu Á.

Như VL đã thông tin, hành động trả đũa của Trung Quốc diễn ra theo đúng lời đe dọa mà Đại sứ Trung Quốc tại Úc là Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) đưa ra vào tháng Tư, theo đó rằng người tiêu thụ Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Úc nếu Úc tiếp tục thúc giục điều tra.

Sau đó đến tháng Năm Trung Quốc lần lượt cấm nhập thịt bò của bốn công ty Úc, áp thuế 80% lên lúa mạch. Giữa khung cảnh căng thẳng đó, tuần trước Thủ tướng Scott Morrison tuần trước tiết lộ kế hoạch sẽ thắt chặt quy định đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong bối cảnh gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của nước khác mà ai cũng hiểu là để ngăn ngừa Trung Quốc.

Ngay sau đó Trung Quốc khuyến cáo công dân mình không nên du lịch tại Úc Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Simon Birmingham đáp lại rằng khuyến cáo này “không có cơ sở thực tế nào”.

Tuy nhiên giới chức Trung Quốc lại phát biểu như thể đây không phải là hành động trả đũa. Ngày 8.6.2020 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng “nhiều người Trung Quốc ở Úc bị gây tổn thương… và những bức họa tường hoặc lời nói có ý xúc phạm chủng tộc đối với người Trung Quốc” xuất hiện ở nhiều thành phố của Úc. Hồi tháng 4, Ủy ban nhân quyền Úc nói rằng những phàn nàn về tình trạng kỳ thị chủng tộc gia tăng hồi tháng 2 vì liên quan đến đại dịch COVID-19, nhưng sau đó đã trở về mức bình thường như trước đây.

Nhận xét về diễn biến này, ông Turnbull cho rằng việc Đại sứ Trung Quốc ở Úc lên báo chí để đe dọa các biện pháp đáp trả về thương mại là không làm phù hợp, chỉ gây phản tác dụng. Ông cũng cho rằng Úc không nên phản ứng thái quá với các hành động hung hăng của Trung Quốc và “cố tránh trả lời những câu hỏi khó” khi ứng xử với đối tác thương mại lớn nhất.

Ông phát biểu: “Sự thật là cả Trung Quốc và Úc đều hưởng lợi từ quan hệ thương mại. Đó không phải chuyện Trung Quốc ban phát một món quà quý giá cho Úc. Quan hệ thương mại của chúng ta là cuộc chơi cùng thắng”.

Ông Turnbull cũng cho rằng chính phủ Úc không nên dấn sâu vào “những phân tích Chiến tranh Lạnh” để nhìn thế giới hoàn toàn qua lăng kính của một cuộc cạnh tranh một mất một còn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng quan hệ với các nước khác trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia. Ông phát biểu: “Chúng ta hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc, chúng ta hoan nghênh tăng trưởng kinh tế của họ, chúng ta cảm thấy đã có đóng góp vào đó, nhưng Trung Quốc không phải nước duy nhất ở bán cầu hay khu vực của chúng ta”.

Trước đó, ngày 8.6.2020 Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham đã bày tỏ sự thất vọng của mình trong cuộc phỏng vấn trên đài ABC sau khi người tương nhiệm Trung Quốc làm lơ với nỗ lực hàn gắn của mình nhằm giải quyết bất đồng giữa hai bên về mặt hàng thịt bò và lúa mạch.

Đề nghị này được đưa ra từ 4 tuần trước nhưng Bộ Thương Mại Trung quốc vẫn không phản hội, gọi điện thoại thì Bộ trưởng Trung Sơn (Zhong Shan) không bắt máy.

Ông trình bày: “Thật không may, cho đến nay những đề nghị thảo luận của chúng ta đều bị cự tuyệt. Điều này thật là thất vọng, như tôi đã phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Úc cở mở trước các cuộc thảo luận khó khăn xoay quanh những vẫn đề mà chúng ta có thể bất đồng với các nước khác, nhưng chúng ta sẽ hành động với sự tôn trọng, thấu đáo và bình tĩnh. Thật đáng tiếc khi các nước khác không phản hồi hay đáp lại theo cách đôi bên cùng có lợi.”

Kể từ giữa tháng 5, Úc đã tìm cách thương thảo với Trung Quốc trong vấn đề áp thuế chống bán phá giá.Theo Đài ABC ngày 18/5 thì Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn khẳng định hai nước “vẫn duy trì trao đổi”, song ngay trước ngày Bắc Kinh công bố thuế quan mới, ông Chung đã không chịu bắt điện của ông trưởng Birmingham và cũng không “đưa ra nguyên nhân từ chối cú điện đàm”.

Ông Birmingham xác nhận về đề nghị tiến hành thảo luận với ông Chung Sơn, nhưng “đề nghị này không được chấp nhận”.

Lần duy nhất Bộ trưởng Chung Sơn trả lời về bất đồng thương mại với Úc là tại họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 25.5. Trong đó, ông nói nhà điều tra Trung Quốc đã điều tra trong 1 năm rưỡi và xác định lúa mạch Úc có tình trạng bán phá giá, trợ cấp doanh nghiệp, gây tổn hại cho doanh nghiệp và ngành nghề của Trung Quốc.

Ông Chung cũng khẳng định các biện pháp phòng vệ thương mại của nước này là “thận trọng và kiềm chế”.

Trả lời hôm 18.5 về việc Trung Quốc “không thu xếp” thảo luận với Úc về bất đồng thương mại, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời: “Nếu Bộ trưởng Thương mại Úc muốn liên lạ với phía Trung Quốc thì ông ấy nên làm theo thủ tục ngoại giao thông thường.”

Họ Triệu cho biết việc nước này áp thuế với mặt hàng của Úc là “một vụ điều tra phòng vệ thương mại thông thường”.

Trước đó, ngày 12.5.2020 họ Triệu đã giải thích nguyên nhân ngưng nhập thịt bò từ là do ” Trung Quốc điều tra sản phẩm thịt nhập, liên tục phát hiện doanh nghiệp cá biệt của Úc có nhiều lô thịt bò xuất sang Trung Quốc vi phạm các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của hai nước xác định”.

Việt Luận

Related posts