Thanh Hà
Dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liệu có là động lực đẩy kinh tế Đài Loan tách xa hơn với Trung Quốc và làm tiêu tan chiến lược của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thôn tính Đài Bắc?
Thành tích y tế của Đài Loan chống virus corona khiến quốc tế chú ý nhiều đến hòn đảo nhỏ bé, chỉ cách Hoa lục có một eo biển 180 cây số. Báo chí phương Tây không ngớt ca ngợi Đài Bắc phản ứng nhanh và hiệu quả ngay từ khi dịch Covid-19 mới chớm bùng lên tại Vũ Hán, nhờ vậy, tương tự như tại Hàn Quốc, Đài Loan không phải áp dụng biện pháp phong tỏa làm gián đoạn các sinh hoạt kinh tế của 24 triệu dân.
Virus corona không để lại tì vết cho Đài Loan
Không chỉ thành công về mặt y tế khống chế dịch bệnh, mà dường như virus corona để lại rất ít tì vết kinh tế đối với « ông khổng lồ » công nghệ điện tử của thế giới này.
Luôn bị Bắc Kinh xem là một tỉnh của Trung Quốc, Đài Loan là một trong số những « đại cường » kinh tế của châu Á, là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản.
“Công nghệ điện tử” là lá bùa hộ mệnh của Đài Loan. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, một mình Đài Loàn kiểm soát 50 % thị trường thế giới, đem về 1/4 GDP cho hòn đảo này. Nhờ lĩnh vực này mà người lao động Đài Loan gần như không biết đến hai chữ thất nghiệp kể cả dưới tác động virus corona đem lại. Tăng trưởng của Đài Loan trong sáu tháng đầu 2020 không suy sụp.
Phép lạ đó có được chủ yếu là nhờ một số tập đoàn Đài Loan, điển hình là Foxconn hay TSMC đang nắm giữ một phần lớn vận mệnh rất nhiều những tập đoàn công nghệ viễn thông kể cả của Mỹ lẫn Trung Quốc như giải thích của thông tín viên đài RFI Adrien Simorre từ Đài Bắc :
“Ban đầu Đài Loan chuyên gia công cho các tập đoàn ngoại quốc, cho phép số này giảm các chi phí sản xuất. Nhưng với thời gian, công nghiệp của Đài Loan ngày càng tăng cấp, chen chân vào những lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn cao hơn. Trong những thập niên 1990-2000, Đài Loan đẩy mạnh đầu tư vào Hoa lục, mở nhà máy tại Trung Quốc để tận dụng nhân công rẻ, và sản xuất với một quy mô lớn. Thí dụ như tập đoàn Foxconn hiện đang tuyển dụng hơn 1 triệu nhân viên ở Hoa lục. Trong khi đó, trên lãnh thổ Đài Loan, gần như không còn những cơ xưởng sản xuất máy vi tính cá nhân. Các nhà máy tại Đài Loan tập trung vào mảng linh kiện bán dẫn cao cấp”.
Nắm giữ “chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21”
Đành rằng 80 % các phụ tùng trong điện thoại thông minh lưu hành trên thế giới đều có dấu ấn của Đài Loan, nhưng phó chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Pháp tại Đài Bắc, Denis Forman, trên đài RFI lưu ý rằng, chiến lược phát triển công nghiệp của Đài Loan không được cân đối như của Hàn Quốc bởi: thứ nhất, ngoài lĩnh vực công nghiệp điện tử, đặc biệt là trên thị trường bán dẫn, chẳng mấy ai nhắc nhiều đến xe hơi hay các hãng đóng tàu Đài Loan. Thứ hai nữa, Đài Loan chỉ là một nhà cung cấp không thể thiếu của những tên tuổi từ Apple đến Hoa Vi nhưng lại không có những sản phẩm đã hoàn tất để đến tay người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất Đài Loan lệ thuộc vào các khách hàng nước ngoài và rất dễ bị động.
Denis Forman nói rõ hơn về thế thượng phong của Đài Loan trong một lĩnh vực mà ông xem là “chìa khóa của công nghệ thế kỷ 21″:
“Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực tin học. Tháng 3/2020, chỉ số ngoại thương của Đài Loan vẫn tăng so với cùng thời kỳ năm ngoái, cho dù cả thế giới bị đóng băng vì virus corona. Thành tích đó có được là nhờ xuất khẩu về điện tử. Thế mạnh của Đài Loan là đã nắm giữ một lĩnh vực then chốt. Chúng ta biết thị trường này đang phát triển và sẽ còn phát triển mạnh trong những năm sắp tới, với công nghệ 5G. Thí dụ như tập đoàn TSMC hiện đang là một trong hai nguồn cung cấp hàng đầu của thế giới, cùng với Samsung. Hai đại gia này bỏ lại rất xa các đối thủ khác ở phía sau, kể cả các tập đoàn Mỹ”.
Tuy nhiên, thành công đó có được một phần nhờ vào hàng loạt các công xưởng của Đài Loan xây dựng tại Hoa lục. Nhiều tập đoàn, đứng đầu là Foxconn, đã mở những nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc để có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của hàng trăm khách hàng trên thế giới. Mathieu Duchâtel, giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện nghiên cứu Montaigne Paris, phân tích :
“Đúng là Đài Loan đã tận dụng nhân lực dồi dào và nhân công rẻ của Trung Quốc để đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Thế nhưng, sản phẩm làm ra là để phục vụ các tập đoàn viễn thông và công nghệ cao như Apple của Mỹ hay Hoa Vi của Trung Quốc. Hãng Foxconn hay ông khổng lồ TSMC chẳng hạn hoàn toàn bị lệ thuộc vào hai khách hàng quan trọng nhất này. Đây chính là điểm yếu của mô hình Đài Loan. Chỉ cần Apple chọn một đối tác Trung Quốc để sản xuất tai nghe cho điện thoại iPhone cũng đủ để Foxconn trong thế bị động.”
Yếu tố Trump
Trong chiến lược phát triển đó, Đài Loan đã không ngờ đến « yếu tố Hoa Kỳ » và chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Càng gần cuối nhiệm kỳ chính quyền Trump càng quyết tâm ngăn chận Trung Quốc làm chủ những công nghệ cao, để trở thành những đối thủ cạnh trực tiếp với Mỹ. Những tập đoàn như TSMC hay Foxconn có hai khách hàng quan trọng nhất là Trung Quốc và Mỹ lâm vào thế giữa hai làn đạn và bài toán càng thêm nan giải vì không thể thiên về một phe nào trong lúc chỉ riêng Hoa Vi mua vào 14 % hàng của TSMC ; hãng Mỹ Apple là 10 % và 60 % doanh thu của tập đoàn bán dẫn Đài Loan này lệ thuộc vào các khách hàng Mỹ.
Đoán trước được cuộc đọ sức Mỹ-Trung có chiều hướng gia tăng, Đài Loan đã tự lo thân : trước dịch Covid-19, yếu tố Hoa Kỳ thúc đẩy Đài Bắc khuyến khích các doanh nghiệp di dời cơ sở khỏi Hoa lục trước hết là để tránh các đòn thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào hàng Made in China. Giám đốc khoa châu Á viện nghiên cứu Montaigne Paris, Mathieu Duchâtel nhận định :
“Chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn nắm bắt cơ hội cả về mặt chính trị lẫn thương mại để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên thật ra ngay từ khi các doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu di dời cơ sở sản xuất sang Hoa lục, thì chính quyền Đài Bắc luôn chủ trương giữ khoảng cách với Bắc Kinh, nhưng đôi khi đã gặp nhiều trở ngại, bởi vì Trung Quốc có quá nhiều lợi thế trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan. Nhưng ở thời điểm này, gió đã xoay chiều, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Đài Loan trở về nguyên quán, hoặc di dời cơ sở sang những quốc gia khác,hay xích lại gần với Mỹ và các hãng xưởng đã chóng thích nghi với tình huống, khi hướng tới đầu tư vào Việt Nam, Ấn Độ hay Hoa Kỳ, hoặc quay lại về Đài Loan”.
Từ tháng 7/2019 chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đã có hẳn một kế hoạch giúp đỡ các công ty Đài Loan trở về nguyên quán (giảm thuế doanh nghiệp, cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, nới lỏng thủ tục tuyển dụng lao động nhập cư…). Tính đến tháng 5/2020 biện pháp này đã thuyết phục được 189 hãng đầu tư trở lại vào Đài Loan 23 tỷ đô la. Cùng thời kỳ, tổng đầu tư của Đài Loan vào Hoa lục giảm 50 % so với hồi năm 2018.
Cơ hội thoát Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Đài Loan đó là chưa kể Washington phá vỡ tham vọng của Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế từng bước thâu tóm Đài Loan. Mathieu Duchâtel giải thích :
“Trung Quốc có hẳn chính sách chiêu dụ đầu tư của Đài Loan vào hoa Lục. Hiện tại có 2 triệu người Đài Loan làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 200 tỷ đô la một năm. Có mối liên hệ rất chặt chẽ trong ngành công nghệ điện tử, viễn thông của hai bên bờ eo biển Đài Loan. Kể cả trong chiến lược phát triển mạng 5G, cho tới rất gần đây, yếu tố chính trị chỉ có một chỗ đứng rất nhỏ trong các dự án hợp tác. Thế nhưng gần đây đã nảy sinh “yếu tố Hoa Kỳ” muốn ngăn cản Trung Quốc làm chủ một số những lĩnh vực công nghệ cao. Chính điều này đã buộc các tập đoàn Đài Loan đứng đầu là TSMC phải xét lại chiến lược phát triển, có nghĩa là vừa phải xích lại gần hơn với Mỹ. Ít ra là trong mảng công nghệ bán dẫn, Đài Loan không có thể còn tiếp tục trông cậy nhiều vào các đối tác Trung Quốc như từ trước tới nay nữa”.
Xoa dịu Trump để tiếp tục làm ăn với Trung Quốc ?
Phải chăng đây là nguyên nhân khiến Foxconn cách nay hai năm và giờ đây đến lượt tập đoàn TSMC thông báo kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ đô la, mở nhà máy ngay tại Hoa Kỳ và tạo công việc làm cho dân Mỹ ?
Trung tuần tháng 5/2020 TSMC rầm rộ thông báo kế hoạch đầu tư 12 tỷ đô la, mở cơ sở sản xuất bọ điện tử cao cấp tại bang Arizona, tạo công việc làm cho 1.600 người lao động Mỹ. Chương trình sẽ được khởi công vào sang năm và nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2024.
Arizona luôn là một trong những bang có lá phiếu quyết định trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã rất hài lòng với dự án này. Có điều giới trong ngành đặt câu hỏi phải chăng trong tâm bão chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, TSMC tìm kế hoãn binh để mặc cả với chính quyền Trump ? Tập đoàn Đài Loan này đầu tư vào Mỹ để đổi lại chờ đợi Nhà Trắng nới lỏng lệnh cấm giao dịch với Hoa Vi, đối tác nặng ký của TSMC.
Tạp chí công nghệ điện tử EETimes của Mỹ trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư 12 tỷ đô la nói trên thuần túy mang tính chính trị. Nhìn vấn đề dưới góc độ lợi nhuận, năng suất thì dự án tại bang Arizona hoàn toàn không có cơ sở để được cho ra đời.
Đó là chưa kể đến khả năng kế hoạch đầu tư vào Mỹ chết yểu vì với lý do “tình hình trên thị trường đã thay đổi”. Đây là kịch bản đang manh nha tại bang Wisconsin : Foxconn thông báo đang gặp nhiều trở ngại cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD tại Mỹ đã được khởi động từ năm 2018. Chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt trong buổi đặt viên đá đầu tiên cho công trình.
Thách thức đặt ra cho kinh tế Đài Loan là giữ được thế cân bằng tránh để mất một trong hai khách hàng nặng ký là Mỹ và Trung Quốc.