Khi bị nhân viên cảnh sát Mỹ da trắng lấy chưn đè vào cổ, người da đen George Floyd rên rỉ ‘I can’t breath, tôi không thở được’. Tiếng than này trở thành biểu ngữ khi dân chúng Mỹ xuống đường đập phá.
Bạn đọc Việt Luận đang theo dõi rất nhiều hình ảnh, tin tức và bình luận từ màn ảnh TV cho đến các mạng xã hội như Facebook hay Twitter, vân vân. Đặc biệt, lần này nhất cử nhất động ở bển đều được tường thuật chi tiết qua các mạng xã hội. Ngay từ đầu: tám phút khi viên cảnh sát đè cổ người da đen ấy đã đến với thế giới nhờ một người qua đường đưa máy điện thoại di động quay phim và tung lên mạng. Cho đến nay: từ một lời nói của tổng thống Mỹ đến tiếng thét của cô gái bị cảnh sát Mỹ lôi khỏi xe cũng vẫn do phóng viên ‘iphone’ chụp và tung lên mạng. Bạo động hôm nay ở Mỹ được trực tiếp tường thuật trên mạng xã hội – cũng như khi Việt Cộng tấn công vào toà đại sứ Mỹ ở Sài-gòn vào năm 1968 đã là trận đánh… trực tiếp truyền hình.
Thư toà soạn hôm nay chỉ xin cùng với bạn đọc theo dõi tin tức từ Mỹ rồi nghĩ bụng vài ba chuyện xảy ra ở Úc và ở quê của chúng ta.
Ở Úc, cảnh sát được coi là hiền lành hơn. Khi hỏi giấy hay chận xe người dân, cảnh sát thường lịch sự chào hỏi “How’r ya, mate’ và luôn miệng ‘Thank you’. Nhưng với dân bản địa thì khác, à nghe.
Bên Mỹ có chừng 43 triệu người da đen. Đúng ra, không được phép phân biệt màu da nên phải gọi họ là người Mỹ gốc Phi, The African- Amercan như người Việt ở bển có lúc tự trào là “Mỹ gốc Mít’. Trong khi đó, người bản địa ở Úc (tức ‘thổ dân’ như người mình có khi gọi thế) chỉ được chừng 800 ngàn. Đừng tưởng da đen ở Mỹ bị kỳ thị hơn thổ dân ở Úc. Ở bển cộng đồng người Mỹ gốc Phi – (Phi Châu chớ không phải Phi Luật Tân, à nghe) – chiếm 14% dân số. Nhưng trong nhà tù, da đen lại chiếm 30%. Nghĩa là ở tù gấp đôi số dân. Trong khi đó, ở ngoài đường Úc chỉ có 3% dân bản địa. Nhưng vô trong tù thì con cháu những người chủ đầu tiên ở lục địa này chiếm tới 30%. Trong tù Úc, tỷ lệ dân bản địa đông gấp 10 lần so với với tỷ lệ dân số. Vậy thì làm dân bản địa ở Úc dễ xộ khám hơn làm người da đen bên Mỹ. Nhiều lắm.
Đã dễ xộ khám, người bản địa Úc còn dễ chết lãng nhách. Quá nhiều người bản địa mất mạng trong đồn cảnh sát hay nhà tù. Điều này khiến cho Úc phải mở ủy ban điều tra về những cái chết của người bản địa khi sa vào vòng lao lý. Cuộc điều tra kết thúc vào năm 1991. 29 năm trôi qua mà chưa thấy cảnh sát và nhân viên nhà tù cải thiện cư xử với con cháu của ông chủ đầu tiên của đất nước này. Qua 29 năm vẫn còn 432 người bản địa mất mạng trong tù hay trong đồn cảnh sát.
Vào năm 2015, bên trong nhà tù Long Bay nằm về phía Đông Nam Sydney, anh David Dungay người gốc bản địa, 26 tuổi, bị năm nhân viên công lực dí. Anh đã than đến 12 lần ‘I can’t breath, tôi không thở được’. Rồi chết.
Ở bên Mỹ, người da đen dễ bị cảnh sát hỏi giấy, bắn chết hay chết trong tù. Số phận này cũng thế với người bản địa ở Úc. Có những cái chết bản địa lãng nhách. Vào một tối vào tháng Chín năm ngoái, cô Joyce Clarke, người bản địa, 29 tuổi, ở Geralton (phía Bắc thành phố Perth, Tây Úc) thấy khó chịu trong mình, nên điện thoại xin cảnh sát giúp chở vào bệnh viện. Chả biết chuyện gì xảy ra khi cảnh sát tới nơi. Người ta nghe tiếng súng nổ. Và cô Joyce Clarke đã chết. Thiệt là lãng nhách.
Đang khi dân Mỹ rầm rộ xuống đường phản đối cảnh sát dữ dằn thì – vào tối thứ Ba vừa qua – cảnh sát Úc không còn hiền lành chào ‘G’day, mate!’ chú bé 16 tuổi gốc bản địa trên đường phố Sydney. Cảnh sát Úc đã thộp cổ, quằn tay, rồi lấy chưn gạt cho cậu bản địa té nhào. Mặt của thiếu niên này đập thẳng vào gạch lót đường.
Như vậy, cảnh sát Mỹ bị coi là rất dữ. Còn cảnh sát Úc chỉ không dữ với người da trắng. Còn công an Việt Nam thì sao? Trong phúc trình về nhân quyền tại Việt Nam vào năn 2018, bộ ngoại giao Mỹ cho hay: trong năm đó đã có ít nhất 11 người dân Việt Nam chết trong đồn công an. Trước đó ba năm, công an Việt Nam cho biết từ năm 2012 đến 2015 đã có 226 người dân Việt Nam chết trong đồn. Công an nói tất cả đã chết vì ‘treo cổ và tự sát’. Báo Người Việt, xuất bản ở Hoa Kỳ, ghi lại tên tuổi người dân đã chết trong đồn công an ở Việt Nam. Chỉ trong năm 2017 đã có 13 người bị công an gọi ‘làm việc’ và kết quả là thân nhân phải tới nhận xác về.
Ngẫm ra người thay mặt công quyền thi hành luật pháp rất dễ mạnh tay với người khác. Cảnh sát Mỹ rất mạnh tay với người da màu. Cảnh sát Úc không còn lịch sự với dân bản địa. Còn công an Cộng Sản Việt Nam thì thù hằn hết thảy người dân – ngoại trừ ai có thẻ đảng.
Việt Luận