Libya: Đấu trường cho lính đánh thuê Nga – Thổ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (P) tiếp lãnh đạo Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, Fayez al-Serraj, tại phủ tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 04/06/2020. via REUTERS – Handout .

Minh Anh

Sau hơn một năm vây hãm thành Tripoli bất thành, ngày 06/05/2020, Quân đội Quốc gia Libya (ANL) của tướng Khalifar Haftar đã để cho các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận, chiếm lại được thành trì cuối cùng. Sự kiện cho thấy rõ Libya đang dần trở thành một sàn đấu mới cho lính đánh thuê giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.


Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 30/05/2020 có bài chạy tựa nhận định “Tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây, Nga ở phía Đông”. Bởi vì từ năm 2014, đất nước Libya gần như bị xẻ làm hai: Đông Libya, khu vực có nhiều giếng dầu là do Quân đội Quốc gia Libya (ANL) của tướng Haftar kiểm soát. Còn phía Tây của Libya nằm dưới quyền cai quản của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), do ông Faiez Sarraj lãnh đạo, được quốc tế công nhận.

Tháng 4/2019, tướng Haftar bác bỏ dự án hòa giải quốc gia, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, lấy cớ đánh đuổi các nhóm dân quân Hồi giáo cực đoan, mở đợt chiến dịch quân sự Tây tiến nhằm chiếm thành Tripoli. Nếu như đợt tiến công mà ông cho là “chớp nhoáng” này đã bị giậm chân tại chỗ từ hơn một năm qua, thì cuộc đọ sức giữa ANL và GNA đã nhanh chóng bị quốc tế hóa. Chuyên gia Virginie Collombier, Viện Châu Âu tại Florence trên đài RFI tóm lược tình hình:

“Đúng là cả hai phe, lực lượng vũ trang của Haftar và chính phủ Tripoli cùng với các đồng minh của họ đã có được một sự ủng hộ đáng kể. Phe chính phủ Tripoli thì có Thổ Nhĩ Kỳ, còn phía Haftar thì có sự ủng hộ từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập và Nga.

Trong suốt mấy tháng gần đây, các chiến dịch can thiệp quân sự từ bên ngoài đã tăng tốc. Thế nhưng, bất chấp sự hỗ trợ cực kỳ to lớn từ nhiều nước đỡ đầu, Haftar hứng chịu một chuỗi thất bại quan trọng những tuần qua, trong hai tháng 4-5. Giờ đây, ông ta buộc phải thoái lui, không còn khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự dữ dội để chiếm thành phố Tripoli như ông ta từng làm được trong suốt những tháng trước đó.

Tình hình hiện tại tương đối yên ắng, các cuộc xung đột dữ dội ở Tripoli cũng lắng xuống và nhất là ông Haftar giờ trong thế yếu”


Lính đánh thuê Wagner: Từ Syria đến Libya

Cuộc chiến này không đơn thuần là một cuộc đối đầu giữa hai nhân vật có thế lực tại Libya, mà nó còn phản ảnh một cuộc đọ sức kiểu mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sau mặt trận Syria, thông qua hình ảnh những người lính đánh thuê: Một cuộc chiến ủy nhiệm.

Về mặt chính thức, Moscow luôn phủ nhận có sự hiện diện của người Nga chiến đấu bên cạnh tướng Haftar và tỏ lập trường ủng hộ chính phủ GNA, được quốc tế công nhận. Chỉ có điều như những con gấu Nga, mỗi bước đi đều để lại dấu vết. Từ việc bị cài bẫy đánh bom phải bỏ mạng tại một vùng ngoại ô của Tripoli cho đến những biểu ngữ bài người Hồi Giáo, kèm theo hình ảnh hình chữ thập của Đức Quốc Xã trên tường những ngôi đền bị cháy rụi.

Wagner – một nhạc sĩ lừng danh dưới thời Đức Quốc Xã, là tên được đặt cho hãng chuyên cung cấp lính đánh thuê do một cựu lãnh đạo tình báo Nga, ông Dmitri Outkine, vốn thân cận với điện Kremlin thành lập.

Mô hình chiến đấu này đã được điện Kremlin thử nghiệm thành công dưới hình thức tham chiến trên thực địa mà không cần huy động đến binh sĩ thường trực, nay cũng đang được Nga tiếp tục “xuất khẩu” sang Libya. Sử gia Pierre Vermeren, giáo sư lịch sử đương đại trường Đại học Paris Pantheon – Sorbonne 1 trên đài phát thanh France Inter nhận định:

“Trong tất cả các cuộc xung đột mà Nga dấn thân kể từ khi chế độ Liên Xô chấm dứt, người ta thấy xuất hiện lực lượng bán quân sự này của Nga, dù rằng đôi khi khó biết được quốc tịch thật sự của họ. Nhưng bất kể là gì, những người này được Moscow thuê bởi vì như vậy sẽ kín đáo hơn, điều này cho phép chiến đấu tại những địa bàn mà Nga không cần phải trực tiếp can dự. Giờ người ta còn thấy là Haftar còn có ý định tuyển dụng cả một số lính đánh thuê ở những xứ nói tiếng Anh như Nam Phi chẳng hạn, thậm chí các quân nhân người Ả Rập ở Trung Đông, hay cả Ai Cập”.

Có bao nhiêu lính đánh thuê Nga chiến đấu cho Haftar? Trong một báo cáo gởi đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các chuyên gia ước tính trong tháng 5/2020, có khoảng 1.200 lính đánh thuê Nga đến hỗ trợ cho Haftar. Số người này đôi khi còn đảm cả việc thao tác hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, một thiết bị quân sự Nga nhưng do Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp.

Thổ Nhĩ Kỳ: “Núi lửa nổi giận”

Nhưng sự tham chiến có quy mô lớn lính đánh thuê của Wagner bên cạnh Haftar tại một số khu vực ở Tripoli đã dẫn đến việc phe chính phủ GNA của ông Sarraj phải vội vã cầu viện đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara mở chiến dịch “Núi lửa nổi giận”, ồ ạt đưa quân và trang thiết bị quân sự.

Tạp chí Le Point đưa ra con số một binh đoàn viễn chinh gồm 500 sĩ quan, binh sĩ và cố vấn quân sự, bên cạnh đó còn có từ 5.000 lính đánh thuê. Tuy nhiên, theo sử gia Pierre Vermeren, con số này còn cao hơn nhiều nằm trong khoảng từ 7 – 8 ngàn người.

“Đó là những lính đánh thuê đến từ Syria và họ biết cách đánh trận. Họ được trả 2.000 euro/tháng, rất có thể bằng nguồn tài trợ từ Qatar. Nhưng bên cạnh số lính đánh thuê đó, còn có khoảng hàng ngàn binh lính quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các trang thiết bị, tuy là đến từ từ nhưng một cách chắc chắn (…)

Đúng là trong lúc châu Âu phải đối phó với dịch bệnh, Nga đã tận dụng cơ hội để triển khai một số lượng quan trọng các phương tiện nhưng không nhiều bằng Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga cũng gởi thiết bị bay điều khiển từ xa, gởi lính đánh thuê. Rất có khả năng họ gởi cả cố vấn quân sự, thậm chí là gần đây họ còn gởi cả chiến đấu cơ khi nhận thấy bị mất thế cân bằng. Thật ra là đã quá trễ, vòng vây đã bị phá vỡ.”


Drones Anka-S của Thổ đối đầu Pantsir Nga là những hình ảnh người ta thấy được do phe GNA đưa ra. Những chiếc drone do hãng nơi con rể tổng thống Erdogan làm việc cung cấp cho Tripoli. Theo báo Le Point, cuộc phản công Tripoli đã được Ankara lên kế hoạch tỉ mỉ từ tháng 11/2019. Từ việc xây dựng đường băng, cung cấp đạn dược bằng đường biển, đầu tư nguồn nhân lực cho quân đội quốc gia, dân quân tự vệ…

Về điểm này, ông Jean-Sylvestre Mongrenier, Viện Thomas More giải thích: “Những gì Thổ Nhĩ Kỳ làm tại Libya chính là những gì Nga đang làm ở Syria. Người ta từng nghĩ rằng đó chẳng qua là một trò giải trí, một đòn thâm hiểm từ chế độ Erdogan nhưng người ta cũng quên rằng đó còn là cả một đội quân quốc gia chứ không phải là bộ binh Thổ”

Nhờ vào nguồn viện trợ quân sự này, phe chính phủ Tripoli cùng với đồng minh Thổ đã lần lượt phá vỡ vòng vây, giáng cho ANL những thất bại cay đắng bắt đầu là căn cứ không quân Al Watyah mà Haftar kiểm soát từ năm 2014, rồi đến các vùng ngoại ô chiến lược của Tripoli. Phe ANL vừa đánh vừa thoái lui rút dần về phía đông cho đến ngày Nga phải cho triển khai 8 chiến đấu cơ Mig-29 và Su-24 tại Al-Juffra nhằm chặn đà tiến của GNA và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga – Thổ phân chia lãnh thổ?

Câu hỏi đặt ra: Trong thế tương quan lực lượng này, Nga dẫu sao cũng là một cường quốc quân sự có thể dễ dàng huy động lực lượng để đối phó nhưng lại tỏ ra án binh bất động trong những ngày qua? Ông Jalel Harchaoui, chuyên gia về Libya, Viện Quan Hệ Quốc Tế Hà Lan ở La Haye, trên đài RFI nhận định:

“Bởi vì còn có một tác nhân quan trọng thứ ba tại Libya, đơn độc một mình gần như trong vòng 14 – 15 tháng qua: Đó là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Quốc gia này đã đổ ra biết bao nhiêu tiền của, và nhất là có một mạng lưới ngoại giao rộng lớn biến họ gần như là một siêu sao tại các thủ đô phương Tây, đến mức mà cả Washington lẫn Paris đều không dám chỉ trích họ.

Chính Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là quốc gia đầu tiên tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự bất hợp pháp ngay từ tháng 4/2019 bằng các cuộc không kích thường xuyên tại vùng Tripoli (…)

Những hành động này của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nước Nga biết rõ là không thể nào kiểm soát được, nhất là ở mức độ tài chính, cung cấp hậu cần, vũ khí kể cả quyết định chiến lược… Tất cả những điều đó đã được Abu Dabi thúc đẩy đến cùng và Nga hiểu rõ là họ không thể kiểm soát”.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là liệu các lực lượng vũ trang của chính phủ Tripoli cùng với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục chiến dịch Đông tiến hay không? Câu trả lời dường như là “Không”. Việc Nga điều chiến đấu cơ đến Al-Juffra rất có thể là một lời cảnh báo, đánh dấu một “lằn ranh đỏ” không nên vượt qua.

Theo dự đoán của giới quan sát, kịch bản khả thi nhất cho cuộc đối đầu Nga – Thổ hiện nay là Libya có nguy cơ trở thành một “cuộc xung đột bị đóng băng”.

Nhà nghiên cứu Wolfram Lacher, Viện Quan Hệ Quốc Tế và An Ninh của Đức được Le Monde trích dẫn từng viết rằng “một chính phủ thống nhất rất có thể kết thúc bằng việc tìm cách xua đuổi mọi sự hiện diện quân sự nước ngoài”. Do vậy, vì những lợi ích kinh tế, ảnh hưởng chính trị và tham vọng địa chính trị “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tốt hơn hết là đóng băng cuộc xung đột hơn là xử lý chúng”

Và nếu như kịch bản này xảy ra, rõ ràng người dân Libya phải chấp nhận sống trong cảnh bá quyền của “tập đoàn  Nga – Thổ” như những gì đang diễn ra tại Syria !

Related posts