Zoom đóng tài khoản của nhà hoạt động Trung Quốc sau hội nghị Thiên An Môn
Zoom Video Communications đã đóng tạm thời tài khoản của một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc ở Mỹ sau khi họ tổ chức một sự kiện kỷ niệm 31 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn, Reuters đưa tin hôm 11/6.
Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc cho biết họ đăng ký tài khoản có trả phí trên Zoom, một nền tảng xã hội cho phép họp trực tuyến, và đã tổ chức sự kiện vào ngày 31/5. Sự kiện này có hơn 250 người trên toàn thế giới tham gia thông qua Zoom, với hơn 4.000 người xem trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có nhiều người đến từ Trung Quốc. Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc cho biết tài khoản của họ đã bị đóng vào ngày 7/6.
Zoom xác nhận tài khoản trên tại Mỹ từng bị khóa nhưng hiện đã được kích hoạt lại.
“Khi một cuộc họp được tổ chức giữa các quốc gia khác nhau, những người tham gia trong các quốc gia đó được yêu cầu tuân thủ luật pháp địa phương tương ứng”, Zoom cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.
Theo Retuers, lễ kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc và nội dung liên quan đến sự kiện này thường xuyên bị chính quyền chặn hoặc kiểm duyệt.
Ông Chu Phong Tỏa, người sáng lập Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc, cho biết trên tài khoản Twitter của mình rằng, nhóm vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Zoom về lý do tài khoản của họ bị đóng.
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc gây chiến với đức tin suốt hàng chục năm
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump là “tự do tín ngưỡng”, đồng thời lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành một “cuộc chiến tranh” chống lại đức tin của người dân.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ đây đang ra lệnh cho các tổ chức tôn giáo phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ và phải tuyên truyền giáo điều cộng sản vào các bài giảng và việc thực hành đức tin của họ”, ông Pompeo phát biểu hôm thứ Tư (10/6) trong một cuộc họp báo công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2019, Fox News đưa tin.
Ngoại trưởng Pompeo nói tiếp: “Tình trạng bắt giữ quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn tiếp diễn. Điều tương tự cũng diễn ra đối với cuộc bức hại người Tây Tạng, các Phật tử, các học viên Pháp Luân Công và những người theo đạo Cơ Đốc”.
Website Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố toàn văn bài phát biểu của ông Pompeo, trong đó nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump bình luận: “Không có chút tương đồng nào giữa hai hình thức chính phủ [của Mỹ và trung Quốc]. Chúng tôi có luật pháp, còn Trung Quốc thì không. Chúng tôi có tự do ngôn luận và trân trọng các cuộc biểu tình ôn hòa. Họ thì không. Chúng tôi bảo vệ tự do tín ngưỡng, như tôi vừa nói, còn Trung Quốc thì tiếp tục cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập niên chống lại đức tin”.
Như không ít lần ông Pompeo từng phát biểu, Ngoại trưởng khẳng định chính quyền Tổng thống Trump đặt ưu tiên hàng đầu cho tự do tín ngưỡng và đó cũng là quyền tự do trước tiên của người Mỹ.
Ông Pompeo viết trên Twitter: “Chúng tôi sẽ không đứng yên trong khi những kẻ lạm dụng quyền tự do đầu tiên của người Mỹ bức hại, phân biệt đối xử và sỉ vả người dân vì đức tin của họ”.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế là báo cáo thường niên mà Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện để trình Nghị viện theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.
Báo cáo năm 2019 cho biết các quan chức ĐCSTQ đang tiếp tục “tra tấn, lạm dụng thể xác, bắt bớ, giam cầm, kết án tù, ép buộc truyền bá tư tưởng ĐCSTQ” đối với tất cả các nhóm người có đức tin ở Trung Quốc.
Thủ tướng Úc thúc giục tiểu bang Victoria từ bỏ Sáng kiến Vành đai – Con đường
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay thúc giục Thủ hiến bang Victoria Daniel Andre từ bỏ tham gia Sáng kiến Vành đai – Con đường của Bắc Kinh vì “không phù hợp với lợi ích quốc gia”, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.
“Đây là một dự án mà chính sách đối ngoại của Úc không công nhận vì chúng tôi tin rằng nó không phù hợp với lợi ích quốc gia”, ông Morrison nói trên đài phát thanh 3AW.
“Đây không phải là chương trình mà Úc ký kết tham gia và không phải là chính sách đối ngoại của Úc. Tất cả các bang và vùng lãnh thổ không nên có bất kỳ hoạt động nào không phù hợp với chính sách của liên bang”, Thủ tướng Úc nói thêm.
Đài Loan chuẩn bị đón người Hồng Kông
Đài Loan đang chuẩn bị các nguồn lực để chào đón người dân Hồng Kông di dời khỏi thành phố sau khi Bắc Kinh có kế hoạch áp luật an ninh cho hòn đảo, theo bản tin ngày 11/6 của Reuters.
Một người thạo tin cho biết, kế hoạch của chính phủ Đài Loan bao gồm một khoản trợ cấp hàng tháng cho người Hồng Kông sinh sống và thuê chỗ ở.
Một nguồn tin khác nói rằng, giới chức Đài Loan sẽ xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu và cấp thị thực cho phép người dân Hồng Kông học tập hoặc làm việc tại Đài Loan.
Shih Yi-hsiang thuộc Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan cho biết, gần 200 người Hồng Kông đã chạy sang Đài Loan kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình vào cuối năm ngoái. Khoảng 10% trong số đó đã được cấp thị thực theo luật bảo vệ người Hồng Kông vì lý do chính trị.
Ông Trump sắp tái khởi động chiến dịch bầu cử
Tờ Politico đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 10/6 thông báo rằng ông sẽ nối lại các cuộc vận động tranh cử từ ngày 19/6 tới, sau hơn 3 tháng tạm ngừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Trump cho biết sẽ tổ chức cuộc vận động tranh cử tại Tulsa, Oklahoma vào ngày 19/6 tới. Ông cũng sẽ tổ chức các cuộc vận động ở Florida, Texas và Arizona, Bắc Carolina vào một “thời điểm thích hợp”.
Bắc Hàn dọa Mỹ: Tránh can thiệp quan hệ liên Triều nếu muốn cuộc bầu cử Tổng thống được suôn sẻ
Triều Tiên dọa Mỹ rằng, Hoa Kỳ nên tránh can thiệp vào mối quan hệ liên Triều và giữ miệng nếu không muốn trải nghiệm cảm giác “kinh khủng” và để cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 được diễn ra suôn sẻ.
Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay (11/6) dẫn tuyên bố trên của ông Kwon Jong-gun, Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Tuyên bố được đưa ra sau khi Washington bày tỏ sự thất vọng về việc Bình Nhưỡng cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc.
“Mỹ tốt hơn hết là giữ miệng và quan tâm đến các vấn đề nội bộ của mình trước nếu họ không muốn có một trải nghiệm kinh khủng. Điều đó không chỉ tốt cho các lợi ích của Hoa Kỳ mà còn tốt cho việc tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống của họ”, ông Kwon nói trong một cuộc phỏng vấn với KCNA.
Hôm 9/6, Triều Tiên gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” và cắt đứt mọi đường dây liên lạc giữa hai nước theo sau việc Bình Nhưỡng đe dọa sẽ bãi bỏ một văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và đóng cửa hoàn toàn các chương trình xuyên biên giới khác.
Trước đó, Triều Tiên gọi các hành động phát tán truyền đơn với nội dung chỉ trích lãnh đạo Bình Nhưỡng qua vùng giới tuyến của “những người đào thoát miền Bắc” là hành vi thù địch, vi phạm thỏa thuận hòa bình liên Triều.
‘Thông báo khẩn cấp’ nạn châu chấu hoành hành ở nhiều tỉnh Trung Quốc
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán chưa có dấu hiệu chấm dứt, nạn châu chấu vốn hoành hành ở hơn 10 nước trên thế giới, giờ đây chúng với hàng trăm triệu con lại đang đổ bộ vào Trung Quốc. Nạn châu chấu bùng phát ở các tỉnh như Cát Lâm, Hồ Nam, Hắc Long Giang… Được biết, đàn châu chấu đang ở dạng ấu trùng, nhưng chúng di chuyển rất nhanh, mật độ lớn, rất nguy hiểm đối với nông sản.Sở Nông nghiệp Nông thôn thành phố Cát Lâm ngày 5/6 đã gửi đi thông báo về việc khẩn cấp tiến hành các công việc điều tra, giám sát và phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là nạn châu chấu, yêu cầu nông dân địa phương tập trung tích cực làm tốt việc kiểm tra giám sát và phòng trừ nạn châu chấu.Thông báo nêu rõ, thảm họa châu chấu đã xảy ra ở một số vùng đất hoang, đất rừng và đất đồi ở thành phố Giao Hà, thành phố Hoa Điện, huyện Vĩnh Cát, khu Long Đàm, khu Xương Ấp, khu Thuyền Doanh v.v.
Tính đến ngày 4/6, tổng diện tích bị ảnh hưởng của thành phố đã là khoảng 13,4ha, mật độ dày nhất là 50 con/m2. Hầu hết các loài côn trùng gây hại tấn công vào lá mầm của cây thân thảo lá rộng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến cả vùng rộng lớn lá cây đều bị ăn sạch. Khi thời tiết trở nên nóng hơn, châu chấu sẽ lan ra với tốc độ rất nhanh.
Hiện nay, châu chấu vẫn đang ở giai đoạn ấu trùng, hầu hết chúng hoạt động, sinh trưởng ở rìa cây, bụi cỏ và sườn dốc ở các khu hoang vắng. Cùng với thời gian, châu chấu sẽ lớn dần lên và sức di chuyển sẽ càng lớn. Châu chấu sẽ nhanh chóng lan sang đất nông nghiệp và mùa màng sẽ bị đe dọa nặng nề.
Không chỉ tỉnh Cát Lâm, Sở Lâm nghiệp tỉnh Hắc Long Giang cũng gửi đi thông báo khẩn cấp về việc tăng cường phòng tránh và xử lý nạn châu chấu. Nhắc nhở 5 khu vực và huyện (thị) xung quanh Cáp Nhĩ Tân đang phải hứng chịu thảm họa châu chấu nghiêm trọng và khu vực bị ảnh hưởng đã lên tới 24.631 mẫu. Ngoài ra, thảm họa châu chấu cũng xảy ra ở vùng ngoại ô của thành phố Giai Mộc Tư và huyện Hoa Xuyên. Các khu vực khác hiện chưa xảy ra thảm họa này.
Chuyên gia lâm nghiệp cho biết, hiện tại vẫn chưa đánh giá được hết những thiệt hại cho nạn châu chấu gây ra cho ngành nông nghiệp, dự kiến đến tháng 7, nạn châu chấu sẽ bùng phát mạnh vì đây là giai đoạn châu chấu trưởng thành, cũng là thời kì nạn châu chấu hoành hành mạnh nhất.
Ngày 8/6, báo mạng có bài cho biết, số liệu thống kê năm 2018 của Trung Quốc ghi nhận, tổng sản lượng lương thực của 3 tỉnh Đông Bắc đạt 133,3 tỷ kg, chiếm 20,3% tổng sản lượng lương thực cả nước. Vì thế, nếu nạn châu chấu bùng phát ở 3 tỉnh vùng đông bắc sẽ gây ra nạn đói nghiêm trọng.
Không chỉ vùng Đông Bắc, 1 video của cư dân mạng đăng tải cho thấy, tỉnh Hồ Nam cũng xuất hiện nạn này, ở huyện Ninh Viễn thành phố Vĩnh Châu đã phát hiện một lượng lớn châu chấu, chúng bám dày đặc vào hoa màu, nhà cửa, cây cối. Tuy nhiên, cho đến nay, phía chính quyền tỉnh Hồ Nam vẫn chưa có thông báo nào về nạn châu chấu.
Trước đó, ngày 2/3, Cục Lâm nghiệp đã ra thông báo khẩn, theo gió mùa, thảm họa châu chấu có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua ba tuyến đường, từ Pakistan đến Tây Tạng, từ Myanmar đến Vân Nam và từ Kazakhstan đến Tân Cương.
Một chuyên gia đại lục được cử sang Pakistan để điều tra thảm họa châu chấu cho thấy, thảm họa châu chấu lần này còn nghiêm trọng hơn dự kiến. Không chỉ các cá thể lớn hơn mà chúng còn hung dữ hơn, nhóm chuyên gia thậm chí còn bị châu chấu cắn trong khi đi kiểm tra.
Vào ngày 15 tháng 3, truyền hình có đưa tin, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Tổng cục Hải quan và Cục Lâm nghiệp Quốc gia gần đây đã đưa ra một kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát nạn châu chấu để nạn châu chấu sa mạc không tiến vào gây thảm họa.
Theo các phương án yêu cầu, đối với châu chấu trong nước, phải có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ở mức độ trung, làm tốt việc chuẩn bị phòng ngừa trên diện tích 10 – 12 triệu mẫu. Các khu vực xảy ra nạn châu chấu chính bao gồm Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông và Tân Cương.
Đại Lý Vân Nam ngày 10/3 đã dự trữ 15,5 tấn thuốc và 162 thiết bị phòng trừ, đội ngũ chuyên môn gồm 18 đội với tổng 460 người và 20 thiết bị điều khiển từ xa để loại bỏ châu chấu.
Báo cáo cho biết, một khi châu chấu sa mạc bùng phát, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, phá hủy môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến trật tự cuộc sống bình thường và thậm chí trở thành một sự kiện gây ra khủng hoảng xã hội, trực tiếp đe dọa an ninh lương thực.
Theo Tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), đàn châu chấu có nguồn gốc từ một cơn bão hình thành ở biển Ả Rập vào mùa hè năm 2018. Môi trường đã thay đổi sau khi cơn bão tấn công các quốc gia ven biển, khiến đàn châu chấu hình thành ở Đông Phi giữa mùa thu và mùa đông cuối năm 2018, lan rộng ra biển đến Trung Đông, và dần dần xâm chiếm Pakistan và Ấn Độ vào nửa cuối năm 2019.
FAO trước đó đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về thảm họa châu chấu sa mạc và nói rằng do kiểm soát ban đầu kém, thảm họa châu chấu sa mạc có thể tiếp tục cho đến tháng 6 năm 2020, đến khi đó, quy mô đàn châu chấu có thể tăng lên 500 lần so với hiện tại, trong vòng 1 năm rưỡi đã tăng lên 6.400 lần.
Châu chấu sa mạc được coi là loài gây hại di cư tàn phá nhất trên thế giới và có thể di chuyển 150km mỗi ngày. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc, mỗi con châu chấu sa mạc ăn cùng trọng lượng với trọng lượng cơ thể của chính nó, khoảng hai gram.
Được biết, trên diện tích 1 km2, đàn châu chấu có thể ăn mất số lương thực cần cho 35.000 người mỗi ngày. Châu chấu nuốt chửng mùa màng, chợ búa sẽ không có gì để bán và động vật không có gì để ăn. Khoảng 19 triệu người ở miền đông châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.
Paya, một chuyên gia kiểm soát dịch hại của Tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc cho rằng, năm 2020 là một năm hoành hành của nạn châu chấu. Chúng ta không thể chờ nó chết, nếu không toàn bộ khu vực sẽ bị nuốt chửng bởi thảm họa châu chấu, đó là một cuộc khủng hoảng lớn.
Một số cư dân ở Hồ Bắc nói rằng, từ năm ngoái tới nay, một loạt các dịch bệnh xảy ra không ngừng: “Trong những năm cuối của một vương triều, tất cả các loại thảm họa đều thể hiện rất rõ. Nhìn lại lịch sử các triều đại của Trung Quốc chúng ta sẽ thấy, mỗi khi một triều đại nào đó chuẩn bị bị thay thế, thì các loại thiên tai địch họa như hạn hán, châu chấu, mưa đá, tuyết tháng sáu và các hiện tượng khác đều sẽ xuất hiện. Đây dường như là quy luật của lịch sử”.
Chống phân biệt chủng tộc: Một khủng hoảng mới trên toàn cầu
Sau các cuộc biểu tình, bạo động, phong trào chống phân biệt chủng tộc đang chuyển sang một hướng mới. Đó là tấn công vào các biểu tượng tôn vinh quá khứ thực dân và chế độ nô lệ. Từ vài ngày qua liên tiếp từ Mỹ, qua Anh đến Bỉ và đã bắt đầu ở Pháp xảy ra việc những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc bôi bẩn, phá hỏng hoặc đòi gỡ bỏ các bức tượng hay di tích tôn vinh những nhân vật lịch sử có công trong cuộc chinh phục thuộc địa của các nước đế quốc, thực dân cũ.
Đó là câu hỏi đang được đặt ra và chia rẽ dư luận cũng như giới chính trị ở nhiều nước có quá khứ thực dân, từng đi chinh phục và chiếm hữu nô lệ. Đây quả thực là một vấn đề nhạy cảm và không hề đơn giản, sự việc có thể kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Libértion phân tích: “Trước hết bởi vì các bức tượng dựng trên các quảng trường, cũng như những cái tên đặt cho các con phố không phải là hành động của lịch sử mà là của ký ức”. Với công việc của các nhà sử học thì không đáng kể nhưng sẽ có ý nghĩa nhiều với một đất nước. “Các bức tượng, các tấm biển gắn ở góc phố không chỉ là gợi nhắc lịch sử mà còn là sự tôn vinh. Khi người ta dựng tượng ai đó, chắc chắn người ta ủng hộ, ngưỡng mộ việc làm của người đó.”
Vì sao lại là vấn đề nhạy cảm phức tạp ?
Libération lấy ví dụ trường hợp Napoléon đệ nhất. Ông là người đóng vai trò lớn trong lịch sử của nước Pháp, tích cực hay tiêu cực thì tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Tuy nhiên, không một con phố nào của Paris mang tên ông và thủ đô Pháp chỉ dành cho ông 2 chỗ đặt tượng, một ở nơi nhìn không rõ, trên đỉnh cột tháp cao ở quảng trường Vendôme, một bức tượng khác bị che khuất trong hành lang của khu bảo tàng Invalides.
Tại sao lại như vậy ? Bởi vì những người Cộng hòa đã đánh giá Hoàng đế là kẻ thù của tự do và vì thế ông nên được tôn vinh kín đáo. Tương tự đó là trường hợp của thống chế Philippe Pétain. Tên ông có ở khắp nơi trong thời gian từ 1940 -1944, giờ hầu như biến mất trong các thành phố của Pháp.
Tuy nhiên ở Pháp cũng giống như nhiều nước có quá khứ lịch sử chinh phục thuộc địa khắp thế giới thì xóa đi các biểu tượng của thời kỳ chiếm hữu nô lệ và khai thác thuộc địa quả là không đơn giản chút nào.
Các đảng phái, tổ chức xã hội dân sự đã đưa ra không ít các giải pháp nhằm xóa đi những ký ức lịch sử mà giờ đây được nhìn nhận như đã để lại di sản phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng. Tuy nhiên không một đề xuất nào thỏa đáng cân bằng giữa lịch sử và hiện tại.
Vẫn trong dòng sự kiện, xã luận báo Công giáo, La Croix với tựa ngắn gọn: « Lịch sử của chúng ta » đưa ra một vài đề xuất giải pháp cho vấn đề.
Theo La Croix, khi “một số người anh hùng của chúng ta không còn giá trị nữa tại sao giờ không dành chọn cho họ một chỗ trong viện bảo tàng, trong các cuốn sách sử của chúng ta hay trong các đề tài nghiên cứu ở trường đại học, còn hơn là cứ để họ lộ diện gây tranh cãi ở nơi công cộng. Vị trí của họ chắc chắn là ở nơi khác, theo cách khác, nhưng không phải dưới đất. Bôi bẩn lên họ là phá hoại lịch sử của riêng chúng ta”.
Điện ảnh truyền thông cũng bị Black Lives Matter tác động
Những tác động của phong trào đấu tranh vì quyền của người da đen đã bắt đầu len vào lĩnh vực văn hóa. Nhật báo les Echos cho hay bộ phim “Cuốn theo chiều gió” trong cơn bão Black Lives Matter.
Tờ báo cho hay, trong lúc tại Anh đang bùng lên các tranh cãi về chuyện tượng các nhân vật lịch sử có gắn bó với chế độ chiếm hữu nô lệ hay thực dân, thì phong trào Black Lives Matter đã lật đổ một tượng đài của điện ảnh. HBO Max, một nền tảng dịch vụ phim trả tiền của tập đoàn AT&T đã quyết định rút bộ phim kinh điển từng đạt 8 giải Oscar, “Cuốn theo chiều gió” ra khỏi chương trình phục vụ. Tập đoàn đưa ra lời giải thích vì bộ phim thể hiện một số định kiến về chủng tộc màu da, vấn đề đang rất nhạy cảm ở Mỹ. Sắp tới phim sẽ được đưa trở lại phục vụ, không có sửa đổi nội dung nhưng sẽ bổ sung phần dẫn nhập giải thích bối cảnh lịch sử của bộ phim.
Tờ báo cho biết thêm, không chỉ điện ảnh, nghe nhìn bị tác động của làn sóng Black Lives Matter, báo chí Mỹ cũng bị. Một tổng biên tập trang “ý kiến” của báo New York Times đã bị buộc từ chức vì đăng diễn đàn kêu gọi đưa quân đội dẹp người bạo loạn trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd.
Châu Âu quá thận trọng về hồ sơ Hồng Kông
Liên quan đến châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại với chủ đề Hồng Kông và Trung Quốc. Trong khi Le Monde trở lại với thời sự trên bán đảo Triều Tiên với vụ việc “Bình Nhưỡng cắt đường dây liên lạc trực tiếp với Seoul”.
Về Hồng Kông, trang quốc tế của Le Figaro ghi nhận qua bài viết: “Trước việc quy chế của Hồng Kông bị xói mòn, các nước châu Âu chọn chủ trương chờ thời”. Theo Le Figaro thì vấn đề Trung Quốc thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng là chủ đề khá ngại ngùng cho ngoại giao Pháp.
Trong cuộc điện thoại với chủ tịch Trung Quốc tuần trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ bày tỏ lại lập trường của Pháp một cách chung chung rằng Pháp tôn trọng quy chế “một đất nước 2 chế độ” với Hồng Kông.
Trong khi đó các đồng minh của Pháp như Mỹ, Canada, Anh và Úc thì phản ứng kiên quyết, ra cả thông cáo chung lên án Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết quốc tế về Hồng Kông.
Tờ báo cho rằng Pháp không muốn làm mếch lòng Trung Quốc vì không chỉ phụ thuộc vào kinh tế Pháp còn cần đến Trung Quốc trong các chủ trương quốc tế lớn như xóa nợ cho các nước châu Phi hay hồ sơ chống ô nhiễm bầu khí hậu. Le Figaro nhận định: “Chính sách đối với Trung Quốc của Pháp mang di sản truyền thống chính trị nặng nề mà từ thời De Gaulle cho đến Chirac, đã đặt cược vào ảo tưởng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc”.
Sự thận trọng của Pháp đối với vấn đề Hồng Kông cũng là thái độ của Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, EU mới chỉ đưa ra những tuyên bố bày tỏ quan ngại, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị Hồng Kông. Không hề có một chút đe dọa trả đũa nào như trong các tuyên bố từ Luân Đôn hay Washington.
Nhưng theo các chuyên gia được tờ báo trích dẫn thì lập trường như vậy về lâu về dài của EU là không thể trụ được. Tình hình Hồng Kông hiện nay cần phải được các nước lên tiếng mạnh mẽ.