Chuyên gia luật quốc tế: Làm thế nào để bắt Trung Quốc phải trả tiền vì dịch COVID-19?

Thủy Tiên

Gọi tên ‘Virus ĐCSTQ’: Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho khủng hoảng toàn cầu

Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả bài viết được phân tích bởi hai giáo sư luật của Mỹ về việc không nên chỉ dùng luật và công ước quốc tế để chế tài Trung Quốc vì nước này luôn “chà đạp” lên luật pháp. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh nên trừng phạt kinh tế, sung công tài sản của Bắc Kinh tại Mỹ, bảo vệ các nước đang vướng bẫy nợ với Bắc Kinh và khuyến khích các nước này không trả nợ Bắc Kinh…

Các bác sĩ và các nhà khoa học Trung Quốc đã chạm trán với các bệnh nhân Covid-19 vào đầu tháng 11/2019 và nhanh chóng báo cho chính quyền. Nhưng Bắc Kinh đã ngăn cản các nỗ lực nghiên cứu virus và thông báo cho thế giới của họ. Bắc Kinh cho phép một số lượng lớn người dân của mình ra và vào Vũ Hán mặc dù thừa biết nguy cơ đối với họ; và thậm chí sau khi phong thành Vũ Hán, Bắc Kinh vẫn cho phép du lịch ra nước ngoài nên đã sớm lan truyền virus sang các nước khác. Tuy nhiên, khi Washington và các bang ở Mỹ đang tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chiến dịch buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chỉ mới đang bắt đầu.

Mỹ và thế giới nên buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm

Mỹ và các quốc gia khác nên buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm không phải vì tức giận – mặc dù cảm xúc đó hoàn toàn hợp lý – hay mong muốn trả thù. Thế giới nên bắt Trung Quốc phải trả giá để tạo ra các động cơ buộc quốc gia này phải cải thiện hành vi của mình. Điều đó sẽ đòi hỏi các biện pháp buộc Trung Quốc phải chịu toàn bộ chi phí vì sự khinh suất của mình.

Nếu không có những động cơ như vậy, Trung Quốc có thể lại gây ra loại bi kịch này cho thế giới lần nữa. Hồ sơ về nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe toàn cầu của Trung Quốc rất yếu kém. Trung Quốc là nguồn gốc của dịch SARS năm 2003 mặc dù rất may là sự lây lan của bệnh dịch đó đã được kiểm soát. Và thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2018 tiết lộ rằng các chuyên gia Mỹ đã cảnh báo rằng những tai nạn tại các phòng thí nghiệm Vũ Hán thử nghiệm virus có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, sinh mệnh không chỉ với người dân Trung Quốc mà là trên góc độ toàn cầu. 

Quốc tế có luật và chế tài để xét xử Bắc Kinh

“Thất bại” của Trung Quốc trong việc cảnh báo thế giới về virus Corona Vũ Hán phát sinh từ một bộ nguyên tắc pháp lý đơn giản. Trong các vấn đề trong nước và quốc tế, các hệ thống pháp lý của chúng ta đã quen thuộc với vấn đề ngoại ứng tiêu cực. Chẳng hạn, một nhà máy ở một quốc gia tạo ra một ngoại ứng tiêu cực khi gây ô nhiễm nước và không khí cho một nước láng giềng. Quốc gia gây tác động (nơi có nhà máy) nhận được những lợi ích của nhà máy, trong khi quốc gia bị tác động phải chịu chi phí do ô nhiễm. Quốc gia gây ô nhiễm có lẽ sẽ không dừng lại – thật ra, họ thậm chí còn có thể tăng cường hoạt động – vì họ muốn giảm chi phí và hưởng lợi nhiều hơn từ việc này. (Rất nhiều nghiên cứu kinh tế được nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Ronald Coase nêu ra, ông hỏi liệu quốc gia bị tác động có nên trả tiền cho quốc gia gây tác động để họ dừng lại, liệu nước gây ô nhiễm có nên trả cho các nạn nhân để bồi thường thiệt hại hay không, và nên áp dụng các quy tắc trách nhiệm hay quyền sở hữu rõ ràng nào). Hệ thống pháp lý quốc tế bắt đầu vật lộn với những vấn đề này vào những năm 1930 trong cuộc tranh chấp Trail Smelter nổi tiếng giữa Mỹ và Canada. Đây là quyết định đầu tiên công nhận trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với các thiệt hại gây ra do ô nhiễm lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác, ngay cả khi không hề có hiệp ước nào tạo ra một nghĩa vụ ngăn chặn thiệt hại như vậy.

Bắc Kinh khiến các nước bên ngoài phải chịu các chi phí cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự kiểm soát độc đoán theo nhiều cách khác nhau của mình. Các nhà máy của nước này thường xuyên gây ô nhiễm không khí không chỉ ở các thành phố của mình mà cả ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước láng giềng khác. Quốc gia này sản xuất quá mức các sản phẩm hàng hóa để duy trì mức độ việc làm, gửi các sản phẩm bị lỗi, thậm chí nguy hiểm vào thị trường thế giới, gần đây là khoảng 600.000 khẩu trang đã bị Hà Lan từ chối.

Đại dịch virus Corona Vũ Hán đại diện cho hình thức nguy hiểm nhất từ trước đến nay của việc “toàn cầu hóa” hệ thống kinh tế và chính trị của Bắc Kinh. Trung Quốc cho phép “các chợ bán đồ tươi sống” chưa qua xử lý được mở cửa kinh doanh, mặc dù sự tiếp xúc gần động vật hoang dã ngoại lai trong các chợ thực phẩm thúc đẩy các loại virus gây chết chóc nhảy từ động vật sang người. Nước này cố gắng vận hành các phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh học và virus như của các nước phát triển, mặc dù thiếu thốn kỹ năng và sự cẩn trọng cần thiết để vận hành chúng một cách an toàn. Theo các phóng sự trên tờ Washington Post, các quan chức ngoại giao Mỹ từng tới thăm viện virus học và Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Vũ Hán đã quan ngại sâu sắc về việc các nhân viên không thể vận hành các phòng thí nghiệm một cách an toàn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cai trị thông qua một hệ thống phân cấp, độc đoán. Hệ thống này nâng cao hư cấu về một chính phủ kỹ trị cực kỳ trơ tráo đặt trên cả tính minh bạch, chia sẻ thông tin và trách nhiệm. Các quan chức địa phương và các vùng tiếp tục xuyên tạc sự lây lan của căn bệnh ở Vũ Hán và khu vực lân cận chắc chắn là để giữ gìn danh tiếng của ĐCSTQ và để thoát khỏi sự trừng phạt từ chính quyền trung ương. Một nghiên cứu của Anh lập luận rằng nếu chính phủ Trung Quốc chia sẻ thông tin về bệnh dịch một cách minh bạch và đã thực hiện các bước cách ly Vũ Hán và vùng phụ cận, thì phần còn lại của thế giới có thể tránh được hơn 90% số ca tử vong sau đó do Covid-19.

Thay vào đó, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới để che giấu sự thật của dịch bệnh này – và thậm chí để phân biệt đối xử với Đài Loan về vấn đề sức khỏe cộng đồng có tầm quan trọng tối đa của con người. Do đó, Trung Quốc đã cho thấy rất rõ ràng rằng nước này đặt chương trình nghị sự về chính trị và kinh tế lên trước mọi sự suy xét cho lợi ích chung của toàn nhân loại.

Một số chính trị gia trong Quốc hội và các bang đã “khai hỏa” với Trung Quốc. Vài tuần trước, thượng nghị sĩ Marsha Blackburn và Tom Cotton đã giới thiệu các dự luật để tước quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc, điều này có thể khiến Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước các vụ kiện tại tòa án Mỹ. Một số công tố viên liên bang đã đệ đơn kiện Trung Quốc vì những thiệt hại do virus gây ra. Các thành viên của Hạ viện đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Michael Pompeo khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Luật quốc tế có tác dụng không khi Trung Quốc luôn vi phạm mọi luật pháp, công ước, nguyên tắc quốc tế kể từ khi thành lập? 

Tuy nhiên, những đề xuất này có thể tự thất bại vì chúng dựa vào luật pháp và tòa án quốc tế. Mặc cho những tuyên truyền, Trung Quốc từ lâu đã từ chối tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Nước này đã can thiệp để giết lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, nơi đã nhận được lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nước này đã tấn công hầu hết các nước láng giềng, bao gồm Nga, Ấn Độ và Việt Nam – những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Nước này đã sáp nhập các lãnh thổ mà không có sự đồng thuận, chẳng hạn như Tây Tạng. Nước này đã hậu thuẫn cho việc coi thường các tiêu chuẩn quốc tế về việc không phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Và gần đây nhất, ở Biển Đông, nước này đã xây dựng các đảo nhân tạo trên những vùng biển cao và trong lãnh hải của các quốc gia khác. Bắc Kinh chỉ đơn giản là lờ đi một quyết định của trọng tài quốc tế cho rằng các hòn đảo nhân tạo này là vi phạm luật biển.

Trung Quốc cũng liên tục vi phạm các quy tắc nhân quyền quốc tế, ví dụ như trong cuộc đàn áp các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ hoặc các nhóm thiểu số tôn giáo như Pháp Luân Công. Nước này đã đàn áp các phong trào ủng hộ nền dân chủ ở Hong Kong. Nước này sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để gây thiệt hại cho các quốc gia châu Á lân cận, như khi nước này từ chối không cho Nhật Bản có thể mua khoáng sản quý hiếm, hoặc khi nước này khai thác vị trí thượng nguồn nhằm lừa đảo các nước láng giềng Đông Nam Á về việc chia sẻ nguồn nước sông quen thuộc của họ. Và nước này đã khai thác các quốc gia châu Phi yếu thế mà không quan tâm cho môi trường của họ: chẳng hạn, tháng 6 năm ngoái, một tòa án Kenya đã cho tạm dừng việc xây dựng một nhà máy điện mà Trung Quốc dự định xây dựng do vi phạm các luật bảo vệ môi trường của Kenya và bất chấp thiệt hại gây ra cho một thành phố lịch sử của Kenya.

Các biện pháp pháp lý sẽ chỉ thành công nếu Mỹ và các đồng minh của mình xem xét các biện pháp mạnh tay mà không dựa vào các tòa án và tổ chức quốc tế hoặc nơi phục tùng đê hèn cho Trung Quốc. Vì Trung Quốc sẽ không sẵn sàng chấp nhận các phán quyết pháp lý bất lợi từ các tòa án nước ngoài hoặc quốc tế, và vì rất khó có khả năng tòa án của Trung Quốc sẽ buộc chế độ này phải chịu trách nhiệm cho những sai trái của mình gây ra đối với các quốc gia khác, nên các quốc gia đó nên tự giúp mình. Họ phải triển khai các quyền lực tối cao để bảo đảm việc bồi thường và ngăn chặn các hành vi sai trái trong tương lai.

Trừng phạt kinh tế luôn hữu hiệu 

Các bước đầu tiên bao gồm các biện pháp mà Mỹ đã thực hiện đối với các quốc gia như Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm ngăn chặn thông tin về virus Corona Vũ Hán hoặc đối với các ngành công nghiệp đã được hưởng lợi từ phản ứng toàn cầu đối với đại dịch, như các nhà cung cấp thiết bị y tế hoặc nhà sản xuất dược phẩm. Washington thậm chí có thể áp dụng thuế quan chung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, bởi vì Mỹ đang tìm cách tăng chi phí tài chính cho Trung Quốc vì sự bất cẩn có chủ ý đối với sự bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ hội này có lẽ ít xuất hiện hơn ở đây, xét đến việc sử dụng thuế quan hiện có của chính quyền để thay đổi các điều khoản thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Mỹ nên sung công tài sản của Trung Quốc tại Mỹ để trừ bớt nợ trước năm 1949 mà Bắc Kinh đã từ chối trả

Một lựa chọn năng nổ hơn có thể khiến sự bành trướng kinh tế ra nước ngoài của Trung Quốc phản lại chính nước này. Không bằng lòng với việc chỉ là nhà cung cấp sản xuất dây chuyền lắp ráp chi phí thấp, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng đầu tư nước ngoài của mình cả ở Mỹ và nước ngoài. Bản thân Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,07 nghìn tỷ USD nợ kho bạc của Mỹ; các công ty và công dân Trung Quốc đã dành cả thập kỷ qua để chộp lấy hàng tỷ bất động sản tại các thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ. Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã nỗ lực mua các công ty công nghệ cao của Mỹ có giá trị chiến lược. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đã chỉ đạo thậm chí nhiều tiền hơn cho một “Con đường Tơ lụa” mới sẽ kết nối Trung Quốc với các thị trường phương Tây – BRI được báo cáo đã chi 200 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng từ Sri Lanka và Pakistan cho đến Hy Lạp và Ý.

Sự bành trướng của Trung Quốc đối với tài sản ở nước ngoài làm cho nước này dễ bị thương tổn. Mỹ có thể sung công tài sản của Trung Quốc tại Mỹ. Có thể hình dung được là Washington thậm chí có thể hủy nợ công do Trung Quốc nắm giữ và sử dụng số tiền thu được để tạo ra một quỹ tín thác có thể đền bù cho những người Mỹ bị tổn thất do đại dịch gây ra. Mỹ có thể tuyên bố rằng trong việc hủy bỏ các khoản nợ Kho bạc Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ, Mỹ chỉ đang trừ bớt nợ quốc tế của Trung Quốc mà ĐCSTQ đã hủy bỏ khi nắm quyền vào năm 1949.

Mặc dù Mỹ thường ủng hộ quyền sở hữu tài sản ở nước ngoài, nhưng nước này đã sử dụng các phương pháp tương tự trong các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Các tiểu bang của Mỹ đã hủy các khoản nợ do Anh nắm giữ trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, và theo Hiệp ước Jay năm 1796, chính phủ liên bang cuối cùng đã trả tiền bồi thường cho những người có yêu sách phản đối nước Anh. Để đối phó với Cách mạng Cuba năm 1959 và Cách mạng Iran năm 1979, Mỹ đã đóng băng tài sản của chính phủ nước ngoài và cố gắng sử dụng chúng để bồi thường cho những người Mỹ bị mất tài sản hoặc cho các doanh nghiệp.

Chắc chắn là, chủ sở hữu tài sản Trung Quốc bị Mỹ sung công có thể lập luận rằng họ có quyền “bồi thường truất hữu” theo Tu chính án thứ 5 đối với việc “bắt giữ” tài sản của họ. Tòa án Tối cao đã ra phán quyết từ lâu trong vụ Hạm đội Tình nguyện viên Nga rằng những người nước ngoài “thân thiện” có quyền được bồi thường truất hữu do bị tịch thu tài sản ở Mỹ liên quan đến chính phủ. Và sung công là mô thức của một sự “bắt giữ”. Nhưng nếu bồi thường truất hữu được áp dụng cho những chủ sở hữu tài sản này, mục đích của việc sung công sẽ bị thất bại. Tuy nhiên, câu trả lời cơ bản là chính phủ Mỹ đã tịch thu tài sản của nước ngoài trong quá khứ (từ Cuba và Iran) và trừng phạt các nước này để bồi thường cho các nạn nhân Mỹ bị thiệt hại dưới tay của các chính phủ đó. Trong trường hợp như vậy, không có bồi thường cho các chủ sở hữu tài sản ở nước ngoài được thực hiện về mặt hiến pháp.

Mỹ cần khuyến khích các nước rời khỏi Trung Quốc, từ chối trả nợ Trung Quốc và bảo vệ các nước này trước thế lực của Bắc Kinh

Mỹ có thể giáng thêm một đòn nghiêm trọng vào lợi ích kinh tế của Trung Quốc bằng cách khuyến khích các đồng minh của mình ở các thế giới phát triển và đang phát triển làm giống như Mỹ. Trung Quốc đã cho các quốc gia châu Phi vay hàng tỷ đô-la, tạo ra rủi ro bẫy nợ cho họ; Mỹ có thể khuyến khích các nước này từ bỏ các khoản nợ của họ. Trung Quốc đã tịch thu tài sản mà các quốc gia đang phát triển đã mắc nợ để bảo đảm cho các khoản vay (như cảng Hambantota của Sri Lanka); các quốc gia con nợ có thể lấy lại chúng. Trung Quốc được cho là đã gửi viện trợ cho Venezuela và các nước Mỹ Latinh khác; Washington có thể giải quyết các cuộc nội chiến và tranh chấp chính trị ở bán cầu đó bằng cách bảo vệ các nước này khỏi những nỗ lực thu thập của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump có thể hỗ trợ các quốc gia này bằng cách cung cấp các cơ sở cho vay của Mỹ và viện trợ nước ngoài, và nhóm chúng thành các hiệp định thương mại tự do. Mỹ có thể thỏa thuận với các quốc gia châu Âu và châu Á để chống lại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc theo đuổi các khoản bồi thường khi các nước này chối bỏ các khoản vay, sung công các cảng và cơ sở hạ tầng khác, và chiếm đoạt tài sản.

Danh sách các phản ứng tiềm năng không dừng lại ở đó. Nhật Bản đang trả tiền cho các công ty của mình để mang các hoạt động kinh doanh và tài sản của họ từ Trung Quốc về nước. Mỹ và các đồng minh khác có thể bắt đầu làm như vậy. Các chuỗi cung ứng hiện đang chạy khỏi Trung Quốc, nói về dược phẩm hoặc chip máy tính, có thể được định tuyến lại để đi qua các nguồn đáng tin cậy hơn như Ireland hoặc Israel, hoặc các nước sản xuất chi phí thấp khác như Mexico hoặc Việt Nam. Bộ tư pháp các quốc gia có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong việc điều tra và truy tố tội phạm hoặc các hành vi phạm tội khác của Trung Quốc, bao gồm trộm cắp tài sản trí tuệ, hối lộ và tội phạm máy tính.

Yếu tố hấp dẫn của các biện pháp này là việc thực thi chúng nằm trong tay của mỗi chính phủ có chủ quyền. Trung Quốc đã đặt tài sản của mình trong tầm kiểm soát của chúng ta; nó sẽ phải phụ thuộc vào lòng thương xót của tòa án của chúng ta để được trả lại tài sản – một khả năng mà Quốc hội có thể loại bỏ theo luật. Những lời chỉ trích chính về các lựa chọn này nằm trong sự leo thang ăn miếng trả miếng: Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Mỹ trong biên giới của mình. Mỹ có yêu cầu pháp lý và đạo đức cao thượng, trong đó các cuộc sung công của họ phục vụ cho việc giải quyết nợ của Trung Quốc đối với thế giới vì tội thờ ơ có chủ ý của nước này đối với sự bùng phát virus Corona Vũ Hán. Phản ứng của Trung Quốc sẽ chỉ là trả đũa cho việc chiếm giữ đột ngột tài sản của họ ở nước ngoài.

Trung Quốc có thể sung công tài sản của Mỹ để đáp trả – nhưng Mỹ vẫn chiếm lợi thế 

Trong khi Trung Quốc có thể đáp trả bằng các cuộc sung công của riêng mình, biện pháp này có thể sẽ làm hại Trung Quốc nhiều hơn Mỹ. ĐCSTQ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhằm giữ cho dân số đủ hài lòng để duy trì quyền lực. Bóp nghẹt đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến việc chấm dứt thương mại tự do và thị trường mở – những yếu tố đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đáng kể. Nước này có thể tịch thu các nhà máy lắp ráp iPhone, nhưng lại không thể tịch thu được vốn trí tuệ phát minh ra công nghệ và thiết kế các thiết bị – những thứ đó vẫn ở lại với Mỹ và các đồng minh. Nếu Trung Quốc không thể đổi mới, điều mà Mỹ có thể làm khó hơn cho Trung Quốc bằng cách ngăn chặn sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc vào các trường đại học phương Tây, thì quốc gia này sẽ chỉ còn lại các nhà máy được thiết kế để sản xuất hàng loạt các mặt hàng giá rẻ. Việc sung công có thể đẩy nhanh tốc độ tách rời kinh tế, điều này có thể khiến Trung Quốc bị mắc kẹt trong các hình thức sản xuất hàng loạt của nền kinh tế thế kỷ 20, trong khi Mỹ và các đồng minh của mình tiến tới một nền kinh tế phi tập trung hơn, nơi mà các doanh nghiệp phi tập trung, các dịch vụ dựa trên internet và in 3-D có thể nhanh chóng chuyển đổi sự sáng tạo trí tuệ thành hàng hóa và dịch vụ.

Chắc chắn, sự sung công của Mỹ có thể làm khuấy động hệ thống kinh tế hậu chiến tranh mà Washington đã phát triển kể từ khi kết thúc Thế chiến II, mang lại nhiều lợi ích cho chính nước Mỹ và thế giới. Các quốc gia có thể nghi ngờ luật pháp ở Mỹ và sự bảo vệ quyền sở hữu mạnh mẽ của Washington, điều đã tạo ra sự ổn định và dự đoán cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý trong 75 năm qua. Hủy bỏ nợ của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trên thị trường đối với Bộ Tài chính Mỹ, điều này có thể làm suy yếu thêm các thị trường tài chính khác. Mỹ sẽ phải triển khai sự lãnh đạo chính trị và tài chính để đảm bảo với các quốc gia và các thị trường khác rằng Mỹ sẽ hạn chế các lựa chọn này chỉ để buộc Trung Quốc phải trả giá cho thảm họa sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong một thế kỷ qua. Sau đó, Mỹ có thể bắt đầu công việc xây dựng một trật tự quốc tế mới – có thể là một lực lượng mới mạnh mẽ nào đó sẽ thay thế sự bá chủ hòa bình của nước Mỹ trong tám thập kỷ qua.

Về tác giả:

John Yoo là Giáo sư Luật Heller tại Đại học California tại Berkeley, một thành viên thỉnh giảng tại Viện Hoover, và là một học giả thỉnh giảng tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản : Người tổng bảo vệ : Cuộc chiến giành quyền lực tổng thống của Donald Trump (Nhà xuất bản St. Martin, tháng 7/2020).

Robert Delahunty là Giáo sư Luật Le Jeune tại Đại học St Thomas ở Minneapolis và là cựu quan chức của Bộ Tư pháp và Nhà Trắng Mỹ.

Bài báo này lần đầu được đăng trên hoover.org.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Thủy Tiên

Related posts