‘Đêm đông’: Ca khúc đưa Bạch Yến lên đỉnh danh vọng

Chỉ một lần hát “Đêm đông”, Bạch Yến từ giọng ca vô danh trở thành tên tuổi đắt show hạng nhất Sài Gòn cuối thập niên 1950.

Nhân sinh nhật thứ 78 của danh ca Bạch Yến (9/6/1942), nhiều người mộ điệu chia sẻ lại ca khúc Đêm đông – nhạc phẩm kinh điển của dòng tiền chiến được xếp vào hàng thành công nhất sự nghiệp của bà. Nhiều nghệ sĩ bồi hồi khi thưởng thức lại ca khúc. Phương Hồng Thủy nói: “Dù đã biết đến nhạc phẩm từ rất lâu, nghe lại chị Bạch Yến hát vẫn thấy ‘đã’ làm sao”. Ca sĩ Xuân Hòa viết: “Cuộc đời của Bạch Yến luôn có Đêm đông của Nguyễn Văn Thương song hành”.

Bạch Yến không phải là người đầu tiên hát Đêm đông, nhưng được xem là giọng ca thể hiện thành công nhất. Khi bài hát ra đời năm 1939, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (bố ca sĩ Hồng Hạnh) – đồng nghiệp thân thiết với tác giả – là người thu âm đầu tiên. Bài hát dần phổ biến, trở thành ca khúc tiền chiến đóng mác tên tuổi Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên, đến năm 1958, nhạc phẩm mới chạm tới đỉnh cao.

Chia sẻ với báo chí khi về nước năm 2014, Bạch Yến kể thuở 16 tuổi, bà bắt đầu đi hát. Trước đó, gia đình gặp biến cố, bà phải đi xiếc môtô bay, kiếm tiền phụ người thân. Nhiều lần gặp tai nạn, lại bị cơ quan chức năng khuyến cáo vì còn quá nhỏ tuổi, bà bỏ nghề, chuyển sang ca hát. Tên tuổi bà chưa được nhiều người biết tới, dù từng đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ do một đài phát thanh tổ chức. Một lần, biểu diễn tại phòng trà Trúc Lâm Trà thất, bà chọn ca khúc Đêm đông.

Đêm đông vốn được biết đến với các bản phối thịnh hành bấy giờ như valse, tango, boston… Từ thập niên 1950, dòng slow-rock mới du nhập vào Sài Gòn. Khi nghiên cứu ca từ, Bạch Yến cho rằng giai điệu tango không phù hợp với màu sắc sầu bi của ca khúc. Bà nhờ ban nhạc chuyển sang slow-rock, tiết chế nhạc cụ hơn để tôn chất giọng người hát. Một ca sĩ trẻ chủ động đề nghị nhạc công thay đổi bản phối khi ấy được xem là chuyện hiếm thấy.

Giữa phòng trà, ánh sáng bỗng vụt tắt, chỉ còn ngọn đèn follow rọi vào bóng cô ca sĩ nhỏ bé. Sau đoạn nhạc dạo, Bạch Yến cất giọng với lối hát da diết, u uẩn.

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.

Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.

Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.

Cùng mây xám về ngang lưng trời.

Nơi bà hát khi đó là một phòng trà vốn chỉ quen mở các loại nhạc khiêu vũ, rock… Tiếng hát của Bạch Yến khiến không khí bỗng lặng xuống, khán giả đồng loạt hướng mắt lên sân khấu. Không gian của một đêm đông được mở ra, người nghe như cảm nhận tiếng lá trút theo chiều gió bấc, hơi lạnh của màn sương đang dần buông. Bạch Yến hát dốc lòng như nói thay tâm sự của người bộ hành đang hoài nhớ cố hương. Bà vừa ngưng câu hát cuối, cả phòng trà bừng tỉnh với những tiếng vỗ tay vang dội.

Tên tuổi Bạch Yến vụt sáng từ đó. Bà kể, có những đêm được yêu cầu hát Đêm đông đến bốn, năm lần. Các phòng trà, vũ trường thi nhau mời Bạch Yến, đưa bà từ một giọng ca vô danh thành ngôi sao đắt show. Nhiều danh ca cùng thời như Thanh Thúy, Lệ Thu cũng hát Đêm đông theo bản phối slow-rock, song Bạch Yến – người tiên phong – vẫn luôn được nhắc nhiều nhất. Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể, khi gặp Bạch Yến tại Pháp năm 1982, việc đầu tiên của ông là cảm ơn bà vì đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm. Sau khi nghe băng Bạch Yến hát, mỗi lần giới thiệu ca khúc, ông đã bỏ chữ “tango”, thay bằng “slow-rock”.

Khi đang ở đỉnh cao, Bạch Yến ngưng hát, sang Pháp du học vào cuối năm 1961. Bà cho rằng, chính vì đã thành công, bà cần phải đi học. Bà tự nhận sự nổi tiếng của mình cũng chỉ là trong một cái ao. Bà từng nói: “Không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, mà phải học kỹ thuật bài bản để hát được bền, phải giữ khán giả lại bằng cách tự nâng cấp”. Bạch Yến hướng đến hình tượng như danh ca Edith Piaf – từng làm mưa làm gió với nhạc phẩm La Vie en rose.

Ở Pháp, bà được hãng đĩa Polydor mời thu âm nhiều ca khúc nhạc Pháp. Sau hai năm du học, bà về nước cuối năm 1963, tiếp tục biểu diễn nhiều nơi. Một năm sau, bà được mời sang Mỹ tham dự show nổi tiếng bậc nhất lúc ấy – Ed Sullivan Show. Chương trình truyền hình này từng lập kỷ lục về tỉ suất khán giả (rating) với 73 triệu người xem nhóm The Beatles lần đầu biểu diễn ở Mỹ. Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất – tính đến hiện tại – xuất hiện trên show này.

Sau khi lên sóng, bà được nhiều nơi mời đi show. Ban đầu, bà định ở lại Mỹ hai năm, rồi thành 12 năm. Lúc đó, Bạch Yến nhận ra ca khúc Đêm đông đã vận vào bà như một định mệnh. Bà thấy hoàn cảnh mình giống như kẻ lữ hành trong nhạc phẩm. Bà từng cho biết: “Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được”.

Năm 2014, khi về nước tổ chức liveshow đầu tiên, bà chọn tên chuơng trình là Đêm đông để ôn lại một thời vàng son. Bà nói, không như nhân vật trong ca khúc, bà đã thôi “ôm sầu riêng bóng” vì đã tìm được bến đỗ cuộc đời. Ở tuổi già, bà và chồng – giáo sư Trần Quang Hải, con trai cố giáo sư Trần Văn Khê – vẫn miệt mài mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đi biểu diễn trên 70 nước.

NGUỒN: VNEXPRESS 12/6/2020

Related posts