Ba tàu hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hiện diện tại Thái Bình Dương khi TQ gia tăng vũ trang Trường Sa
Lần đầu tiên trong gần ba năm qua, ba hàng không mẫu hạm của quân đội Hoa Kỳ đều triển khai hoạt động tuần tra trên vùng biển Thái Bình Dương. Động thái của Washington đến khi Trung Quốc điều nhiều phi cơ chiến đấu tới đồn trú tại Đá Chữ Thập, Quần đảo Trường Sa.
Theo hãng tin AP, các hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ đồng thời xuất hiện tại Thái Bình Dương gồm USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan.
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đang hoạt động tại Biển Philippine gần đảo Guam. Nhóm tàu tấn công USS Nimitz đang ở Thái Bình Dương, ngoài khơi Bờ Tây Hoa Kỳ. Trong khi, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã rời cảng Nhật Bản và đang hoạt động tại Biển Philippine, phía nam Nhật Bản. Các chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ cũng cho biết hàng chục tàu chiến gồm tàu tuần dương, tàu khu trục và các phi cơ chiến đấu cũng đang hoạt động quanh Thái Bình Dương.
Sự xuất hiện đồng thời của ba hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương là bất thường bởi vì số lượng tàu sân bay trong biên chế quân đội Hoa Kỳ là có giới hạn và thực tế chúng thường luân phiên tiến hành các cuộc tuần tra ở các vùng biển khác nhau. Tuy nhiên, tuần này, các chỉ huy nói rằng họ có thể tận dụng thời gian, đặc biệt trong thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc.
Trao đổi với hãng tin AP từ văn phòng tại Hawaii, Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler, giám đốc tác chiến của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương cho hay: “Khả năng hiện diện theo một cách mạnh mẽ là một phần của cạnh tranh. Và như tôi luôn luôn nói với mọi người ở đây, các bạn phải hiện diện để chiến thắng khi cạnh tranh”.
Chuẩn Đô đốc Koehler nói rằng Trung Quốc đang dần dần và cẩn thận gia tăng các tiền đồn trên Biển Đông, lắp đặt tên lửa và các hệ thống tác chiến điện tử tại đây. Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng đã đẩy mạnh các hoạt động gần các đảo nhân tạo này để cố gắng làm chậm sự phát triển của Trung Quốc, nhưng dường như không hoạt động nào trong đó đem lại hiệu quả.
Ông Koehler nói thêm rằng cho dù cả ba hàng không mẫu hạm cùng xuất hiện tại Thái Bình Dương liên tục trong thời gian dài là không thể, nhưng “thỉnh thoảng chúng tôi có thể làm thế khi chúng tôi muốn”.
Đề cập tới Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng gần đây nhất Bắc Kinh đã triển khai nhiều phi cơ chiến đấu tới Đá Chữ Thập, Quần đảo Trường Sa và bây giờ đang sử dụng các phi cơ đồn trú ở đây để tuần tra vùng biển này.
Theo trang tin Jane’s, chuyên đưa tin về các vấn đề quốc phòng và tình báo, kể cả khả năng quân sự của quân đội các nước, Trung Quốc mới đây đã điều động nhiều phi cơ chiến đấu tới Đá Chữ Thập, Quần đảo Trường Sa và khả năng Không lực Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng các tiền đồn tại Đá Chữ Thập làm căn cứ hoạt động quân sự trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập hiện nay đã trở thành trung tâm tác chiến cho nhiều hoạt động của Trung Quốc. Tại đây, chế độ Trung Quốc đã thiết lập một trạm giám sát hệ sinh thái biển vào tháng Một và một trạm nghiên cứu đáy biển vào tháng Ba. Trong khi đó, hồi tháng Hai, Bắc Kinh cũng đã cho đồn trú lâu dài nhiều tàu của Lực lượng Cứu hộ Trung Quốc tại Đá Chữ Thập.
Sau đó, vào ngày 19/4, Trung Quốc đã thông báo thành lập hai quận hành chính mới quản lý Biển Đông, trong đó “Quận Nam Sa” nắm quyền tài phán trên Quần Đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước khác như Philippines, Malaysia, và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Xuân Thành (T/h)
Đài Loan thử tên lửa giữa căng thẳng với Trung Quốc
Đài Loan đã tiến hành vụ thử tên lửa nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh đang gia tăng. Vụ thử diễn ra ở ngoài khơi bờ đông tại Đài Đông và căn cứ không quân Jiupeng ở bờ nam Bình Đông vào tối 11/6, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Vụ thử là một phần trong chương trình kéo dài 4 ngày và sẽ thử thêm các tên lửa khác trong những ngày tới. Phía cơ quan nghề cá Đài Loan đã công bố thông tin ngày giờ vụ thử báo trước cho các ngư dân hoạt động trong khu vực, theo SCMP.
Đài Bắc thử vũ khí hỏa lực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên eo biển Đài Loan gia tăng, khi cả Trung, Mỹ, Đài đều đẩy mạnh triển khai quân sự. Hôm 9/6, một nhóm máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của Trung Quốc đã bay về phía tây nam Đài Loan. Vài giờ sau, một máy bay vận tải C-40A của Mỹ cũng bay vào Đài Loan qua bờ biển phía tây nam.
Máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ bay qua Đài Loan
Stratotanker, một máy bay tiếp nhiên liệu trên không của quân đội Mỹ đã bay qua phía nam Đài Loan, tiếp cận khu vực gần quần đảo Đông Sa ở phía bắc Biển Đông sáng 12/6, theo Taiwan News.
Vào 9:32 sáng 12/6, Golf9, một tài khoản Twitter chuyên giám sát hàng không đã phát hiện tần số radar và “đốm màu” của chiếc máy bay, rồi báo cáo rằng có một chiếc máy bay Boeing KC-135T Stratotanker đang trở về Căn cứ không quân Kadena ở Okinawa sau khi bay qua Biển Đông. Đường bay của Stratotanker cho thấy nó bay qua kênh Bashi, phía nam Đài Loan.
Lý Khắc Cường tiếp tục tiết lộ, hơn 1/4 lao động Trung Quốc đang lâm nguy
Sau khi đưa ra những thông tin gây sốc về số lượng người thu nhập rất thấp ở Trung Quốc, thủ tướng nước này tiếp tục tiết lộ “dữ liệu đáng kinh ngạc” khác.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng công khai thừa nhận vào tháng trước rằng, thu nhập hàng tháng của 600 triệu người Trung Quốc chỉ là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu VNĐ). Thông tin của ông này như một cú đánh thẳng vào giấc mơ xóa đói giảm nghèo vào năm 2020 của ông Tập Cận Bình.
Tiếp tục với thông tin gây sốc, ông Lý Khắc Cường vừa tiết lộ rằng các doanh nghiệp ngoại thương (sản xuất, kinh doanh sản phẩm xuất khẩu, gia công cho nước ngoài) gặp rắc rối do tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc làm của gần 200 triệu người, điều này làm dấy lên mối lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo trang tin Tân Hoa (Xinhuanet), ông Lý đã chủ trì một cuộc họp điều hành của Quốc Vụ Viện (Hội đồng nhà nước) vào ngày 9/6 nhằm triển khai công tác kinh tế để hoàn thành cái gọi là “sáu bảo đảm”. Đặc biệt, trong đó có chi tiết liệt kê mục đích để giúp đỡ “các doanh nghiệp ngoại thương có liên quan tới 200 triệu nhân công”, theo đó hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ sản phẩm ở trong nước.
Nhà kinh tế độc lập người Hoa ở hải ngoại với tên dùng trên mạng là “Tài kinh lãnh nhãn” chỉ ra trên Twitter rằng, các doanh nghiệp ngoại thương liên quan đến 200 triệu nhân công là một “dữ liệu đáng kinh ngạc” khác mà Lý Khắc Cường đã tiết lộ. Lực lượng lao động của Trung Quốc là 775 triệu, như vậy đang có hơn một phần tư công việc trên thị trường lao động đại lục là phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại thương. Một khi những người này mất thu nhập, nó sẽ gây ra sự sụp đổ chuỗi liên hoàn của toàn bộ nền kinh tế.
Số lượng việc làm trong các doanh nghiệp ngoại thương là một con số mà chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ trước đây.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ vào năm 2018, các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, gia công ở Trung Quốc đã phải sơ tán hết lần này đến lần khác, và các công ty địa phương dựa vào ngoại thương để tồn tại đã dần gặp rắc rối. Sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cùng tình hình chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc ngày một căng thẳng đã đẩy nhanh việc rút vốn nước ngoài. Một lượng lớn các công ty ăn theo lĩnh vực ngoại thương ở địa phương cũng phải đóng cửa.
Vào cuối tháng 4 năm nay, Giám đốc Viện Nghiên cứu chứng khoán Trung Thái, Lý Tấn Lôi tuyên bố rằng dịch bệnh đã khiến hơn 70 triệu người thất nghiệp ở Trung Quốc. Con số chưa bao gồm số người thất nghiệp trước khi xảy ra đại dịch.
Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp này, chính quyền đã đề xuất “chuyển hàng xuất khẩu sang bán trong nước”, hỗ trợ các công ty ngoại thương phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, phân tích trích dẫn của RFA chỉ ra rằng thị trường nội địa đã bão hòa và cùng với suy thoái kinh tế khiến nhu cầu trong nước bị thu hẹp, chính sách này do đó sẽ ít có tác dụng.
Trong tình huống như vậy, thông báo của Lý Khắc Cường về số lượng nhân công ở các doanh nghiệp ngoại thương rõ ràng là không có lợi cho “bảo trì ổn định” của chính quyền Trung Quốc.
Theo phân tích bên ngoài, rõ ràng là mâu thuẫn trong tầng lớp cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được công khai.
Trung Quốc chuẩn bị hoàn thành mạng lưới điều hướng Beidou, cạnh tranh với Mỹ về GPS
Reuters đưa tin ngày 12/6, mạng lưới điều hướng Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc sẽ hoàn tất trong tháng này khi vệ tinh cuối cùng của nó đi vào quỹ đạo, sẽ giúp Trung Quốc độc lập hơn về GPS, hệ thống định vị vốn thuộc sở hữu của Hoa Kỳ từ lâu đời, và làm nóng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực mà Mỹ hiện đang thống trị.
Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu Zoom làm rõ mối quan hệ với Trung Quốc
Ba nhà lập pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu công ty Zoom Video Communications Inc., làm rõ các hoạt động thu thập dữ liệu và mối quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc, sau khi công ty này cho biết họ đã đình chỉ tài khoản người dùng để đáp ứng yêu cầu từ phía Bắc Kinh, theo Reuters.
Zoom bị giám sát chặt chẽ sau khi 3 nhà hoạt động tại Mỹ và Hồng Kông cho biết các tài khoản của họ trên Zoom bị đình chỉ và các cuộc họp của họ gặp gián đoạn khi họ cố gắng tổ chức các sự kiện tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc.
Khẩu trang “Made in Taiwan” do Trung Quốc làm giả bị phát hiện ở Philippines
Tờ Taiwan News ngày 12/6 cho biết, khẩu trang dán mác “Made in Taiwan” nhưng do Trung Quốc làm giả đã bị phát hiện trôi nổi trên thị trường Philippines. Một người dùng Facebook đã chia sẻ những bức ảnh về mặt hàng này hôm 11/6 để cảnh báo người tiêu dùng Philippines.
Các khẩu trang giả được bán trong hộp mang thương hiệu AiDeLai. Hộp sản phẩm có kèm giấy chứng nhận sản phẩm bên trên ghi phần xuất xứ là “Taiwan, China”, đây là cụm địa danh mà Trung Quốc vẫn ép các quốc gia khác thiết lập mối quan hệ ngoại giao với họ phải sử dụng khi đề cập đến Đài Loan, vì Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của nước này.
Iraq và Mỹ khẳng định cam kết chung Mỹ rút quân khỏi Iraq
Iraq và Hoa Kỳ khẳng định cam kết chung về việc Mỹ rút quân đội khỏi Iraq nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể, hãng thông tấn nhà nước INA hôm 12/6 dẫn lời của Thủ tướng Iran Mustafa Al-Kadhimi cho biết.
Mỹ bắt giữ quân nhân Trung Quốc ngay tại sân bay
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã bắt giữ một sỹ quan quân đội Trung Quốc bị nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh, khi ông này đang ở sân bay để cố gắng về nước.
SCMP đưa tin, vụ bắt giữ diễn ra vào hôm 7/6 nhưng mới chỉ được Bộ Tư pháp Mỹ công bố vào hôm 11/6.
Theo đơn khiếu nại hình sự của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ông Xin Wang giữ một chức vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, “về cơ bản tương ứng với cấp bậc Thiếu tá” và hiện vẫn đang được quân đội Trung Quốc trả lương.
Wang đã che giấu vai trò của mình trong quân đội Trung Quốc, khi nộp đơn xin thị thực vào Mỹ năm 2018. Khi đó, ông này khai mình là một học giả, tới nghiên cứu khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF).
FBI cho biết Wang đã thừa nhận rằng ông ta cố ý gian dối về thân phận của mình trong đơn xin thị thực để tăng khả năng nhận được visa. Khi nộp đơn xin thị thực Hoa Kỳ, Wang nói rằng ông ta “đã từng” là phó giáo sư y khoa trong ngành quân đội, từ năm 2002 đến 2016.
Theo thông báo của Bộ Tư pháp, Wang khai với các nhân viên hải quan Hoa Kỳ rằng ông ta đã được cấp trên chỉ đạo “quan sát kết cấu của phòng thí nghiệm UCSF, mang về nước thông tin để tái tạo một phòng thí nghiệm như vậy ở Trung Quốc”.
Thông báo cũng cho biết giới chức Hoa Kỳ đã nhận được thông tin về việc Wang đã có được những nghiên cứu từ UCSF, và đã gửi thông tin đến phòng thí nghiệm của ông ta ở Trung Quốc qua email. Một số nghiên cứu của UCSF mà Wang có thông tin là các cuộc nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Viện Y tế Quốc gia.
Hiện tại, Wang mới chỉ bị khởi tố về tội gian dối thị thực. Nếu bị kết tội, Wang có nguy cơ lãnh án tù lên tới 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 USD, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã siết chặt các chính sách nhập cảnh đối với người Trung Quốc, bên cạnh các biện pháp chiến lược khác nhằm đối phó với những mối đe dọa đến từ Bắc Kinh. Ngày 29/5, chính quyền Trump tuyên bố các sinh viên và các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu họ có nguy cơ chuyển giao kiến thức kỹ thuật cho các tổ chức quân sự Trung Quốc.
Trump, Macron, Putin, Erdogan và con đường độc đạo
Tổng thống Macron đánh lá bài thấu cáy chính trị?
Tú Anh
Đại dịch siêu vi corona đang làm sụt giảm uy tín của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế do quản lý kém. Donald Trump, Emmanuel Macron, Vladimir Putin, Recep Erdogan đứng trước áp lực của công luận. Tình thế của tổng thống Mỹ và Pháp còn bất trắc hơn với phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang có xu hướng lan rộng, một phần vì phản ứng thiếu khôn khéo chính trị, theo báo chí Pháp.
Macron chuẩn bị ra khỏi khủng hoảng như thế nào? Donald Trump làm sao thoát con đường độc đạo? Đó là hai câu hỏi dành cho hai nhà lãnh đạo Tây phương trên Le Monde và Les Echos.
Ba tháng sau khi quyết định phong tỏa đất nước để chống dịch siêu vi corona, chủ nhân Điện Elysée sẽ nói chuyện với dân chúng vào ngày Chủ Nhật 14/06. Thông điệp bất ngờ này, không nằm trong chương trình của tổng thống Pháp trước ngày Quốc khánh 14/07, mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, tổng thống Pháp cảm thấy phải khẩn cấp tập trung vào nhu cầu phục hồi kinh tế, phải sang trang tình trạng khẩn cấp y tế và trực tiếp động viên giới trẻ mà một bộ phận tham gia vào phong trào chống kỳ thị màu da và bạo lực cảnh sát xuất phát từ sau vụ George Floyd ở Hoa Kỳ.
Les Echos khẳng định là tổng thống Pháp đang bị áp lực rất mạnh. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy điểm tín nhiệm suy giảm. 54% không tin vào khả năng chính phủ hạn chế được thiệt hại kinh tế, một hệ quả của đại dịch. 81% nghĩ rằng tình hình kinh tế tiếp tục suy thoái. Từ bình thường hóa sinh hoạt đến chống khủng hoảng kinh tế, tổng thống Pháp bắt buộc phải nói rõ ý định. Les Echos phiêu lưu với dự đoán tổng thống Macron sẽ tuyên bố từ chức để tái tranh cử trong điều kiện thuận lợi nhất, so với các đối thủ tiềm tàng. Giả thuyết này đã bị Điện Elysée phủ nhận, nhưng giới chính trị Pháp, theo Les Echos, đang bồn chồn như ngồi trên lửa.
Tổng thống Donald Trump tìm xung lực mới
Kinh tế, y tế, an ninh cũng là con đuờng độc đạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, tựa của Les Echos. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump tìm xung lực mới là nhận định của Le Monde. Hai nhật báo Pháp đều không đánh cược chủ nhân Nhà Trắng sẽ thất cử bởi vì với 42% cử tri ủng hộ, dù có mất đi 5 điểm sau ba tháng khủng hoảng y tế, nhưng chưa tới “mức báo động đỏ”.
Theo Le Monde, vấn đề là Donald Trump gặp cảnh “tứ bề thọ địch”. Vụ George Floyd xảy ra, tổng thống Mỹ ứng phó vụng về, thiếu sự nhạy bén của một nhà chính trị. Ông đe dọa huy động quân đội đàn áp phong trào công dân đòi công lý cho người da đen. Tương lai chính trị đầy trở ngại, bị công luận đả kích dữ dội, Donald Trump phải làm gì để có thể tái đắc cử ? Hai nhật báo Pháp cùng nhận định: Để lật ngược thế cờ, chủ nhân Nhà Trắng bắt đầu với chiến dịch vận động cử tri, tập trung vào thông điệp kinh tế Mỹ phục hồi sinh hoạt bình thường.
Sự thiếu bén nhạy chính trị của tổng thống Donald Trump cũng tác hại đến hình ảnh và uy tín Mỹ trên trường quốc tế. Trong bài “Vì sao doanh nghiệp Hồng Kông xếp hàng theo Bắc Kinh không mảy may do dự”, một chuyên gia giải thích : Doanh nhân Hồng Kông biết lời hăm dọa của Donald Trump là màn phô diễn tranh cử. Bắc Kinh cũng đâu dễ bị lừa. Le Monde nhận định không ngần ngại qua bài phân tích : Donald Trump phá giá đất nước.
Tổng thống Nga trong cơn bão Covid-19
Đó là tựa của một trong hai bài ở trang tranh luận của Le Monde. Qua đại dịch, chính quyền Putin để lộ các nhược điểm quản lý kém, gây bất bình cho người dân Nga. Trong bài phỏng vấn dài, nhà tỷ phú tị nạn Mikhail Khodorkovski đoán chắc chế độ Putin đang ở buổi hoàng hôn: Emmanuel Macron không nên hy vọng xây dựng mối quan hệ chiến lược với Kremlin vì đó là ảo vọng và vì chế độ Putin sắp lụi tàn.
Trái lại, Pháp nên đặt niềm tin vào xã hội công dân Nga và khéo léo đưa nước Nga vào quỹ đạo văn hóa châu Âu. Đó là lời tư vấn của người từng trải qua 8 năm trong nhà tù dưới chế độ Putin.
Erdogan bắt ráo
Khác với hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ, để thoát “độc đạo”, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có biện pháp “độc đáo”: bắt hết những ai chống đối, bất chấp là bao nhiêu. “Xuống điểm thăm dò, Erdogan đàn áp”, tựa của Le Monde. Bị đả kích là quản lý kém đại dịch corona, nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt nhốt hàng loạt dân biểu, ký giả, sĩ quan quân đội, cảnh sát, bác sĩ … Chỉ trong ngày 09/06, có tổng cộng 414 người bị tống giam. Một ngày trước, hai ký giả có tiếng tăm bị câu lưu trong khuôn khổ chiến dịch điều tra “gián điệp chính trị và quân sự”.
Theo một cựu dân biểu, người dân Thổ Nhĩ Kỳ bất bình với Erdogan và chính quyền của ông bởi họ đối phó với đại dịch corona quá kém, không có một biện pháp hỗ trợ xã hội đi kèm giúp dân chúng chịu đựng khủng hoảng y tế, kinh tế. Các kết quả thăm dò dư luận đề cho thấy người dân rất thất vọng về khả năng lãnh đạo của Erdogan.
Quốc hội Mỹ đưa ra phương án nghiêm khắc nhất lịch sử
Ngày 10/6, khoảng 150 nghị sĩ Mỹ đã thành lập “Ủy ban nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa” công bố một báo cáo chiến lược an ninh quốc gia có tên “Củng cố Hoa Kỳ và ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu”. Trong đó chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ ở nhiều phương diện, Hoa Kỳ cần có những đối sách cứng rắn trong chuyện này.
Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tính đến ngày 12/6, thế giới có 7,59 triệu người lây nhiễm, hơn 420 nghìn người tử vong. Trong đó, Mỹ có hơn 2 triệu triệu người nhiễm dịch, hơn 115 nghìn người tử vong.
Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia kêu gọi cấm các hoạt động vận hành của Ban mặt trận thống nhất Trung Quốc tại Mỹ, đồng thời thực hiện chế tài đối với tất cả những quan chức và hệ thống trực thuộc Ban này, cấm sử dụng hệ thống tài chính Hoa Kỳ và lấy thị thực Hoa Kỳ.
Báo cáo cũng kêu gọi áp dụng chế tài với những quan chức can thiệp vào vấn đề Hong Kong, đồng thời nêu tên các quan chức Trung Quốc như: Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Hàn Chính (Han Zheng), Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao Hạ Bảo Long (Xia Baolong), Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương tại Hong Kong Lạc Huệ Ninh.
Đây là phương án chế tài hà khắc nhất trong lịch sử Quốc hội Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc từ trước tới nay.
Quan chức thuộc các cơ quan Y tế công cộng tại nhiều nơi trên thế giới đều cho rằng, các ca nhiễm virus Corona Vũ Hán đang có dấu hiệu suy giảm không có nghĩa là dịch bệnh đã kết thúc. Ông Anthony Fauci, chuyên gia cao cấp về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho rằng: “Trong thời gian 4 tháng đã phá hủy cả thế giới”.
Ngày 9/6, các ủy viên EU công bố một báo cáo có nội dung khiển trách các lãnh đạo Bắc Kinh vì để che giấu sự thất bại của nước này trong việc khống chế dịch bệnh mà cho tung tin giả.
Kể từ ngày 18/5, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng “Quỹ phúc lợi dân số” Trung Quốc hợp tác huy động vốn từ cộng đồng, chủ yếu từ người dân Đại Lục. Cho tới ngày 11/6, số người quyên góp chưa tới 10 nghìn người, số tiền nhận được chỉ có 30 nghìn Nhân dân tệ. Họ tuyên truyền với bên ngoài rằng đây là quỹ “tổ chức nhân dân”, nhưng trên mạng Internet lại ghi rõ rằng đó là “Ủy ban y tế của ĐCSTQ”, vì vậy đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Có cư dân mạng cho rằng: “WHO coi mạng người như cỏ rác, không nên quyên tiền cho họ”.
Bắc Kinh đưa ra thông báo rằng, quận Tây Thành vừa có một ca dương tính mới, người bệnh cho biết gần hai tuần qua không hề ra khỏi thành phố, không tiếp xúc thân mật với người từ nơi khác đến. Nơi ở của người này hiện đang bị phong tỏa.
Từ khi Đại Lục bùng phát dịch bệnh, các rạp chiếu phim tại đây vẫn chưa được kinh doanh trở lại, khiến ngành điện ảnh nước này chịu áp lực rất lớn.
Phó tổng giám đốc hãng phim Bona, ông Hoàng Nguy (Huang Wei) đã qua đời vào rạng sáng ngày 11/6 ở tuổi 52. Hãng phim này vẫn chưa công bố nguyên nhân cái chết, dẫn tới nhiều suy đoán từ dư luận. Phía cảnh sát Bắc Kinh đã loại trừ yếu tố hình sự. Dư luận cho rằng, do tác động của dịch bệnh, ngành điện ảnh sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục, các hãng phim đã ngưng hoạt động 138 ngày rồi, các bộ phận thuộc hãng Bona trên toàn quốc khó có thể thống kê được tổn thất.
Ông Trump: Tôi sẽ ra đi trong hòa bình nếu không trở thành Tổng thống lần nữa
Chia sẻ với nhà báo Faulker của Fox News hôm 12/6, Tổng thống Trump nói rằng nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 11 thì ông sẽ rời đi trong hòa bình.
Tổng thống Trump cũng nói với nhà báo Faulker rằng, nếu trong trường hợp ông thua ứng viên của đảng Dân chủ thì sẽ là một điều tồi tệ đối với nước Mỹ.
Chia sẻ của Tổng thống Trump xuất hiện trong bối cảnh Đảng Dân chủ được cho là đang lợi dụng cuộc biểu tình sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy bị ngộ sát, để tấn công nhằm hạ uy tín của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc
Triều Tiên hôm 12/6 nói rằng họ đã mất hết niềm tin vào chính phủ Hàn Quốc và cảnh báo về thời gian “đáng tiếc và đau đớn” phía trước, theo Yonhap.
Ông Jang Gum-chol, người đứng đầu Cục Mặt trận Thống nhất của Bắc Hàn, đã đưa ra thông điệp này thông qua hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA.
“Thời gian phía trước sẽ thực sự đáng tiếc và đau đớn cho chính quyền Hàn Quốc”, ông Jang đe dọa. “Niềm tin mà chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để có được từ chính quyền Hàn Quốc đã bị đổ vỡ”.
Mỹ: Thành phố Minneapolis nhất trí bãi bỏ sở cảnh sát
Theo Reuters, Hội đồng thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota của Mỹ hôm 12/6 đã nhất trí bãi bỏ sở cảnh sát và tìm kiếm một phương án thay thế gọi là “hệ thống an ninh công cộng do cộng đồng lãnh đạo”.
Hãng tin Reuters trích thông báo của 5 thành viên trong Hội đồng, tuyên bố: “Vụ sát hại ông George Floyd vào ngày 25/5/2020 của các sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis là một thảm kịch cho thấy rằng không có cải cách nào sẽ ngăn chặn được tình trạng bạo lực và lạm dụng gây chết người của một số thành viên của Sở Cảnh sát chống lại các thành viên của cộng đồng chúng ta, đặc biệt là người da đen và người da màu”. (Chi tiết)
Vợ Tổng thống Ukraine nhiễm Covid-19
Hãng tin Reuters cho biết, bà Olena, vợ Tổng thống Ukraine, hôm 12/6 cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy bà dương tính với virus Vũ Hán, song cả chồng và hai con đều âm tính với virus.
“Hôm nay tôi đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính nCoV. Một tin tức không mong đợi. Đặc biệt là khi tôi và gia đình vẫn tuân thủ các quy tắc đeo khẩu trang, găng tay và tiếp xúc ít nhất có thể”, Olena Zelenska, vợ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đăng trên Facebook.
Olena cho biết bà vẫn cảm thấy ổn, không phải nhập viện, song tự cách ly với chồng con.
Dẫn độ nghi phạm cầm đầu vụ 39 người Việt chết trong container
Theo AFP, tòa Ireland phê chuẩn dẫn độ sang Anh Ronan Hughes, người bị nghi cầm đầu đường dây buôn người khiến 39 người Việt chết trong xe container năm ngoái.
“Phiên tòa sẽ ra lệnh… giao bị đơn (Ronan Hughes) cho Anh”, thẩm phán Paul Burns tuyên bố trong phiên xử ngày 12/6 tại tòa hình sự Dublin, Ireland.
Hughes, 40 tuổi, bị giam theo lệnh bắt ở châu Âu với cáo buộc 39 tội ngộ sát và một tội âm mưu thực hiện nhập cư bất hợp pháp. Các công tố viên Ireland từng nói trước tòa rằng Hughes “tổ chức và kiểm soát các tài xế”.
Thi thể 39 người Việt được phát hiện trong xe container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex, Anh, sáng 23/10/2019. Container trước đó được chuyển bằng phà từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet, Anh. Giới chức Anh đã buộc tội nhiều tài xế xe tải sau cuộc điều tra quy mô lớn.