- Xuân Thành
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ Ba (22/9) đã khen ngợi “hành động anh hùng” của các phi công thuộc không lực Đài Loan đã bay chặn các chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận hòn đảo này trong hai ngày 18-19/9 vừa qua.
Trong chuyến thăm căn cứ không quân chính tại Penghu trên Eo biển Đài Loan nhạy cảm chia tách giữa đảo quốc và Đại lục, bà Thái Anh Văn đã nói với các phi công và kỹ sư rằng bà biết về “hành động anh hùng” của họ khi bay chặn và xua đuổi các phi cơ chiến đấu Trung Quốc.
“Tôi rất tin tưởng các bạn. Là những người lính của Cộng hòa Trung Hoa, làm sao chúng ta có thể để kẻ thù diễu võ giương oai trên không phận của ta?”, bà Thái nói, sử dụng tên chính thức của Đài Loan là Cộng hòa Trung Hoa.
“Tôi biết rằng khi đối mặt với hành vi khiêu khích của các máy bay cộng sản đã bay quanh hòn đảo và phá hoại hòa bình khu vực trong những ngày gần đây, nhiệm vụ của các bạn tại vùng trời chiến tuyến ở Penghu thực sự phải nặng nề hơn”, bà Thái nói.
Căn cứ không quân Penghu là nơi khởi phát những đáp trả trước tiên của Đài Loan trước sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc. Căn cứ này được quân đội Đài Loan cho đồn trú các chiến đấu cơ phòng thủ F-CK-1 Ching-kuo (IDF) do đảo quốc tự sản xuất và đưa vào sử dụng lần đầu năm 1997.
Reuters dẫn lời ông Wang Chia-chu, một trong những sĩ quan cao cấp của phi đội IDF “Thiên Mã” nói rằng chỉ có thời gian năm phút để triển khai phi cơ chiến đấu một khi phát hiện thấy máy bay Trung Quốc xâm nhập.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ không phận trong thời gian thực miễn là có mối đe dọa”, ông Wang nói.
Một sĩ quan khác giấu tên nói với Reuters rằng các chiến đấu cơ IDF tại Penghu bây giờ cất cánh “hầu như mỗi ngày” vì căng thẳng giữa hai bờ eo biển tăng cao.
Theo Reuters, tại căn cứ không quân Penghu hiện nay cũng đang trưng bày các tên lửa hành trình không-đối-đất Wan Chien mới, loại tên lửa đã được đưa vào sử dụng từ năm 2018 và có thể được phóng ra từ các chiến đấu cơ IDF, nhắm vào các mục tiêu cách xa khoảng 200km. Với vũ khí này, các cơ sở của Trung Quốc hoặc các tàu Trung Quốc đang tiếp cận Đài Loan đều nằm trong tầm bắn của không lực đảo quốc.
Trong hai ngày 18-19/9 vừa qua, Trung Quốc đã điều động tới 18 và 19 máy máy quân sự quần thảo trên Eo biển Đài Loan. Điều bất thường là các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã xâm phạm đường ranh giới của Eo biển Đài Loan – đường biên giới không chính thức cho máy bay chiến đấu của cả hai bên. Dù bay qua giới tuyến này, nhưng máy bay chiến đấu Trung Quốc chưa bay qua lục địa Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (21/9) tuyên bố rằng đường giới tuyến trên Eo biển Đài Loan không tồn tại. Phát ngôn này của Bắc Kinh lập tức bị Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu chỉ trích kiệt liệt.
Tại Đài Bắc hôm thứ Ba (22/9), ông Wu đã gọi đường giới tuyến trên Eo biển Đài Loan là “biểu tượng” quan trọng cho việc tránh xung đột quân sự, và kêu gọi các nước khác hãy lên án phát ngôn của Trung Quốc.
“Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án lời nói và hành động của Trung Quốc và yêu cầu chính phủ Trung Quốc dừng ngay mọi thứ mà họ đã đang làm”, ông Wu nói.
Xuân Thành