Trương Trọng Nghĩa: ‘thế lực thù địch’ chỉ là bóng ma không có thật
Chiều 15/6, phát biểu tại Quốc Hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các cơ quan chức năng có trách nhiệm “tìm cho ra, cho đúng” thế lực thù địch để nghiêm trị, nhưng không được mượn “bóng ma” của vấn đề này để công kích những người góp ý, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.
Ông Nghĩa nói “trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội) này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”.
Cuộc tranh luận trên nghị trường bắt đầu từ sáng 13/6, khi đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước… Theo ông Thắng, những vụ án này là “phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp”.
Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, phản biện rằng “không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá”.
Đáp lại, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, muốn không để thế lực thù địch lợi dụng chống phá thì “chúng ta phải sửa mình cho tốt, không được làm sai, làm trái thì ai chống phá chúng ta được”.
Tiếp đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tham gia tranh luận, bày tỏ không đồng tình ý kiến của ông Phạm Hồng Phong. “Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là đánh giá, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì bưng bít người ta cũng biết”.
Liên tục thua lỗ, tập đoàn Úc rút khỏi liên doanh với Vietnam Airlines
Tập đoàn Úc Qantas vừa chính thức thông báo sẽ rút tư cách cổ đông trong liên doanh với hãng hàng không Vietnam Airlines với thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.
Truyền thông Úc dẫn lời ông Gareth Evans, Giám đốc điều hành bộ phận ngân sách của Jetstar, cho biết hôm 15/6 rằng tập đoàn của Úc sẽ cắt 30% cổ phần của mình tại Jetstar Pacific “trong những tháng tới” để “tập trung vào các hãng hàng không khác” của tập đoàn này.
Tập đoàn của Úc sẽ trao toàn quyền kiểm soát hãng hàng không giá rẻ cho Vietnam Airlines và quyết định này đang chờ được phê duyệt.
Qantas thành lập Jetstar Pacific vào năm 2007 sau khi trả cho chính phủ Việt Nam 30 triệu đô la để mua cổ phần của hãng hàng không địa phương Pacific Airlines, theo The Age.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam, Jetstar Pacific, với đội bay gồm 15 chiếc Airbus A320, đã bị thua lỗ “nhiều nhất trong lịch sử của tập đoàn” khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt sau khi các hãng hàng không giá rẻ VietJet và Bamboo Airways ra đời.
Truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của Vietnam Airlines cho biết “đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific. Theo đó, Jetstar Pacific sẽ được đổi thương hiệu trở lại thành Pacific Airlines với logo mới. Thời điểm Pacific Airlines chính thức hoạt động sẽ dựa theo quyết định của giới hữu trách.
Việt Nam tụt hạng trong bảng chỉ số an toàn của thế giới
Việt Nam đứng thứ 64 trong số 163 quốc gia trong bảng xếp hạng “Chỉ số Hoà bình Toàn cầu năm 2020” do Viện Kinh tế và Hoà bình (IEP) vừa mới công bố, tụt 7 bậc, từ thứ hạng 57 hồi năm ngoái.
Báo cáo Chỉ số Hoà Bình Toàn cầu xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên 23 chỉ số định tính và định lượng thuộc 3 lĩnh vực: mức độ an ninh và an toàn xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, và cấp độ quân sự hóa.
Vị trí quốc gia an toàn, hoà bình nhất thế giới hiện là Iceland. Quốc gia này đã liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng của IEP kể từ năm 2008.
Các quốc gia an toàn tiếp theo là New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột, chiến tranh như Afghanistan, Syria, Iraq, Nam Sudan và Yemen là những nước kém an toàn nhất thế giới.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có New Zealand (đứng thứ 2 thế giới), kế đó là Singapore (thứ 7), Nhật Bản (thứ 9). Trung Quốc (thứ 104) và Triều Tiên ở vị trí 151/163.
Lừa đảo hàng trăm tỷ, vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng bị bắt
Zing đưa tin, chiều 15/6, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt bà Bùi Thị Mai Liên, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Liên lợi dụng địa vị của chồng (làm Giám đốc), vị trí xã hội của mình và trưng ra một số giấy tờ về bất động sản, bà Liên đã lấy được niềm tin của nhiều người, mượn nợ rồi không trả. Chủ nợ của bà Liên, người nhiều nhất trên 53 tỷ đồng, ít cũng nhiều tỷ.
Hiện số tiền mà bà Liên nợ của ngân hàng, cán bộ và người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.
‘Nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường,… từ đất’
- Ngọc Long
ĐBQH Đinh Duy Vượt cho biết có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất song cũng lụi tàn từ đất.
Truyền thông trong nước hôm 15/6 đã dẫn lại lời của ĐBQH Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) nói về vấn đề đất đai, trong phiên thảo luận của Quốc hội.
Đất đai là nguồn lực lớn, một trong những lợi thế quan trọng của nhiều tỉnh thành, nhưng là nguồn lực hữu hạn của đất nước. Hiện có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, theo Dân trí.
Ông Vượt cho rằng thời gian tới sẽ có nhiều điểm nóng về khiếu kiện đất đai. Nguyên nhân là do chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”, với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và địa phương.
“Vấn đề này lây lan như dịch COVID-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”, ông Vượt nói và cảnh báo về tình trạng các dự án có thể đứng sau là người nước ngoài tiềm ẩn về quốc phòng, an ninh. Nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo, theo Tiền phong.
Đặc biệt, thực tế xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất; có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn vì đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của người dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt, theo Zing.
Có lẽ, việc quan chức, cán bộ giàu nhanh bất thường, có biệt phủ, xe sang,… không còn là “chuyện lạ” đối với người dân Việt Nam.
Hồi năm 2014, báo chí trong nước đưa tin về hai quần thể biệt thự có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân (đây là khu vực “nhạy cảm” thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị phát hiện. Mà chủ nhân là ông Phan Như Thạch, một thiếu tướng công an vừa về hưu và và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.
Sau đó, Đà Nẵng đã kết luận “có sự lỏng lẻo của chính quyền”, rồi yêu cầu xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ 2 biệt thự này.
Năm 2017, người dân xôn xao vì “biệt phủ” của cựu giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý. Ông Quý là em trai Bí thư Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà. Thanh tra Chính phủ đã kết luận ông Quý không kê khai hàng chục ngàn mét vuông đất ở, tiền vay ngân hàng,…
Ông Quý từng giải thích: “Đây là kết quả của một quá trình lam lũ, nỗ lực làm đủ nghề mà có. Từ thời thanh niên, tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội bán…”.
Sau đó, ông Quý bị kỷ luật cảnh cáo, và bị mất chức,…
Cũng trong năm 2017, “biệt phủ” của gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk; “biệt phủ” của ông Phạm Thanh Hà, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy bị phát hiện xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Tiếp trong năm 2017, dư luận cũng xôn xao về 2 căn biệt thự hoành tráng, sa hoa của anh em ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam) tọa lạc tại khu đô thị Hòa Mạc (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên). Mà em trai ông Vượng là ông Nguyễn Minh Hoàn, lại là chủ dự án khu đô thị Hòa Mạc.
Ngoài ra, tại Lào Cai vào năm 2017, 6 biệt thự có diện tích từ 400 đến hơn 600m2, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.700m2, được quy hoạch ở vị trí đắc địa đều do quan chức tỉnh trúng thầu, cũng đã khiến dư luận xôn xao một thời.
… và còn nhiều những vụ khác nữa.
Báo Pháp Luật TP.HCM năm 2017 dẫn lời TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay “quan chức giàu có quá làm sao có được niềm tin của công chúng”. Với lương quan chức chỉ khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng, ông Dũng khẳng định “lương của các quan chức rất thấp nên làm quan là không thể làm giàu… tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ xảy ra”.
Cổng thông tin quốc hội năm 2019 có dẫn lại báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho thấy việc khiếu nại, tố cáo về đất đai tiếp tục chiếm đa số.Về khiếu nại, so với năm 2018, số đơn giảm 5,5% và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT, v.v…; khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,7%, về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 6,1%, còn lại là các lĩnh vực khác.Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,3% số đơn nhưng tăng 6,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 66,5% (tăng 1,2% so với năm 2018); tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỷ lệ 5,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỷ lệ 1,9% ,… |
Ngọc Long