Thái Học
Tác giả Sherry Dong hôm 30/4 có một bài viết trên tờ The Epoch Times, khảo sát nguồn vốn New York đã cấp ứng cho Trung Quốc để tạo nên một mối đe dọa ngược trở lại chính nước Mỹ vào thời điểm hiện tại. Dưới đây là toàn văn bài bình luận:
New York, trung tâm tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới, đang bị tấn công nghiêm trọng bởi Covid-19.
Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố ý che giấu và xử lý dịch bệnh một tắc trách, nguyên nhân tạo nên đại dịch toàn cầu, rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Liệu các tổ chức lớn ở New York, như Phố Wall và các ông lớn ngành dược có trụ sở tại thành phố này, có thể cân nhắc việc “ly khai” với Trung Quốc, bất chấp sự móc nối lợi ích kinh tế chặt chẽ và lâu dài?
Những tổ chức này đã cấp bao nhiêu tiền cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lịch sử?
“Toàn bộ cỗ máy của Đảng Cộng sản Trung Quốc và những hoạt động của họ tại Trung Quốc ngày nay đều được Phố Wall đứng ra tài trợ. Các doanh nghiệp Mỹ ngày này đang là cánh tay vận động hành lang của ĐCSTQ tại Mỹ, còn Phố Wall thì trở thành phòng quan hệ nhà đầu tư của họ”, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen Bannon cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 25/4/2019.
Tính đến ngày 25/2/2019, có 156 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn NASDAQ, sàn New York và sàn NYSE American – ba sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất nước Mỹ – với tổng vốn hóa thị trường lên tới 1,2 nghìn tỷ USD, theo một tài liệu được công bố bởi Ủy ban Đánh giá Kinh tế và Chứng khoán Mỹ-Trung (USCC). Đây là báo cáo được cập nhật thường xuyên cho Nghị viện Mỹ.
Tài liệu này cho thấy trong số các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, thì Alibaba có vốn hóa thị trường là 458,6 tỷ USD. Các hãng bảo lãnh hàng đầu của Alibaba bao gồm các tổ chức tài chính hàng đầu Hoa Kỳ như Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup.
PetroChina, một doanh nghiệp nhà nước nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, có vốn hóa thị trường lên tới 123,6 tỷ USD. Các tổ chức bảo lãnh hàng đầu của PetroChina bao gồm BlackRock, một trong những tập đoàn quản lý đầu tư lớn nhất cho các công ty niêm yết trên sàn Mỹ có trụ sở tại New York, tương tự JPMorgan Chase, Citigroup và Goldman Sachs.
Sinopec, một doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, có giá trị thị trường là 5,4 tỷ USD, và Morgan Stanley là một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất của hãng dầu khí quốc doanh này.
Lẽ hiển nhiên, vốn đầu tư mà các doanh nghiệp Trung Quốc thu hút được từ thị trường chứng khoán Mỹ sẽ rơi vào túi tiền của ĐCSTQ hoặc các tổ chức tài chính Mỹ. Nếu bất kỳ công ty Trung Quốc nào bị hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch Mỹ, thì cả Trung Quốc cùng tổ chức tài chính kia của Mỹ sẽ đồng thời chịu tổn thất.
Phố Wall đã rót bao nhiêu vốn cho ĐCSTQ?
Phố Wall đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ. Theo thống kê từ trang Bloomberg, vào thời điểm cuối tháng 11/2017 một phần ba trong số 215 quỹ đầu tư lớn của Phố Wall có cổ phần trong tập đoàn Alibaba.
Tháng 10/2019, BBC đã soạn thảo một báo cáo dựa trên số liệu do Refinitiv và CNN cung cấp, cho thấy BlackRock nắm giữ khoảng 9 tỷ USD cổ phiếu của Alibaba, gần 1 tỷ USD cổ phiếu của Baidu và hàng chục triệu USD cổ phiếu của Tencent.
Trong số tất cả các nhà đầu tư doanh nghiệp của Mỹ thì BlackRock, T. Rowe Price Associates và Vanguard Group là ba tổ chức đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc của 3 hãng này vượt quá 40 tỷ USD.
Hai quỹ đầu tư lớn khác – State Street Global Advisors US và Invesco Advisers Inc – cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu Trung Quốc, với tổng giá trị thị trường khoảng 15 tỷ USD.
Tỷ suất sinh lời từ những khoản đầu tư này?
Năm 2019, dữ liệu do Ủy ban Đầu tư Nhà nước Washington công bố cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2018, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) của danh mục đầu tư vào Trung Quốc của Quỹ đầu tư Warburg Pincus đạt 24%, trong khi ROI của danh mục đầu tư cổ phần tư nhân của Warburg chỉ đạt 15,3%.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khen ngợi Alibaba là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Khoản sinh lời thường gấp nhiều lần vốn bỏ ra.
Vậy, ĐCSTQ đã thâm nhập thị trường vốn của Mỹ sâu đến mức độ nào?
“Theo tôi thì có đến 1,9 nghìn tỷ USD tính riêng vốn đầu tư vào cổ phần tư nhân hoặc cổ phiếu, bên cạnh một nghìn tỷ USD đầu từ vào trái phiếu”, ông Roger Robinson, cựu chiến lược gia kinh tế và tài chính dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, đã đưa ra ước tính về quy mô đầu tư vào Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với phóng viên NTD Simone Gao vào cuối năm 2019.
Theo báo cáo phân tích thị trường năm 2019 của các nhà phân tích thuộc Bloomberg, ông Francis Chan và Sharnie Wong ước tính rằng – bất chấp sự suy giảm kinh tế sâu hoặc sự thay đổi dòng tiền lớn – các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể thu về khoản lãi khoảng 9 tỷ USD hàng năm tại Trung Quốc vào năm 2030.
Đứng trước cám dỗ của những khoản lợi nhuận khổng lồ, liệu Phố Wall có sử dụng năng lực của mình để vận động hành lang cho ĐCSTQ ở Washington?
Phố Wall vận động cho ĐCSTQ tại Nhà Trắng
Trên thực tế, một số giám đốc điều hành hàng đầu Phố Wall đã hoạt động như những người vận động hành lang cho ĐCSTQ trong nhiều năm tại Mỹ.
Ngoài việc vận động cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho phép ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phố Wall còn tìm cách thuyết phục Nhà Trắng không dán nhãn Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ.
Thời báo New York đưa tin các cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều coi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, nhưng Phố Wall luôn phản đối. Kết quả là cả Bush và Obama cuối cùng đều thất bại.
Tại sao Phố Wall giúp Trung Quốc tránh bị chỉ trích là kẻ thao túng tiền tệ?
Nếu Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và nhận được sự ủng hộ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ sẽ dễ dàng can thiệp hơn vào hoạt động của các tổ chức tài chính Hoa Kỳ. Ví dụ như Nhà Trắng có thể sẽ cấm các quỹ đầu tư của Mỹ mua các khoản nợ của Hoa Kỳ do các công ty Trung Quốc ở Hồng Kông phát hành trái phiếu.
Các phương tiện truyền thông đã báo cáo rằng Phố Wall đã sử dụng quyền lực chính trị của mình ở Mỹ để tác động đến chính sách đối với Trung Quốc của nước này, chẳng hạn như can thiệp vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Ngoài các tổ chức tài chính ra, thì nhiều công ty Mỹ bao gồm cả những gã khổng lồ trong ngành dược phẩm, đã liên tục “tiếp máu – đầu tư” trực tiếp cho ĐCSTQ.
Các hãng dược lớn đầu tư mạnh vào Trung Quốc
Trong đại dịch hiện nay, ĐCSTQ từng đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu các thành phần dược phẩm và dụng cụ y tế sang Hoa Kỳ. Do đó, chính quyền Trump đã kêu gọi các công ty dược phẩm Hoa Kỳ chuyển dây chuyền sản xuất về nội địa, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, các tổ chức vận động hành lang cho các đại gia dược phẩm của Mỹ đã gửi thư cho Tổng thống Donald Trump, phản đối lời kêu gọi “mua hàng Mỹ” của ông.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích các công ty dược phẩm này vì họ không muốn chuyển sản xuất trở lại Hoa Kỳ.
Ông đặc biệt đề cập đến “cơ quan vận động hành lang PhRMA”, đang làm việc thay mặt cho ít nhất hai công ty dược phẩm hàng đầu có trụ sở tại New York là Pfizer và Bristol-Myers Squibb. Trong nhiều thập kỷ, hai công ty này đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ bằng cách đầu tư vào Trung Quốc.
Pfizer nằm trong danh sách Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất toàn cầu), và là công ty dược phẩm lớn nhất thế giới. Với ba cơ sở sản xuất tiên tiến ở Trung Quốc và trung tâm R&D ở Thượng Hải và Vũ Hán, công ty có hơn 11.000 nhân viên tại Trung Quốc và hoạt động kinh doanh của công ty tại hơn 300 thành phố trên khắp nước Mỹ. Pfizer đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào Trung Quốc và cũng đã thu được lợi nhuận lớn từ các khoản đầu tư và hoạt động tại nước này.
Bristol-Myers Squibb cũng là hãng dược phẩm đa quốc gia nổi tiếng thuộc danh sách Fortune Global 500. Công ty được biết đến với các sản phẩm thuốc tim mạch, thuốc chống ung thư và thuốc hệ thần kinh trung ương. Bristol cũng phát triển và sản xuất các loại thuốc chống thải ghép (Nulojix) để ghép tạng, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2011.
Hoa Kỳ và lộ tuyến phía trước
Cấp vốn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới, thì chẳng khác nào với việc “truyền máu” cho một chế độ tội phạm.
Báo cáo Quốc gia về Thực hành Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2019 có trích dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc về thống kê số liệu hiến tạng, theo đó kết luận rằng có “bằng chứng thuyết phục” dựa trên thống kê pháp y cho thấy dữ liệu này đã bị “làm giả”.
Tháng 6/2019, Tòa án về Trung Quốc – một tòa án độc lập điều tra cáo buộc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, đã công bố phán quyết cuối cùng, xác nhận ĐCSTQ đã cưỡng bức mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác “trên quy mô lớn” trong nhiều năm.
“Dựa trên cơ sở của tất cả các bằng chứng trực tiếp và gián tiếp, toà án đi đến một kết luận chắc chắn rằng việc mổ cướp nội tạng đã xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc trong khoảng thời gian ít nhất là hai mươi năm, tiếp diễn cho đến ngày nay”, trích phán quyết của Tòa án.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, “Thời gian chờ đợi để có tạng cấy ghép phù hợp tại Trung Quốc là ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác. Thời gian trung bình chỉ vỏn vẹn hai tuần”, trong khi ở các nước khác là cả năm.
Một nhóm điều tra độc lập khác, thành lập bởi David Kilgour, Cựu Quốc vụ khanh Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã công bố một báo cáo vào ngày 6/7/2006, sau hai tháng điều tra và thu thập chứng cứ. Báo cáo nêu rằng thông qua xác minh nhiều lần 18 loại bằng chứng khác, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận rằng, “hành vi thu hoạch nội tạng không tình nguyện từ các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn vẫn tiếp diễn đến ngày nay”.
Trong cuộc họp báo, ông Matas gọi việc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công là “tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.
Tại một cuộc họp báo khác của Ủy ban về Mối nguy hiểm Hiện hữu: Trung Quốc hồi tháng 6/2019, Steve Bannon – cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng, một thành viên ủy ban – đã chỉ trích giới tinh anh phương Tây như Phố Wall, đã bắt tay với ĐCSTQ, mặc dù họ hoàn toàn biết rằng chế độ này đã vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.
“Vấn đề là giới tinh anh trên toàn cầu, giới tư bản ở Frankfurt, London, Phố Wall, các tập đoàn quốc tế, họ đã vận hành đường dây này trong suốt 20 năm qua, khi đầu tư và cung cấp công nghệ cho ĐCSTQ. Họ đã tạo ra một con quái Frankenstein ngoài đời thực”, ông nói.
Tháng 11/2019, Ủy ban về Mối nguy hiểm Hiện hữu: Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo khác, chỉ ra các công ty Trung Quốc tiếp nhận vốn Mỹ, bao gồm ZTE, Hikvision và những doanh nghiệp khác, không chỉ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, mà còn xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở đại lục.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Robinson nói rằng Hoa Kỳ hiện đang ở một ngã rẽ. Ông cảnh báo nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đô mà Trung Quốc tiếp cận được tại thị trường vốn Mỹ, và vấn đề của nhiều công ty Trung Quốc hiện đang được các tập đoàn lớn của Mỹ tài trợ.
Ông cho rằng ĐCSTQ phải ngay lập tức bị chặn đứng khả năng tiếp cận nguồn vốn Mỹ. Nếu không, hậu quả cho Mỹ có thể là khổng lồ.
Wang Jin là phóng viên của tờ The Epoch Times. Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.
(Nguồn thumbnail: Ramy Majouji/Wikipedia)