Phạm Hoài Nam dịch
Thế giới có thể sẽ chứng kiến một Thiên An Môn thứ hai một khi mà Trung Quốc sẵn sàng đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông để nắm trọn quyền kiểm soát, một nhà phân tích thời sự cảnh báo.
Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn với những cuộc biểu tình gần như mỗi tuần thu hút hàng trăm ngàn người tham dự trên hòn đảo thịnh vượng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Các công dân Hồng Kông tận dụng quyền tự do tương đối để bày tỏ sự phẩn nộ của họ khi chính quyền Bắc Kinh muốn hủy diệt quyền tự do hạn chế này.
Những ý định đó đã được cụ thể hóa bằng luật an ninh quốc gia mới dành cho Hồng Kông đã được Quốc Hội Trung Quốc thông qua vào tháng trước.
Một khi luật này được áp dụng thì những cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ trở thành phạm pháp, có thể bị gán cho tội khủng bố, theo ông Michael Shoebridge – giám đốc Chương trình Phòng thủ, Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Úc.
“Chỉ trích chính quyền Trung Quốc, biểu tình, đình công, không ca Quốc ca Trung Quốc và xúc phạm lá cờ… sẽ được coi là những hành động phạm pháp”, ông Shoebridge cho biết.
Thậm chí những hành động chỉ trính nhẹ nhàng đối với Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng có thể được xem là nổi loạn, có thể bị “án tù dài hạn”, ông nói thêm.
Các cơ quan an ninh bên trong Trung Quốc, như Công An Vũ Trang Nhân Dân (the People’s Armed Police) và các nhân viên từ bộ nội vụ Trung Quốc hiện đang tổ chức mạng lưới của họ tại Hồng Kông để thực thi luật mới này.
Hình như Chủ tịch Tập Cận Bình đang nóng lòng muốn kiểm soát chặt chẻ và tiêu diệt phong trào đòi hỏi tự do dân chủ tại Hongkong.
Không chỉ có lợi điểm về kinh tế và chiến lược, Hồng Kông còn là một biểu tương quan trọng đối với Trung Quốc và đối với thế giới.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, Hongkong đang đe dọa khả năng của Trung Quốc kiểm soát người dân bên trong lục địa, ông Shoebridge cho biết.
“Tập Cận Bình muốn tiêu diệt quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội đoàn, tự do đình công của người Hongkong vì sợ người dân bên trong Trung Quốc sẽ đòi hỏi tương tự,” ông Shoebridge nói.
“Chính quyền Trung Quốc không muốn phong trào dân chủ chỉ cho 1.4 tỉ người dân Trung Quốc thấy rằng bên cạnh chế độ độc tài còn có thể có một chọn lựa khác, đặc biệt chọn lựa đó đang được đòi hỏi tại một hòn đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”
Hui Feng, một nhà nghiên cứu tại đại học Griffith University (Queensland), nói rằng hành động của Trung Quốc đang là tiếng chuông báo tử cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đã hứa hẹn khi nhận lại Hồng Kông từ Anh Quốc hơn 20 năm trước.
“Đối với Bắc Kinh, đây là mũi tên giết hai con chim cùng một lúc,” ông Hui đã viết trong The Conversation.
“Trong ngắn hạn, bằng khủng bố và hăm dọa nó có thể dập tắt những bất ổn dân sự kéo dài hơn một năm nay tại Hongkong. Quan trọng hơn nữa, trong dài hạn, đây là một đòn chí tử đối với nền pháp trị của Hongkong và sự tự trị của thành phố này.”
Trong chiến lược lâu dài để đồng hóa hòn đảo này vào đời sống của Trung Quốc lục địa, Bắc Kinh đã thất bại trong việc chinh phục lòng người Hongkong. Bây giờ họ chỉ còn chọn lựa là sử dụng bạo lực để ép buộc người Hongkong phải quy hàng.
Bây giờ là lúc Bắc Kinh quyết định giải quyết dứt khoát vấn đề Hongkong. Thời điểm hiện tại không phải là một sự tình cờ.
Trung Quốc đã đặt thế giới Tây Phương vào tư thế khó khăn vì mối quan hệ về kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Nó xảy ra vào thời điểm khi đại dịch coronavirus đã nhấn chìm Hoa Kỳ và Anh Quốc vào cuộc khủng hoảng, khiến cho họ không có khả năng phản ứng.
Cộng đồng thế giới cũng bị đặt vào tư thế không biết phải đối phó ra sao.
“Đây là thời điểm của Thiên An Môn đối với chúng ta,” ông Shoebridge nói.
Vào đầu tháng 6 năm 1989, các sinh viên Trung Quốc biểu tình liên tiếp trong vài tháng để đòi hỏi cải tổ về kinh tế và chính trị, cuối cùng đã bị các xe tăng tiến vào giữa Thiên An Môn tàn sát.
Những người trẻ này đã bị đâm, bị bắn. Các xác chết đã bị các xe tăng nghiền nát không một chút thương tiếc.
Khó có thể biết chính xác số người chết, nhưng một đường dây tối mật từ tòa Đại sứ Anh Quốc ước đoán con số lên đến gần 10,000.
***
“Thực thi luật mới bởi Bắc Kinh sẽ vi phạm đến quyền sống của 7.5 triệu người Hongkong,” ông Shoebridge nói.
“Ít ra có thể giúp cho một số người Hongkong cam đảm không phải trải qua những năm tháng tù đài vì hành động và suy nghĩ của họ – những điều đã được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bảo đảm trước thế giới vào năm 1997, cũng giống như có thể cứu được hàng ngàn công dân Trung Quốc không bị bắt bớ, bỏ tù sau khi quân đội Trung Quốc tàn sát những người tranh đấu dân chủ trên đường phố Bắc Kinh vào năm 1989.”
Nhưng hãy chờ xem thế giới sẽ phản ứng ra sao.
Có những sự phức tạp về kinh tế và ngoại giao đối với thế giới Tây Phương, và bất cứ ý định nào để ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ đều vô ích, ông Hui nói.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc rất có thể sẽ không nhượng bộ đối với bất cứ áp lực nào từ bên ngoài.
“Điều đó sẽ làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thêm căng thẳng và giới lãnh đạo Trung Quốc, hơn bao giờ hết, đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lạnh mới với đối thủ phương Tây”.
“Và Hồng Kông sẽ trở thành một ‘một Berlin thứ hai'”, theo nhận định của nhà tranh đấu dân chủ Joshua Wong.
Thái độ cứng rắn của Trung Quốc hiện nay đối với Hongkong chỉ là màn đầu trong kế hoạch dẹp tan cuộc đấu tranh kéo dài trên hải đảo này của Tập Cận Bình.
Tham vọng của Trung Quốc không chỉ có thống nhất Hongkong mà còn phải thống nhất Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
“Sau Hongkong, sẽ đến Đài Loan, chúng ta sẽ thấy một sự gia tăng từng bước để cô lập và hăm dọa Đài Loan,” ông Shoebridge nói.
Sự thành công Đài Loan về phương diện kinh tế và chính trị cho thấy rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc tự cho là một chọn lựa duy nhất để cai trị toàn cõi lãnh thổ đất nước Trung Hoa là hoàn toàn sai.
“Nước Úc và các nước dân chủ khác phải hành động để Đài Loan không bị cô lập và đe dọa bởi Trung Quốc,” ông nói.