Chuyên gia Mỹ: Covid-19 cho thấy sự dửng dưng của Trung Quốc đối với quyền con người

Duy Nghĩa

Một viên cảnh sát Trung Quốc đứng chắn giữa ống kính máy ảnh và những người biểu tình trong một bức ảnh của Michael Mooney, đăng trên Flickr ngày 10/4/2005.

Trong một bài bình luận đăng trên tờ Townhall gần đây, ông Timothy Head, giám đốc điều hành của Liên minh ‘Đức tin & Tự do’ cho rằng Covid-19 cho thấy sự dửng dưng của Bắc Kinh đối với nhân quyền.

Theo ông Timothy, Tổng thống Trump đã thực hiện một công việc xuất sắc, dẫn dắt nước Mỹ “trong cuộc khủng hoảng COVID-19, kết nối người Mỹ với thông tin và nguồn lực mà họ cần trong thời gian giãn cách xã hội. Nhưng nếu Tổng thống xứng đáng nhận được sự khen ngợi của chúng ta cho bất cứ điều gì, thì đó là sự hiểu biết sâu sắc của ông về Trung Quốc”.

Ông Timothy cho rằng “rất lâu trước khi COVID-19 bùng phát, Tổng thống đã nhận ra điều mà ít người trong chúng ta sẵn sàng thừa nhận: Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta”.

Ông Timothy lưu ý về các tin tức báo chí nổi bật trong vài tuần qua, tập trung vào những thủ đoạn chiến lược của Trung Quốc nhằm che giấu sự xuất hiện của COVID-19. Lo lắng về mất việc làm, các quan chức ở Vũ Hán đã nói dối về số lượng các ca nhiễm bệnh, xét nghiệm và tử vong. Các bác sĩ, những người lên tiếng về mối đe dọa do virus gây ra, đã nhanh chóng bị bịt miệng, với việc chính quyền Trung Quốc ra lệnh cho cảnh sát chống lại họ, và sản xuất chương trình truyền hình miêu tả họ là những kẻ gây hoang mang.

“Kể từ đó, [Bắc Kinh] đã bắt đầu một chiến dịch thông tin sai lệch, đổ lỗi virus cho quân đội Mỹ”, ông Timothy nhấn mạnh.

Cưỡng ép phá thai

Ông Timothy cho hay việc Trung Quốc sử dụng các chiến dịch tuyên truyền cũng không có gì là mới lạ đối với các nhà hoạt động nhân quyền phản đối phá thai. Những người này cho rằng Trung Quốc có “một hồ sơ cực kỳ yếu kém về việc duy trì thai nhi, tự do và hạnh phúc”.

Mặc dù Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con của mình vài năm trước, nhưng Bắc Kinh vẫn cấm các cặp vợ chồng có nhiều hơn 2 con. Việc cưỡng ép phá thai vẫn tiếp tục xảy ra, cũng như việc triệt sản bắt buộc. Chính quyền Trung Quốc áp dụng các khoản tiền phạt lớn đối với các cặp vợ chồng, những người dũng cảm không tuân theo giới hạn bắt buộc của nhà nước về số con.

Đàn áp tôn giáo

Theo ông Timothy, Trung Quốc cũng cho thấy hầu như họ không tôn trọng tự do tín ngưỡng. Những tài liệu bị rò rỉ vào cuối năm ngoái cho thấy các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị vây bắt, và bị đưa vào các trại cải tạo. Thông qua các kỹ thuật như giám sát, hệ thống chấm điểm và lịch trình hàng ngày nghiêm ngặt, các trại này nhằm mục đích tẩy não những người bị giam giữ, biến họ trở thành những công dân Trung Quốc ‘mẫu mực’, nói tiếng phổ thông. Họ chỉ được thả tự do khi có thể tỏ rõ những dấu hiệu chuyển đổi hoàn toàn.

“Một luật sư nhân quyền đã mô tả các trại giam là được thiết kế đặc biệt, để quét sạch người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương như một nhóm văn hóa riêng biệt, ra khỏi bề mặt Trái đất”, ông Timothy cho biết.

Ngoài ra, theo ông, người Hồi giáo không phải là nhóm tôn giáo duy nhất bị đàn áp ở Trung Quốc. Mặc dù hiến pháp Trung Quốc quy định rõ ràng về việc người dân có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng trên thực tế đất nước này có rất ít sự khoan dung đối với những người có đức tin.

Ví như, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công, môn khí công theo trường phái Phật gia, giúp người tập nâng cao sức khỏe, đồng thời dạy người hướng thiện qua các bài giảng đạo đức, đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo từ tháng 7/1999 cho đến nay.

Phật tử Tây Tạng cũng bị bắt bớ. Các tu sĩ và ni cô, những người không thề trung thành với Bắc Kinh hoặc không chịu lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã bị cầm tù và tra tấn. Các phật tử cũng bị hạn chế tụ tập hoặc đi hành hương.

Các Kitô hữu cũng không thoát khỏi sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc. Một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nhấn mạnh cách thức mà các nhà thờ ngầm tiếp tục bị đàn áp như thế nào, thậm chí ngay cả khi Giáo hội Công giáo đồng ý cho phép Bắc Kinh có tiếng nói trong việc lựa chọn giám mục mới.

Các nhà thờ Tin lành cũng bị chính quyền Trung Quốc đàn áp. Một số nhà thờ Tin lành đã bị đóng cửa.

Chính phủ Trung Quốc có ý định quảng bá cái gọi là “Cơ đốc giáo Trung Quốc”, thông qua việc giải thích mới đối với Kinh thánh, nêu bật những điểm tương đồng được vin vào, giữa kinh thánh và chủ nghĩa xã hội.

Đây là “một chiến lược biến sách phúc âm trở nên ‘có lợi’ [cho Bắc Kinh], và làm giảm niềm tin vào Chúa Giê-su, mà họ cho là đe dọa chính quyền độc tài Trung Quốc”, ông Timothy nhận định.

Tuy nhiên, ông Timothy cho rằng “những cuộc đàn áp này, cho đến nay, không đạt được mục đích. Kitô giáo tiếp tục bùng nổ ở Trung Quốc, với một số dự đoán rằng có thể có nhiều Kitô hữu ở Trung Quốc hơn ở Mỹ vào năm 2030”.

Ông Timothy nhận thấy chính phủ Mỹ đang dần dần nhưng chắc chắn tiến hành các biện pháp, để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

“Các nhà lập pháp liên bang đã thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ hành động chống lại Trung Quốc, và công việc của chính quyền Trump đã thúc đẩy các nước khác tạo ra các sáng kiến của riêng họ, cho tự do tôn giáo”, ông Timothy nhận xét.

Ông Timothy cho rằng đã đến lúc Mỹ cần hành động nhanh chóng và quyết đoán. Trung Quốc đã cho thấy ‘bộ mặt’ thực sự của nó trong vài tuần qua. Họ không chỉ thờ ơ với số phận của các nhóm thiểu số tôn giáo, mà còn dửng dưng với số phận của chính công dân nước mình, và số phận của thế giới nói chung.

Theo ông Timothy, việc Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc cho thế giới thấy ông không né tránh xung đột khi liên quan đến việc bảo vệ lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

“Ông Trump phải mang sự can đảm và sự thẳng thắn đó vào cuộc chiến vì sức khỏe toàn cầu và tự do tôn giáo”, ông Timothy chỉ rõ.

Kết thúc bài bình luận, ông Timothy khẳng định: “COVID-19 không phải là mối đe dọa xấu xa đầu tiên, xuất hiện từ Trung Quốc, nhưng nếu chúng ta hành động cùng nhau, ở cấp quốc gia và quốc tế, chúng ta có thể biến nó thành mối đe dọa lần cuối”.

Theo Townhall
Duy Nghĩa biên dịch

Related posts