Cựu Thủ tướng Đan Mạch mời Tổng thống Đài Loan dự hội nghị dân chủ
Tờ Taiwan News hôm nay đưa tin, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen tổ chức trực tuyến vào hai ngày 18-19/6. Bà Thái đã nhận lời.
Theo CNA, Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen được thành lập vào năm 2007 bởi cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, với mục đích kết nối các lực lượng dân chủ toàn cầu và thảo luận về những thách thức mà các nền dân chủ phải đối mặt.
Ông Rasmussen cho biết ông mời Tổng thống Thái tham dự hội nghị vì sự tái đắc cử của bà, người đại diện cho Đài Loan, một quốc gia dân chủ với dân số 23 triệu người, và sự kiểm soát dịch Covid-19 thành công hơn quốc gia láng giềng Trung Quốc bất chấp nguy cơ lây nhiễm rất cao do có mối quan hệ gần gũi với nước này.
Ngoài bà Thái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Vera Jourova, Tổng thư ký đảng Demosisto Hoàng Chi Phong từ Hồng Kông cũng được mời tham dự.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc đệ đơn từ chức
Bộ Thống nhất Hàn Quốc chiều nay xác nhận với tờ NK News rằng, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul đã đệ đơn xin từ chức, một ngày sau khi Triều Tiên cho nổ Văn phòng Liên lạc chung ở Kaesong.
Bộ thống nhất là một cơ quan của chính phủ Hàn Quốc, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đối thoại, trao đổi và hợp tác giữa hai miền, theo Wikipedia.
“Tôi quyết định từ chức, chịu toàn bộ trách nhiệm trong mối quan hệ liên Triều suy yếu”, ông Kim nói với các phóng viên hôm nay.
“Tôi rất tiếc vì không thể đáp ứng được kỳ vọng và đòi hỏi của người dân Hàn Quốc đối với sự hòa bình và thịnh vượng của bán đảo Triều Tiên”.
Theo CNN, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa chấp nhận đơn từ chức của ông Kim.
Chính quyền Trump kiện cựu cố vấn an ninh quốc gia
Chính quyền tổng thống Trump hôm 16/6 đệ đơn kiện cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vì cho rằng cuốn hồi ký của ông về Nhà Trắng chứa thông tin mật và gây tổn hại an ninh nước Mỹ, theo Reuters.
Cuốn hồi ký của ông Bolton có tên “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (Tạm dịch: Căn phòng nơi nó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng), dự kiến xuất bản ngày 23/6.
Đơn kiện của chính quyền Trump có viết, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) “xác định bản thảo hiện tại cuốn hồi ký có một số đoạn chứa các thông tin an ninh quốc gia mật”.
“Việc xuất bản cuốn sách sẽ gây ra hậu quả không thể khắc phục được, bởi việc tiết lộ các thông tin mật trong bản thảo đã được duyệt có thể gây tổn hại nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh Mỹ”.
Bắc Kinh hủy hơn 1.200 chuyến bay vì dịch Covid-19
Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin, Bắc Kinh hôm nay đã hủy ít nhất 1.255 chuyến bay trong và ngoài nước, chiếm gần 70% số chuyến bay của thành phố trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn biến phức tạp tại đây.
Giới chức Bắc Kinh hôm nay thông báo đóng cửa toàn bộ trường mẫu giáo, tiểu học và trung học trong thành phố. (chi tiết)
Tổng thống Honduras nhiễm Covid-19
Ông Juan Orlando Hernandez, Tổng thống Honduras, cuối ngày 16/6 thông báo ông đã nhiễm Covid-19 nhưng vẫn làm việc từ xa thông qua các trợ lý, theo Reuters.
“Là tổng thống của đất nước và là một công dân có trách nhiệm, tôi muốn thông báo rằng hồi cuối tuần trước, tôi bắt đầu cảm thấy không khỏe và đến hôm nay tôi vừa được chẩn đoán nhiễm Covid-19”, ông Hernandez phát biểu trên truyền hình.
Vợ của ông là Ana Garcia và hai trợ lý của ông cũng bị nhiễm bệnh. Bà Garcia dương tính nhưng không có triệu chứng.
“Họ đề nghị tôi nghỉ ngơi nhưng tôi sẽ tiếp tục làm việc từ xa thông qua các trợ lý”, ông Hernandez cho biết.
Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt văn học mạng
Trung Quốc đã giới thiệu một bộ các quy định mới cho lĩnh vực xuất bản trực tuyến mà theo đó các ấn phẩm văn học trên mạng sẽ phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Các tác giả văn học điện tử được phép sử dụng bút danh nhưng phải cung cấp tên thật cho chính quyền, theo Taiwan News.
Theo thông báo của Cơ quan Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc (NPPA), các diễn đàn văn học trực tuyến phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các tác phẩm để “phục vụ lợi ích của xã hội”, theo Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chỉ thị này yêu cầu các doanh nghiệp xuất bản văn học mạng tạo ra một môi trường ‘lành mạnh’ cho văn học điện tử bằng cách “đảm bảo một số lượng được kiểm soát và chất lượng tăng cường trong khi cắt giảm những nội dung trực tuyến trùng lặp so sao chép qua lại”. Một hệ thống đăng ký tên thật tác giả sẽ được triển khai để đảm bảo tính trách nhiệm tốt hơn của tác giả, đồng thời các bình luận và tương tác giữa người viết và độc giả cũng sẽ được điều tiết và chịu sự kiểm soát.
Ngoài ra, các cơ quan giám sát được khuyến nghị áp dụng phương pháp tiếp cận kiểu cây gậy và củ cà rốt cho ngành công nghiệp này, theo đó sẽ trao giải thưởng hoặc trừng phạt các diễn đàn văn học điện tử dựa trên nỗ lực của họ trong việc “gây dựng ảnh hưởng tích cực đến xã hội và thúc đẩy lương tri”, chỉ thị có ghi.
Động thái này được coi như một bước kế tiếp để hạn chế tự do ngôn luận, một nỗ lực Bắc Kinh đã thực hiện từ năm 2015, CNA viết. Một cuộc đàn áp lớn đối với văn học trực tuyến năm 2018 đã chứng kiến 400 trang web bị kỷ luật, bao gồm cả trang web cực kỳ phổ biến www.jjwxc.net (Tấn Giang Văn Học Thành). Nguyên nhân bề mặt được chính quyền đưa ra là những trang này chứa nội dung dâm dục, vi phạm bản quyền và các vi phạm khác.
Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), số lượng độc giả văn học mạng của Trung Quốc đạt 455 triệu người vào năm 2019.