Trùng Dương
Như thể đại dịch Covid-19 chưa đủ, nước Mỹ từ hơn ba tuần nay bị cuốn vào một trận dịch khác trong cơn đại dịch – trận dịch chống bạo lực của cảnh sát và phân biệt chủng tộc sau cái chết tức tưởi của một người da đen dưới đầu gối của một viên cảnh sát da trắng ngày 25/5, 2020 ở thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.
Cơn lốc không chỉ diễn ra tại các thành phố ở Mỹ mà đã lan ra các nước khác, như Pháp, Anh, Đức, Úc, New Zealand và vài nơi khác.
Cơn lốc dường như không ngưng ở hiện tại mà còn vươn vào cả quá khứ, khi nhiều pho tượng không chỉ của phe phiến loạn Confederate đòi ly khai trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19 bị giật đổ, mà cả những pho tượng của những nhân vật xưa tại một số thành phố ở Âu châu cũng bị chiếu cố vì đã chủ mưu, tiếp tay hay dung dưỡng nạn buôn bán nô lệ da đen và tiêu diệt các sắc dân thuộc địa vào các thế kỷ trước.
Tất nhiên cơn lốc đã không chừa những gia đình gốc Á. Và đã hẳn người gốc Việt cũng bị cuốn vào trong đó.
Hầu như mọi người quên hẳn Covid, mặc các chuyên viên y tế báo động về sự gia tăng của các ca nhiễm, của những ca phải vào bệnh viện chữa trị, về các con số tử vong.
Một người bạn gửi cho tôi bản điện thư bằng tiếng Việt kèm với hình chiếc quan tài mạ vàng chở xác người đàn ông da đen chết dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng, đặt trong chiếc xe tang sơn trắng do ngựa kéo, đưa người quá cố tới nơi yên nghỉ cuối cùng, với những lời lẽ miệt thị, vô ý thức, như sau:
”Đang là 1 tội phạm ma túy phút chốc trở thành thiên thần, với quan tài mạ vàng, có xe ngựa kéo, không khác gì Tổng Thống, với hàng trăm nhân vật quan trọng trong đảng dân chủ, cùng hàng ngàn người tham dự.”
”Hàng trăm viên chức Chính Phủ quì mọp dưới linh cửu của ngài để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ.”
”Quỹ tương trợ đám tang cho ngài đã quyên góp được trên 13 triệu đô la. Thành viên Dân chủ của Quốc hội Mỹ đã quỳ cầu nguyện cho ngài và phong tặng ngài là Anh Hùng liệt sỹ. Nếu đảng Dân chủ nắm đa số trong Quốc Hội, ngài sẽ được đặt tên đường. Tiểu sử của ngài tội phạm sẽ được đem dạy cho lớp trẻ. Các em sẽ theo gương ngài, không cần phải học hành. Cứ phạm tội xong vô tình tìm cách để cho cảnh sát bóp cổ chết, sẽ trở thành anh hùng đời đời đi vào lịch sử. Nếu chưa được trở thành anh hùng cũng thành triệu phú trong vài ngày.
Hy vọng ngài sẽ hiển linh để giúp đảng dân chủ nắm quyền từ trên xuống dưới như ước mơ của đảng.” Bản quyền hình ảnh Getty Images
Chắn hẳn lời “tang điếu” này đã khiến một chị bạn của tôi, một nhà truyền thông gốc Việt và là người triệt để hỗ trợ TT Trump vì tin ông chống Trung Quốc, bất nhẫn trước một viễn tượng kết quả bầu cử tổng thống sắp tới có thể ngoài ý muốn đó, đã tuyên bố là nếu ông Trump thất cử và người của đảng Dân Chủ lên, chị sẽ… dọn về Việt Nam. Ba mươi lăm năm trước, như bao người Miền Nam dạo ấy, chị đã xoay sở để di cư sang Mỹ lánh nạn cộng sản độc tài đảng trị. Tôi nghĩ chị cũng chỉ nói vậy trong cơn giận dữ.
Gia đình tôi cũng không tránh khỏi chia rẽ, dù phần lớn ngấm ngầm. Cậu con lớn thuộc phe Cộng Hòa, tất nhiên là ít nhiều chia sẻ và hỗ trợ đường lối của chính quyền ông Trump, từ một số biện pháp chống dịch tới việc nhìn một cách tiêu cực các cuộc biểu tình của người da đen, mặc dù đã có sự tham dự của nhiều sắc dân khác, kể cả người gốc Á. Trong khi đó, hai cô em – một thuộc đảng Xanh, và một kín đáo hơn nên tôi không biết cô thuộc đảng nào – có quan niệm chính trị phóng khoáng, tất nhiên là bất đồng với cái gọi là chính sách chống dịch của chính quyền ông Trump. Và hai cô có thái độ bao dung hơn, nếu không nói là có cảm tình, đối với cuộc tranh đấu của người da đen nói riêng và da mầu nói chung, chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Phần tôi không thuộc đảng nào – “nonpartisan,” như vẫn được ghi trên các giấy tờ bầu bán. Tôi hỗ trợ những việc làm có tính cách nhân bản, hữu ích cho xã hội nói chung, và chống lại bất cứ sự bất công đàn áp nào. Dù vậy, đôi khi giữa cậu con và tôi có những cuộc thảo luận dẫn tới bế tắc, đành đồng ý với nhau là… bất đồng ý. Các em của cậu ta thì hoàn toàn tránh tranh biện với ông anh.
Thành ra, trong cơn đại dịch ghê gớm chưa từng có, giữa một nền kinh tế khủng hoảng, xã hội bất ổn, không biết tới bao giờ mới chấm dứt, mẹ con tôi hầu như không dựa được vào nhau ngoài những thăm hỏi xã giao lấy lệ. Cậu con tôi, dù vậy, không nhìn các cuộc biểu tình đòi được đối xử bình đẳng bằng cái nhìn nhiễm định kiến về mầu da, chủng tộc, mà với những bận tâm thực tiễn, chẳng hạn như, nếu tước đi những lựu đạn cay, những thế khóa cổ (chockhold), làm sao một cảnh sát khống chế được một đám người giận dữ, một kẻ tình nghi to lớn hung dữ, v.v…
Tôi không có câu trả lời, chỉ nói tôi không đồng ý việc quân đội hóa cảnh sát vốn nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cộng đồng. Tại sao cảnh sát mỗi khi nổ súng là phải chết người? Tại sao không chỉ bắn bị thương một kẻ tình nghi? Đó là câu hỏi thường đến trong đầu tôi mỗi khi nghe tin một cảnh sát bắn chết người, phần lớn là da đen.
Tôi biết nhiều gia đình gốc Á nói chung và Việt nói riêng cũng không thuận hòa gì hơn. Trên Facebook, cô con gái út kể lại (vì tôi không dùng diễn đàn này), các cháu của tôi đang phản đối việc một cô em tôi đã đưa những hình ảnh kỳ thị người da đen lên trang của mình. Trong đám cháu này có hai cô, một sinh ra ở Pháp nhưng lớn lên tại Mỹ và một sinh ra tại Mỹ, đã tham gia Cuộc Diễn Hành của Phụ Nữ vào đầu năm 2017 phản đối ông Trump.
Dường như cái hố ngăn cách thế hệ giữa các bậc cha mẹ di dân vốn bảo thủ và con cái – trưởng thành hoặc sinh ra tại Mỹ và chịu ảnh hưởng của nền giáo dục nhân bản và khai phóng, nên phóng khoáng trong các suy nghĩ về chính trị, xã hội, và cả trong việc bảo vệ môi trường – đã thêm bị khơi rộng ra trong tình huống dịch-trong-đại-dịch hiện tại.”
Kỳ thị da đen trong cộng đồng gốc Á có căn nguyên từ huyền thoại ‘dân thiểu số mẫu mực,’ mà giới lãnh đạo người da trắng đã, để đối phó với phong trào đòi dân quyền vào thập niên 1960, tạo nên để gây chia rẽ giữa người Mỹ gốc Á với các dân da mầu khác,” Marina Fang viết gần đây. “Nhiều di dân gốc Á đã nhập tâm cái tinh thần ấy, đã hành xử dưới cái cảm tưởng sai lầm là cứ sống ‘ngoan ngoãn’ thì sẽ sớm hội nhập vào với xã hội da trắng và được nhập phe với người da trắng.” Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Luật sư Tín Nguyễn (phải) trao đổi với hai người Mỹ gốc Việt bị trục xuất tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/4/2018
Tác giả Fang cho rằng đây là nguyên nhân sâu xa của thái độ phân biệt mầu da của người gốc Á. Tất nhiên việc người gốc Á phân biệt hoặc cả kỳ thị người da đen cũng còn do những va chạm đưa tới xung đột kình chống lẫn nhau, từ đó thành định kiến, cũng có, song vấn đề đó ở ngoài phạm vi của bài này.
Trong trường hợp người Việt thì cái nguyên nhân, theo tôi, còn sâu xa hơn là muốn làm những người gốc Á “ngoan ngoãn” để mau hội nhập.
Người Việt đến Mỹ mang theo nhiều di sản quí giá có, mà không đáng gì cũng có. Quí giá thì là cái di sản Cộng Hòa (đúng nghĩa, không phải là cái lý tưởng Cộng Hòa đã bị sa đọa từ vài năm trở lại đây tại Mỹ) mà tôi đã đề cập tới trong bài “Nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến: Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1975.”
Di sản không đáng mang theo là tinh thần kỳ thị đối với những chủng tộc khác, trừ người da trắng. Ai thuộc thế hệ tôi, những người hiện ở lứa tuổi 70-80 gần đất xa trời, hẳn đều nhớ hồi ở Việt Nam, người Việt có thói quen gọi tất cả những người thuộc dân tộc thiểu số, phần lớn sinh sống trên cao nguyên là Mọi, không coi họ là ngang hàng với mình. Ai cũng biết con lai đã bị đối xử thế nào, dưới thời thực dân Pháp cũng như sau này trong thời kỳ quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam.
Các trẻ em lai Mỹ, nhất là Mỹ đen, đã bị hư hại tới độ nhiều em khi tới Mỹ trong chương trình Homecoming không còn có thể thích nghi, khoan nói tới hội nhập vào đời sống tại quê hương của cha, mặc cho các giúp đỡ của chính phủ và cơ hội học hành để tiến thân. Bởi vì, giản dị, nhiều em hồi còn ở Việt Nam không hề được cắp sách tới trường vì phải tranh sống và đương đầu với tinh thần kỳ thị.
Dù đã nhiều thập niên sống tại Mỹ, chúng ta vẫn có thói quen nhìn xuống những người có mầu da đậm hơn da mình. Tôi có chị bạn kể là khi con gái chị có bạn trai là người da đen, chị buồn và lo lắm. “May sau cháu lấy một một người da trắng, lại có cấp bậc cao trong quân đội, lại vừa lên chuẩn tướng,” chị hân hoan kể. Đã hẳn là chị không chịu được khi Hoa Kỳ có vị tổng thống da đen đầu tiên. Chị thù ghét vợ của ông ta tàn tệ. Tới nỗi tôi phải hỏi chị tại sao, bà ta có làm gì chị không, thì chị đáp: “Tại bà ta xấu quá”!
Chị bạn này không phải là người bạn gốc Việt duy nhất của tôi ghét TT Obama vì ông đen, dù tổ tiên không phải là dân Phi châu bị người da trắng bắt cóc mang bán làm nô lệ bốn thế kỷ trước. Có chị bạn kết tội ông cựu tổng thống da đen là tham nhũng, tôi hỏi sao biết, thì chị nói khi lên làm tổng thống, hai ông bà nghèo rớt mồng tơi, mà giờ ngồi trên bạc triệu. Chị không biết, hay không muốn biết, là cái đống bạc triệu ấy phần lớn là từ giao kèo cho hai cuốn hồi ký của ông bà. Chị bạn còn bảo tôi “chờ vụ Obamagate đang ra ánh sáng” rồi khắc biết.
Đấy là người gốc Việt ở Mỹ. Nhiều người Việt ở Âu châu cũng không chịu thua tinh thần kỳ thị này. Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên, một nhà hoạt động cộng đồng sinh sống tại Thụy Sĩ, mới đây kể trong một bài viết với cái tựa vỏn vẹn chữ Mọi, một lần ông theo mấy người bạn vào một tiệm ăn Việt ăn tối:
Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn:
– Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy?
Tôi hiểu liền, nên nói:
– Chào cô.
Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi:
– Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả?
Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi “đen giống tụi da đen quá”!
Sau khi kể một số những trường hợp kỳ thị mà chính mắt ông chứng kiến, tác giả thở dài:
“[K]hông biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với ‘bọn da đen’ ở trường vì ‘chúng nó ngu, dốt và lười lắm’. Còn ‘bọn Rệp’ thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại… ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng!”
Tác giả bài “Mọi” trích một câu văn (nói là của Phan Chu Trinh, và tôi ghi lại đây vì không có phương tiện để kiểm chứng): “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy.” Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người biểu tình ở Birmingham, Alabama tháng 5/1963
Người Việt đặt chân tới Mỹ vào giữa thập niên 1970 khi cỗ bàn dân quyền dù chưa toàn hảo đã được bầy sẵn, chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Ít ai hỏi cỗ bàn đó do đâu mà có.
Đó là do những cuộc tranh đấu gian khổ đẫm máu của người da đen trong phong trào tranh đấu đòi quyền công dân vào giữa thập niên 1960. Đấy là chưa kể cuộc tranh đấu kéo dài trên bẩy thập niên của phụ nữ Mỹ đòi quyền đầu phiếu. Và cả những cuộc phấn đấu của người Mỹ gốc Á, cũng không ngoài mục đích đòi quyền con người không phân biệt chủng tộc hay cái giống.
Họ phấn đấu để hoàn tất nền dân chủ chưa hoàn hảo của Hoa Kỳ vì các vị lập quốc khi viết bản Hiến Pháp 254 năm về trước chỉ mới nghĩ được tới quyền bình đẳng riêng của người đàn ông da trắng. Chính các dân thiểu số da mầu đã và đang giúp cho nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc trở nên hiện thực và toàn hảo hơn. Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Những phụ nữ trong Quốc hội thứ 84th, trong năm 1955
May mắn thay giới trẻ gốc Việt không chia sẻ cái nhìn thiển cận của cha anh mình. Họ không quên nhắc nhở các bậc cha anh về việc vào cuối thập niên 1970 khi hàng trăm, chục, vạn người Việt lánh nạn cộng sản bị kẹt ở những trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, một nhóm trí thức da đen đã mua nguyên một trang báo của tờ New York Times để kêu gọi chính phủ Mỹ mở cửa giúp họ được định cư tại Mỹ.
Trang Web diacritics.org của nhóm trẻ Diaspora of Vietnamese Artist Network cũng đã dành số đặc biệt tháng này để xác định chỗ đứng bên cạnh người da đen chống lại bạo lực của cảnh sát.
Trang Pivot cũng có bài viết về người Việt và người da đen.
Giới trẻ gốc Việt đã không im lặng. Tôi cảm thấy hãnh diện về họ. Cầu xin chúng ta sẽ sớm qua các cơn dịch bệnh hiện tại. [td2020-06]
Nhà báo Trùng Dương là cựu Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần (1971-1975), hiện đang sống tại Sacramento, Hoa Kỳ.