Donald Trump thắng cử cuối năm 2016, nhậm chức đầu năm 2017, chỉ một năm sau 2018 thì tuyên chiến chiến tranh thương mại với Trung cộng. Không ngừng ở đó, ngày hôm nay, hai quốc gia một cách chính thức hay bán chính thức, đã bước sang chiến tranh ý thức hệ, không còn ở mức độ thương mại, kinh tế, mà bước sang những lãnh vực khác.
Từ những sự kiện đó, có người cho rằng chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế chiến thứ 3.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề một cách kỹ càng hơn.
Từ chiến tranh thương mại, thuế quan qua chiến tranh kinh tế, khoa học và ý thức hệ
Như chúng ta đã biết chiến tranh thương mại thuế quan là đánh thuế hay tăng thuế vào những hàng nhập cảng. Hoa Kỳ đã tăng thuế từ 10% lên tới 25%, 50% vào những hàng nhập cảng từ Trung cộng. Nhưng không ngừng ở đó, ngày 22/05/2020 vừa qua, chính quyền của ông Trump đã đưa ra một bản Báo cáo, 16 trang, được gọi là Chiến lược tiếp cận với Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, được ông Trump ký vào ngày 19/05 và đã được đệ trình lên Nghị viện ngày hôm sau.
Theo đó: Bang giao Mỹ-Trung trong mấy thập kỷ qua đã hoàn toàn thất bại, nay cần một chiến lược mới để kềm chế Trung cộng. Nó còn nói rõ rằng khi nào chế độ của Tập Cận Bình chưa sụp đổ, thì mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng chưa được hòa giải. Đây là điều khiến nhiều người nghĩ rằng Thế chiến thứ Ba gần kề.
Về phía Trung cộng, trước khi khai mạc Hội nghị Lưỡng Viện ngày 28/05/2020, họ Tập nhắc lại câu: “Tư bản sẽ tiêu tan, chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng” làm cho nhiều người trong đó có một số chính giới Hoa Kỳ đi đến kết luận rằng Trung cộng không từ bỏ chính sách đối đầu với tư bản và đặc biệt nhắm vào Hoa Kỳ, đòi tiêu diệt nước này. Đây cũng là một trong những lý do làm người ta nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế chiến.
Trong cuộc họp báo, về Chiến lược mới của Hoa Kỳ đối với Trung cộng, ông Trump có tuyên bố: “Những thiệt hại mà Hoa Kỳ phải gánh chịu do dịch Covis-19 gây ra dù có 100 hiệp ước thương mại Mỹ – Trung cũng không thể bù đắp lại.”
Báo cáo nói rằng trước cuộc tấn công, khiêu khích và bành trướng toàn diện của chính quyền Tập Cận Bình nhắm vào biển Đông, eo biển Đài loan, Biển Hoa Đông và Biên giới Trung quốc – Ấn Độ, chính quyền Trump quyết thực hiện một chính sách không khoan nhượng.
Ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến cuộc chạm trán giữa Trung cộng và Ấn Độ ở vùng biên giới 2 nước, dưới chân rãy núi Hy Mã Lạp Sơn, làm cho thiệt hại nhân mạng ở cả 2 bên, theo tin tức mới nhất.
Bản báo cáo nêu rõ sáu lạm dụng từ ngày Tập Cận Bình nhậm chức. Đó là:
1. Thanh trùng phe đối lập trong đảng bằng cách lợi dụng phong trào chống tham nhũng.
2. Khởi tố không công bằng các bloggers, những nhà hoạt động dân chủ, hoạt động chính nghĩa.
3. Bắt giữ và đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo thiểu số.
4. Tiến hành kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với thông tin, truyền thông, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức vô chính phủ.
5. Giám sát và xếp hạng tín dụng xã hội của công dân, doanh nghiệp và tổ chức.
6. Giám sát tùy tiện, tra tấn và ngược đãi những người bất đồng chính kiến.
Trước khi nói về thế chiến có thể xảy ra hay không, chúng ta hãy nói về:
Tương quan lực lượng Mỹ – Trung. Một cái nhìn sơ qua về quá khứ để hiểu rõ hiện tại nhằm nắm bắt tương lai
Nói về tương quan lực lương Mỹ – Trung, trong khuôn khổ bài này, chúng ta không thể đi quá sâu. Nhưng đại để thì Hoa Kỳ vẫn giữ ưu thế, mặc dầu ngày hôm nay Trung cộng bắt chước hay ăn cắp kỹ thuật, sản xuất ra mọi thứ từ tàu ngầm, máy bay đời thứ 5, hàng không mẫu hạm v.v…
Đức Trần hưng Đạo, người đã 3 lần đánh thắng quân Mông cổ, có thể nói là đoàn quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, đã chiến thắng từ Á sang Âu, đã nói: “Vũ khí không cần nhiều, chỉ cần sắc bén. Quân không cần đông, chỉ cần thiện chiến.”
Có lẽ chính vì lẽ đó mà Global World FirePower 2020 xếp hạng về sức mạnh quân sự, thì Hoa Kỳ vẫn đứng đầu, sau đó là Nga, tới Trung cộng, thứ tư là Ấn Độ, tiếp theo là Nhật, rồi tới Nam Hàn v.v…; mặc dầu có những địa hạt, nếu nói về số lượng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, Trung cộng hơn Hoa Kỳ như địa hạt tàu ngầm: về số tàu, Trung cộng có 777 chiếc tàu, về tàu ngầm, có 74 chiếc, Hoa Kỳ có 490 chiếc tàu và 66 tàu ngầm.
Nhưng những tàu ngầm và tàu của Hoa Kỳ “sắc bén”, tối tân hơn. Những tàu của Trung cộng chỉ có thể hoạt động ở ven biển, chưa có thể ra xa ngoài khơi. Chúng ta cứ lấy thí dụ điển hình là hàng không mẫu hạm, Hoa Kỳ có 20 chiếc (cũng theo Global World FirePower), Trung cộng chỉ có 2 chiếc, chiếc mua của Ukhraine, một chiếc mới đóng, nhưng đã phải trở về bến vì trục trặc kỹ thuật. Trong khi đó những hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ có mặt ở khắp năm châu, bốn biển. Những chiếc tàu ngầm của Hoa Kỳ tất cả chạy bằng hạt nhân có thể lặn cả năm dưới lòng biển, không cần nổi lên để lấy nhiên liệu, nên khó phát hiện. Trong khi phần lớn tàu ngầm của Trung cộng còn chạy bằng dầu diesel, lâu lâu lại phải nổi lên để lấy nhiên liệu, và khi chạy gây ra tiếng động, dễ phát hiện.
Về không quân, Hoa Kỳ có 13 264 cái, đã ở vào đời thứ 5; Trung cộng có 3210 cái, vẫn còn ở vào đời thứ 3.
Một cái nhìn về quá khứ
Quá khứ đây chúng ta muốn nói đến quá khứ cận đại: Đệ nhị Thế Chiến (1939 – 1945).
Đệ Nhị thế Chiến bắt đầu vào năm 1939 và kết thúc vào ngày 30/04/1945, khi Hitler và bà vợ uống thuốc độc tự tử, đi đến chỗ Phát xít Đức đầu hàng. Thế chiến gồm 2 phe: Phe Trục gồm có Đức, Ý, Nhật. Phe Đồng minh, lúc đầu có Pháp, Anh, sau Pháp thua vào ngày 15/06/1940, thì có Liên Sô, buộc phải nhảy vào vòng chiến ngày 22/06/1941, vì bị Đức tấn công; rồi Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/1941, vì bị Nhật tấn công ở Trân Châu Cảng. Điều này chứng tỏ rằng không phải đại cường quốc nào cũng muốn tham chiến, mà nhiều khi bị bó buộc, như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Sô.
Nói về tương quan lực lượng thì phe Phát xít lúc đầu có vẻ trội hơn phe Đồng minh. Quân đội Đức là quân đội nhà nghề, huấn luyện kỹ càng hơn, hơn về cả máy bay, xe tăng và đại bác. Bằng chứng cụ thể là quân đội Đức đã đánh bại quân đội Pháp trong vòng có 6 tuần, từ đầu tháng 5/1940 đến giữa tháng 6/ 1940, khiến Pháp phải ký Hiệp ước đình chiến vào ngày 22/06/1940.
Hitler và Bộ Tham mưu chọn ngày 22/06/1941 khởi binh đánh Liên Sô là trong ý đồ sẽ đè bẹp Liên Sô như đã đè bẹp Pháp.
Tôn Tử có nói câu: “Biết người, biết ta trăm trận không thua.” Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, Hitler và Bộ Tham mưu đã không biết người, không biết ta: Đánh giá quá cao về mình và đánh giá quá thấp về địch. Ngay cả trận chiến giữa Nhật và Mỹ ở châu Á Thái bình dương cũng vậy.
Đi từ sự kiện có thể đánh bại Pháp, một đại cường quốc quân sự lúc bấy giờ, vừa chiến thắng Đệ Nhất thế Chiến (1914-1918), Hitler và Bộ Tham mưu tính rằng có thể đánh bại Liên Sô trong 12 tuần, gấp đôi thời gian đánh Pháp, với lực lượng quân sự gấp 5; 6 lần. Chính vì lẽ đó mà Hitler chọn ngày 22/06/1941, ngày Pháp ký đầu hàng, để khởi đầu Chiến dịch Barbarossa, đánh Liên Sô.
Quả thật lúc đầu của Chiến dịch Barbarossa, quân Đức tiến như vũ bão vào Liên Sô, ngay những ngày đầu, đã tiêu diệt 1200 chiếc máy bay, bắt cả triệu tù binh Liên Sô, trong đó có cả con của Staline. Nhưng sau đó quân Đức đã gặp sự chống trả ác liệt.
Quân Đức tiến vào Liên Sô bằng 3 mũi tiến công, nói một cách cổ điển là Trung quân gồm 1,2 triệu lính, nhắm vào Moscou, Hữu quân gồm 1 triệu lính, nhắm vào Kiev, của Ukhraine, Tả quân gồm 800 000 quân nhắm vào thành phố Léninegrade. Tổng cộng 3 triệu quân, với cả ngàn xe tăng, máy bay, đại bác.
Như trên đã nói quân đội Đức lúc đầu tiến quân như vũ bão, theo Chiến lược “Chiến tranh chớp nhoáng”. Nhưng sau đó bị khựng lại, vì sự chống trả mãnh liệt của quân Liên Sô, đó là nguyên do thứ nhất; nguyên do thứ tới là đường xá xa xôi, vận chuyển lương thực và đạn dược khó khăn, khác hẳn với trường hợp đánh các nước Trung Âu và Pháp. Thêm vào đó là thời tiết khắc nghiệt: mưa dữ dội vào tháng 9, rồi sau đó là bước sang mùa đông: lạnh khủng chiếp, có chỗ ở dưới 50 độ C.
Quân Đức có mặt ở chung quanh thành phố Moscou vào cuối tháng 9, nhưng không thể mở liền cuộc tấn công vì còn đợi vận chuyển lương thực và súng đạn, sau gần 3 tháng hành quân. Trong tháng 9/1941, mưa lũ khủng khiếp dội xuống thành phố Moscou, làm cho tất cả bị ngập lụt, không thấy đường. Thêm vào đó, nước mưa làm cho đường xá lầy lội, trở thành bùn, bám vào bánh xe ngay cả xe tăng, làm quân Đức vận chuyển khó khăn. Phải đợi đến đầu tháng 10, đúng ra là 02/10/1941, quân Đức mới tấn công Moscou, kéo dài tới 22/01/1942, đúng trong vòng 3 tháng 20 ngày, rồi phải rút lui. Rút lui khỏi Moscou nói lên sự kiện là quân đội Đức đã không đạt được mục tiêu chính đã định.
Hitler và Bộ Tham Mưu đã không nghe lời Tôn tử: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Thiên thời và địa thì không lợi. Nhân hòa thì cách Hitler và quân Đức đối xử tàn ác với những tù binh, nhất là từ khi Staline và Đảng Cộng sản qua những tuyên truyền biến cuộc chiến thành cuộc chiến yêu nước chứ không phải cuộc chiến cộng sản chống phát xít. Ở điểm này chúng ta thấy Mao và Hồ đã bắt chước Staline và Cộng sản Liên Sô.
Theo nhiều sử gia ngày hôm nay, với sự tìm kiếm tài liệu, trong đó có cuộc tra hỏi viên tướng Đức là cố vấn quân sự của Hitler, thì vào cuối tháng 12/1941, Hitler đã biết rằng mình thua, vì chủ trương chiến lược “Chiến tranh chớp nhoáng” đánh lẹ, giải quyết chiến trường mau, nay phải lâm vào tình trạng chiến tranh trong thành phố, đánh chậm, giải quyết chiến tranh khó khăn. Những trận sau này, quân Đức đã trở nên bị động không còn làm chủ chiến trường cho tới ngày thua. Mặc dầu còn có những trận lớn sau này như trận Koursk từ 5/7 đến 23/8/1943.
Về cuộc chiến giữ Hoa Kỳ và Nhật ở châu Á Thái Bình Dương cũng vậy. Nhật cũng “không biết người, không biết ta”, đánh giá bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ quá thấp, nghĩ rằng có thể tiêu diệt hải quân Hoa Kỳ bằng cách tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 07/12/1941. Nhưng quân đội Nhật đã lầm, hải quân Hoa Kỳ không bị đánh bại, mà còn trả thù liền sau đó nửa năm,trong trận Midway vào tháng 6/1942, làm cho quân Nhật bị thiệt hại nặng nề, mất 4 chiếc hàng không mẫu hạm, làm chết và bị thương 6000 phi công và thủy quân của Nhật. Người ta có thể nói sau trận Midway, hải quân Nhật không còn có thể làm chủ biển Thái Bình Dương.
Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế chiến thứ 3
Nói cho đúng hơn, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa vực thẳm thế chiến thứ 3. Chỉ cần sự thiếu tính toán hay vô tình của 2 siêu cường Hoa Kỳ và Trung cộng là thế giới bước xuống bờ vực thẳm của thế chiến thứ ba.
Xét về quá khứ, không xa, Đệ Nhị thế chiến, nhân loại thiệt hại về số người chết là khoảng 50 triệu người. Đó là tính ít, riêng Liên Sô mất 25 triệu, Đức quốc xã 20 triệu, phần còn lại của thế giới là 5 triệu. Nói đến tính ít là vì, riêng Việt nam, trận đói năm Ất dậu 1945, làm cho miền Bắc chết đói hơn 2 triệu người, vì hậu quả của chiến tranh.
Lần này với Thế chiến thứ 3, không phải 50 triệu mà cả 100 triệu người chết, không phải có một vài thành phố bị xóa sổ trên bản đồ, mà có thể cả chục cả trăm thành phố. Hậu quả sẽ thật là kinh khủng và khó lường.
Ngày xưa Lénine có nói: “Tụi tư bản nó vừa ngu và vừa tham. Nó ngu và tham ở chỗ, nó biết người ta sản xuất những dây thừng để làm thòng lọng xiết cổ chúng. Thế mà chúng vẫn mua.” Trong cuộc Chiến tranh Lạnh 1945-1990 giữa Mỹ và Nga, Mỹ đã dùng quần Jean, Coca Cola để giết Nga. Ngày hôm nay phải chăng Trung cộng đang dùng hàng rẻ để giết Mỹ và tư bản? Liệu Mỹ và các nước tư bản có ý thức sớm điều này không? Hay đã quá trễ? Buộc phải đi đến đại Chiến thứ 3? Đây là những câu hỏi, dù muốn hay không muốn, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ, vì nó liên quan đến chúng ta. Vì vậy chúng ta buộc phải trả lời câu hỏi: Liệu Thế Chiến thứ 3 có xẩy ra trong ngắn hạn hay không?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta cũng buộc phải quay về quá khứ: kinh nghiệm Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến.
Qua hai thế chiến này, nhất là với Thế chiến thứ Hai, chúng ta thấy nó tùy thuộc vào chính trị nội bộ của những đại cường quốc tham chiến.
Vào Đệ Nhị thế Chiến, Đức, Nhật là cường quốc gây chiến đầu tiên, những cường quốc khác gần như Anh, Pháp, Liên Sô bị bắt buộc phải tham chiến. Hoa Kỳ, đợi cho đến phút cuối cùng mới tham chiến với Đệ Nhất thế Chiến, còn Đệ Nhị Thế Chiến thì như bị bắt buộc vì Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
Trong tương lai, hai cường quốc có thể gây ra Đệ tam Thế Chiến là Hoa Kỳ và Trung cộng. Hoa Kỳ, thì như vừa nói, luôn luôn tham chiến trễ. Nếu có chiến tranh với Trung cộng thì Hoa Kỳ sẽ đẩy một số quốc gia khác như Việt Nam, Đài loan, Nhật bản, Ấn Độ, Úc v.v… tham chiến trước rồi Hoa Kỳ mới nhảy vào sau.
Như ngày hôm nay chúng ta đã thấy có chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung cộng ở vùng biên giới 2 nước, dưới chân dãy Hy mã lạp sơn. Có thể chỉ là chiến tranh vùng, chưa loang ra thế chiến.
Nay chỉ còn Trung cộng. Tuy nhiên với Trung cộng, còn tùy chính sách nội bộ của nước này, tùy theo sự đấm đá trong Đảng Cộng sản Tàu. Nếu phe chủ chiến, quân phiệt, đứng sau là Tập Cận Bình thắng thế, thì Trung cộng, để giải quyết những khó khăn nội bộ, có thể bung ra ngoài gây chiến, sẵn sang đương đấu với thế chiến thứ 3, theo như một số nhà quan sát tiên đoán.
Nhưng chỉ là tiên đoán. Trong đảng này, theo những sự quan sát gần nhất, thì người ta thấy có nhiều phe phái: phe Tập Cận Bình, phe Giang Trạch Dân, phe Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường, phe Thái tử đảng, phe Trường đảng. Phe Thái tử đảng thì cũng chia ra làm 2 phe: Phe ủng hộ đường lối bung ra ngoài với Giấc mộng Trung quốc, Con đường Tơ lụa của họ Tập, phe trở về đường lối nín thở qua sông của Đặng Tử Bình, qua 16 chữ vàng “Cẩn thận quan sát, Giữ vững trận địa, Kiên nhẫn chờ thời, Quyết không đi đầu.”
Vào Đại hội Lưỡng viện Trung cộng họp ngày 28/05/2020 vừa qua, trước đó người ta có thấy một bức thư mang tên Đặng Phát Phương, con trai Đặng Tử Bình, điều này cần phải được kiểm chứng, nhưng bức thư nêu ra 15 câu hỏi, nội dung chỉ trích đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Tập Cận Bình. Đây là một điều chứng tỏ trong Đảng có khuynh hướng trở về đường lối của họ Đặng. Phe trở về đường lối ngoại giao của Đặng Tử Bình có vẻ thắng thế, theo một số nhà quan sát. Từ đó, họ nghĩ rằng nguy hiểm xảy ra Đệ Tam thế chiến cũng bớt đi. Có lẽ nước Tàu sẽ bấm bụng chịu đựng, ít nhất là 5; 10 năm nữa. Đó là tiên đoán lạc quan và với giả thuyết đảng cộng sản vẫn tồn tại và vẫn nắm quyền ít nhất là 5, 10 năm.
Tuy nhiên hiện nay với dịch Covis-19, lòng dân Tàu đã oán thán đảng Cộng sản đang lên cao độ, giới trí thức và ngay cả giới lãnh đạo đã ý thức rằng nếu ngày nào còn cái đảng này thì tương lai nước Tàu không biết đi về đâu, có thể xuống bờ vực thẳm, bằng cách gây hấn lung tung, có thể đi đến Đệ Tam thế Chiến. Thêm vào đó, với cái nhìn chiến lược mới của Hoa Kỳ, nhắm thẳng vào Đảng Cộng sản do Tập Cận Bình cầm đầu.
Với sức ép từ trong (lòng dân), cộng thêm với sức ép từ ngoài, phía Hoa Kỳ và những người Tàu ở hải ngoại, như vụ nhà tỷ phú Tàu sống ở Hoa Kỳ Quách Văn Quý và nhà vô địch thể thao bóng đá Hắc Hải Đông, vừa mới thành lập ra Liên bang Trung quốc, ra mắt vào đúng ngày kỷ niệm Thiên An Môn 4/6/2020; tất cả những sức ép này rất có thể đưa đến sự tan rã, sụp đổ của Đảng cộng sản Tàu, giúp cho dân Tàu thoát khỏi ách cộng sản; và từ đó có thể giúp cho thế giới tránh được đe dọa một cuộc thế chiến thứ ba. (1)
(1). Xin xem them những bài về Tàu và Hoa Kỳ, trên http://chuchinam/perso.orange.fr
Paris ngày 22/06/2020
Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm