- Trí Đạt
Hôm thứ Hai (ngày 22/6), Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục liệt 4 kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào danh sách Phái đoàn nước ngoài, coi những kênh truyền thông này là một bộ phận của Chính phủ ĐCSTQ, đến nay đã có 9 kênh truyền thông Trung Quốc bị liệt vào danh sách Phái đoàn ngoại giao.
Hơn 10 năm qua, mỗi năm ĐCSTQ rót khoản tiền khổng lồ để tuyên truyền toàn cầu, và dùng nhiều sách lược để mở rộng sự ảnh hưởng của truyền thông tại Mỹ, nhưng gần đây đã bị Mỹ từng bước làm tan rã, 9 kênh truyền thông chính trên quốc tế vừa phải bồi thường tiền vừa mất mặt, đại bại trở về.
Truyền thông ĐCSTQ tại Mỹ “mượn thuyền ra khơi”
Theo văn kiện mới nhất đầu tháng Sáu của Bộ Tư pháp Mỹ, trong 4 năm qua, truyền thông của ĐCSTQ là tờ Nhật báo Trung Quốc (China Daily) đã bỏ ra chi phí gần 19 triệu USD cho quảng cáo và in ấn, trong đó chi phí quảng cáo trên các kênh truyền thông chủ lưu tại Mỹ lên đến hơn 11 triệu USD.
Nhật báo Trung Quốc tại Mỹ thông qua thủ đoạn thay đổi hình dạng để ngầm hoạt động, ví dụ dùng hình thức trang trả phí để đăng trang phụ bản trên Washington Post và Wall Street Journal, nội dung của các trang phụ bản này được gọi là “Quan sát Trung Quốc” (China Watch), thiết kế của nó trông có vẻ như đưa tin chân thực, nhưng thực ra là làm bệ đỡ cho Bắc Kinh, tô vẽ hình tượng ĐCSTQ.
Nhật báo Trung Quốc còn thông qua quảng cáo trên truyền thông Mỹ để lên tiếng, sự kiện khiến nhiều người chú ý nhất đó là năm 2018, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, Nhật báo Trung Quốc đã đăng 4 trang quảng cáo trên tờ Des Moines Register, phê bình biện pháp thuế quan nhắm vào Trung Quốc của Tổng thống Trump, có ý đồ kích động nông dân bang Iowa bất mãn với ông Trump.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, bà Sarah Cook – nhà phân tích cấp cao của tổ chức phi chính phủ Freedom House nói, phương thức mà ĐCSTQ tuyên truyền tại Mỹ được gọi là “mượn thuyền ra khơi”, tức lợi dụng truyền thông chủ lưu ở nước ngoài để truyền đạt nội dung của truyền thông của ĐCSTQ.
Bà nói: “Đại đa số người Mỹ đều rất cảnh giác với bất cứ nội dung nào đến từ Chính phủ ĐCSTQ, chính vì nguyên nhân này, (ĐCSTQ) lợi dụng những phương thức ẩn nấp mơ hồ để qua mắt độc giả.”
Từ lớn giọng tranh đoạt quyền phát ngôn cho đến thu mua “fan hâm mộ giả” trên mạng xã hội
VOA đưa tin, ĐCSTQ vẫn luôn có ý đồ nâng cấp “quyền phát ngôn” của mình trong dư luận quốc tế, từ năm 2009, ĐCSTQ khởi động kế hoạch toàn cầu gọi là “tuyên truyền nước ngoài” đến nay không hiếm sự kiện mở rộng truyền thông một cách rầm rộ.
Ví dụ, Tân Hoa Xã đóng trú tại tòa nhà văn phòng gần Quảng trường Thời đại ở New York, và phát quảng cáo tuyên truyền trên màn hình lớn trên quảng trường; Kênh truyền hình tiếng nước ngoài của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (năm 2016 được tái ngụy trang thành CGTN) tại Washington thiết lập chi nhánh tại Bắc Mỹ, lôi kéo người trong các cơ quan truyền thông nổi tiếng phương Tây; hòm báo của Nhật báo Trung Quốc xuất hiện trên khắp các đường phố ở thành phố lớn của Mỹ, báo giấy còn có thời điểm vào văn phòng của các nghị sĩ ở Capitol Hill.
Thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy, chi phí mà Nhật báo Trung Quốc vận hành tại Mỹ trong 10 năm qua đã tăng 10 lần, năm 2019 là hơn 12 triệu USD. Chi nhánh đài CGTN tại Bắc Mỹ trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2020 đã nhận ngân sách 68 triệu USD từ CCTV, chi phí vận hành gần 58 triệu USD.
Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đều có tài khoản trên mạng xã hội như Facebook và Twitter, thậm chí từng chuyên mục và ngôn ngữ đều có nhiều tài khoản. Hiện chưa rõ trong số những tài khoản này có bao nhiêu là dùng tiền để mua “fan hâm mộ”, nhưng họ đều có rất nhiều “người theo dõi” bị nghi là giả.
Truyền thông tiếng Trung tại Mỹ dường như “toàn quân sa vào tay giặc”
Một báo cáo nghiên cứu năm 2018 của Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford, nói rằng truyền hình, mạng internet, và báo giấy tiếng Trung dường như đã bị Chính phủ ĐCSTQ kiểm soát.
ĐCSTQ thông qua các phương thức đầu tư, trợ cấp hoặc đe dọa dụ dỗ để trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát truyền thông tiếng Trung, khiến cho nội dung của những kênh truyền thông này hùa theo lập trường của Bắc Kinh, còn những kênh truyền thông tiếng Trung thực sự độc lập càng hiếm hoi.
VOA đưa tin, trong quảng cáo về điều tra dân số năm 2020 đối với cộng đồng người gốc Hoa của Cục điều tra dân số Mỹ, 3 kênh truyền thông có quan hệ mật thiết với chính quyền ĐCSTQ bao gồm cả Đài Phượng Hoàng (Phoenix) đã nhận được hợp đồng quảng cáo, còn hai kênh truyền thông phản đối ĐCSTQ là Epoch Times và Sound of Hope (từng hợp tác điều tra dân số năm 2010) lại bị loại.
Bà Sarah Cook nói, truyền thông nhà nước ĐCSTQ và truyền thông thân Bắc Kinh chiếm cứ vòng tròn người Hoa tại Mỹ. Trong báo cáo “Loa phát thanh toàn cầu của Bắc Kinh” được bà công bố hồi đầu năm nay có nói, số liệu truyền hình cáp năm 2016 cho thấy, số gia đình Mỹ có thể xem được CCTV và Phoenix TV lần lượt là 90,7 triệu và 79,5 triệu, còn kênh ETTV thân Đài Loan và kênh NTDTV của người tập Pháp Luân Công sáng lập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Mỹ từng bước từng bước làm tan rã tuyên truyền nước ngoài của ĐCSTQ
Chính phủ Mỹ tăng cường thẩm tra đối với các hoạt động của truyền thông của ĐCSTQ, tháng 2 năm nay, Mỹ đã nhận định 5 cơ quan truyền thông của ĐCSTQ là phái đoàn nước ngoài gồm Tân Xoa Xã, Đài truyền hình Hoàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), công ty phát hành Nhật báo Trung Quốc (China Daily Distribution Corporation) và Công ty phát triển Hải Thiên (Hai Tian Development USA) – đại lý nước ngoài của Nhân dân Nhật báo.
Ngày 22/6, Mỹ tiếp tục liệt CCTV, Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, Hoàn cầu Thời báo vào danh sách phái đoàn nước ngoài. Những thực thể được nhận định là phái đoàn ngoại giao cần phải tuân thủ một số quy định giống như lãnh sự quán nước ngoài trú tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ nói, những kênh truyền thông chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ không phải là cơ quan tin tức độc lập.
Quyết định tăng cường kiểm soát truyền thông Trung Quốc của Mỹ đến khi chính quyền Trump ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với chế độ Bắc Kinh, đặc biệt liên quan tới việc Trung Quốc che giấu đại dịch virus corona và chủ trương thắt chặt kiểm soát Hồng Kông.
Trong suốt tháng qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ về bất ổn xảy ra trên khắp nước Mỹ sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị chết dưới tay cảnh sát bang Minnesota. Ngoại giới thấy rằng Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền nhằm làm xói mòn uy tín của nước Mỹ nói riêng và tính ưu việt của hình thức quản trị quốc gia theo nguyên tắc dân chủ nói chung. Trong khi các cuộc biểu tình liên quan tới sắc tộc tại Mỹ đã được đưa tin đáng kể tại Trung Quốc đại lục, thì những chủ đề mà chế độ Bắc Kinh coi là nhạy cảm với họ như Thảm sát Thiên An Môn, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, và hành vi đàn áp các nhóm tôn giáo và các nhóm sắc tộc thiểu số lại bị kiểm duyệt gắt gao.
Cũng trong phát biểu hôm 22/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng ĐCSTQ trong thập kỷ qua đã gia tăng kiểm soát truyền thông nhà nước. Vị phát ngôn viên này dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm các hãng tin nhà nước năm 2016 rằng: “Truyền thông của Đảng phải… thể hiện ý chí của đảng, bảo vệ quyền lực của đảng, và phải hành động phù hợp cao với đảng”.
Giáo sư Jonathan Hassid, nghiên cứu về truyền thông Trung Quốc và chính trị tại Đại học Bang Iowa, ông nói rằng: “Đảng Cộng sản cơ bản không hiểu xã hội và truyền thông phương Tây vận hành thế nào. Họ cho rằng truyền thông phương Tây giống như truyền thông ĐCSTQ, có thể dùng cùng phương thức để gây ảnh hưởng. Điều này hiển nhiên là phán đoán sai lầm về hình thế.”
Hồi tháng Tư, Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Mỹ đã công bố một khảo sát đã thực hiện trước lúc dịch bệnh, kết quả cho thấy khoảng 90% người Mỹ coi sức ảnh hưởng của ĐCSTQ và thực lực ảnh hưởng của ĐCSTQ là một mối đe dọa.
Ông Michael McCaul, thành viên Đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Chủ tịch Tổ công tác Trung Quốc thuộc Hạ viện (China Task Force), gần đây đã cho biết, ông sẽ đề xuất dự luật ứng phó toàn diện với tuyên truyền của ĐCSTQ. Ông cho rằng Mỹ cần thiết khởi động lại “Nhóm làm việc biện pháp tích cực” (Active Measures Working Group) đối kháng Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh, và chế định chiến lược dài hạn để làm tan rã tấn công tuyên truyền của ĐCSTQ.
Trí Đạt (t/h)