Thủy Nguyệt
Công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới với chi phí đắt đỏ nhất thế giới được xây dựng dựa trên những lời hứa hẹn dối trá, đang trở thành quả bom hạt nhân nổ chậm đối với vị thế quyền lực của ông Tập Cận Bình.
Đập Tam Hiệp và lời hứa hẹn
Đập Tam Hiệp được xây dựng bắt đầu vào năm 1994, là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Hồ chứa nước bắt đầu có nước vào ngày 1/6/2003. Nó nằm giữa các thành phố Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc và Bồi Lăng thuộc thành phố Trùng Khánh.
Dự án này đã hoàn thành và vận hành đầy đủ các chức năng vào ngày 4/7/2012. Đập Tam Hiệp được nhà cầm quyền Trung Quốc mô tả rằng, nó đem lại lợi ích toàn diện trong việc kiểm soát lũ lụt, chống hạn hán, bảo vệ môi trường và có khả năng sản xuất hơn 440 tỉ kwh điện tính đến cuối năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã dự kiến chi hàng tỉ USD để khắc phục hậu quả về môi trường do đập Tam Hiệp gây ra. Theo kế hoạch, công tác khắc phục hậu quả gồm 2 phần, trong đó việc trồng lại rừng dọc theo hồ chứa dài 600 km trên sông Dương Tử sẽ tốn khoảng 10 tỷ NDT (1,47 tỷ USD) bởi diện tích rừng hiện chỉ khoảng 22% trong khi mục tiêu là 65%. Riêng trong năm này thành phố Trùng Khánh đã phải đầu tư 50 tỷ NDT (hơn 7 tỷ USD) để xử lý thảm họa rác bởi lượng rác ngập và ứ đọng nhiều đến mức người dân có thể đi qua sông mà không cần cầu. Ngày 26/9/2007, giới truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo, nếu không nhanh chóng giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh từ đập Tam Hiệp, thảm họa sẽ khôn lường như nguy cơ lụt lội, xói mòn đồi núi dọc theo sông Dương Tử. 300 loài cá cùng nhiều loài khác trên con sông này đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy được thiết kế với dự trù có thể tạo ra 18.000 megawatt điện nhưng người dân Trung Quốc vẫn oằn mình để gánh cho những khoản chi phí đầu tư bằng việc chịu giá điện cao.
Không chỉ thế, công trình này được hứa hẹn là sẽ làm giảm tần suất các trận ngập lụt lớn từ 1 lần trong 10 năm xuống còn 1 lần trong 100 năm. Nhưng thực tế đang chứng minh ngược lại. Chỉ 4 năm sau khi đập Tam Hiệp khánh thành (tháng 5/2006), các tỉnh phía Nam đã chìm trong một đợt lụt lớn chưa từng có khiến 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.350 làng bị nước nhấn chìm, 1,3 triệu người buộc phải di dời nhà cửa cùng nhiều di tích lịch sử và công trình có giá trị văn hóa bị xóa sổ khi đập Tam Hiệp được xây dựng từ năm 1994.
Về vấn đề lũ lụt, chỉ riêng từ đầu tháng 6/2020, miền nam Trung Quốc đã liên tiếp phải hứng chịu những trận mưa lớn, gây ra tai hoạ cho 8,52 triệu người dân của 24 tỉnh. 148 con sông đã có mực nước vượt quá mức cảnh báo và một số con sông đã vượt quá mức lũ lịch sử được ghi nhận. Họ thông báo rằng “Tình hình phòng chống lũ lụt rất là nghiêm trọng”. Các công trình phòng chống lũ lụt đã phòng ngự được các trận lũ chạm mức báo động tính từ năm 1949 đến nay, nhưng trận lũ vượt mức cảnh báo lần này có thể sẽ vượt quá khả năng phòng thủ hiện có.
Trước đó trong đợt lũ lụt năm 2010, đập Tam Hiệp đã 3 lần xả nước và mỗi lần đều gây ra những thiệt hại to lớn cho vùng hạ du. Ngoài ra, biến động mực nước của hồ chứa thường xuyên gây lở đất, làm nguy hại đến tính mạng người dân sống gần khu vực. Giới truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, lượng nước tăng lên trong vùng hồ thủy điện làm xói lở bờ sông ở 91 phụ lưu của sông Dương Tử, gây ra những con sóng cao tới 50m.
Tổ chức Probe International từng cảnh báo, đập Tam Hiệp không có tác dụng ngăn lũ do bị mất đi những cánh rừng trong lưu vực sông Dương Tử cũng như của 13.000 km3 hồ do bùn lầy hóa, cải tạo và các phát triển không kiểm soát được. Việc xây hồ thủy điện ở đập Tam Hiệp đã khiến sông Dương Tử tăng trầm tích bùn lên khoảng 530 triệu tấn/năm, khiến hệ thống hồ và đập thủy điện này không có khả năng ngăn lũ.
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện lớn nhất và đắt nhất thế giới. Khi dự án được thông qua năm 1992, chi phí mới khoảng 8,3 tỉ USD, sau đó được nâng lên 27 tỉ USD, thậm chí lên 40 tỉ USD. Nhưng con đập này chỉ có chức năng duy nhất là tạo ra điện. Hiện nay, đập Tam Hiệp được giới chuyên gia trong và ngoài nước ví như quả bom hạt nhân hẹn giờ.
Ai sẽ phá huỷ đập Tam Hiệp?
Đập Tam Hiệp đang đứng trước nguy cơ vỡ và chuyện này sẽ đem lại hậu quả khôn lường. Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp nhấn mạnh: “Đây không phải nói chuyện giật gân! Phải tìm giải pháp thay vì bỏ chạy. Chạy đi đâu được chứ? Hơn 400 – 500 triệu người dân ở trung du và hạ du sông Trường Giang chạy đi đâu được? Không có nơi nào để trốn cả! Nhưng chẳng nhẽ không còn cách nào khác? So với việc bỏ chạy, chi bằng phá bỏ cái con đập ấy đi. Mỗi người dỡ một ít thì sẽ không còn con đập nữa, cũng sẽ không còn hoảng loạn và nguy hiểm nữa”.
Hoàng Vạn Lý, chuyên gia về công trình thuỷ lợi ở Trung Quốc và là giáo sư tại Khoa Thuỷ lợi của Đại học Thanh Hoa, đã dự đoán đập Tam Hiệp sẽ bị cho nổ tung. Tuy nhiên rất khó để có thể triển khai việc dỡ bỏ nó. Với ông Tập Cận Bình, thì đây là công trình thể hiện bộ mặt của ĐCSTQ. Có lẽ chính quyền ông Tập Cận Bình cho rằng, con đập có sức chịu đựng 4 tỷ tấn phù sa, để phù sa đạt 4 tỷ tấn thì cần một khoảng thời gian. Khoảng thời gian mà tiến sĩ Vương Duy Lạc đưa ra là 30 năm để có thể tích tụ được lượng phù sa đó, như vậy con đập còn thời gian 20 năm nữa. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tập đủ thời gian để ném ‘‘cục than’’ nóng trên tay mình cho người kế vị sau ông ta.
Mặt khác đập Tam Hiệp còn đóng vai trò quân sự quan trọng. Trong cuốn sách ‘‘Sông Dương Tử’’ của Yang Lang đã phân tích từ góc độ quân sự rằng vùng hạ lưu của Tam Hiệp là nơi đóng quân của quân đội dự bị Trung Quốc. Nếu đập Tam Hiệp bị phá vỡ thì nơi đóng quân của quân đội dự bị Trung Quốc sẽ bị phá huỷ hoàn toàn. Trong cuộc xung đột căng thẳng giữa Đài Loan – Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng, với trình độ kỹ thuật về tên lửa đạn đạo của Đài Loan, thì nước này đủ sức phá huỷ đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan không phải là ĐCSTQ cho nên không thể có cách tiếp cận vô nhân đạo bất chấp sinh mạng của gần 1 tỷ dân thường vô tội. Nhưng đây chưa phải là an toàn với chính quyền ông Tập. Bởi không ai có thể lường trước được một ngày nào đó người em Kim Jong Un vốn thích thử nghiệm tên lửa sẽ quay lưng lại với ông anh Tập Cận Bình của mình.
Đối với chính quyền ông Tập thì Đài Loan hay Triều Tiên là kẻ thù bên ngoài nhưng điều lo ngại nhất lại nằm ở kẻ thù từ nội bộ. Trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập đã có thêm rất nhiều kẻ thù. Họ cũng đang tìm mọi cách để lật đổ ông Tập. Và trong bước đường cùng, họ sẽ để mắt tới đập Tam Hiệp để cùng chết chung với ông.
Và nếu ông Tập không phá huỷ đập Tam Hiệp, kẻ thù của ông ta không phá huỷ thì ai sẽ là người phá huỷ? Đó chính là “ông Trời”. Bởi chỉ từ đầu tháng 6 tới nay, mưa lớn ở miền nam Trung Quốc gây lũ lụt ở lưu vực sông Trường Giang cộng với những trận mưa không ngớt ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang khiến sức ép đổ dồn đập Tam Hiệp. Không ai có thể ngăn chặn hay kiểm soát được sức mạnh của nước. Điều duy nhất có thể làm lúc này đối với chính quyền Trung Quốc là cầu Trời khấn Phật cho mưa ngừng và nước rút.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc cho biết, nếu “ông Trời” đã muốn phá huỷ đập Tam Hiệp thì nó đúng là ác mộng kinh hoàng, nó không chỉ gây ra lũ lụt mà sự phá hoại của 2-3 tỷ mét khối trầm tích còn kinh khủng hơn nhiều. 2-3 tỷ mét khối trầm tích này sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái bị phá huỷ khi trầm tích chảy xuống, khiến sông Dương Tử bị chặn.
Đối mặt với vấn đề này, ông Tập Cận Bình chỉ có 2 lựa chọn, hoặc chủ động phá huỷ con đập để cứu hàng triệu sinh linh, hoặc chịu chung đám tang với sự diệt vong của chính quyền Trung Quốc và trở thành tội nhân mà lịch sử mãi nhắc tên.