Coleman Hughes
Lê Đình Nhất Lang dịch
Đăng trên tạp chí City Journal ngày 14 tháng 6, 2020
Cái chết tàn khốc của George Floyd dưới tay những cảnh sát viên Minneapolis làm dấy lên những cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp nước Mỹ. Chúng ta vừa chứng kiến nhân loại ở chỗ tốt nhất và chỗ xấu nhất. Nhiều công dân của những quốc gia xa xôi bày tỏ tình đoàn kết với người Mỹ da đen; những cảnh sát viên tuần hành bên cạnh người biểu tình; người biểu tình bảo vệ các doanh nghiệp trước nạn hôi của và phá hoại. Đồng thời, những kẻ bạo loạn đốt cháy nhiều tòa nhà và hôi của nhiều cửa hàng; người biểu tình bị xịt hơi cay và đánh đập; cảnh sát bị bắn và bị xe cán.
Ở gốc của vụ bất ổn là phong trào Black Lives Matter (Mạng Sống Da Đen Đáng Kể – ND), bắt đầu từ vụ tha bổng George Zimmerman năm 2013 và vươn lên tầm quốc gia sau cái chết của Michael Brown năm 2014. Quan điểm của tôi về BLM là vừa ủng hộ vừa chống. Một mặt, tôi đồng ý rằng các sở cảnh sát quá thường xuyên dung túng và thậm chí tạo điều kiện cho sự nhũng lạm. Thay vì dựa vào những bên thứ ba không thiên vị, họ thường tự quyết định về việc kỷ luật các cảnh sát viên của mình; học thuyết pháp lý về miễn tố cho người thi hành công vụ đặt ra cái mà nhiều người cho là trở ngại quá mức để người dân đưa ra những vụ kiện dân sự chống lại cảnh sát. Máy quay phim gắn trên người (giúp tăng tính minh bạch, có ích cho cả nghi phạm bị cảnh sát ngược đãi lẫn cảnh sát bị buộc tội sai) vẫn chưa phổ biến. Đương đầu với những nghiệp đoàn cảnh sát phản đối cả những cải cách hợp lý, Black Lives Matter có vẻ là một lực đẩy cho sự thay đổi tích cực.
Ở mặt khác, tiền đề cơ bản của Black Lives Matter – rằng những cảnh sát viên kỳ thị chủng tộc đang giết người da đen không vũ trang – là sai. Đã có lúc tôi tin điều đó. Tôi nhỏ hơn Trayvon Martin một tuổi khi cậu ta bị giết năm 2012, và như nhiều người đàn ông da đen khác, tôi cảm thấy như cậu ta có thể là tôi. Tôi bằng tuổi Michael Brown khi anh bị giết năm 2014, và giống như nhiều người khác, tôi đã chia sẻ tiêu đề BLM trên truyền thông xã hội để bày tỏ tình đoàn kết. Đến năm 2015, khi danh sách giờ đây đã quen thuộc dài ra để bao gồm Tamir Rice, Laquan McDonald, Sandra Bland, Freddie Gray, và Walter Scott, tôi bắt đầu mặc một chiếc áo có tất cả tên của họ trên đó. Nó trở thành chiếc áo yêu thích của tôi. Điều có vẻ hiển nhiên với tôi là những vụ này không chỉ là bi kịch, mà là bi kịch kỳ thị chủng tộc. Bất cứ gợi ý nào ngược lại đều để lại cho tôi cái ấn tượng mà tốt nhất thì là ngờ nghệch mà tệ nhất thì là kỳ thị.
Chủ kiến của tôi đã dần dần thay đổi. Tôi vẫn tin rằng nạn kỳ thị chủng tộc tồn tại và phải bị lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể; tôi vẫn tin rằng, trung bình, cảnh sát đối xử mạnh tay mau chóng hơn với một nghi phạm da đen hoặc gốc Tây Ban Nha; và tôi vẫn tin rằng hành vi sai trái của cảnh sát xảy ra quá thường xuyên và theo thông lệ thì không bị trừng phạt. Nhưng tôi không còn tin rằng cảnh sát giết người Mỹ da đen không vũ trang theo một tỉ lệ không cân xứng.
Có hai điều đã làm tôi đổi ý: những câu chuyện và những dữ kiện.
Đầu tiên, những câu chuyện. Mỗi câu chuyện trong đoạn này liên quan đến một cảnh sát viên giết chết một người da trắng không vũ trang. (Để chứng minh điều này xảy ra thông thường đến đâu, tôi đã nhặt tất cả ra từ một năm duy nhất, 2015, chọn lựa ngẫu nhiên). Timothy Smith bị giết bởi một cảnh sát viên tưởng lầm rằng ông đang thò tay vào dây thắt lưng để rút súng; vụ nổ súng được tòa phán là thích đáng. William Lemmon bị giết sau khi ông bị cho là không chịu giơ tay lên khi được yêu cầu; vụ nổ súng được tòa phán là thích đáng. Ryan Bolinger bị bắn chết bởi một cảnh sát viên nói rằng ông cử động một cách kỳ lạ và bước đi về phía bà; vụ nổ súng được tòa phán là thích đáng. Derek Cruice bị bắn vào mặt sau khi ông mở cửa nhà cho các cảnh sát viên tới đưa trát bắt về ma túy; cảnh sát tìm thấy cần sa trong nhà, và vụ nổ súng được tòa phán là thích đáng. Daniel Elrod cướp một cửa tiệm bán hàng giá rẻ, và khi bị cảnh sát ngăn chặn, được cho là đã không chịu giơ tay khi được yêu cầu (mặc dù người vợ góa của ông, người chứng kiến sự việc, quả quyết là chuyện xảy ra khác); ông bị bắn chết. Không có cáo buộc hình sự nào được đệ nạp. Ralph Willis bị bắn chết khi cảnh sát tưởng lầm rằng ông đang thò tay rút súng. David Cassick bị một cảnh sát viên bắn hai phát vào lưng trong khi đang nằm úp mặt xuống đất. Bé Jeremy Mardis sáu tuổi bị một cảnh sát viên giết chết khi đang ngồi trên ghế hành khách trong xe hơi; mục tiêu dự định của cảnh sát là cha của Jeremy, lúc đó đang ngồi trên ghế tài xế, hai tay giơ ra ngoài cửa sổ. Autumn Steele bị bắn chết khi một cảnh sát viên, giật mình vì con chó bẹc giê của bà, lập tức nổ súng vào con vật, nhưng đạn lạc trúng bà chủ. Ít phút sau khi ông giết bà, cảnh quay từ máy gắn trên người bộc lộ nỗi tuyệt vọng của cảnh sát viên: “Tôi chắc cái đ.. là đi tù rồi,” ông nói. Cảnh sát viên này đã không bị kỷ luật.
Để cho ngắn gọn, tôi xin dừng ở đây. Nhưng danh sách còn dài.
Đối với mỗi một người da đen bị cảnh sát giết chết, có ít nhất một người da trắng (thường là nhiều người) bị giết theo cách tương tự. Một ngày trước khi cảnh sát ở Louisville xông vào nhà Breanna Taylor và giết bà, cảnh sát đã xông vào nhà của một người đàn ông da trắng tên là Duncan Lemp, giết chết ông, và làm bị thương người bạn gái của ông (khi đó đang ngủ bên cạnh ông). Ngay cả George Floyd, người có cái chết đặc biệt tàn khốc, cũng có một đối tác da trắng: Tony Timpa. Timpa bị giết năm 2016 bởi một cảnh sát viên ở Dallas dùng đầu gối ghim Timpa xuống đất (úp mặt) trong 13 phút. Trong phim, bạn có thể nghe thấy Timpa khóc thút thít và xin được tha. Sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, các cảnh sát viên bắt đầu nói chuyện diễu về ông. Các cáo buộc hình sự ban đầu đưa ra chống lại họ đã được hủy bỏ sau đó.
Ở mặt cảm tính, hầu hết mọi người khó có thể cảm thấy cùng mức độ phẫn nộ ấy khi cảnh sát giết chết một người da trắng. Có lẽ điều đó là đương nhiên. Dù sao, trong gần trọn lịch sử nước Mỹ, chính sự đau khổ của người da trắng đã kích động phẫn nộ nhiều hơn. Nhưng tôi xin trình bày rằng nếu thiên kiến “chống kỳ thị chủng tộc” mới này là hợp lý – nếu bây giờ chúng ta có một nghĩa vụ đạo đức phải quan tâm hơn đến mạng sống của một số người nào đó hơn là những người khác dựa trên màu da, hoặc dựa trên nợ máu lịch sử chủng tộc – thì mọi điều tôi tưởng mình biết về đạo đức cơ bản, và mọi điều mà các truyền thống triết học và tôn giáo của thế giới đã nói về tính người phổ quát, sự trả thù, và sự tha thứ từ thời cổ đại, nên bị ném ra ngoài cửa sổ.
Bạn có thể đồng ý rằng cảnh sát giết rất nhiều người da trắng không vũ trang, nhưng phản đối rằng có vẻ như họ giết nhiều người da đen không vũ trang hơn, tính theo tỷ lệ dân số. Đó là chỗ ta xét đến các dữ kiện. Sự phản đối là đúng trong chừng mực nào đó; nhưng nó cũng gây hiểu lầm. Để chứng minh sự hiện hữu của một thành kiến về chủng tộc, thì vẫn chưa đủ khi trưng dẫn sự kiện người da đen chiếm 14% dân số nhưng chiếm khoảng 35% tổng số người Mỹ không vũ trang bị cảnh sát bắn chết. (Theo lý lẽ đó, bạn có thể chứng minh rằng các vụ nổ súng của cảnh sát là cực kỳ phân biệt giới tính bằng cách chỉ ra rằng đàn ông chiếm 50% dân số nhưng chiếm 93% tổng số người Mỹ không vũ trang bị cảnh sát bắn.)
Thay vào đó, bạn phải làm những gì mà tất cả các nhà khoa học xã hội rành nghề phải làm: kiểm soát các biến số gây nhiễu để cô lập ảnh hưởng mà một biến số gây ra cho một biến số khác (trong trường hợp này, ảnh hưởng của chủng tộc của một nghi phạm đối với quyết định bóp cò của một cảnh sát). Có ít nhất bốn cuộc nghiên cứu cẩn thận đã thực hiện điều này – một của nhà kinh tế học Roland Fryer từ Harvard, một của một nhóm nhà nghiên cứu y tế công, một của nhà kinh tế Sendhil Mullainathan, và một của David Johnson và các cộng sự. Không có nghiên cứu nào trong số này tìm thấy một thành kiến về chủng tộc trong những vụ nổ súng chết người. Tất nhiên, điều đó đâu đã giải quyết xong xuôi vấn đề; như mọi khi, cần có thêm nhiều nghiên cứu. Nhưng với các nghiên cứu đã được thực hiện, không có vẻ như công việc trong tương lai sẽ khám phá ra bất cứ điều gì gần với mức độ thành kiến về chủng tộc mà những người biểu tình BLM ở Mỹ và trên khắp thế giới tin là hiện hữu.
Tất cả những điều đó làm cho quan điểm của tôi về Black Lives Matter thành phức tạp. Nếu không nhờ BLM, có lẽ chúng ta sẽ không nói về chấm dứt đặc quyền miễn tố trong công vụ, khiến máy quay phim gắn trên người phổ biến, tăng trách nhiệm giải trình của cảnh sát, và vân vân – ít nhất không còn ở mức độ cũ. Trên thực tế, chúng ta thậm chí có thể không có một cơ sở dữ liệu quốc gia chi li về những vụ nổ súng của cảnh sát. Trong cùng lúc, tiền đề cốt lõi của phong trào là sai. Và nếu không có chuyện gieo rắc sự sai lầm này, các mối quan hệ xã hội giữa người da đen và người da trắng lẽ ra đã bớt căng thẳng, niềm tin vào cảnh sát sẽ cao hơn, và các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ có lẽ đã tránh được nạn hôi của và tàn phá mà chúng ta đã thấy trong mấy tuần gần đây.
Nhưng phải chăng đây là cái giá của tiến bộ? Phải chăng có một truyền thống lâu đời về sử dụng bạo lực để bứt tung xích xiềng của chủ nghĩa thượng tôn da trắng, trải dài từ cuộc cách mạng Haiti và cuộc Nội Chiến Mỹ? Phải chăng các vụ bạo loạn tại các đô thị vào cuối thập niên 1960 đã đánh thức người Mỹ trước thực tế nạn kỳ thị chủng tộc đã không chấm dứt với Đạo Luật Dân Quyền năm 1965?
Để bắt đầu, bất cứ sự so sánh nào với những cuộc nổi dậy của người nô lệ hoặc những cuộc cách mạng chính đáng có lẽ nên được loại bỏ ngay lập tức. Cầm lấy khí giới trực tiếp chống lại những kẻ bắt bạn làm nô lệ là một chuyện. Hôi của những tiệm quần áo hoặc phá hoại những tiệm tạp hóa là điều gì đó hoàn toàn khác. Chúng ta phải cẩn thận không nhầm lẫn người biểu tình với kẻ bạo loạn. Người biểu tình quyết tâm bất bạo động. Kẻ bạo loạn đơn thuần là những tội phạm và nên được đối xử như vậy.
Còn về các vụ bạo loạn cuối thập niên 1960, những người cấp tiến không nên ca ngợi chúng vì đã tạo chấn động khiến người Mỹ phải hành động, nếu họ không lưu ý thêm rằng chúng đã giúp bầu Richard Nixon lên làm tổng thống, điều mà chắc chắn phe cấp tiến không dự tính; rằng chúng đã trực tiếp làm giảm tài sản của những chủ nhà da đen nội thành; và rằng chúng khiến vốn tư bản tháo chạy khỏi các khu vực nội thành trong nhiều thập niên, làm xấu đi chính tình trạng nghèo và thất nghiệp mà những người bạo loạn nhắm mục tiêu phản đối.
Hơn nữa, luận cứ ủng hộ bạo lực dựa trên quan niệm sai lầm rằng nếu không có bạo lực thì sẽ đạt được rất ít tiến bộ. Lịch sử gần đây kể một câu chuyện khác. Năm 2018, NYPD (Sở Cảnh Sát New York – ND) giết chết năm người, giảm so với 93 người vào năm 1971. Kể từ năm 2001, tỷ lệ đàn ông da đen từ 18 đến 29 tuổi ở tù trên toàn quốc đã giảm hơn một nửa. Nói một cách đơn giản, chúng ta biết sự tiến bộ qua các phương tiện dân chủ thông thường là khả thi vì chúng ta đã thực hiện được nó.
Trong một thế giới hoàn hảo, tôi muốn thấy số người Mỹ không vũ trang bị cảnh sát giết chết giảm từ 55 (con số của năm 2019) xuống còn 0. Nhưng càng nghĩ về cách chúng ta sẽ đạt được điều này, tôi càng bớt lạc quan. Nhìn thoáng qua, việc sao chép chính sách của những quốc gia có rất ít vụ nổ súng của cảnh sát dường như là một ngả đường đầy hứa hẹn. Nhưng khi săm soi kỹ hơn, ta nhận ra tình hình của nước Mỹ khó khăn một cách dị biệt.
Đầu tiên, Mỹ là một quốc gia rộng lớn – đứng thứ ba trên thế giới về dân số. Điều đó có nghĩa là những sự kiện có xác suất cực thấp (như những vụ nổ súng của cảnh sát) sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở đây so với ở nơi khác. Ví dụ, nếu nước Mỹ có kích thước của Canada, nhưng về các mặt khác vẫn y nguyên, sẽ có khoảng sáu người không vũ trang bị cảnh sát giết chết trong năm ngoái, không phải 55.
Thứ hai, Mỹ là một quốc gia nơi người dân có súng, khiến cho việc trị an ở Mỹ về cơ bản khác với việc trị an ở các quốc gia khác. Khi cảnh sát chặn một người lại ở Vương Quốc Anh, nơi có tỷ lệ sở hữu súng thấp hơn một phần 20 so với Mỹ, họ gần như không có lý do gì để sợ rằng người mà họ vừa chặn lại có một khẩu súng lục giấu trong ngăn đựng găng tay. Điều đó không đúng ở Mỹ, nơi gần như mỗi ngày có một cảnh sát viên bị bắn. Chừng nào chúng ta còn là một quốc gia súng, cảnh sát Mỹ sẽ luôn có nguy cơ nhầm lẫn chiếc ví hay chiếc điện thoại thông minh của một nghi phạm là một khẩu súng. Và chúng ta sẽ không thể nào luật hóa để cho sự thể đó biến mất – ít nhất một cách không hoàn toàn.
Một yếu tố thứ ba (không chỉ có ở Mỹ) là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên điện thoại thông minh. Điều đó có nghĩa là có hàng triệu chiếc máy ảnh trong tư thế sẵn sàng để bảo đảm rằng vụ nổ súng của cảnh sát kế tiếp sẽ lây lan trên mạng. Nhìn chung, đây là một điều tốt. Điều đó có nghĩa là cảnh sát sẽ không còn cách tin cậy nào để nói dối về hành vi sai trái của mình mà thoát khỏi sự trừng phạt. (Và rằng các cáo buộc của những người buộc tội cảnh sát trong những tình huống như vậy sẽ phải đối diện với cuộc kiểm tra video khách quan.) Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các nguồn cung cấp tin tức của chúng ta luôn chứa đầy những sự việc ngoại lệ được trình bày cho chúng ta như thể chúng là những chuyện thông thường. Nói cách khác, chúng ta có thể cắt giảm 99% tỷ lệ nổ súng chết người, nhưng nếu 1 phần trăm còn lại được quay phim, thì nhận thức của công chúng sẽ là số vụ nổ súng vẫn như cũ. Và chính là nhận thức của công chúng, thay vì thực tại ở bên dưới, kích động những vụ bạo loạn.
Kết hợp cả ba quan sát này ta đi đến một kết luận đen tối: chừng nào chúng ta còn có một tỷ lệ khác 0 về số vụ nổ súng chết người (một điều hầu như chắc chắn), và chừng nào một số vụ nổ súng còn được quay phim và lây lan trên mạng (cũng là một điều hầu như chắc chắn), thì chúng ta có thể vẫn phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực về nạn bất ổn đô thị trong tương lai gần.
Có vẻ như cách duy nhất để thoát khỏi nan đề này, theo tôi thấy, là hàng triệu người Mỹ thuộc Cánh Tả nên nhận ra rằng những vụ cảnh sát bắn chết người xảy ra với người da đen và người da trắng là giống như nhau. Chừng nào còn có một số lượng tới hạn người xem đây là vấn đề chủng tộc, họ sẽ thấy mỗi một video mới về một người da đen bị giết là thêm một vụ bất công nữa trong một chuỗi dài có từ thời Middle Passage (Hành Lang Giữa Biển, thời đại của các cuộc vận chuyển và buôn bán nô lệ giữa các lục địa Phi, Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ – ND). Tình tự đó, khi được cảm nhận sâu sắc và tha thiết, chắc hẳn sẽ tạo ra những cuộc biểu tình lớn và những vụ bạo loạn gây nhiều tổn thất.
Cánh Hữu chính trị cũng có vai trò để đóng. Bao lâu nay, “All Lives Matter” (Mọi Mạng Sống Đều Đáng Kể – ND) là một khẩu hiệu chỉ được sử dụng để đáp lại Black Lives Matter. Điều mà nó nên trở thành, và vẫn có cơ hội trở thành, là một phong trào thực sự nhằm giảm số người Mỹ bị cảnh sát bắn trên cơ sở trung lập về chủng tộc. Nếu thách thức đối với Cánh Tả là chấp nhận rằng vấn đề thật sự của cảnh sát không phải là nạn kỳ thị chủng tộc, thì thách thức đối với Cánh Hữu là chấp nhận rằng có những vấn đề thật sự với cảnh sát.
Nếu trình độ diễn ngôn giữa các giới chức nhà nước của chúng ta vẫn ở mức hiện tại – đảng phái và nông cạn – thì không có nhiều hy vọng. Trong một kịch bản xấu nhất, chúng ta có thể chứng kiến một sự lặp lại các vụ bạo loạn George Floyd sau mỗi vài năm. Nhưng nếu chúng ta có thể nâng tầm diễn ngôn quốc gia, nếu chúng ta rốt cuộc có được cuộc đối thoại thẳng thắn và không thoải mái về chủng tộc mà ai nấy đều từng tuyên bố là muốn có từ nhiều năm qua, thì chúng ta có thể vẫn còn một cơ hội.
Coleman Hughes (@coldxman trên Twitter) là một học giả tại tổ chức nghiên cứu Manhattan Institute và biên tập viên có góp bài cho báo mạng City Journal. Bài của anh đã xuất hiện trên Quillette, nhật báo New York Times, nhật báo Wall Street Journal, National Review, và The Spectator.