Người Buôn Gió
Giữa một thời mà Việt Nam tự hào là nước yêu hoà bình, gìn giữ hoà bình, giải quyết xung đột chủ quyền bằng phương pháp đối thoại hoà bình…mà trong một dêm hàng ngàn cảnh sát chính quy được huy động súng ống, đạn dược tấn công một ngôi làng quê.
4 người chết vì đạn bắn, dao đâm, lửa đốt và gần 30 người nông dân già trẻ, trai gái bị bắt vì tội ”giết người”.
Sự việc để lại bàng hoàng trong lòng người dân Việt Nam, nhiều lời cảm thán nén trong lòng như.
– Ta đang sống thời nào đây?
Hàng ngàn đứa trẻ tuổi đôi mươi được nhà nước huy động lên mạng xã hội chửi rủa những người dân làng kia, họ được nhồi nhét tư tưởng thành những kẻ khát máu, sùng sục căm hơn. Chúng buông đủ mọi lời lẽ man rợ và thô tục như đm thằng già Kình phải treo xác mày lên, giết cả họ nhà mày, băm thây bọn dân làng này…
Không những chúng căm dân làng ấy, chúng căm hận cả nhưng ai cất tiếng nói đòi làm rõ ngọn nguồn.
Chứng kiến một cuộc tấn công đầy mùi súng đạn chiến tranh và chết chóc ở ngôi làng kia đã là một vết thương lớn trong lòng người có lương tri, hậu quả vết thương này sẽ còn lâu lắm mới nguôi ngoai. Nhưng đau xót hơn là những việc như thế không có gì bảo đảm sẽ không còn xảy ra. Đọc những gì mà đám thanh niên đang ở trong công an, quân đội tung lên mạng xã hội, chúng ta thấy rằng với tính chất khát máu được nhồi sọ như vậy vào những người lính trẻ trong lực lượng vũ trang, những cuộc đàn áp đẫm tang thương như thế trong đất nước này sẽ còn tái diễn.
Một thanh niên khát máu trong lực lượng vũ trang, đoàn viên như thế ít nhất là có 2 người thân là bố mẹ. Nếu tính ông bà, anh em ruột thì bình quân một thanh niên ấy có đến 4 người thân tất cả. Đấy lại là một nỗi xót xa nữa, những người như thế thấy con em mình thái độ khát máu như vậy, không can ngăn hoặc không biết, hoặc còn ủng hộ chúng suy nghĩ như vậy.
Nghĩ xem tương lai đất nước này sẽ là gì? là những khối người, những giai cấp đang nung nấu trong lòng sự thù hận lẫn nhau. Xã hội Việt Nam ngày nay đang phân hoá sâu sắc giữa người giàu và người nghèo, giữa những người hưởng đặc quyền, đặc lợi và những người bị đối xử bất công. Từ những phân hoá ấy được hỗ trợ thêm bằng lòng thù hận sẽ dẫn đến những hành động độc ác từ cái lớn như pháp luật ở phiên toà, thái độ của Quốc hội đến những cái nhỏ nhất như mớ rau, con cá tẩm hoá chất. Có nghĩa làm gì được lợi cho mình, chết người khác cũng mặc mẹ nó.
Kẻ quan chức, dân biểu nghĩ như vậy. Kẻ bán rau, thịt cũng nghĩ như vậy.
Từ đâu mà một gia đình nông dân bình thường, thuần chất như gia đình bà Cấn Thị Thêu trở thành người phản kháng lại nhà nước?
Nói chính xác họ phản kháng lại những chính sách, quyết định bất công của nhà nước. Từ những chính sách, quyết định bất công ấy đã khiến họ phải bất đắc dĩ trở thành người phản kháng.
Hãy nhìn cuộc sống của họ xem, họ làm nông, trồng cây lấy trái bán. Họ chăm chỉ sớm khuy bên chậu cua đồng ngoài chợ. Họ tần tảo, lam lũ như bản tính nông dân của cha ông họ hàng ngàn năm trước. Họ quây quần vợ chồng, con cháu ấm êm trong một mái nhà.
Những người nông dân thuần chất như thế không thể hứng lên mà thành phản động chống nhà nước. Chỉ có nhà nước dồn ép họ thành người phải phản đối lại chính sách nhà nước bằng thứ vũ khí đơn sơ nhất mà ai cũng mang trên người, đó là lời nói.
Hôm nay xem clip Trịnh Bá Phương nói trong lúc công an dùng kiềm cộng lực phá cửa nhà Phương. Phương bình thản nói khúc chiết, không cao giọng, không hận thù, hình ảnh đứa bé con Phương mới sinh được vài ngày nằm trong nhà. Ngoài kia là một lũ người đang sừng sực khí thế đàn áp phá cửa.
Tôi ứa nước mắt, tôi đau đớn trước thái độ bình thản của Trịnh Bá Phương lắm. Một người nông dân, một người cha, một người đàn ông hàng ngày ngồi chợ bốc cua cân bán, nào phải anh hùng gì đâu, được tôi luyện rèn giũa như quân đội, công an đâu. Cái khí chất ấy không phải khí chất của một anh hùng, một tráng sĩ. Đó là phản ứng của một con người hiền lành, chất phác đã tuyệt vọng về đạo lý, pháp luật ở xã hội này.
Cái đó mới gây xót xa, càng ngẫm càng xót xa cho phận người địa vị nhỏ nhoi trong xã hội.
Tuyêt vọng về đạo lý khi thấy hàng triệu người dân khác thờ ơ, bàng quan trước những bất công. Tuyệt vọng về pháp luật khi chứng kiến sự công bằng bị chà đạp trắng trợn.
Thủ đoạn bắt cả gia đình một lúc thật dã man, đòn khủng bố này sẽ đánh vào tình ruột thịt. Ai cũng muốn nhận tội về mình để mẹ, anh trai, em trai của mình về. Với tâm lý ấy, thành ra ai cũng là người nhận tội nhiều nhất. Người ta sẽ dùng thủ đoạn, mày nhận đi tao sẽ để anh mày, em mày, mẹ mày, con mày về chẳng hạn.
Ai mà đủ tỉnh táo để khước từ lời đề nghị như thế?
Một ngôi làng tang tóc, một gia đình tang thương. Một xã hội hận thù nhau từ thượng tầng đến hạ tầng. Từ những đồng chí trong uỷ viên bộ chính trị hận thù nhau đến xương tuỷ, ngày đêm bày mưu tính kế để diệt cả dòng họ nhau. Đến những người dân đen bán rau, bán cá cũng dùng hoá chất hại người một cách thản nhiên như lẽ sống ở đời này là phải thế.
Khi tôi viết những dòng chữ này, con trai tôi vào hỏi, bố làm việc à, bố có thấy Picachu của con đâu không? Tôi chỉ chỗ Picachu, con trai tôi ôm con thú bông Picachu thơm rồi nói con cảm ơn bố.
Một thiếu niên 15 tuổi, cao bằng bố, đi tìm Picachu để ôm ngủ, nói lên điều gì?
Là xã hội, cuộc sống mà nó đang ở đó không phải xã hội mà 10 năm trước nó sống.
10 năm trước lúc nó 5 tuổi. Nhìn thái độ của mẹ nó khi nghe điện thoại, nó hỏi mẹ nó.
– Mẹ ơi, bố lại bị người ta bắt rồi à?
Con của Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương giờ chắc đang ngủ say….