Tin thế giới sáng thứ Ba 30/6: Leyen, Lagarde, Merkel: Ba phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu

Mỹ truy nã 3 công dân Đài Loan ‘làm gián điệp kinh tế’ cho Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình video của tập đoàn vi mạch Micron Technology, Hoa Kỳ.

Báo Taiwan News hôm 29/6 đưa tin về 3 công dân Đài Loan bị kết tội “làm gián điệp kinh tế” khi giúp một công ty Trung Quốc lấy cắp bí mật thương mại từ tập đoàn Công nghệ Micron của Mỹ.

Tờ báo của Đài Loan trích dẫn nguồn tin từ TechNews, cho biết một tòa án liên bang ở thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 25/6 đã ban bố lệnh truy nã 3 người Đài Loan, gồm Hà Kiến Đình (Ho Chien-ting), Vương Vĩnh Minh (Wang Yong-ming) và Trần Chính Khôn (Stephen Chen) – cựu chủ tịch một công ty mà Micron từng mua lại vào năm 2013.

Trước đó, vào ngày 12/6, Hà và Vương đã bị một tòa án ở Đài Trung (Đài Loan) kết tội vi phạm Đạo luật Bí mật Thương mại, với việc cung cấp các bí mật thương mại từ công ty Công nghệ Micron của Mỹ cho công ty Liên Điện (Đài Loan) và công ty đối tác là Phúc Kiến Tấn Hoa của Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra lệnh truy nã cáo buộc ba người đàn ông Đài Loan đã trợ giúp công ty Phúc Kiến Tấn Hoa của Trung Quốc đánh cắp công nghệ được cấp bằng sáng chế của tập đoàn vi mạch Micron Technology.

Lệnh truy nã được đưa ra sau khi cả ba người này đã không ra hầu tòa theo lệnh của tòa án. Theo Taiwan News, đây là vụ kiện đầu tiên được khởi tố theo sáng kiến của Tổng thống Trump nhằm giải quyết tình trạng trộm cắp bí mật thương mại, tấn công mạng và gián điệp kinh tế mà ông Trump từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc.

Taiwan News cho biết, mặc dù Đài Loan và Trung Quốc không có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ, các chuyên gia pháp lý cho rằng Washington và Đài Bắc vẫn có thể đạt được thỏa thuận dẫn độ 3 người đàn ông bị truy nã, sau đó đưa những người này tới Mỹ để xét xử. Họ có thể bị kết án tù giam và các công ty của họ có thể bị đòi các khoản tiền phạt lên tới 20 tỷ USD, theo Taiwan News.

Đài Loan là vùng lãnh thổ với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng bị chính quyền Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai.

Cựu Thủ tướng Pháp lãnh án tù

Cựu thủ tướng Pháp François Fillon vừa bị kết án 5 năm tù, với 3 năm tù treo, bà vợ Penelope Fillon 3 năm tù treo, về tội lạm dụng công quỹ.F. Fillon bị giải toà, vì trong thời gian làm dân biểu, đã tuyển dụng bà vợ làm phụ tá dân biểu, lãnh lương nhưng ‘’ngồi chơi xơi nước’’.
Luật pháp cho phép mỗi dân biểu quyền tuyển dụng 2 phụ tá, với ngân sách của quốc hội. Việc bà Penelope làm phụ tá cho chồng không phi pháp, nhưng bị truy tố về tội ‘’emploi fictif’’, trả lương cho người thân về một chức vụ tưởng tượng, lương thật, nhưng việc làm giả (fictif) .Trước toà, bà Fillon không chứng minh được công việc hàng ngày của mình.
F. Fillon là một chính trị gia hàng đầu của Pháp, chắc chắn đã trở thành Tổng Thống Pháp cách đây 3 năm, nếu vụ này không bị tuần báo trào phúng ‘Le Canard Enchainé’ khui ra, vài tuần lễ trước ngày bầu cử.
F. Fillon là ứng cử viên của đảng hữu phái Les Républicains, coi như sẽ thắng cử ‘’dans un fauteuil’’ (ngồi ghế bành chờ kết quả, khỏi cần tranh cử), vì ứng cử viên của đảng Xã Hội, Benoit Hamon là một chính trị gia vô danh, và cử tri đã chán phe tả sau 4 năm F. Hollande. Hai ứng cử viện cực tả Mélenchon, cực hữu Le Pen không có hy vọng, vì dân Pháp chưa sẵn sàng trao thân cho các nhóm cực đoan.Cuối cùng, một ứng cử viên 39 tuổi, không đảng phái, không tả không hữu, Emmanuel Macron được đưa vào điện Elysées, làm đảo lộn toàn bộ  chính trường Pháp, đánh tan rã hai chính đảng tả, hữu đã thay nhau cai trị nước Pháp từ gần nửa thế kỷ.Fillon, cũng như nhiều chính trị gia chuyên nghiệp từ đó đã giã từ võ khí, rời chính trường. 
Hai ông bà Fillon đã kháng án, sẽ ra toà trở lại năm tới.
Bản án với 2 năm tù ở, tổng cộng trên 1 triệu Euros tiền bồi thường cho ngân quỹ quốc gia và tiền phạt, 10 năm cấm tranh cử đối với một cựu Thủ tướng là một bản án nặng, chứng tỏ người Pháp, toà án Pháp không còn nhân nhượng với các chính trị gia như trước. Pháp, vẫn bị coi như nước lè phè với chuyện nhũng lạm, so với nhiều nước dân chủ Tây Phương, những năm gần đây có vẻ muốn theo gương các nước Bắc Âu, nơi một bộ trưởng, trong một lúc sơ ý, dùng thẻ tín dụng của nhà nước mua một thỏi chocolat cho con, đã phải từ chức.Các DLV đọc tin này sẽ có dịp mừng rỡ: ở đâu cũng có tham nhũng. Lại phải nhắc lại: chuyện nhũng lạm ở những nước dân chủ rất hiếm, và rất khó thoát lưới pháp luật. Chức càng lớn, án càng nặng.

Phe sinh thái Pháp đứng trước thử thách quyền lực

image.png

Trong bài xã luận mang tên “Trước thử thách quyền lực”, La Croix ví von: một sa mạc và một làn sóng. Trước hết là sa mạc: có đến 6/10 cử tri không đến phòng phiếu để bầu ra thị trưởng của mình. Và một làn sóng xanh đã dâng lên : nhiều người Pháp tại các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, Strasbourg, Marseille… đã ngả sang sinh thái.

Các thành phố này trong sáu năm tới sẽ được một thị trưởng Sinh thái-Xanh lãnh đạo. Về chính trị, đây là một làn sóng ngoạn mục, vì đảng này hồi bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 còn không thể giới thiệu nổi một ứng cử viên, nay lại đang đứng trước cánh cửa quyền lực. Ở cấp quốc gia, thách thức quyền lực lại thường trở thành ảo tưởng, như trường hợp của ông Nicolas Hulot.

Kết quả bầu cử lần này còn là một thách thức cho tổng thống Emmanuel Macron. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của ông đã thất bại khi muốn cắm rễ tại địa phương. Nhân vật duy nhất trong đảng chiến thắng oanh liệt là thủ tướng Édouard Philippe, tái đắc cử ở Havre, người mà ông Macron ngần ngại chưa dám chia tay.

Cánh tả hồi sinh, Macron chật vật

Bài xã luận dài “Phía sau làn sóng xanh” của Le Figaro nhận định, đó là một kết quả đáng buồn cho đảng cực hữu vốn đang hy vọng thủ lợi từ tâm trạng bất ổn, đáng thất vọng cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (RN) vì làn sóng này lấn lướt những kết quả khích lệ tại các thành phố nhỏ và trung bình. Nhưng thất bại càng nặng nề hơn đối với đảng của tổng thống Macron vì phải từ bỏ giấc mộng bắt rễ trong trái tim đất nước. Trong giai đoạn sắp tới, ông sẽ phải thích ứng với một cuộc khủng hoảng dịch tễ luôn sẵn sàng tái phát, một trận sóng thần kinh tế xã hội và nhiều khó khăn khác nhau về chính trị.

Theo tác giả, sai lầm thứ nhất là nghĩ rằng hiện tượng này chỉ là nhất thời. Vấn đề môi trường nay là lương tâm chính trị tại các nước phát triển. Ban đầu từ giới trẻ và trung lưu đô thị, nay mọi giai cấp trong xã hội và mọi thế hệ đều ý thức được.

Sai lầm thứ hai là cho rằng đây chỉ là những lá phiếu để bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống chính trị truyền thống. Đó là sự tái sinh của khối cánh tả từ xã hội đến cực tả, đảng xanh, đảng cộng sản, mà cột trụ nay không còn là đảng xã hội mà là phe sinh thái. Trước một cánh tả hồi sinh từ đống tro tàn, ông Macron không còn chọn lựa nào khác ngoài việc liên kết cánh trung và cánh hữu, với một lượng cử tri đủ rộng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 mà ông có một ít hy vọng chiến thắng.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim bị bức tử

Bước sang lãnh vực năng lượng, Le Figaro tỏ ra nuối tiếc khi “Fessenheim tắt lịm”, Les Echos chạy tựa trang nhất « Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi ». Lò nguyên tử « cao niên » nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.

Vào lúc nửa đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 30/06, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử ở vùng Haut-Rhin sản xuất ra những megawatt điện cuối cùng trong lịch sử của mình, bốn tháng sau khi lò số 1 bị cho ngưng hoạt động. Le Figaro cho biết điều mỉa mai là lò số 2 đã tự động ngưng khi bị giông gió mạnh hôm thứ Sáu, rồi cuối ngày thứ Bảy lại phải phục vụ thêm vài tiếng đồng hồ cuối cùng.

Việc đóng cửa Fessenheim đã được hai tổng thống liên tiếp hứa hẹn là François Hollande và Emmanuel Macron. Ngoài lời hứa do ông Hollande đưa ra nhằm kiếm phiếu của phe sinh thái năm 2012 nay phải thực hiện, chính quyền Macron hiện nay còn cho rằng nhà máy đã già cỗi, và cũng muốn giảm tỉ lệ điện nguyên tử xuống còn 50%. Tuy nhiên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) nhấn mạnh vai trò của nguyên tử trong việc giảm thải carbonic.

Les Echos trong bài xã luận « Nguyên tử : Cuộc tranh luận bị cấm đoán » nhận định nước Pháp đã dần dà ngả sang một dạng tư duy độc tài sinh thái. Dư luận cho rằng nguyên tử là nguy hiểm, để lại rác thải phóng xạ cho thế hệ tương lai, nên tập trung cho năng lượng tái tạo. Bảo vệ cho uranium trở thành cấm kỵ, và như vậy tương lai của điện nguyên tử được dựa trên cảm tính chứ không phải lý tính, trong khi vấn đề này cần phải được tranh luận đến nơi đến chốn.

Xe hơi, xe đạp chạy điện ngày càng phổ biến, như vậy phải sạc pin nhiều hơn, và nguyên tử lực bổ sung được cho những hạn chế của điện mặt trời và điện gió. Tất nhiên không phải hoàn hảo, nhưng khi không dám nêu ra những ưu điểm của nó trước dư luận, các nhà lãnh đạo chính trị đã tự bắn vào chân của một nước Pháp lẽ ra phải coi nguyên tử là một trong những ưu thế của mình. Chính nhờ điện nguyên tử mà Pháp là một trong những nước góp phần nhiều nhất vào việc chống hâm nóng khí hậu.

Leyen, Lagarde, Merkel: Ba phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos vinh danh “Ba người phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu”. Đó là Ursula von der Leyen, Christine Lagarde và Angela Merkel, ba phụ nữ ở độ tuổi 60 đã đánh thức Liên Hiệp Châu Âu (EU) để đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tệ hại nhất. Cả ba đã biết đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời, tuy họ chưa hề được chờ đợi trong vai trò này.

Angela Merkel được cho là đang ở vào buổi hoàng hôn chính trị, sau 13 năm cầm quyền. Gần như không còn ai trông cậy vào bà để thúc đẩy EU. Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, vừa làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có vài tháng. Christine Lagarde được lên làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) một phần nhờ là phụ nữ, vì bà chưa bao giờ lãnh đạo một ngân hàng quốc gia, thậm chí còn không phải là nhà kinh tế.

Ngày 18/03, bà Lagarde loan báo một kế hoạch đại quy mô để hỗ trợ nền kinh tế : BCE cam kết mua lại trong vòng vài tháng 1.000 tỉ euro trái phiếu nợ của các nhà nước thành viên và doanh nghiệp, một chiến lược còn tham vọng hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Một ít thời gian sau, bà Merkel mới hành động, nhưng bà đã ý thức được rằng giảm phát sẽ làm các nước Nam Âu suy sụp, tạo nguy cơ cho thị trường chung. Nữ thủ tướng thận trọng và lý tính chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp : EU vay 500 tỉ euro và phân phối cho những nước dễ tổn thương nhất. Khi trả lời phỏng vấn của Le Monde, bà Merkel nhấn mạnh “Cần phải có lời đáp đặc biệt trong tình huống đặc biệt”.
Nhờ sự đổi hướng của bà Merkel, bà Leyen đã tiến hành các chương trình mua chung và dự trữ thiết bị bảo hộ y tế cho EU, đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro. Bà cũng đặt nền tảng cho một liên minh y tế, bảo vệ các ngành kỹ nghệ chiến lược của châu Âu trước Trung Quốc, lập quỹ nghiên cứu vac-xin chung.

Trung Quốc đe dọa sẽ hạn chế visa người Mỹ có ‘hành vi thái quá’ về Hồng Kông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (ảnh chụp từ video AP/Youtube).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (29/6) tuyên bố sẽ áp các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Mỹ có “hành vi thái quá” về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, theo Reuters.

Trong cuộc họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh sau khi Washington cuối tuần qua thông báo hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc phá hoại sự tự chủ của Hồng Kông, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên tuyên bố:

“Mỹ đang cố gắng cản trở luật pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hồng Kông bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt, nhưng sẽ không bao giờ thành công”.

Ông Triệu đe dọa: “Đáp lại … Trung Quốc quyết định áp đặt các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Mỹ có hành vi thái quá về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông”.

Tuy nhiên, ông Triệu không đề cập đến cá nhân Mỹ nào bị nhắm mục tiêu.

Tuyên bố trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 26/6 cho biết Mỹ sẽ “áp hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc đương nhiệm và đã nghỉ hưu, những người chịu trách nhiệm hay đồng lõa phá hoại mức độ tự chủ cao của Hồng Kông, hoặc làm suy yếu quyền con người và tự do cơ bản ở Hồng Kông”. Thành viên gia đình của những quan chức này cũng phải chịu các hạn chế trên.

Trước đó, vào hôm 25/6, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một dự luật cho phép chính quyền Washington tăng cường xử phạt các cá nhân xâm phạm nền tự trị và dân chủ của đặc khu Hồng Kông. Dự luật này là phản ứng với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.

Dự luật an ninh Hồng Kông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân thành phố cũng như các nước trên thế giới, vì nó sẽ đặt dấu chấm hết cho mô hình “Một quốc gia, Hai chế độ”.

Ấn Độ chuẩn bị cho ‘trận đánh tổng lực’ với Trung Quốc

Ấn Độ đang theo dõi sát sao các hoạt động của các căn cứ không quân Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương (ảnh minh họa: Google Maps).

Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ các căn cứ không quân của Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi đang dự trữ nhiều máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác khi căng thẳng biên giới leo thang ở khu vực, nhưng Ấn Độ không quá lo lắng về khả năng của lực lượng chiến đấu trên không dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), với việc Không quân Ấn Độ (IAF) đã tập hợp một lực lượng đủ mạnh, theo Indian Defense News.

Theo các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, chưa có động tĩnh “mới hoặc lớn” ở khu vực của Quân đội Trung Quốc tại Hotan và Kashgar ở Tân Cương, cũng như Gargunsa, Lhasa-Gonggar và căn cứ không quân Shigatse. Quân đội Ấn Độ và IAF đã triển khai cho “khả năng trận đánh tổng lực” dọc theo 3.488 km LAC sau các cuộc giao tranh biên giới ở Ladakh. Ấn Độ đã chuyển tới khu vực tên lửa đất đối không và các hệ thống tương tự nhằm ứng phó những mối đe dọa trên không.

Máy bay ném bom Trung Quốc bay qua eo biển Miyako, tiếp cận Đài Loan từ phía Đông

Hai máy bay ném bom của Trung Quốc đã bay qua eo biển Miyako vào Chủ nhật (28/6) và tiếp cận Đài Loan từ phía Đông, trước khi quay trở lại và ra khỏi khu vực theo cùng lộ trình, theo Taiwan News.

Theo thông cáo báo chí từ Ban tham mưu Bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hai máy bay ném bom chiến lược của Quân đội Trung Quốc là Xi’an H-6 đã bay từ biển Hoa Đông và qua eo biển Miyako giữa các đảo Okinawa và Miyakojima của Nhật Bản. Trong một hành động đáp lại, Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản đã phóng máy bay chiến đấu để theo dõi máy bay ném bom Trung Quốc. Hai chiếc H-6 sau đó đã bay về phía tây nam và tiếp cận không phận Đài Loan từ phía đông, theo bản đồ đường bay do phía Nhật Bản công bố.

Ít nhất 4 trinh sát cơ Mỹ bay đến Đài Loan và Biển Đông

Hai kênh theo dõi lộ trình hàng không Callsign: CANUK7 Golf9 đã phát hiện có ít nhất 4 máy bay do thám Mỹ và một máy bay tiếp nhiên liệu bay đến phía nam và tây nam Đài Loan vào hôm nay (29/6), trong khoảng thời gian từ 8:53 đến 11:27 sáng, theo Taiwan News.

Kênh Callsign: CANUK78 cho biết: Lockheed EP-3E ARIES II, một máy bay trinh sát và chiến đấu bay qua kênh Ba Sĩ ngay ngoài khơi bờ biển phía nam Đài Loan hướng về Biển Đông và Nga Loan Tị (Eluanbi); một máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8A Poseidon bay qua kênh Ba Sĩ trên hành trình của nó đến Biển Đông.

Kênh Golf9 báo cáo: một máy bay tiếp nhiên liệu Boeing KC-135R Stratotanker bay qua Biển Đông, ngay phía tây nam Đài Loan; một máy bay trinh sát Boeing RC-135U cất cánh từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản và bay qua kênh Ba Sĩ cũng trên đường đến Biển Đông.

Related posts