- Xuân Lan
Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin AP đã tiết lộ rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp hà khắc để giảm tỷ lệ sinh ở người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác nhằm giảm thiểu dân số Hồi giáo, trong khi đó vẫn khuyến khích người Hán sinh thêm con.
Điều tra của AP dựa trên số liệu thống kê của chính phủ, các tài liệu của nhà nước và các cuộc phỏng vấn với 30 cựu tù nhân, thành viên gia đình và một người hướng dẫn trong trại giam trước đây.
Mặc dù trước đó đã có một số phụ nữ đơn lẻ lên tiếng về các biện pháp kiểm soát sinh đẻ, nhưng điều tra của AP cho thấy việc này đã được nhà nước ĐCSTQ thực hiện trên diện rộng và có tính hệ thống hơn nhiều những gì đã từng được biết đến trước đó. Trong 4 năm qua, chiến dịch tại vùng Tân Cương đã có thể được coi là một hình thức “diệt chủng nhân khẩu học.”
Các cuộc phỏng vấn và dữ liệu đã chỉ ra rằng, chính quyền địa phương thường xuyên yêu cầu phụ nữ dân tộc thiểu số kiểm tra thai kỳ, bắt họ phải đặt phòng tránh thai (IUD), triệt sản và thậm chí phá bỏ hàng trăm nghìn thai nhi. Trong khi số liệu về việc đặt vòng tránh thai và triệt sản giảm trên toàn quốc, thì nó vẫn tăng mạnh tại Tân Cương.
Không tuân thủ các biện pháp kiểm soát dân số sẽ có thể bị bắt và giam giữ. Điều tra của AP cho thấy gia đình nào có nhiều trẻ em và không đủ tiền đóng những khoản phạt rất lớn sẽ bị bắt giữ. Cảnh sát thường xuyên đột kích vào các gia đình, tìm kiếm xem họ có giấu những đứa trẻ ở đâu không.
Sau khi Gulnar Omirzakh, một người Trung Quốc gốc Kazakhstan có đứa con thứ ba, chính quyền đã ra lệnh cho cô phải đặt vòng tránh thai. Hai năm sau, vào tháng 1 năm 2018, bốn quan chức mặc đồ quân sự đến gõ cửa nhà cô. Họ yêu cầu người đàn bà không xu dính túi phải nộp khoản phạt tương đương 2.685 USD trong vòng 3 ngày vì có nhiều hơn hai con. Trong khi đó, chồng của Omirzakh – một người buôn bán rau, đã bị giam giữ từ trước đó.
Họ cảnh báo nếu cô không trả tiền, cô sẽ phải vào tù như chồng cô và hàng triệu người dân tộc thiểu số khác.
Sau khi bị đe dọa, cô đã gọi điện cho người thân và trước giờ hạn chót, họ đã kiếm đủ tiền để nộp phạt bằng cách bán bò và chịu các khoản vay lãi suất cao.
Sau đó, cô và các con phải sống với hai quan chức đảng địa phương được gửi tới để theo dõi họ. Khi chồng cô cuối cùng được thả ra, họ đã trốn sang Kazakhstan chỉ với một vài bó chăn và quần áo.
Cô Omirzakh vẫn còn thổn thức khi nghĩ lại khoảng thời gian đó, “Chúa trao cho bạn những đứa con. Ngăn cản mọi người có con là sai. Họ muốn tiêu diệt dân tộc chúng tôi.”
Vòng tránh thai vẫn còn trong tử cung của Omirzakh đã thấm sâu vào da thịt cô, gây viêm và đau lưng. Đối với Omirzakh, đó là một lời nhắc nhở cay đắng về tất cả những gì cô đã bỏ lại sau lưng. “Khi tôi nghĩ đến Tân Cương, tôi vẫn còn cảm thấy vô cùng sợ hãi,” cô nói.
Anh Abdushukur Umar là một trong những nạn nhân đầu tiên kể từ khi chính sách đối với Tân Cương thay đổi. Anh có 7 đứa con và tự hào coi những đứa con của mình là phước lành từ Thiên Chúa.
Năm 2016, anh bị chính quyền kết án 7 năm tù – tương ứng mỗi đứa con là 1 năm, những người trong chính quyền đã nói với họ hàng anh như vậy.
“Anh họ của tôi dành toàn bộ thời gian chăm sóc gia đình, anh ấy không bao giờ tham gia bất kỳ phong trào chính trị nào,” em họ Umar, Zuhra Sultan cho biết. “Tại sao bạn phải nhận 7 năm tù vì có quá nhiều con? Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 – điều này thật không thể tưởng tượng được.”
Dữ liệu hãng AP thu thập được cho thấy trong số 484 tù nhân bị giam giữ được liệt kê ở quận Karakax tại Tân Cương, 149 người bị tù vì có quá nhiều con. Đây là lý do phổ biến nhất để giam giữ họ.
Năm 2017, chính quyền Tân Cương cũng tăng gấp ba số tiền phạt vì vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình, thậm chí đối với những người dân nghèo nhất. Báo cáo của chính phủ cho thấy các quận thu được hàng triệu đô la từ tiền phạt mỗi năm.
Một nỗ lực khác để thay đổi cán cân dân số ở Tân Cương là việc chính quyền Trung Quốc treo thưởng những lợi ích như đất đai, việc làm và trợ cấp kinh tế để thu hút người Hán di cư đến đó. Ngoài ra, chính phủ khuyến khích người Hán kết hôn với người Duy Ngô Nhĩ. Một cặp vợ chồng như vậy đã nói với AP rằng họ được cấp tiền cho nhà ở và các tiện nghi như máy giặt, tủ lạnh và TV.
Khi ở trong các trại giam, phụ nữ bị buộc phải đặt vòng tránh thai hoặc tiêm ngừa thai, theo các cựu tù nhân. Họ cũng được giáo dục về số lượng trẻ em họ nên có.
Bảy cựu tù nhân nói với AP rằng các loại thuốc kiểm soát sinh đẻ được cung cấp theo đường uống hoặc tiêm, và thường không có lời giải thích nào được đưa ra. Nhiều người cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi hoặc ốm yếu, và phụ nữ đã ngừng kinh nguyệt. Sau khi được thả và rời khỏi Trung Quốc, một số người đã đi kiểm tra y tế và thấy họ đã bị mất khả năng sinh đẻ.
Dina Nurdybay, một phụ nữ người Kazakhstan bị giam giữ trong trại, kể lại rằng đã phải học thuộc lòng những câu trả lời bằng tiếng Trung khi các quan chức đến thăm các trại giam.
“Tôi đã sinh quá nhiều con. Điều này chỉ ra rằng tôi không được giáo dục và không hiểu biết về luật pháp,” cô nói lời “thú tội” trước mặt các quan chức.
“Cô có thấy công bằng không khi người Hán chỉ được phép sinh 1 con” vị quan chức hỏi Nurdybay. “Những người dân tộc thiểu số như cô thật không biết xấu hổ, hoang dã và thiếu văn minh.”
Nurdybay đã gặp ít nhất hai người khác trong trại mà cô biết đã bị nhốt vì có quá nhiều con. Sau đó, cô được chuyển đến cơ sở khác là một trại trẻ mồ côi có hàng trăm trẻ em, bao gồm cả những đứa trẻ có cha mẹ bị giam giữ vì sinh quá nhiều lần.
Một cựu tù nhân khác, Tursunay Ziyawudun, nói rằng cô đã bị tiêm cho đến khi cô ngừng kinh nguyệt, và bị đá liên tục vào bụng dưới trong khi thẩm vấn. Bây giờ cô ấy không thể có con và thường bị đau cũng như chảy máu từ tử cung.
Ziyawudun còn cho biết tại các kỳ kiểm tra phụ khoa, những phụ nữ bị phát hiện có thai sẽ đối mặt với việc phải phá thai. “Một phụ nữ ở lớp khác bị phát hiện đang mang thai và đã biến mất khỏi trại,” cô nói.
Một người phụ nữ khác, Gulbakhar Jalilova, xác nhận rằng những người bị giam giữ trong trại của cô đã bị buộc phải phá thai. Cô cũng nhìn thấy một người mới sinh con, sữa vẫn đang rỉ ra, nhưng không biết chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ sơ sinh của mình. Cô cũng đã gặp các bác sĩ và sinh viên y khoa bị giam giữ vì giúp người Duy Ngô Nhĩ trốn tránh báo cáo và cố sinh con tại nhà.
Kết quả của chiến dịch kiểm soát sinh sản là bầu không khí khủng bố xung quanh việc có con. Tỷ lệ sinh ở các khu vực người Duy Ngô Nhĩ sinh sống chủ yếu như Hotan và Kashgar đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến 2018. Thống kê cho thấy trên toàn khu vực Tân Cương, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh tới gần 24% trong năm ngoái, so với chỉ 4.2% trên toàn quốc.
Nghiên cứu của AP cũng cho thấy hàng trăm triệu đô la mà chính quyền ĐCSTQ đổ vào để kiểm soát sinh sản đã biến Tân Cương từ một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của Trung Quốc trở thành nơi chậm nhất chỉ trong vài năm.
Ông Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về các chính sách của Trung Quốc đối với các khu vực dân tộc thiểu số cho biết “sự sụt giảm tỷ lệ sinh này là điều chưa từng xảy ra, điều nhẫn tâm này là một phần của chiến dịch kiểm soát nhằm nô dịch người Duy Ngô Nhĩ.”
Những yêu cầu bình luận gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không có phản hồi. Tuy nhiên, một vài quan chức Trung Quốc trước đây đã nói rằng các biện pháp mới chỉ đơn thuần là tạo ra sự “công bằng,” để cả người Hán và dân tộc thiểu số có cùng số lượng trẻ em.
Năm 2014, sau khi ông Tập đến thăm Tân Cương, quan chức của khu vực tuyên bố đã đến lúc thực hiện các “chính sách kế hoạch hóa gia đình bình đẳng” đối với tất cả các dân tộc, đồng thời “giảm bớt và ổn định tỷ lệ sinh.”
Trong nhiều năm, các gia đình tôn giáo lớn ở nông thôn bị chính quyền coi là căn nguyên của các vụ đánh bom, đâm dao và các cuộc tấn công khác và bị gán là những kẻ khủng bố Hồi giáo. Theo một bài báo năm 2017 của Viện trưởng Viện Xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương, việc dân số Hồi giáo ngày càng tăng chính là nguồn gốc của nghèo đói, cực đoan, làm gia tăng “rủi ro chính trị.”
Các chuyên gia bên ngoài cho rằng chiến dịch kiểm soát sinh sản là một phần trong cuộc “thảm sát” do nhà nước ĐCSTQ tổ chức nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ nhằm thanh trừng họ về đức tin và bản sắc, buộc họ đồng hóa vào văn hóa thống trị của người Hán. Những người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ để cải tạo chính trị và tôn giáo, phải lao động cưỡng bức trong các nhà máy, trong khi con cái của họ được dạy dỗ với văn hoá của người Hán trong các trại trẻ mồ côi. Người Duy Ngô Nhĩ cũng bị theo dõi bởi bộ máy giám sát kỹ thuật số khổng lồ.
Darren Byler, một chuyên gia về người Duy Ngô Nhĩ tại Đại học Colorado cho biết, có thể dự định của chính quyền Trung Quốc không phải là hoàn toàn xóa sổ tộc người Duy Ngô Nhĩ, mà là giảm mạnh sức sống của họ, khiến họ dễ dàng bị đồng hóa.
Còn Joanne Smith Finley tại Đại học Newcastle ở Vương quốc Anh thì khẳng định “đây là cuộc diệt chủng, chấm hết. Nó không phải là loại diệt chủng ngay lập tức, gây sốc, thảm sát quy mô lớn, mà là một loại diệt chủng từ từ, đau đớn. Đó là những biện pháp trực tiếp làm giảm dân số người Duy Ngô Nhĩ.”
Xuân Lan (theo AP)