Tái dịch chuyển sản xuất về Pháp: Thực tế hay ảo tưởng?

Minh Anh


Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội do dịch virus corona chủng mới gây ra đã làm lộ rõ những hậu quả của việc di dời nhà xưởng và sự phụ thuộc của nước Pháp trong một số lĩnh vực. Giới chính trị và nhiều chủ doanh nghiệp kêu gọi hồi hương phần nào một số hoạt động sản xuất. Thực tế hay là Ảo tưởng?

Một dây chuyền sản xuất vải của hãng dệt Tenthorey, vùng Eloyes, miền đông nước Pháp. Ảnh chụp ngày 11/06/2020. AFP – JEAN-CHRISTOPHE VERHAEGEN

Phi công nghiệp hóa: Một sai lầm chiến lược?
Nước Pháp của những năm 1970 – 1980 bắt đầu tiến trình phi công nghiệp hóa, để lao vào phát triển một nền kinh tế « toàn dịch vụ ». Hệ quả là các nhà xưởng trong các ngành dệt may, luyện kim, lắp ráp ô tô, xưởng đóng tàu, tin học lần lượt dịch chuyển sản xuất sang các nước khác, phần đông là tại châu Á.

Nếu như nước Đức bên cạnh ngừng đóng cửa nhà máy trong những năm 1990, nước Pháp vẫn kiên trì trong ý tưởng « không nhà xưởng, không sản xuất » (fabless). Theo đó, đẩy những ngành sản xuất có chi phí thấp sang những nước khác, chỉ giữ lại trong nước những hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng. Ngành công nghiệp Đức chiếm đến 25% GDP, thì tại Pháp mức tỷ trọng này chỉ là 12%. Ngành này không ngừng bị mất thị phần, nhất là tại châu Âu, do thiếu tính cạnh tranh và chỉ có những dòng sản phẩm cấp trung bình.

Dịch Covid-19 đến từ Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát tại Pháp và châu Âu làm lộ rõ những thiếu thốn và sự lệ thuộc quá lớn của Pháp cũng như nhiều nước khác vào nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu hay chiến lược từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của viện thống kê Pháp cho thấy có đến 64% mặt hàng tiêu dùng trong các hộ gia đình là nhập khẩu. Riêng thuốc men và hàng may mặc là chiếm đến gần 80%.

Thuật ngữ « tái dịch chuyển sản xuất », xuất hiện từ nhiều năm qua, giờ được xem như là một câu thần chú chính trị vừa mang tính biểu tượng, chính trị và kinh tế. Pháp giờ đây mới giật mình nhận thấy rằng cán cân thâm hụt thương mại ngày càng lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với các nước khác trong khu vực ; và nhất là Pháp đang chậm trễ trong lĩnh vực công nghệ cao như mạng 5G, pin điện, tin học…

Tái di dời nhà xưởng và những vấn đề nan giải
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 3/2020 còn tuyên bố « phải tìm lại sức mạnh tinh thần và thiện chí để sản xuất nhiều hơn tại Pháp và tìm lại sự độc lập ». Nhưng thế nào là tự chủ công nghiệp ? Sự tự chủ đó là đối với những mặt hàng nào ? Và có dễ tái di dời nhà xưởng về Pháp hay không ?

Theo báo Pháp Le Monde, có rất ít doanh nghiệp Pháp tin rằng sẽ có một làn sóng hồi hương ồ ạt các nhà xưởng, nhất là trong lĩnh vực bào chế thuốc. Trendeo, một văn phòng chuyên thống kê các dự án công nghiệp đưa ra các con số ấn tượng: Trong giai đoạn 2009 – 2020, chỉ có 144 dự án tái di dời nhà xưởng về Pháp, và các dự án này chỉ tạo thêm được có 1% việc làm trong ngành công nghiệp. Trong cùng giai đoạn, có đến 469 cơ sở bị di dời (-6,6%).

Vì sao như vậy ? Đầu tiên hết là vấn đề lợi nhuận. Giá nhân công rẻ, ít các ràng buộc về môi trường hay an toàn, di dời sản xuất tại châu Á tạo ra nhiều khoản lợi nhuận to lớn cho các hãng theo như giải thích của nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, trường đại học Paris-Dauphine với báo Le Monde.

Nếu như vấn đề chi phí sản xuất thấp là một trong những vấn đề cốt lõi để nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, sự phản kháng của một số nghiệp đoàn Pháp trong vấn đề này cũng là khá lớn. Ông Eric Martin, cựu đại biểu châu Âu, cựu đoàn viên nghiệp đoàn CFDT trên France 24 cho rằng chi phí sản xuất thấp tại châu Á và nhất là Trung Quốc là những chi phí cạnh tranh gian lận. Ông cảnh báo việc đưa trở về châu Âu các nhà xưởng khi loại bỏ tất cả các chuẩn mực môi trường, xã hội… chẳng khác gì việc biến châu Âu thành một lục địa Trung Hoa.

Ngoài những vấn đề gây tranh cãi trên, ông David Cousquer, lãnh đạo Trendeo trên đài France Culture còn cho rằng việc hồi hương các nhà sản xuất còn vấp phải một khó khăn lớn khác : Thiếu khả năng tiếp cận mặt bằng để lập nhà xưởng.

« Nếu như các hãng di dời nhà xưởng thì đó cũng là vì lý do chi phí, ngoài ra, họ còn gặp nhiều khó khăn thực tế trong việc lập nhà xưởng công nghiệp tại Pháp. Có nghĩa là mặt bằng có sẵn luôn bị thiếu. Nếu chúng ta đề nghị họ đưa một phần các hoạt động sản xuất về lại Pháp, đổi lại nên tạo thuận lợi cho họ trong việc tìm kiếm nhanh chóng một mặt bằng và điều này cũng phải tương tự cho các nhà thầu phụ của họ. Những điều đó cần phải được thương lượng, có sắp xếp. Khi chúng ta nói đến chuyện hợp tác, chính là xung quanh những chủ đề cụ thể này. Ở đây, không phải chính phủ là bên quyết định lượng sản xuất phải thực hiện tại Pháp. »

Nhưng những khó khăn về mặt bằng này có thể được giải thích bằng chính thái độ « bài công nghiệp » của người dân Pháp. Ông Dominique Reynié, tổng giám đốc Quỹ vì Canh tân Chính trị (Fondapol), cho rằng cuộc khủng hoảng dịch tễ và kinh tế lần này còn là cơ hội để nước Pháp suy ngẫm lại « mối quan hệ tập thể với sản xuất ».

“Nước Pháp thường tạo ra cảm giác là họ không muốn những nhà xưởng công nghiệp đó. Ở đây có một dạng phản đối, một kiểu phản đối có hệ thống bằng cách đưa ra các quy định thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả các nước láng giềng châu Âu của chúng ta. (…)

Cảm giác này sẽ gây khó khăn cho việc đầu tư ở Pháp, bởi vì một bộ phận xã hội Pháp phản đối rất mạnh mẽ. (…) Có một số nhà đấu tranh sinh thái đã tạo ra cảm giác mở một nhà xưởng công nghiệp là một thảm họa : Mở một nhà máy hóa chất, bởi vì dược phẩm chính là hóa chất, tức là đồng tình với việc mở lại các nhà máy công nghiệp hóa chất ở Pháp.

Ngoài những vấn đề về chi phí, chuẩn mực, còn có cả khả năng chấp nhận nữa. Liệu người ta có khả năng chịu đựng được một thiểu số rất tích cực đó, hiện tượng bảo vệ sinh thái cực đoan trong kinh tế Pháp hay không ? Ngày nay người ta không thể nào mở được một ngành sản xuất, bất kể là ngành gì, một cách dễ dàng. Các dân biểu bị xơ cứng.

Tất cả những điều này cần phải được suy ngẫm. Chúng ta nên có một thái độ tiếp đón cởi mở hơn, đó là vài điều cần phải có trước khi bàn đến chuyện các chuẩn mực, các chi phí xã hội”.

Tái di dời hay tái công nghiệp hóa ?
Như giới chủ Pháp đã cảnh báo « tất cả đều sản xuất ở Pháp chỉ sẽ có một kết cục tồi ». Trong 40 năm qua, quá trình chuyên biệt hóa và sản xuất trên quy mô lớn đã tạo ra nhiều lợi nhuận kinh tế to lớn. Người tiêu dùng Pháp cũng được hưởng lợi, khi có thể tiếp cận với những mặt hàng được thiết kế tinh vi hơn với một mức phí thấp.

Nhưng “nếu người ta quay trở lại, cho lắp đặt các chuỗi giá trị ít bị phân đoạn và kháng cự tốt hơn với các cú sốc, chi phí sản xuất sẽ tăng lên, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu thụ”, theo như phân tích của bà Isabelle Méjean, chuyên gia về ngoại thương, hiện đang giảng dạy tại trường đại học Paris-I với báo Le Monde.

Trong chiều hướng này, giới chủ Pháp, các nhà phân tích cũng như chính phủ Pháp đều cho rằng nên « tái công nghiệp hóa » hơn là « tái dịch chuyển sản xuất ». Pháp nên chú trọng vào nền kinh tế mới, nghĩa là những ngành sản xuất ít thải khí cacbon, kinh tế tuần hoàn, kinh tế kỹ thuật số… Những nền kinh tế mà Pháp và các đối thủ cạnh tranh có cùng trình độ và nước Pháp có nhiều khả năng hơn.

Về điểm này, ông David Cousquer nhấn mạnh đến hai ngành công nghiệp chiến lược mà Pháp có thể tập trung phát triển : Tự động hóa và Năng lượng:

Có hai lĩnh vực được cho là quan trọng và mang tầm chiến lược. Thứ nhất, đó là ngành năng lượng tái tạo và các ngành năng lượng nói chung. Bởi vì, đây là một nguồn nhập khẩu cực kỳ tốn kém. Thế nên, tất cả những gì có thể thay thế nguồn nhập khẩu dầu lửa, bao hàm cả quan điểm môi trường ,đều tốt cả.

Lãnh vực thứ hai, gần như có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực chính là ngành tự động hóa và các loại máy móc công cụ số hóa . Người ta thấy là trong ba năm gần đây, có nhiều áp lực lớn trong việc tuyển dụng lao động công nghiệp.

Có thể nói là ngành công nghiệp đã khởi sắc lại một chút, do vậy người ta sẽ không thể nào cho tái di dời nhà xưởng mà không có tự động hóa. Đây là một lĩnh vực mà Pháp có thể phô trương. Chỉ có điều chúng ta có khá ít các nhà chế tạo rô-bốt công nghiệp. Những nước đi đầu trong lĩnh vực này là Đức và Thụy Điển, còn ở Pháp thì chưa có những hãng chế tạo rô-bốt lớn nào.

Ở đây có thể có vài thứ cần làm trong lĩnh vực này do có liên quan đến mọi ngành, đa lĩnh vực, được dành để phục vụ cho toàn bộ ngành công nghiệp Pháp.

Đây chắc chắn còn là một thách thức vừa là công nghệ công nghiệp nhưng cũng có chút yếu tố văn hóa. Cần phải đưa ra một thông điệp: máy móc không là kẻ thù của việc làm, ngược lại, chính những doanh nghiệp nào không tự động hóa sẽ bị các đối thủ nước ngoài bỏ xa và sẽ không tồn tại được. Đây thật sự là một cuộc đấu chiến lược và cuộc chiến này phải kèm theo thiện chí tái di dời toàn diện”.

Trong cuộc đấu chiến lược này, yếu tố con người là một điều không thể thiếu. Liệu nước Pháp có đủ nguồn nhân lực để lao vào chinh phục các lĩnh vực mũi nhọn, từ mạng 5G, an ninh mạng cho đến quốc phòng, không gian hay không theo như một danh sách các lĩnh vực ưu tiên do Liên Hiệp Châu Âu công bố hồi tháng 3/2020 ?

Ông Philippe Darmayan, chủ tịch Liên hiệp ngành công nghiệp và các ngành nghề luyện kim, trên đài France 24, tự tin cho rằng Pháp có đủ lực để tiến hành « tái công nghiệp hóa » đất nước.

Một hiện tượng đáng chú ý hiện nay là chúng tôi nhận thấy nhu cầu học nghề trong ngành công nghiệp năm nay đang tăng lên từ 5-10% so với năm 2019. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là tìm kiếm những doanh nghiệp nào chấp nhận tiếp nhận đào tạo nghề dù là đang trong khủng hoảng dịch bệnh và có thể đáp ứng các nhu cầu đó.

Điều đó chứng tỏ là ngành nghề công nghiệp vẫn còn tính hấp dẫn. Đó là một nghề ổn định, lương được trả tương đối cao hơn mức trung bình và những ngành nghề này đóng tại các vùng lãnh thổ. Hơn nữa, những ngành nghề này cũng đang có những tiến triển, chủ yếu với kỹ thuật số. Điều này đã được tiến hành từ 5-6 năm qua nhằm cố gắng giảm thiểu bớt những hiểu sai về kỹ thuật số, ngành tự động hóa”.

Related posts