- Như Ngọc
Hạ viện và Thượng viện Mỹ trong hai ngày liên tiếp 1/7 và 2/7 đã lần lượt thông qua Đạo luật Tự trị Hồng Kông với sự nhất trí hoàn toàn. Luật này sẽ chế tài các cá nhân, công ty làm ăn kinh doanh với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm thực thi luật an ninh quốc gia mới mà chế độ Bắc Kinh vừa áp đặt lên Hồng Kông.
Hạ viện Mỹ nhất trí hoàn toàn thông qua Đạo luật Tự trị Hồng Kông hôm 1/7. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói rằng luật này sẽ “giúp kết thúc chiến dịch tàn ác của Trung Quốc” chống lại hòn đảo từng là thuộc địa của Anh Quốc.
Sau đó một ngày, Thượng viện cũng tán thành 100% thông qua phiên bản Đạo luật Tự trị Hồng Kông của Hạ viện.
Những sự chuẩn thuận hoàn toàn của cả hai viện Quốc hội Mỹ nêu trên là biểu hiện đoàn kết hiếm thấy của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các chính trị gia Mỹ đã tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh phải đối mặt với thực trạng quyền tự trị của Hồng Kông bị xói mòn nghiêm trọng.
Dự luật này bây giờ sẽ chuyển sang Tòa Bạch Ốc để chờ Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Khi được thông qua, luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ áp đặt các chế tài bắt buộc lên các cá nhân hoặc tổ chức đóng góp chính yếu vào việc Trung Quốc không duy trì quyền tự trị của Hồng Kông. Luật cũng sẽ chế tài các thể chế tài chính làm ăn kinh doanh với các cá nhân và công ty nằm trong danh sách trừng phạt trên.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen, người bảo trợ hàng đầu của Đạo luật Tự trị Hồng Kông, trong bài phát biểu thúc giục ủng hộ luật này, ông nói: “Đây là thời khắc cấp thiết. Thời gian của chúng ta có thể mang tính quyết định hơn bao giờ hết”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey, cũng là người giới thiệu dự luật, cho hay: “Thông qua dự luật này, Thượng viện Mỹ xác định rõ chúng ta đứng về bên nào”.
Trước đó, hôm thứ Tư (1/7), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Trung Quốc mới ban hành “là sự xúc phạm đối với tất cả các quốc gia”. Ông Pompeo cũng cho biết Washington đang thực hiện các bước để chấm dứt đặc quyền của Hồng Kông theo luật Mỹ.
“Mỹ quan ngại sâu sắc về các điều khoản sâu rộng của luật an ninh mới và rất lo lắng về sự an toàn của mọi người dân sống ở Hồng Kông, kẻ cả người Mỹ”, ông Pompeo nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã chính thức chuẩn thuận Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào hôm thứ Ba (30/6), một ngày trước thời điểm kỷ niệm 23 năm ngày Anh Quốc trao trả chủ quyền Hồng Kông về cho chế độ Trung Quốc.
Luật an ninh mới này quy định những án phạt hà khắc đối với các loại tội phạm được định nghĩa mơ hồ, chẳng hạn như “thông đồng với nước ngoài”. Các tội như phá hủy giao thông công cộng có thể cũng bị coi là hành vi khủng bố và khả năng bị phạt tù đến chung thân.
Các nhà phân tích luật cho rằng luật an ninh mới đã chấm dứt hoàn toàn các quyền tự do chính trị mà từ lâu đã cho phép người dân Hồng Kông được bày tỏ các quan điểm chính trị của mình và đã giúp chuyển đổi lãnh thổ này trở thành trung tâm kinh doanh và tài chính quốc tế.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Điều 38 của luật an ninh mới cũng tuyên bố sẽ áp dụng đối với những hành vi phạm tội ở bên ngoài Hồng Kông và do những người không phải công dân Hồng Kông thực hiện, và điều này có thể bao gồm cả người Mỹ. Đây là thái quá và là một sự xúc phạm đối với tất cả các quốc gia”.
Phản ứng với việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tự trị Hồng Kông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói trong buổi họp báo tại Bắc Kinh rằng Mỹ “phải dừng ngay việc thúc đẩy dự luật này, dừng việc ký hoặc thực hiện nó. Nếu không Trung Quốc sẽ phản kháng quyết liệt và mạnh mẽ”.
Chính phủ Mỹ chưa đưa ra phát ngôn chính thức về việc Tổng thống Trump có ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông đã được lưỡng viện thông qua thành luật hay không.
Tuy nhiên, theo tờ CNBC, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã lên án luật an ninh Hồng Kông.
Ông Pence nói với CNBC: “Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc đã thông qua và bây giờ đang áp đặt lên Hồng Kông là một sự phản bội lại thỏa thuận quốc tế mà họ đã ký kết, và nó thực sự là không thể chấp nhận được đối với những người dân yêu tự do khắp thế giới”.
Từ trước khi Trung Quốc chính thức ban hành luật an ninh mới, Mỹ đã bắt đầu tiến trình xóa bỏ vị thế đặc biệt của Hồng Kông, dừng xuất khẩu hàng quốc phòng và hạn chế lãnh thổ này tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.
Như Ngọc