Lý Di
Vào ngày Quốc hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, một người bạn từ phương xa hỏi thăm: “Bạn có an toàn không?” Tôi trả lời miễn cưỡng: “Ngoài nhà nước thì không ai an toàn”.
Khi quyền lực nhà nước được tối đa hóa thì quyền lợi của mọi cá nhân sẽ bị giảm thiểu xuống đến mức không còn ai được an toàn. Ngay cả ở Trung Quốc Đại Lục, mọi người hãy xem kẻ nắm quyền có an toàn không? Ông Lưu Thiếu Kỳ có an toàn không? Trong hơn 70 năm qua có bao nhiêu cảnh bi thảm xảy ra đối với các quan chức quyền lực ở tất cả các cấp, họ có an toàn không? Giang Trạch Dân có an toàn không? Tập Cận Bình có an toàn không?
Một số người ví Luật An ninh Quốc gia là “sự trở lại lần thứ hai” [sau lần đầu hồi năm 1997 khi Anh trả Hồng Kông về Trung Quốc]. Có một bài viết đăng tải trên mạng internet đề cập đến sự khác biệt giữa lần trở lại thứ nhất và lần thứ hai, đó là “Số người thù ghét ĐCSTQ vào năm 2020 nhiều gấp vô số lần số người thù ghét ĐCSTQ vào năm 1997. Những người hộ tống sự trở lại lần thứ hai của Hồng Kông vào năm 2020 không có cách nào để so sánh được với những người hộ tống sự trở lại của Hồng Kông vào năm 1997”. Một bài đăng khác trên mạng internet chỉ ra: “Trước khi trở về, người Hồng Kông không có tổ quốc đã an cư lạc nghiệp ở đây; sau khi có tổ quốc, nơi an cư lạc nghiệp của họ ở đâu? Tại Trung Quốc Đại Lục, giới quyền quý luôn tìm mọi cách đưa người thân sang phương Tây để được an cư lạc nghiệp trong hoàn cảnh ‘không có tổ quốc’”.
Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông chỉ được ban hành toàn văn sau khi chính thức thực thi, cho nên bà Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) không thể trả lời được gì vào ngày thực thi. Chỉ từ điểm này có thể thấy rõ sự vô lý của quá trình lập pháp. Sau khi công bố toàn văn cho thấy câu chữ cẩu thả và ý nghĩa mơ hồ. Những người không hiểu luật pháp khi xem cũng tròn mắt: Đây là loại tài liệu pháp lý gì? Nhà văn Triệu Tư Lạc (Zhao Achilles) tại Trung Quốc Đại Lục cho biết: “Đây là một luật rất đặc sắc Trung Quốc, xưa nay luật pháp Trung Quốc luôn như thế, luật pháp Trung Quốc luôn rất mơ hồ. Thực thi thế nào? Khi thực thi còn có các quy định của các ban ngành khác nhau, các quy định này có tính linh hoạt và co giãn khôn lường, quyền lực của các bộ phận liên quan không ngừng được gia tăng.”
Do đó, đối với “Luật An ninh Quốc gia”, sẽ không có ý nghĩa gì khi nghiên cứu chi tiết từng quy định như thế nào và phải làm sao để không vi phạm. Ví dụ, hãy xem những người bị truyền thông ĐCSTQ cáo buộc là “bốn kẻ đứng đầu cổ súy Hồng Kông độc lập” [Lê Trí Anh/ Jimmy Lai, Lý Trụ Minh/ Martin Lee, Trần Phương An Sinh/ Anson Chan, Hà Tuấn Nhân/ Albert Ho] thì mọi người Hồng Kông đều biết rằng họ phản đối Hồng Kông độc lập, trong phong trào đấu tranh hồi năm ngoái không chỉ không do họ phát động mà chính những bạn trẻ không cùng chiến tuyến với họ phát động. Nhưng ĐCSTQ không quan tâm, quy kết bạn thế nào thì bạn là như vậy. Thực tế mới đây một số nhóm chính trị trẻ lập tức rút lui và giải tán, điều đó không có ý nghĩa gì. Khi ĐCSTQ muốn tính sổ thì cũng không có cách nào để tránh được; hoàn toàn không có khả năng ĐCSTQ sẽ từ bỏ quy kết vấn đề “Hồng Kông độc lập” nhằm tránh các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Do tính linh hoạt và tùy tiện của ĐCSTQ trong luật pháp và thực thi luật pháp nên không ai được an toàn.
Những người Hồng Kông đã quen sống trong một xã hội pháp trị đương nhiên sẽ hoang mang lo lắng trước kiểu luật được gọi là “An ninh Quốc gia” này, họ không muốn dính líu và nghĩ rằng miễn là họ tránh mọi khẩu hiệu như “chia rẽ đất nước” và giải tán tổ chức thì sẽ có thể yên ổn. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy, ĐCSTQ muốn thanh trừng ai thì không cần bất kỳ lý do nào, mà thực ra cũng không cần Luật An ninh Quốc gia.
Như vậy có thể nói ĐCSTQ có thể tùy tiện làm mọi thứ, tại sao lại cần có thêm cái Luật An ninh Quốc gia? Có quan chức ĐCSTQ nói rằng luật này là treo thêm một thanh kiếm trên đầu người dân Hồng Kông, mang lại hiệu quả “răn đe”, nghĩa là dùng để dọa mọi người.
Có đáng sợ hãi không? Tất nhiên, không chỉ bây giờ mà đã từ lâu. Dù vậy, nếu thực sự thấy không vượt qua được sợ hãi thì hãy cố gắng rời khỏi Hồng Kông, còn nếu tiếp tục ở lại Hồng Kông thì không để nỗi sợ hãi chi phối.
Tôi nhớ mãi câu được viết bởi nhà văn người Anh Salman Rushdie vào thời điểm sau sự kiện ngày 11/9/2001, đại ý rằng: “Trong mâu thuẫn giữa tự do và an toàn cá nhân, chúng ta phải luôn lựa chọn đứng về phía tự do, cho dù chọn sai cũng không bao giờ hối hận. Làm thế nào chúng ta có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố? Đó là không để nỗi sợ hãi làm mình gục ngã, không bị chi phối bởi nỗi sợ hãi, dù cho bạn có sợ hãi.”
Cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt từng có câu: “Điều duy nhất đáng để chúng ta phải sợ là sợ chính bản thân mình.” Vì khi bị nỗi sợ hãi chi phối là đồng nghĩa với việc từ bỏ tự do.
Lý Di