Quý Khải
Úc đang tiến tới một chính sách “phân tách kinh tế một phần” với Trung Quốc hậu Covid-19, một cuộc điều tra Nghị viện mới của Úc ra kết luận.
Trong một cuộc điều tra mới được thiết lập vào tháng 5 nhằm phân tích các yếu điểm trong chuỗi cung ứng, các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của Úc, các chuyên gia cho rằng Úc cần phải lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới chuỗi cung ứng của riêng mình để tăng cường khả năng đối phó khủng hoảng quốc gia, và để làm vậy thì cần phải giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).
Cuộc điều tra này là hệ quả của một cuộc tranh luận trước đó về câu hỏi, khi nào thì chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ tại đỉnh điểm bùng phát dịch ở Trung Quốc.
Bằng chứng được đệ trình đã nhấn mạnh Úc đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc do kết quả của chính sách của Canberra trong việc đẩy mạnh việc tận dụng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đối với Úc, một điểm đáng lưu tâm là mặc dù chúng ta có thể hy vọng một sự hòa giải [với Trung Quốc liên quan đến căng thẳng xoay quanh Covid-19], nhưng tình thế hiện nay ủng hộ sự phân tách một phần với Bắc Kinh
Alan Dupont, giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn rủi ro địa chính trị, Tập đoàn Cognoscenti.
“Đối với Úc, một điểm đáng lưu tâm là mặc dù chúng ta có thể hy vọng một sự hòa giải [với Trung Quốc liên quan đến căng thẳng xoay quanh Covid-19], nhưng tình thế hiện nay ủng hộ sự phân tách một phần với Bắc Kinh”, theo đệ trình của ông Alan Dupont, giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn rủi ro địa chính trị, Tập đoàn Cognoscenti.
Ông Dupont cho biết, việc Úc phân tách khỏi Trung Quốc “không phải là một nỗ lực nhằm cô lập Trung Quốc .. mà trên thực tế nhằm để thiết lập một mối quan hệ bền vững” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khi thế giới đang phân tách thành hai khối thương mại và địa chính trị đối lập, cạnh tranh nhau.
Ông nói rằng Úc có thể tham gia vào khối thương mại với Trung Quốc cùng lúc gia nhập vào khối an ninh với Mỹ, nhưng ngày càng nhiều khả năng Úc phải chọn phe, và nếu Canberra đứng về phía Washington, các hiệp định thương mại tự do song phương với Bắc Kinh và các quốc gia khác sẽ khó có thể duy trì.
Ông Dupont đưa ra khả năng thế giới có thể chia tách thành một khối lấy Trung Quốc làm trọng tâm, bao gồm Nga, hầu hết các nước Đông Nam Á, Trung Đông và một số nước ở Châu Phi và Mỹ La-tinh. Song song với đó là một khối lấy Mỹ trọng điểm, bao gồm hầu hết các nước Châu Âu và một phần của Châu Á, các nước Châu Mỹ La-tinh và các nước Châu Phi.
Úc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, chiếm 33% sản lượng xuất khẩu của nước này. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Úc về hàng hóa và dịch vụ, đạt kim ngạch thương mại hai chiều 163 tỷ USD trong năm tài khóa 2019.
Hãng dược phẩm Úc, Viện Công nghệ Dược phẩm, tại một phiên điều trần hồi cuối tháng 6 đã đưa ra bằng chứng cho thấy đại dịch virus corona đang làm gia tăng nhu cầu đối đãi với nguồn cung thuốc như một vấn đề quan trọng mang tính chủ quyền quốc gia.
Cuộc điều tra đã hé lộ các yếu điểm nghiêm trọng của Úc trong nguồn cung thuốc và nhiên liệu khi nước này phải nhập khẩu đến 90% từ nước ngoài, theo thông tin từ Viện nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc.
Viện này cho biết yếu điểm của Úc càng bị làm trầm trọng thêm bởi vị trí địa lý đặc thù của nó ở điểm cuối của “mạng lưới thương mại toàn cầu mở rộng”, vốn “phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi cung ứng sản xuất tức thời (Just-in-time manufacturing)” và có “khả năng hứng chịu tổn thất và gián đoạn thấp”. Viện lập luận rằng Úc cần một mô hình chuỗi cung ứng “thông minh mang tính chủ quyền” để cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Viện nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc do đó ủng hộ xây dựng một mô hình chuỗi cung ứng “thông minh mang tính chủ quyền” cho Úc, bao gồm tỷ lệ nhiều hơn các mặt hàng sản xuất ở Úc với chuỗi cung ứng nội địa, các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) và lực lượng lao động lành nghề hơn cho phép Úc chủ động kiểm soát các lĩnh vực quan trọng.
“Đất nước chúng ta khá giàu mạnh … nên chúng ta có thể chi trả nhiều hơn một chút cho hàng hóa sản xuất tại Úc, bởi vì nếu có vấn đề nào đó xảy ra, chúng ta biết chúng ta sẽ có đủ thuốc dự trữ cho con em mình”.
– John Blackburn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc
Đồng thời, Viện cũng cảnh báo rằng một quốc gia có dân số nhỏ như Úc – 25 triệu dân so với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc – không nên đi sang cực đoan khi tìm kiếm sự tự chủ và học theo mô hình “Nước Mỹ trên hết” của Hoa Kỳ, đề cập đến chính sách kinh tế đặc trưng của Tổng thống Trump.
“Mô hình ‘Nước Mỹ trên hết’ này của người Mỹ không phải là một mô hình mang lại sự đảm bảo cho chúng ta … nó nên đóng vai trò như một dấu hiệu dự báo cho một trào lưu có thể xuất hiện trong tương lai”, John Blackburn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp, nói.
Khi được hỏi làm thế nào để thuyết phục người dân Úc mua các sản phẩm đắt tiền hơn được sản xuất tại nội địa trong nỗ lực thiết lập tính ổn định của nguồn cung nội địa, ông Blackburn cho biết cần phải thảo luận nhiều hơn để nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc gia tăng tính ổn định chủ quyền quốc gia.
“Đất nước chúng ta khá giàu mạnh … nên chúng ta có thể chi trả nhiều hơn một chút cho hàng hóa sản xuất tại Úc, bởi vì nếu có vấn đề nào đó xảy ra, chúng ta biết chúng ta sẽ có đủ thuốc dự trữ cho con em mình”, ông phát biểu tại buổi điều trần.