Một màn “đối đáp” giữa truyền thông Ấn Độ và truyền thông ĐCS Trung Quốc.
Ngày 30/6, Thời báo Hindustan đăng bài xã luận có tiêu đề: “Để đối phó với Trung Quốc, cần hiểu nó hơn”.
Hôm sau (1/7), Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đáp trả bằng một bài viết có tiêu đề: “Ấn Độ sao có thể hiểu rõ Trung Quốc hơn”.
Màn bút chiến giữa Bắc Kinh với New Delhi diễn ra khi quân đội hai bên đã sẵn sàng khí tài quân sự canh chừng bất kỳ động tĩnh nào của nhau ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Cụ thể, bài báo của Ấn Độ viết: “Không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Ấn Độ trong những thập niên tới. Bắc Kinh không chỉ có chủ ý chiếm quyền kiểm soát các khu vực chiến lược mà còn đang ngăn chặn việc Ấn Độ nâng cấp các cơ sở hạ tầng của mình ở biên giới.
New Delhi không thể nào chấp nhận điều này, lợi ích quốc gia đang lâm nguy. Ấn Độ cần phải thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao, tăng cường năng lực quân sự và có các chính sách kinh tế để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, một lĩnh vực khác đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn đó là Ấn Độ phải có các chuyên gia am hiểu Trung Quốc”.
Hoàn Cầu trích một số đoạn trong bài viết của Thời báo Hindustan và nói rằng “so với các phương tiện truyền thông khác của Ấn Độ thường dùng lối nói công kích Trung Quốc”, thì bài “Để đối phó với Trung Quốc, cần hiểu nó hơn” của Thời báo Hindustan “đọc có vẻ hợp lý”.
“Như đã thấy rõ trong các phát biểu từ các vị quan chức đã nghỉ hưu và các phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp tới Ấn Độ là hãy chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trong hệ thống phân cấp quyền lực khu vực châu Á, ngừng tăng cường mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, và cam chịu trở thành một bên bị tước bớt vai trò toàn cầu”, Thời báo Hindustan mô tả “bộ mặt” của chính quyền Trung Quốc.
“Ấn Độ đã quá phụ thuộc vào một nhóm hữu hạn các nhà ngoại giao và các quan chức quân đội, những người đã giao thiệp với Trung Quốc, kén chọn các quan chức tình báo và các nhà ngoại giao nói được tiếng Quan thoại, và một nhóm nhỏ các học giả các chính phủ bên ngoài.
Đây là điều không thể biện hộ. Để hiểu rõ động lực của Trung Quốc, Ấn Độ nhất thiết phải có nhiều hơn nữa các chuyên gia về bộ máy ra quyết định ở Trung Quốc, nhóm nòng cốt của ĐCSTQ, nhóm chức năng giữa đảng và quân đội Trung Quốc, cũng như những người hoạch định kinh tế và có tác động thay đổi xã hội Trung Quốc, và nền tảng vận hành kỹ thuật số của nó. Để làm được điều này, Ấn Độ phải đầu tư vào đào tạo ngôn ngữ, tham quan thực địa, thực tập và phải có các học viện chuyên môn. Để đánh trận với Trung Quốc, cần nhận thức về nó tốt hơn”, Thời báo Hindustan cho biết.
Hoàn Cầu phản bác những luận điểm trong bài báo của Thời báo Hindustan, rằng “bất cứ ai quen thuộc với các nguyên tắc ngoại giao của Trung Quốc đều biết rằng điều mà Trung Quốc theo đuổi trái ngược với bất kỳ điều gì liên quan đến sự thống trị hoặc hệ thống phân cấp”. Nó “tán thưởng” việc Ấn Độ đã coi trọng vấn đề “làm thế nào để hiểu rõ Trung Quốc hơn”.
Tờ báo của Bắc Kinh nói: “Các nhà quan sát thừa nhận Ấn Độ không đủ chuyên gia về Trung Quốc, và thật không may các học giả Ấn Độ có khuynh hướng tin rằng họ hiểu Trung Quốc như lòng bàn tay mình”.
“Người Ấn Độ thúc đẩy #BoycottChina [tẩy chay Trung Quốc] trên Twitter,… chứng minh rằng giới hoạch định chính sách và giới tinh hoa Ấn Độ nhận thức không đầy đủ về Trung Quốc”, Hoàn Cầu phản bác và đe dọa thêm: “Ấn Độ cũng nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ một phân lãnh thổ nào. Nếu Ấn Độ liên tục đưa ra những đánh giá sai lầm về chiến lược và nghĩ rằng có thể ăn sâu vào đất Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không ngồi yên”.
“Về mặt địa lý, Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài 2.000 km, tuy nhiên về mặt tâm lý, hai dân tộc dường như xa cách. Thật tiếc thay”, Hoàn Cầu than thở.
Tờ báo ĐCSTQ cũng khẳng định: “Thời báo Hindustan nói đúng một điều, Ấn Độ cần có nhiều người hơn nữa hiểu biết về Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 3/7 lần đầu tiên thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Ladakh để thị sát khu vực biên giới xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Chuyến thăm được Thời báo Hindustan diễn tả: “Thủ tướng Modi gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ và mang tính biểu tượng tới trong nước và quốc tế khẳng định Ấn Độ sẽ đứng vững bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình trước sự xâm lược của Trung Quốc”.