Các công ty Internet Hồng Kông sẽ phải tuân thủ yêu cầu của cảnh sát

  • Gia Huy

Theo giới phân tích, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Hồng Kông sẽ buộc phải tuân theo yêu cầu của cảnh sát khi luật an ninh mới đã trao cho lực lượng này quyền lực “không bị hạn chế” đối với các vấn đề được coi là “an ninh quốc gia.” Do vậy, quyền riêng tư và tự do trên mạng tại Hồng Kông có thể bị đe dọa.

Theo Luật An ninh mới, cảnh sát không còn phải xin lệnh của tòa án trước khi yêu cầu người sử dụng Internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ Internet, bao gồm các công ty và các nền tảng mạng xã hội tại Hồng Kông, xóa bỏ thông tin hoặc trợ giúp điều tra.

Ông Lento Yip Yuk-fai, chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Hồng Kông, nói với SCMP rằng các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ theo luật mới khi cảnh sát yêu cầu.

“Trong quá khứ, cảnh sát cần phải có lệnh của tòa án trước khi yêu cầu các nhà cung cấp hỗ trợ.

“Nhưng hiện giờ, luật đã trao cho cảnh sát quyền yêu cầu các công ty trợ giúp, chúng tôi sẽ phải làm điều đó … không được chống đối điều này.”

Ông Yip nhận định vì điều này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài có thể sẽ không còn muốn mở rộng hoạt động tại Hồng Kông nữa.

Luật An ninh cũng trao cho cảnh sát quyền tìm kiếm các thiết bị điện tử có thể chứa bằng chứng “vi phạm an ninh quốc gia.” Luật này cũng nói rằng chính phủ Hồng Kông sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để đẩy mạnh giám sát và điều chỉnh các vấn đề an ninh quốc gia trên Internet.

Ông Francis Fond Po-kiu, chủ tịch danh dự của Liên đoàn Công nghệ Thông tin, nói rằng các công ty MXH quốc tế khổng lồ như Facebook hiện đã bị đặt vào tình huống khó khăn.

Mặc dù một số các công ty này có văn phòng tại Hồng Kông, nhưng trụ sở chính và các máy chủ của họ không ở đây, do vậy, nếu cảnh sát yêu cầu các mạng xã hội này gỡ xuống một bài đăng nào đó hoặc trợ giúp điều tra, thì trụ sở chính ở nước ngoài phải đưa ra quyết định, ông cho biết.

“Chúng ta sẽ phải xem Facebook phản ứng như thế nào đối với những yêu cầu như thế trong tương lai. Có nhiều quan ngại [về luật này]. Tự do ngôn luận có thể bị tước bỏ,” ông Po-kiu nói.

Trong thời gian qua, Facebook và Twitter đã trở thành những phương tiện truyền thông phổ biến đối với người Hồng Kông nhằm kêu gọi sự chú ý của quốc tế đối với các vấn đề tại đặc khu. 

Trước những quan ngại trên, một đại diện của Facebook đã nói với SCMP rằng: “Chúng tôi sẽ xem xét các chi tiết của Luật An ninh quốc gia để hiểu những tác động đối với Facebook và những người sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người, và chia sẻ những quan ngại về tác động của luật này đối với tự do ngôn luận tại Hồng Kông.”

Trong khi đó, Twitter tuyên bố rằng họ cam kết làm việc với các chính phủ trên thế giới để khuyến khích những hành vi lành mạnh trên nền tảng này.

“Twitter sẽ rà soát kỹ lưỡng trong khi tôn trọng luật pháp địa phương về quyền tài phán sẽ và xem xét cẩn thận tất cả các quy trình pháp lý.”

Linkedln cũng đưa ra một thông báo ngắn vào ngày 3/7 rằng họ “cam kết tạo ra một môi trường an toàn, đáng tin và chuyên nghiệp”.  

Ông Simon Young Ngai-ma, phó Trưởng khoa luật của Đại học Hồng Kông, nói rằng Luật An ninh quốc gia mới trao cho cảnh sát “quyền lực không bị hạn chế” để yêu cầu các nhà xuất bản và các nhà cung cấp dịch vụ Internet xóa bỏ thông tin và cung cấp hỗ trợ.

“Không có tiêu chí nào về các thông tin có thể bị xóa,” ông nói.

“Các tội danh lật đổ và khủng bố đã được mở rộng định nghĩa, liên quan đến lật đổ quyền lực nhà nước hoặc chống lại [chính phủ trung ương]. Do đó, nếu tài liệu trực tuyến nói chung có liên quan đến hai lĩnh vực này hoặc kêu gọi nước ngoài trừng phạt [Trung Quốc], thì chắc chắn sẽ bị gỡ xuống,” ông Simon nhận định.

Nhà lập pháp về lĩnh vực CNTT Charles Mok lo ngại rằng khi Luật An ninh được thi hành, người Hồng Kông sẽ bị giảm thiểu các biện pháp bảo vệ trên mạng Internet, bởi luật này rất mơ hồ, “nó nói về việc điều chỉnh Internet nhưng không nói điều chỉnh như thế nào.”

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts