Có thật sự dân chủ tự do mất ưu thế so với độc tài?

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo tại Berlin ngày 29/06/2020. Hayoung JEON / POOL / AFP

Tú Anh

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí phương Tây, hôm 29/06/2020, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà cảm thấy mô hình dân chủ tự do dường như yếu thế so với sức mạnh của các chế độ độc tài.

Vì sao một nhà lãnh đạo chính trị có tầm cỡ, đã kinh qua sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản có vẻ mất niềm tin như vậy ? Có thật sự chế độ độc tài là giải pháp tối ưu khi đất nước bị khủng hoảng? Cây bút bình luận của báo Le Monde, nhà báo Sylvie Kauffman chứng minh thực tế không như lầm tưởng.

Một ngày trước khi đến phiên Berlin làm chủ tịch luân lưu Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ tâm trạng hoài nghi tính ưu việt của mô hình Dân Chủ Tự Do: “Cho đến hôm nay, chúng ta chưa biết chứng tỏ được 100% là mô hình tự do dân chủ chiếm ưu thế. Điều này làm tôi lo lắng”. Thủ tướng Đức vừa tổng kết các cuộc đấu tranh ý thức hệ trong 30 năm qua từ biến cố lịch sử năm 1989, năm mà các nền dân chủ phương Tây hạ gục chủ nghĩa cộng sản.

Hiện diện trong cuộc tiếp xúc, nhà báo Pháp Sylvie Kauffman cũng chia sẻ : Kết luận của thủ tướng Đức Angela Merkel, như một lời tâm tình, có ý nghĩa sâu xa hơn một bài phỏng vấn dài.


1989 : Chiến thắng của nền dân chủ tự do chỉ là “một phần của sự thật”

Vào thời điểm đó, một số người xác quyết đây là chiến thắng vĩnh viễn, không thể đảo ngược. Trong số những người này, chắc phải có Angela Merkel ở tuổi 30, chính trị gia sinh ra và trưởng thành trong chế độ cộng sản Đông Đức. Nhưng 30 năm sau, cộng với 15 năm lãnh đạo nước Đức thống nhất, nhận định của bà trung dung hơn. Bị quét sạch, chủ nghĩa cộng sản không ngẩng đầu dậy được. Nhưng chiến thắng của nền dân chủ tự do chỉ là “một phần của sự thật”.

Angela Merkel muốn nói đến trường hợp Viktor Orban, người sinh viên tranh đấu vì tự do dân chủ làm sụp đổ chế độ độc tài cộng sản 30 năm trước, ngày nay khi trở thành thủ tướng Hungary, ông lại ca tụng chế độ “dân chủ phi tự do”.

Từ 1989 đến nay, trong 30 năm, đã xảy ra nhiều biến cố khác: Chiến tranh giữa các dân tộc vùng Balkan, thánh chiến khủng bố, thất bại của phong trào Mùa Xuân Ả Rập và nhất là thách thức của chế độ độc tài Trung Quốc. Bắc Kinh chứng minh là một chế độ toàn trị có thể đi đến thành công về kinh tế.

Dân chủ mong manh

Tâm trạng hoài nghi của nhà lãnh đạo một trong những nước ổn định nhất, phồn vinh nhất trong một cuộc phỏng vấn nhằm nâng cao tinh thần các thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu đang nhọc nhằn chống đỡ với đại dịch Covid, phản ảnh tâm trạng chung, nỗi lo âu của các nền dân chủ phương Tây.

Châu Âu mất niềm tin một phần vì nước Mỹ của Donald Trump, đồng minh của châu Âu, trôi dạt như con thuyền không tay lái. Khủng hoảng nghiêm trọng thêm vì đại dịch siêu vi corona được quản lý tùy hứng. Cách nay bốn năm, ai có thể dự báo một vị tổng thống Hoa Kỳ có thể tung ra thông điệp hận thù, kỳ thị đến nỗi bị các mạng thông tin xã hội như Twitter bất đắc dĩ phải kiểm duyệt.

Nhưng Donald Trump không phải là cội  nguồn duy nhất là các nền dân chủ Tây phương mất sức hấp dẫn. Châu Âu, tự bản thân cũng bị khủng hoảng. Các chính đảng truyền thống suy yếu, mất uy tín, các tổ chức cực đoan lên điểm, làn sóng chống di dân nhập cư xuất hiện không kể những phong trào phản kháng mang tính bạo lực nổi dậy (như Áo Vàng) tại Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng Hòa, hiện tượng cử tri tẩy chay bầu cử, tức lãnh đạm với sinh hoạt dân chủ lên cực điểm. Trong cuộc bầu cử thành phố ngày 28/06, tỷ lệ vắng mặt lên đến 60%.

Mô hình dân chủ phương Tây không thiếu sáng kiến linh hoạt : Bằng chứng

Sụ kiện hi hữu là một ngày trước khi lên đường sang Đức hội kiến với thủ tướng Đức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách rút tỉa bài học thực thi dân chủ theo kiểu mới. Qua Hội Nghị Công Dân, một nhóm  150 đại biểu, không qua bầu cử, mà qua rút thăm, soạn thảo 150 biện pháp bảo vệ môi trường. Tổng thống ghi nhận hầu hết các đề nghị này và đưa qua Quốc Hội biểu quyết. Một số yêu sách sẽ được đưa ra tham khảo ý kiến toàn dân qua trưng cầu dân ý.

Theo nhà báo Sylvie Kauffman, rõ ràng là châu Âu đang hết sức canh tân hệ thống chính trị dân chủ mất sinh lực của mình. Trên thực tế, chính đại dịch Covid, chính cuộc khủng hoảng y tế làm rung chuyển các nền dân chủ phương Tây lại là bằng chứng cụ thể cho thấy các chế độ dân chủ đề kháng mãnh liệt, vượt qua mọi thử thách.

Trong khi đó, Trung Quốc của Tập Cận Bình tự khen là nhờ Đảng quản lý hiệu quả chận đứng đại dịch, phục hồi kinh tế. Chúng ta được nghe như thế. Nhưng, quản lý chống dịch kiểu Trung Quốc là quản lý không minh bạch, chính quyền Hoa lục trừng trị cả những bác sĩ, nhà báo công dân, những người báo động siêu vi lây nhiễm.

Còn nước Mỹ của Donald Trump, nơi mà quyền tự do phát biểu không có giới hạn, nhưng cách quản lý dịch tễ thiếu phương pháp cho nên siêu vi chưa dẹp yên đã bùng dậy với nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Hàng chục triệu người lao động mất việc rơi vào thảm kịch không tiền, không trợ cấp thất nghiệp, không bảo hiểm xã hội.

Giữa hai thái cực này, châu Âu rõ ràng là giải pháp thứ ba, có tự do, có dân chủ và an toàn xã hội không bỏ rơi một công dân nào. Giới lãnh đạo chính trị có thể đáng bị chỉ trích : Bị đo ván lúc đầu đại dịch, ba tháng sau, tình thế vãn hồi, không ít nguyên thủ, thủ tướng vỗ ngực tự khen thành công lèo lái con thuyền quốc gia qua cơn bão y tế. Nhưng sự thật không khác mấy.

Một dấu hiệu không thể nhầm lẫn

Cơn sợ đã trôi qua, con tàu châu Âu chuẩn bị cuộc hành trình, qua một ngõ quanh lịch sử, đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang chờ trước mặt trong tinh thần tương thân tương trợ giữa các thành viên. Covid-19 vẫn còn đó nhưng châu Âu biết cách xét nghiệm truy tìm siêu vi, cách ly và điều trị bệnh nhân.

Hơn thế nũa, với ngân sách hàng chục tỷ euro liên đới, Bruxelles có thể dùng cây gậy chế tài để đưa các thành viên có xu hướng xé lẻ như Ba Lan và Hungary  trở lại hàng ngũ những chế độ thượng tôn pháp luật.

Đại diện ngoại giao cấp cao của Liên Âu, Joseph Borrel, hôm 29/06/2020, tuyên bố như sau trước hội nghị hàng năm của Hội Đồng Tư Vấn Chiến Lược Châu Âu ( European Council on Foreign Relation) : Nhờ vào hệ thống y tế của chúng ta, nhờ vào xã hội có kỷ luật và cơ cấu an sinh xã hội, châu Âu đã quản lý tốt cuộc khủng hoảng dịch tễ.

Theo nhà báo Sylvie Kauffman, một dấu hiệu không thể nhầm lẫn được cho phép tin tưởng vào nền tảng vững chắc của chế độ dân chủ tự do là những xu hướng cực đoan tả, hữu rất khí thế trước khi xảy ra đại dịch, nay hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Dấu hiệu này có thể làm Angela Merkel yên tâm là nền dân chủ tự do luôn hấp dẫn, nhà báo Pháp kết luận bài phân tích (L’Europ face au doute démocratique).

Related posts